Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Phóng sự Shihan Yoko Okamoto

  1. #1
    Administrator
    Ngày tham gia
    Jun 2012
    Bài viết
    75
    Thanks
    24
    Thanked 74 Times in 41 Posts

    Phóng sự Shihan Yoko Okamoto

    Wago xin phép giới thiệu với các bạn bài dịch từ phóng sự của Guillaume Erard (mọi người nhớ chọn chế độ phụ đề tiếng Việt để xem nhé)


    Gần đây tôi đã đến cố đô Kyoto để làm bộ phim phóng sự về Shihan Okamoto Yoko ở đạo đường của cô, Aikido Kyoto. Cho dù lịch của Shihan Okamoto rất kín, và chúng tôi chỉ có một buổi sáng để hoàn thành tất cả nhưng cuối cùng, phóng sự đã được đón nhận rất tốt. Mặc dù rằng Shihan Okamoto và tôi đã quyết định làm bộ phim này ngắn gọn và súc tích, chúng tôi phải cắt bỏ một số đoạn mà chúng tôi đã thảo luận ngày hôm đó. Và suốt mùa hè vừa qua cả hai chúng tôi đã xem lại đoạn phim và tôi vui mừng khi có thể giới thiệu đầy đủ bản ghi lại cuộc đối thoại giữa chúng tôi vào ngày hôm đó. Cô Okamoto đã nói về những khía cạnh thiết yếu trong quan điểm về Aikido của cô và cách theo cô những điều đó nên được truyền dạy lại như thế nào. Tôi hy vọng bản phỏng vấn đầy đủ này sẽ giúp những ai có sự tò mò có thể hiểu được cô và có lẽ, có thể thuyết phục họ đến Kansai để học tập ở Aikido Kyoto.

    Guillaume Erard: Cô bắt đầu luyện tập Aikido từ khi nào và tại sao?
    Okamoto Yoko: Tôi thường được hỏi câu hỏi đó. Tôi bắt đầu luyện tập Aikido vào tháng Tư 1978. Tôi thích Budo và muốn luyện tập một môn gì đó như Kendo hay Judo, nhưng một ngày nọ, tình cờ, một người bạn của tôi đang tập Aikido mời tôi đến tham quan một lớp. Đó là lý do duy nhất mà giờ đây tôi thực sự đã đang luyện tập Aikido.

    Guillaume Erard: Lúc đó cô bao nhiêu tuổi?
    Okamoto Yoko: Lúc đó tôi 22 tuổi. Lúc đó tôi đang là sinh viên tại một trường đào tạo nghề.

    Guillaume Erard: Cô đã có thời gian dài sinh sống ở nước ngoài (ngoài Nhật Bản), cô rời khỏi Nhật Bản khi nào và tại sao?
    Okamoto Yoko: Tôi bắt đầu luyện tập ở Aikikai Hombu Dojo và tôi tập luyện ở đó khoảng một năm rưỡi. Sau đó tôi chuyển sang Pháp năm 1979 để học tiếng Pháp và hoàn tất chương trình của tôi. Tôi ở đó đến năm 1981.

    Guillaume Erard: Cô cũng luyện tập Aikido khi cô ở Pháp, ở đó có khó tìm một Dojo không?
    Okamoto Yoko: Vì tôi biết tôi muốn luyện tập trong thời gian ở Pháp, tôi đã hỏi các bạn Aikido của tôi ở Hombu để xin vài lời khuyên về chỗ luyện tập ở Paris. Mọi người đều khuyên tôi đến tập với thầy Christian Tissier nên tôi cũng không phải tìm một Dojo khi tôi đến Pháp.

    Okamoto in France 23 years old.jpg
    Okamoto Yoko ở Pháp năm 23 tuổi
    Guillaume Erard: Cô có tập với thầy Tamura khi cô ở Pháp không?
    Okamoto Yoko: Không, lúc đó thì không. Tôi chỉ tập với Thầy Tissier khi tôi sống ở Pháp. Sau đó tôi có dự lớp Thầy Tamura vài lần khi thầy trở lại Nhật, ở Mỹ.

