5.Nguyên thần: còn gọi là chân hống
Kinh Thủ Lăng Nghiệm viết:
"Phật bảo ông A- nan và cả đại chúng: "Các ông nên biết, mười hai loài chúng sinh trong thế giới hữu lậu, tâm thể giác viên bản giác diệu minh, cùng thập phương chư phật, không hai không khác. Do vọng tưởng, các ông mê chân lý thành ra lỗi lầm. Si ái phát sinh, sinh mê cùng khắp, nên có hư không; hoá mãi cái mê không thôi, nên có thế giới sinh ra; các cõi nước số như vi trần ở mười phương, trừ cõi vô lậu, đều do vọng tưởng mê lầm kiến lập.Nên biết, hư không sinh trong tâm ông, cũng như chút mây điểm trên vùng trời, huống nữa là các thế giới ở trong hư không,..."

Đoạn kinh trên cho ta biết, nguyên lúc ban sơ chúng ta là cái chân tâm diệu minh, do mê vọng trong chân tâm nảy sinh ra hư không, hư không và chân tâm vốn cùng bản chất nhưng đã phân ra chủ thể và khách thể, sau đó trong hư không lại sinh ra các cõi nước, sau nữa thì chính chúng ta bị chìm đắm trong các cõi nước đó.ta có thể hình dung chân tâm như một vật màu trắng rất thanh nhẹ ngày càng nhiểm đen nặng nề sa xuống thấp, rốt cuộc đó chính là chúng ta ngày nay, mục đích của đạo là ta phải gột rửa chân tâm lấm đen này thành ra trắng , từ từ nổi trở lên cao.tức là phải gột rửa các cõi nuớc trong hư không trước , sau đó gột rửa cả hư không trong tâm.

Theo Dịch thì nguyên thần của ta lúc ban sơ tiên thiên là quẻ càn thuần dương, sau bị rơi vào cảnh hậu thiên biến thành quẻ ly có một âm chính giữa hai dương, muốn trở lại thì phải gột rửa hào âm này trở lại thành quẻ càn.

Nhưng quẻ càn tuy thuần dương cũng vẫn còn tính đối đãi nhị nguyên để phân biệt với âm, quẻ càn này chính là tầng cao nhất của cõi trời vô sắc giới trong tam giới của nhà Phật, kinh Thủ lăng Nghiêm viết: "Thức tính vốn không lay động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng; trong chỗ không thể hết, phát minh nhận cho là hết, nên hình như còn mà không phải còn, hình như hết, mà không phải hết; một loài như thế, gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ."

Tư tưởng của đạo gia nguyên thủy là liễu mệnh, tức là trở về quẻ càn thuần dương, tưởng là rốt ráo tột cùng hoá ra vẫn chỉ là cảnh cao nhất trong tam giới của Nhà Phật.