Đây là bài dịch của bạn levan tôi đem qua đây để dể quản lý và trao đổi.

ATEMI
Atemi thường có nghĩa là đánh vào các chỗ nhược của đối thủ nhưng trong Hiệp Khí Đạo lại được hiểu một cách khác. Đòn atemi dùng để đánh vào những chỗ đối phương sơ hở, nhưng không cốt đả thương mà nhằm làm phân tâm hoặc để chi phối hay dẫn dắt luồng khí của đối phương. (Ghi chú: việc chi phối và dẫn dắt luồng khí sẽ được nói rõ hơn trong phần Khí)

Giả dụ khi uke đang lao vào đấm, bạn bước sang một bên và đấm vào chỗ mà đầu của uke đang hướng tới. Nếu cứ tiếp tục lao vào thì uke sẽ lãnh trọn cú đấm trả vào đầu, thành ra uke buộc phải đổi hướng tấn công. Tránh đòn như vậy thì đà tấn công của uke sẽ không còn, chưa kể nhiều lúc uke còn bật lùi để né đòn nữa. Điều cần lưu ý ở đây là bạn không cố tình đấm uke mà chỉ hướng cú đấm vào chỗ uke đang lao tới thôi, nhiêu đó đủ để bẻ đòn đánh của uke sang một hướng khác rồi.

Nếu bạn đang đi ngoài đường mà bất chợt gặp phải một nhánh cây loà xoà trước mặt thì theo phản ứng tự nhiên bạn sẽ giật ngược người ra sau hoặc cúi đầu xuống tránh. Khi ứng dụng phản ứng này vào cách đánh atemi, nếu phán đoán đúng và tung ra cú atemi đúng lúc đúng chỗ, đòn atemi của bạn sẽ làm rối loạn khí lực và bộ vị của đối phương ngay.

Tuy nhiên không phải lúc nào dùng atemi cũng có lợi. Trong aikido bạn cần lợi dụng chính năng lượng của đối phương để phản công, thành ra dùng atemi khiến đối phương đổi hướng tấn công chưa chắc đã hay. Atemi chỉ nên xem là một trong những cách để làm rối loạn khí lực của đối phương thôi.

Một chức năng khác của atemi là để trám những chỗ sơ hở của mình, không để lộ những điểm hở để đối phương tấn công. Thí dụ như khi uke dùng tay trái nắm lấy tay phải bạn, bạn sẽ hất xéo tay lên rồi luồn dưới nách uke để vô đòn quật ngã. Nhưng luồn nách kiểu này mà tay phải uke đang hờm sẵn thì bạn không tránh khỏi ăn đòn. Vì vậy trong lúc luồn vào bạn đồng thời đánh thẳng tay trái vào mặt uke. Đòn này không chủ đích tấn công, chỉ buộc uke phải đưa tay phải lên đỡ nên không còn rảnh rang để đánh bạn nữa. Trong tích tắc ra đòn bạn đã để lộ một chỗ hở nhưng một đòn atemi đã giúp bạn vá lại lỗ hổng đó ngay.

Nói chung, atemi có 3 khía cạnh thực tế:
- Gây rối loạn đòn thế hay khí lực của đối phương
- Bịt kín những chỗ hở của mình khiến đối phương tấn công không được
- Nếu không còn biện pháp nào khác thì dùng atemi thực sự tấn công đối phương

Nếu tính mạng bạn đang lâm nguy thì bạn phải tự vệ bằng mọi cách, kể cả dùng đòn atemi. Khi đó đòn atemi không còn để đánh dọa nữa mà phải là một đòn sát thương thực sự.

KHÍ

Chữ Khí nằm ngay trong chữ Hiệp Khí Đạo nên Khí chắc chắn rất quan trọng đối với hkđ. Nhưng Khí là gì ? Căn bản thì Khí có nghia là Năng Lượng, nhưng là thứ năng lượng bao trùm vu trụ. Ghê thật, nghe rất trừu tượng và bí hiểm. Vậy làm sao cắt nghia chữ Khí này một cách đơn giản và thực tế ?

Khi mới học aikido, ai mà chẳng thi triển đòn thế bằng sức mạnh cơ bắp. Thể dục thể thao mà dùng cơ bắp thì đúng quá rồi. Nhưng khổ nỗi cơ bắp mà xài trong aikido lại không ăn thua, phải dùng một thứ năng lực khác, đó chính là Khí.

Tôi nhớ lần đầu tập với những môn sinh aikido giàu kinh nghiệm, tôi đã kinh hãi trước sức mạnh của họ. Đòn ra rất nhẹ nhàng nhưng mạnh khủng khiếp, họ chỉ cần lắc nhẹ một cái là tôi văng ra xa rồi. Nắm cổ tay họ mà tôi cảm thấy như nội lực chạy rần rật bên trong. Chứng kiến mấy cảnh này xong tôi đâm nản, chẳng biết học đến bao giờ mới đạt được thứ "quyền năng" ghê gớm này ? Cung may là những hiện tượng này có sức thu hút đặc biệt, kích thích trí tò mò nên tôi mới tiếp tục ở lại võ đường học đến bây giờ.

Đến nay thì tôi đã đủ tự tin để nói rằng năng lượng mạnh mẽ đó có được nhờ vận Khí. Trong quá trình học aikido thì một trong những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất là chuyển từ dụng sức sang dụng Khí. Sự chuyển tiếp này thú vị ở chỗ là không có một kỹ thuật đặc biệt nào dùng để đạt được khí cả. Một số huấn luyện viên nói rằng phải tập cách này cách kia để luyện khí. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy chuyện đó hoàn toàn sai. Khí tồn tại và có sẵn trong muôn loài. Chẳng qua những luồng khí có sẵn đã bị tắc nghẽn chứ không phải chúng ta bị thiếu khí. Giống như nhiều lãnh vực khác trong aikido, thử thách lớn nhất trong việc luyện khí không phải là học một cái gì mới mà chính là học cách loại bỏ những tập quán cu. Chính những tập quán sẵn có này đã cản trở nhận thức của chúng ta về khí, xoá bỏ những chướng ngại vật này đi thì mới dụng khí có kết quả được.