    Guillaume Erard: Cô có thấy sự khác biệt nào lớn trong cách tập Aikido ở Pháp so với những gì cô thường tập ở Hombu Dojo không?
    Okamoto Yoko: Tôi không nghĩ nó quá khác biệt. Lúc đó, tôi chỉ mới là người mới tập, ở cấp đai trắng Kyu 4 hay 3 gì đó. Đối với một người mới, khoảng thời gian giữa Kyu 3 và Kyu 1 là giai đoạn quan trọng nhất. Tôi có cơ hội được thi Shodan ở Pháp nhưng Thầy Christian Tissier bảo tôi rằng vì tôi sẽ trở về Nhật Bản, tôi nên thi ở đó.

    Guillaume Erard: Tại sao cô trở về Nhật Bản?
    Okamoto Yoko: Lúc đó, thầy Tissier khuyến khích học trò mình đi học Aikido ở Nhật Bản nên nhiều bạn bè tôi đã đi Nhật để luyện tập. Tôi cũng quyết định tập trung vào Aikido và tôi “đã ra đi để đến Nhật” cùng với vài người trong số họ, mà không nghĩ rằng tôi đang “trở lại Nhật Bản”. Đó là thời điểm mà tôi đã quyết định dành đời tôi cho Aikido. Mới đầu tôi định ở lại Pháp thêm một năm nữa để hoàn tất chương trình học nhưng thay vào đó, tôi trở về Tokyo vào tháng Chín 1981 và tiếp tục luyện tập tại Hombu Dojo.

    with tissier.jpg
    Okamoto Yoko với Christian Tissier
    Guillaume Erard: Lần trở về Hombu Dojo sau khoảng thời gian với thầy Tissier, cô có hòa nhập dễ dàng lại không?
    Okamoto Yoko: Như thầy đã khuyên, tôi đã thi Shodan ở Hombu Dojo. Không có nhiều khác biệt giữa cái tôi đã tập ở Pháp và những gì tập ở đó, tôi chỉ làm hết sức theo chỉ dẫn của các Sensei khác nhau.
    Guillaume Erard: Sau đó cô chuyển sang Mỹ, chuyện đó xảy ra như thế nào?
    Okamoto Yoko: Chồng của tôi là người Mỹ, chúng tôi gặp nhau ở Hombu Dojo. Chúng tôi đã cưới nhau và có con ở Nhật Bản nhưng tới một thời điểm, ông ấy cảm thấy ông ấy muốn trở về Mỹ nên chúng tôi quyết định chuyển cả gia đình về Portland, Oregon. Đó là vào năm 1989.

    in portland.jpg
    Okamoto Yoko ở Portland
    Guillaume Erard: Ở Portland cô đã có những hoạt động gì? Cô đã bắt đầu công việc giảng dạy như thế nào?
    Okamoto Yoko: Khi chúng tôi định cư tại Mỹ, đã có một nhóm Aikido đang hoạt động ở Portland, nhưng nó khá nhỏ và những gì họ tập khác với những gì chúng tôi muốn tập. Lúc đó cả hai chúng tôi đều đã mang Sandan (tam đẳng) và Yondan (tứ đẳng) và chúng tôi nhận ra rằng nếu chúng tôi muốn người ta đến tập với chúng tôi theo cách mà chúng tôi muôn, chúng tôi tự mình đào tạo họ, nên chúng tôi quyết định bắt đầu theo cách luyện tập của chúng tôi. Tôi không hề nghĩ tới chuyện trở thành giáo viên Aikido và tại thời điểm chúng tôi tới Mỹ, tôi chỉ nghĩ tới việc tôi chỉ làm việc chăm sóc lũ nhỏ.

    Guillaume Erard: Khi nào thì Portland Aikikai được chính thức thành lập?
    Okamoto Yoko: Chúng tôi bắt đầu câu lạc bộ vào năm 1991 và Portland Aikikai được thành lập vào năm 1992. Lúc đầu, tôi dạy bán thời gian và làm việc như một ký giả nhưng sau vài năm, tôi bắt đầu quản lý Dojo toàn bộ thời gian.

    Guillaume Erard: Ở đó cô có theo một tổ chức hay Thầy nào không?
    Okamoto Yoko: Nhóm đầu tiên mà chúng tôi tập cùng ở Portland là một thành viên của USAF (Hiệp Hội Aikido Hoa Kỳ), mà người đứng đầu là thầy Yamada, nên chúng tôi ở lại với USAF. Thầy Yamada thì ở New York, nhưng thầy rất rộng lượng và chào đón chúng tôi vào tổ chức của thầy như một thành viên mới ở Mỹ. Tuy nhiên cũng có những thầy Nhật Bản khác sống ở Bờ Tây như thầy Shibata và thầy Chiba và vì thế, chúng tôi cũng học rất nhiều từ các thầy ấy, cũng như các thầy hay đến từ Hombu.

    w Chris.jpg
    Okamoto Yoko ở Portland (uke: Chris Mulligan)
    Guillaume Erard: Thế còn thầy Chris Mulligan, chồng của cô? Quá trình tập luyện Aikido của ông ấy như thế nào?
    Okamoto Yoko: Chồng tôi bắt đầu Aikido ở Syracuse, New York, và sau đó ông ấy học dưới sự chỉ dẫn của thầy Frank Doran ở Stanford, California. Sau đó, ông ấy đến Nhật Bản năm 1978 và học phần lớn ở Hombu Dojo trong 11 năm kế đó.

    Guillaume Erard: Điều gì đã khiến cô quay trở lại Nhật Bản?
    Okamoto Yoko: Tôi nhớ nhà và muốn quay trở về quê hương nhưng thực ra chúng tôi đã lên kế hoạch định cư tại Nhật dù sớm hay muộn.

    Guillaume Erard: Cô bắt đầu thành lập Aikido Kyoto từ khi nào?
    Okamoto Yoko: Tôi bắt đầu thành lập Aikido Kyoto khoản 10 năm trước, và năm nay là kỷ niệm 11 năm của chúng tôi. Tôi đã dạy ở đây tại Nishijin Dojo được 6 năm.

    kyoto.jpg
    Aikido Kyoto

    Guillaume Erard: Là một người phụ nữ, cô có gặp bất kỳ khó khăn cụ thể nào trong sự nghiệp Aikido của mình hay khi gầy dựng nên Dojo của riêng mình?
    Okamoto Yoko: Tôi thực sự đã không hề gặp bất kỳ khó khăn cụ thể nào, thật sự đấy. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu nói chuyện về Aikido, tôi phải nó rằng tôi đã gặp trở ngại vì có một sự thật rằng tôi là người Nhật, và tôi là một người phụ nữ. Nhưng thay vì nói là khó khăn, tôi muốn nói rằng đó là những định kiến xã hội nhiều hơn. Còn trong phạm vi bản thân Aikido, tôi không hề gặp bất kỳ vấn đề nào. Tôi muốn nói rằng Aikido, như một môn võ, thật sự rất công bằng và bình đẳn, và tôi thật sự nghĩ rằng có nhiều lợi thế hơn là khó khăn nếu là một người phụ nữ.
    Thí dụ, nói riêng về sự khác biệt trong sức mạnh. Đây là một trong những vấn đề thật sự mà một người phải đối diện và làm nảy sinh cảm giác “sợ”. May thay, phụ nữ phải đối diện với trở ngại đó rất sớm trong quá trình luyện tập Aikido của họ và như là một kết quả, họ phải học và luyện tập theo cách mà có thể giúp họ vượt qua nỗi sợ đó.
    Nhận thức được giới hạn của bản thân chúng ta và những gì chúng ta không thể làm giúp chúng ta khám phá những gì chúng ta có thể và điều đó cho phép chúng ta phát triển khả năng của mình. Dĩ nhiên việc luyện tập phải là trong điều kiện Tanren-keiko (Rèn Luyện). Hơn nữa, sức mạnh thể chất không phải chỉ là một bức tường đơn giản, mà nó còn có thể thật sự dẫn tới sự ảo tưởng vô cùng to lớn, theo tôi nghĩ là như vậy.

    Guillaume Erard: Kỹ thuật Aikido có khác biệt giữa nam và nữ không?
    Okamoto Yoko: Khi tôi dạy, các kỹ thuật về cơ bản đều như nhau. Điều đó có nghĩa, có những khác biệt trong cách thực hiện tùy vào người đó cao, thấp, lớn, bé, trẻ em, người lớn, vân vân. Đó là lý do tôi nghĩ rằng hình thức của kỹ thuật không phải cái gì đó để ép người ta ra một hình thù nhất định, mà ở mức độ nào đó nên có sự linh hoạt trong luyện tập.
    Có vài yếu tố của một kỹ thuật phải thay đổi trong khi các yếu tố khác không đổi. Nếu đối thủ thay đổi, chúng ta cũng phải thay đổi theo. Nguyên lý đương nhiên giống nhau nhưng hình thế phải có thể thích ứng.

    Guillaume Erard: Cô có nhiều học trò người nước ngoài trong Dojo, và người ngoại quốc thường hay dựa vào những cách dạy có sự giải thích nhiều hơn, trong khi ở Nhật Bản cái sự hiểu đến từ luyện tập. Cô có dạy họ khác với người Nhật hay cô có cách nào khác?
    Okamoto Yoko: Về cơ bản, tôi dạy mọi người theo một cách như nhau. Có ngày tôi sẽ giảng giải cho học trò nếu điều đó cần thiết làm cho việc luyện tập được dễ hơn, nhưng ngày khác, chúng tôi chỉ đơn giản là cứ tập để làm cho đầu óc mình thoải mái.

    Guillaume Erard: Làm thế nào để cô tổng hợp/chắt lọc lại các kỹ thuật của Aikido mà cô học từ nhiều thầy ở Nhật Bản, Pháp và Mỹ?
    Okamoto Yoko: Cái này rất khó… Cơ bản, tôi thực hiện tất cả những gì tôi học từ nhiều thầy khác nhau và tôi đã quyết là phải truyền lại tất cả những cái đó cho người khác.

    Guillaume Erard: Cô có ý thức được mình chịu ảnh hưởng bên trong hay bên ngoài từ cụ thể một thầy nào không?
    Okamoto Yoko: Tôi không biết, điều đó đến thật tự nhiên. Có người nói với tôi rằng họ thấy kỹ thuật (waza) của tôi có điểm giống với thầy này hay thầy kia nhưng về phía tôi, tôi không có ý thức về điều ấy. Căn bản của Aikido có những hình thức nhất định, nhưng đến lúc nào đó, anh phải bỏ lại phía sau hình thức bên ngoài.
    Người ảnh hưởng nhiều lên tôi là thầy Yamaguchi, thầy Tissier và thầy Shibata. Đôi lúc, khi tôi cảm thấy lúng túng với những kỹ thuật tôi đang thực hiện hay khi tôi gặp vấn đề, tôi trở lại với cách mà các thầy đã thực hiện. Tuy nhiên, Aikido của tôi cũng có sự ảnh hưởng của nhiều thầy khác. Tôi học với hầu hết với các thầy của Hombu. Ví dụ, tôi học ukemi từ Đạo Chủ Kisshomaru Ueshiba. Tôi không tạo ra trường phái riêng của mình (style), nó tự đến từ những gì tôi học từ các thầy.


    Ueshiba Kisshomaru biểu diễn ở Paris (uke: Ueshiba Moriteru, Christian Tissier and Osawa Hayato)

    Guillaume Erard: Nói theo chiều ngược lại, cô có thấy hình ảnh của mình trong kỹ thuật (waza) của học trò mình không?
    Okamoto Yoko: Đôi lúc điều đó cũng xảy ra nhưng tôi không muốn học trò tôi sao chép một cách vô ý thức những gì tôi thực hiện. Cách tôi thể hiện môn võ này, như chúng ta gọi là “waza” (hình thế) nếu ta phải dùng từ đó, phát xuất từ những trải nghiệm quá khứ của tôi, từ cảm nhận của tôi và cả những giới hạn của tôi nữa. Đôi lúc, tôi thấy những người to lớn cố gắng bắt chước những gì tôi làm, nhưng nó là vô nghĩa. Nên tôi bảo họ “đừng làm như vậy”. Nó thật kỳ cục nếu một người to con cố gắng di chuyển như một phụ nữ nhỏ bé hay một người phụ nữ Nhật nhỏ bé cố gắng bắt chước một người cao to. Tôi không cố bắt chước bất kỳ thầy nào nhưng thay vào đó, tôi cố gắng học cách làm cho nó trở thành của mình. Tôi tập trung cách vận hành thay vì hình thức bên ngoài.

    Guillaume Erard: Cô đã cố gắng tạo ra một sự tống hợp chặt chẽ mạch lạc sự ảnh hưởng từ các thầy. Mặt khác, chúng tôi thỉnh thoảng thấy cả nhiều thế hệ mô phỏng y như một thầy nào đó. Làm thế nào để một người học trò tránh khỏi việc chỉ sao chép lại cái bên ngoài của một người thầy?
    Okamoto Yoko: Trước khi họ đạt được Sandan hay Yondan, người học trò phải trải nghiệm Aikido nghĩa là gì. Mục tiêu không phải là trở nên giống thầy mình. Người đó đầu tiên học cách chấp nhận môn võ. Ở Nidan/Shodan, cứ vui vẻ luyện tập cũng được nhưng cuối cùng người học phải thực sự bắt đầu nghĩ về những điều đó. Nếu anh bị dính vào một kiểu riêng biệt nào đó, anh sẽ không bao giờ có tự do. Cấu trúc của waza tạo nên hình thế. Để hiểu được cốt lõi của hình thế này, cuối cùng anh phải luyện tập để giải thoát bản thân mình khỏi hình thế. Theo cách mà bạn luyện tập hằng ngày, sự am hiểu của bạn tăng lên và sẽ thay đổi cách bạn luyện tập.
    Người ta chỉ thấy được chiêu thức vì người ta không được dạy dỗ đúng cách. Nên tất cả mọi người chỉ biết bắt chước. Dĩ nhiên, đôi lúc, ở một chừng mực nào đó học bao gồm bắt chước, nhưng thật sự quan trọng là phải phát triển được con mắt để thấy được những cái vượt bên ngoài hình thức. Luyện tập là học cách quan sát được những cái không nhìn thấy được, và vai trò của người thầy là hướng dẫn học trò đi sâu vào quá trình này. Aikido là Võ Đạo giúp người ta trau dồi sự hiểu biết. Tôi nghĩ nhiệm vụ của chúng ta là truyền bá giá trị cốt lõi của Aikido.

    Guillaume Erard: Dạy Aikido là một trách nhiệm, không phải là mục tiêu…
    Okamoto Yoko: Đúng. Trong trường hợp của tôi, tôi chưa bao giờ nghĩ về việc trở thành người dạy Aikido. Tôi giống như là bị đẩy vào trong hoàn cảnh ấy và tôi chấp nhận.

    Guillaume Erard: Cô có khuyến khích học trò mình đi tập với những thầy khác không?
    Okamoto Yoko: Có chứ. Nhưng điều quan trọng là đầu tiên phải xây dựng căn bản tại Dojo của mình và rồi đi ra ngoài, nếu không anh sẽ đánh mất bản thân. Thầy của tôi thường nói với tôi rằng “đừng tập Aikido như là đi hái đào, đừng như là: tôi thích quả này, nhưng ngày mai tôi sẽ hái chỗ kia, và sau đó hái từ chỗ kia nữa…” Aikido là một môn Võ Đạo, và Võ Đạo là chính tông truyền lại theo chiều dọc, là Kinh Phật. Anh nên chọn một thầy xuất thân từ dòng tốt. Người thầy đầu tiên là người quan trọng nhất vì thế anh nên chọn lựa kỹ càng. Rất may mắn là giờ có rất nhiều thầy tốt.

    Guillaume Erard: Có rất nhiều cách tiếp cận Aikido, cô có nghĩ rằng có nhiều đường để lên tới đỉnh núi hay có nhiều đỉnh núi mà mình vương tới?
    Okamoto Yoko: Nó tùy thuộc vào anh đặt vấn đề thế nào. Giả dụ chúng ta đang đi trên cùng một con đường, con đường tạo ra bởi Tổ Sư Ueshiba Morihei, chúng ta đều hướng tới cùng một đỉnh, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong thời gian ở Aikikai, có thầy Yamaguchi, thầy Osawa Kisaburo, thầy Okumura, thầy Tada, thầy Arikawa, thầy Endo, thầy Yasuno, thầy Shibata, thầy Seki, thầy Masuda, thầy Watanabe, thầy Ichihashi và dĩ nhiên đạo chủ Ueshiba Kisshomaru. Mỗi lớp đều hoàn toàn khác nhau.
    Bây giờ, tôi hay đến lớp của thầy Yasuno, thầy Miyamoto, thầy Endo, thầy Osawa Hayato, thầy Tissier, thầy Shibata, và nhiều thầy khác. Các lớp đều rất khác nhau, nhưng chúng đều là một.

    Guillaume Erard: Cô đã đề cập tới “tự do”, ý cô nghĩa là gì?
    Okamoto Yoko: Nó có nghĩa là chúng ta phải đạt được Shizentai (tư thế tự nhiên nhưng lại chứa sức mạnh cao nhất). Tôi tiếp tục theo đuổi Aikido vì tôi chưa được tự do. Tự do không phải là làm bất cứ cái gì mình muốn, mà nó là loại bỏ sự sợ hãi trong tất cả giác quan.

    Guillaume Erard: Là học trò, phần lớn lời nhận xét mà mình có được đến từ thầy của mình, nhưng làm thế nào mình biết được mình đang thực hiện đúng theo những gì thầy muốn? Làm sao chúng ta tìm được cái mà cô gọi là “sự vận hành” sớm hơn, trong cái mớ hỗn độn của chiêu thức, cái cốt lõi bên trong, và bắt chước những gì thầy mình thể hiện?
    Okamoto Yoko: Đầu tiên, mục tiêu của anh không phải là làm cho thầy anh vui lòng, cũng không phải là trở nên giống thầy anh, nếu không, anh không tiến xa được trong môn này. Có người luyện Aikido để có được cảm giác “quan trọng”, có người thì chỉ để kiếm bạn. Dĩ nhiên, anh sẽ kết được nhiều bạn trong Aikido, nhưng đó chỉ là kết quả của việc tập luyện.

    Guillaume Erard: Nói về chuyện làm vừa lòng thầy, thường có kiểu là cường điệu hóa nghĩa là Uke sẽ hợp tác nhiều hơn vượt ngoài sự hợp lý của đòn thế. Kiểu hợp tác như vậy giúp một người sẽ được gọi làm Uke thường xuyên hơn, Uke ngoan ngoãn sẽ làm thầy tự tin thái quá vào kỹ thuật của mình
    Okamoto Yoko: Chà cách như vậy chắc chắn là dấu hiệu của một ông thầy tồi. Anh nói là Uke phải hợp tác, nhưng tôi không thích từ này. Aikido không phải là Uke phải giúp đỡ cho đúng ý Tori mà thật ra là đó là sự tương tác giữa hai bên trong một kỹ thuật. Nhiều lúc, Uke có khuynh hướng làm đúng vai trò của mình. Khi cả hai có được thời điểm hoàn hảo, nó sẽ xuất hiện Kokyu và đẹp. Chúng ta không biết cái gì sẽ xảy ra.
    Hình của kỹ thuật là kết quả việc luyện tập nghiêm túc, chứ không phải là để cho đẹp

    Guillaume Erard: Chúng ta không biết hay chúng ta giả vờ như không biết.
    Okamoto Yoko: Tôi không dùng từ “giả vờ” mà là “xóa bỏ những gì đã biết” để có được khoảnh khắc khác nữa. Điều đó khó. Đa phần, kể cả bản thân tôi, nó là sự đánh lừa bản thân, vì thế, chúng ta phải thử đi thử lại cho đến khi chúng ta đạt được khoảnh khắc thật sự.

    Guillaume Erard: Trong Aikido, chúng ta thấy có nhiều mức độ và kỹ năng, thậm chí khi lên cao nữa. Tại sao nó là như vậy.
    Okamoto Yoko: Aikido không có thi đấu hay điểm số, nó không có kết quả. Trong thi đấu, kết quả có ngay nên chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại. Trong Aikido, vì chúng ta không đối diện với thất bại và phân tích lý do thất bại, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng chúng ta là số một, và chúng ta đã hiểu nó. Đó là phần chúng ta dễ bị lầm và nhiều người rơi vào sai lầm này, nhưng đây không phải là cách mà người ta nên phát triển đi lên. Chúng ta nên tự dặn mình rằng mọi lúc chúng ta luôn phải đặt chúng ta trên bờ vực, cho dù chuyện đó có nguy hiểm.

    Guillaume Erard: Nếu không có thi đấu hay tranh đấu, làm sao một người, đặc biệt là một người thầy, có thể hiểu được cái mà người khác có được nhờ sự thất bại? Làm sao một người có thể biết được rằng cái anh ta làm là đúng.
    Okamoto Yoko: Phải sáng suốt. Aikido không phải là môn khiêu vũ.

    Guillaume Erard: Trong Karate, khi đến trình độ cao, thầy sẽ chỉnh sửa tư thế và kỹ thuật rất nghiêm khắc.
    Okamoto Yoko: Phải, làm như vậy là đúng. Trong Aikido, ngay từ những ngày đầu, anh có thể làm bất cứ cái gì anh muốn. Tôi có vài người bạn là dân Judo và khi họ thấy những cú té vô nghĩa trong Aikido, họ không thể tin được kiểu ngã như vậy nguy hiểm như thế nào trong thi đấu. Vài người ngã chỉ vì họ là Uke. Kiểu tiếp cận không suy nghĩ như vậy phải được người thầy sửa, nhưng đôi lúc các thầy cũng không hề có ý thức về chuyện đó… Nhưng rồi, xét cho cùng, cho dù họ luyện tập không cần động não nhưng việc luyện tập làm họ cảm thấy vui vẻ và cuộc sống họ tốt hơn, thì tôi nghĩ điều đó cũng tốt.

    Guillaume Erard: Thế còn về đai đẳng? Ngày nay, dường như mọi người đạt được đai cao, mà bất kể có khả năng kỹ thuật hay sự chuyên cần…
    Okamoto Yoko: Ý anh là đẳng không có ý nghĩa gì? Tôi đồng ý! (Cười)

    Guillaume Erard: Nếu đẳng cấp không quan trọng, làm sao cô tách và phân chia các cấp độ tham gia/tài năng trong nhóm học trò?
    Okamoto Yoko: Chúng tôi có chương trình Kenshusei ở Aikido Kyoto. Chương trình này dành cho những ai yêu thích Aikido và muốn trở thành giáo viên Aikido, chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp. Đối với tôi, những người muốn đầu tư bản thân vào Aikido được dạy dỗ kỹ lưỡng theo một cách khác với luyện tập thông thường. Lý do là nếu anh chỉ tập luyện cho vui, nó sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống người khác nhiều như khi anh là thầy. Thế nên anh cần đào tạo đặc biệt.

    Chương trình Kenshusei dành cho những ai muốn chia sẻ Aikido. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và cũng rất đầy thách thức về mặt thể chất và người ta đôi lúc bỏ cuộc vì lý do này. Khóa học phải được diễn ra tối thiểu 3 năm nhưng đa phần, người ta tự nhận ra rằng họ không có được sự cam kết theo đuổi đến hết ba năm.

    Guillaume Erard: Cô có học trò nào đã bắt đầu dựng Dojo của riêng họ không?
    Okamoto Yoko: Hai trong số các Kenshusei của tôi trước đây đã bắt đầu dạy tại nơi của họ, trong những câu lạc bộ nhỏ.

    Guillaume Erard: Cô có Kenshusei người nước ngoài không?
    Okamoto Yoko: Ngay bây giờ tôi có năm Kenshusei, ba trong số đó là người nước ngoài. Một người được một thầy khác gửi tới, cô ấy Yondan từ Mỹ và chương trình học của cô ấy với chúng tôi chỉ một hay hai năm.

    Guillaume Erard: Em biết rằng cô rất để ý tới sức khỏe của mình, cô có chế độ đặc biệt hằng ngày không?
    Okamoto Yoko: Tôi có. Bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào bóng chày, gôn, sumo, vân vân..., chuyện thi đấu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn của sự nghiệp, và phần lớn thời gian và sự tập trung đều cho việc luyện tập.
    Là một người dạy chuyên nghiệp, tôi cần phải ở trên tatami mỗi ngày và vì lý do đó, tôi phải giữ chế độ nghiêm ngặt để giữ gìn sức khỏe của tôi. Về chuyện luyện tập tôi chủ yếu thực hiện bài tập giãn cơ và đôi lúc chỉ là Suburi. Tôi cố gắng ăn thức ăn tốt, để ý cơ thể, và tránh lãnh phí sức.

    Guillaume Erard: Cô có tập các bài tập một mình như là Tanren hay Aiki-taiso?
    Okamoto Yoko: Tôi thỉnh thoảng có tập Tai-sabaki. Nhưng phần lớn thời gian Keiko kéo dài từ một tới một tiếng rưỡi nên trong suốt thời gian đó, tôi nghĩ rằng tốt hơn là tập với người khác hơn là tập một mình. Tôi thường khuyên học trò mình nên có tập luyện một mình và trong lớp thì họ phải tập với người khác.

    Guillaume Erard: Cô có tập vũ khí ở Aikido Kyoto không?
    Okamoto Yoko: Chúng tôi có hai lớp vũ khí một tuần. Chủ yếu dạy người ta biết cách cầm Bokken hay làm thế nào để thực hiện Suburi, đó là những phần thiết yếu của các môn võ giống như Aikido. Tuy nhiên, cá nhân, tôi không xem mình là một người tập kiếm, tôi chưa đạt đến trình độ thầy trong Kenjutsu, tôi chỉ tập để tăng cường Aikido của tôi thông qua việc nghiên cứu các nguyên lý quan trọng của vũ khí như là Maai (khoảng cách) hay thời điểm.

    Guillaume Erard: Thời cô ở Hombu Dojo, có lớp Buki phải không?
    Okamoto Yoko: Ở thời điểm tôi mới tập, thầy Masuda thỉnh thoảng có dạy Tanto-dori và tôi cũng tham gia lớp vũ khí đặc biệt hai lần một tuần với thầy Shibata, lớp Aiki-ken và Aiki-Jo. Khi ở Mỹ, tôi cũng học lớp vũ khí ở Birankai với thầy Chiba.

    Guillaume Erard: Khi đến thăm Dojo của cô, người ta ngạc nhiên khi thấy nhiều người tham gia với nhiều độ tuổi, giới tính, và thậm chí nhiều quốc tịch khác nhau. Làm sao cô thu hút được sự quan tâm của những người này với Aikido?
    Okamoto Yoko: Ở Nhật, võ đường thường có hình ảnh hơi cũ. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tồn tại, chúng ta phải hấp dẫn thế hệ mới. Như Trà Đạo và Kabuki đã làm tốt điều này. Chúng ta phải cố gắng để tiếp cận thế hệ trẻ mà không làm mất đi những khía cạnh quan trọng của môn võ chúng ta.
    Cá nhân mình, tôi muốn tạo hình ảnh mới thay cho hình cũ của Võ Đạo, mà không làm mất đi giá trị cốt lõi của nó. Nó vẫn phải là Võ Đạo, nghĩa là vẫn phải giữ lại kỷ luật và chế độ luyện tập công phu.

    Guillaume Erard: Càng ngày càng nhiều người từ nước ngoài đến thăm Aikido Kyoto từ vài ngày đến vài tháng, cô muốn họ mang về nhà cái gì sau thời gian ở lại Kyoto
    Okamoto Yoko: Tôi muốn họ tìm thấy sự thích thú và niềm vui trên thảm tập trong thời gian họ ở đây. Sau đó, khi họ về nhà, họ có thể suy nghĩ lại và hiểu được lý do tại sao việc luyện tập đã được tốt đẹp như vậy. Dĩ nhiên tôi không thể dạy họ bất kỳ cái gì về mặt kỹ thuật trong vài ngày, một tuần, hay thậm chí một tháng, nhưng tôi cố gắng đi qua những một vài điểm quan trọng cốt yếu của Aikido.

    Trích từ: http://www.guillaumeerard.com/aikido...to-yoko-shihan
    Guillaume Erard: Cô thường đi nhiều nơi và đã thường xuyên tới Châu Âu để cho seminar. Cô cố gắng truyền tài cái gì trong các seminar như thế?

    Okamoto Yoko: Nói về học hỏi, có lẽ tôi học được nhiều từ họ hơn là họ học từ tôi. Nhưng nếu chỉ nghĩ về phần mình, tôi chắc chắn sẽ cố gắng truyền lại toàn bộ trải nghiệm của tôi trong Aikido trong một hay vài lớp mà tôi dạy. Tôi muốn truyền dạy điều gì ư? Có lẽ là cuộc đời và cách sống của tôi.

    Guillaume Erard: Dự định tương lai của cô với Aikido Kyoto là gì?

    Okamoto Yoko: Thật tuyệt vời khi thấy Aikido Kyoto phát triển cùng với cộng đồng. Tuyệt diệu là được chia sẻ sức mạnh của Aikido, sức mạnh thức tỉnh tâm trí của nhân loại trên trái đất.

    Guillaume Erard: Okamoto Sensei, cám ơn cô đã dành thời gian và trả lời cuộc phỏng vấn này.

    T.B: Xin chân thành anh Aiki, blackcat, phamtatdac, và một số bạn khác đã có nhiều góp ý để có được bản dịch hoàn chỉnh.
    Last edited by wago; 05-24-2015 at 09:43 AM.

  2. The Following 3 Users Say Thank You to wago For This Useful Post:


  3. #2
    Administrator
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Đang ở
    Montreal Canada
    Bài viết
    2,533
    Thanks
    134
    Thanked 156 Times in 114 Posts
    Bà này là 1 trong 1 số ít HLV nữ của HK mà tôi phục. Tôi gặp và tập với nhiều nữ HLV 5-6 dan rồi nhưng ít khi cảm nhận được như khi tập với bà này. Tuy bà khg thuộc về Birankai của thầy Chiba, nhưng được mời để dạy trong birankai summer camp là đủ biết rồi!!
    Aiki

    Pain is the best instructor, but no one wants to go to his class...
    Khg có gì nguy hiểm hơn là võ miệng

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •