Kết quả 1 đến 6 của 6

Chủ đề: Phần Atemi, khí và kỹ thuật của anh Levan ( đã chỉnh sửa)

  1. #1
    Senior Member
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    258
    Thanks
    4
    Thanked 5 Times in 3 Posts
    ATEMI
    Atemi thường có nghĩa là đánh vào các chỗ nhược của đối thủ nhưng trong Hiệp Khí Đạo lại được hiểu một cách khác. Đòn atemi dùng để đánh vào những chỗ đối phương sơ hở, nhưng không cốt đả thương mà nhằm làm phân tâm hoặc để chi phối hay dẫn dắt luồng khí của đối phương. (Ghi chú: việc chi phối và dẫn dắt luồng khí sẽ được nói rõ hơn trong phần Khí)

    Giả dụ khi uke đang lao vào đấm, bạn bước sang một bên và đấm vào chỗ mà đầu của uke đang hướng tới. Nếu cứ tiếp tục lao vào thì uke sẽ lãnh trọn cú đấm trả vào đầu, thành ra uke buộc phải đổi hướng tấn công. Tránh đòn như vậy thì đà tấn công của uke sẽ không còn, chưa kể nhiều lúc uke còn bật lùi để né đòn nữa. Điều cần lưu ý ở đây là bạn không cố tình đấm uke mà chỉ hướng cú đấm vào chỗ uke đang lao tới thôi, nhiêu đó đủ để bẻ đòn đánh của uke sang một hướng khác rồi.

    Nếu bạn đang đi ngoài đường mà bất chợt gặp phải một nhánh cây loà xoà trước mặt thì theo phản ứng tự nhiên bạn sẽ giật ngược người ra sau hoặc cúi đầu xuống tránh. Khi ứng dụng phản ứng này vào cách đánh atemi, nếu phán đoán đúng và tung ra cú atemi đúng lúc đúng chỗ, đòn atemi của bạn sẽ làm rối loạn khí lực và bộ vị của đối phương ngay.

    Tuy nhiên không phải lúc nào dùng atemi cũng có lợi. Trong aikido bạn cần lợi dụng chính năng lượng của đối phương để phản công, thành ra dùng atemi khiến đối phương đổi hướng tấn công chưa chắc đã hay. Atemi chỉ nên xem là một trong những cách để làm rối loạn khí lực của đối phương thôi.

    Một chức năng khác của atemi là để trám những chỗ sơ hở của mình, không để lộ những điểm hở để đối phương tấn công. Thí dụ như khi uke dùng tay trái nắm lấy tay phải bạn, bạn sẽ hất xéo tay lên rồi luồn dưới nách uke để vô đòn quật ngã. Nhưng luồn nách kiểu này mà tay phải uke đang hờm sẵn thì bạn không tránh khỏi ăn đòn. Vì vậy trong lúc luồn vào bạn đồng thời đánh thẳng tay trái vào mặt uke. Đòn này không chủ đích tấn công, chỉ buộc uke phải đưa tay phải lên đỡ nên không còn rảnh rang để đánh bạn nữa. Trong tích tắc ra đòn bạn đã để lộ một chỗ hở nhưng một đòn atemi đã giúp bạn vá lại lỗ hổng đó ngay.

    Nói chung, atemi có 3 khía cạnh thực tế:
    - Gây rối loạn đòn thế hay khí lực của đối phương
    - Bịt kín những chỗ hở của mình khiến đối phương tấn công không được
    - Nếu không còn biện pháp nào khác thì dùng atemi thực sự tấn công đối phương

    Nếu tính mạng bạn đang lâm nguy thì bạn phải tự vệ bằng mọi cách, kể cả dùng đòn atemi. Khi đó đòn atemi không còn để đánh dọa nữa mà phải là một đòn sát thương thực sự.

    KHÍ

    Chữ Khí nằm ngay trong chữ Hiệp Khí Đạo nên Khí chắc chắn rất quan trọng đối với Hiệp Khí Đạo. Nhưng Khí là gì ? Căn bản thì Khí có nghĩa là Năng Lượng, nhưng là thứ năng lượng bao trùm vu trụ. Ghê thật, nghe rất trừu tượng và bí hiểm. Vậy làm sao cắt nghĩa chữ Khí này một cách đơn giản và thực tế ?

    Khi mới học aikido, ai mà chẳng thi triển đòn thế bằng sức mạnh cơ bắp. Thể dục thể thao mà dùng cơ bắp thì đúng quá rồi. Nhưng khổ nỗi cơ bắp mà xài trong aikido lại không ăn thua, phải dùng một thứ năng lực khác, đó chính là Khí.

    Tôi nhớ lần đầu tập với những môn sinh aikido giàu kinh nghiệm, tôi đã kinh hãi trước sức mạnh của họ. Đòn ra rất nhẹ nhàng nhưng mạnh khủng khiếp, họ chỉ cần lắc nhẹ một cái là tôi văng ra xa rồi. Nắm cổ tay họ mà tôi cảm thấy như nội lực chạy rần rật bên trong. Chứng kiến mấy cảnh này xong tôi đâm nản, chẳng biết học đến bao giờ mới đạt được thứ "quyền năng" ghê gớm này ? Cũng may là những hiện tượng này có sức thu hút đặc biệt, kích thích trí tò mò nên tôi mới tiếp tục ở lại võ đường học đến bây giờ.

    Đến nay thì tôi đã đủ tự tin để nói rằng năng lượng mạnh mẽ đó có được nhờ vận Khí. Trong quá trình học aikido thì một trong những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất là chuyển từ dụng sức sang dụng Khí. Sự chuyển tiếp này thú vị ở chỗ là không có một kỹ thuật đặc biệt nào dùng để đạt được khí cả. Một số huấn luyện viên nói rằng phải tập cách này cách kia để luyện khí. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy chuyện đó hoàn toàn sai. Khí tồn tại và có sẵn trong muôn loài. Chẳng qua những luồng khí có sẵn đã bị tắc nghẽn chứ không phải chúng ta bị thiếu khí. Giống như nhiều lĩnh vực khác trong aikido, thử thách lớn nhất trong việc luyện khí không phải là học một cái gì mới mà chính là học cách loại bỏ những tập quán cũ. Chính những tập quán sẵn có này đã cản trở nhận thức của chúng ta về khí, xoá bỏ những chướng ngại vật này đi thì mới dụng khí có kết quả được.

    KỸ THUẬT
    Kỹ thuật aikido là gì ?

    Nhiều võ đường aikido rất chú trọng đến việc rèn luyện kỹ thuật. Cứ theo lẽ thường thì biết càng nhiều đòn thế, đánh đòn càng nhuyễn thì việc học aikido càng tiến triển. Nhưng bạn hãy nghiệm lại xem, bạn đang phấn đấu để đạt cái gì qua nhiều năm cần mẫn tập dượt đòn thế ?

    Với những người học aikido lâu năm, đa số đều nhận ra rằng sau một thời gian dài luyện tập, có một cái gì đó thay đổi trong cách họ thực hành aikido. Họ không còn bận tâm về những chi tiết kỹ thuật nữa. Thay vào đó, khi đối đầu với các đòn tấn công họ chỉ đáp trả bằng chính 'aikido'. Thế là sao ? Sau khi tập dượt đòn thế hàng trăm hàng ngàn lần, kỹ thuật aikido đã nhập tâm, đã ngấm vào các môn sinh aikido. Giờ đây khi ra đòn, mỗi người có một sắc thái đòn thế riêng biệt.

    Đấy là lý do chính của việc rèn luyện kỹ thuật: aikido học từ thầy biến thành aikido của chính mình. Đòn thế được xem như lớp vỏ ngoài bao bọc 'aikido chân chính'. 'Aikido chân chính' là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các nguyên lý aikido và các chiến thuật aikido. Trong bao năm tập luyện liên tục, bạn mới chỉ chạm được vào lớp vỏ bọc aikido thôi, thỉnh thoảng 'aikido chân chính' mới hiện ra trong thoáng chốc rồi lại biến đi. Từ chỗ chợt đến chợt đi, dần dần rồi 'aikido chân chính' sẽ lộ diện thường xuyên hơn, ở lại với bạn lâu hơn. Đó là lúc bạn bắt đầu chuyển từ việc tập luyện loại 'aikido vỏ bọc' sang việc tập luyện loại 'aikido chân chính'.

    Khi mổ xẻ tìm hiểu những kỹ thuật aikido, bạn sẽ thấy rằng dù đánh đỡ cách nào đi nữa thì các đòn thế đều có chung một số điểm. Mỗi đòn thế bao gồm những yếu tố được sắp xếp theo một trình tự nhất định: hiệp, dẫn dắt, kiểm soát (quán) và hoá giải. Thêm một yếu tố nữa là Kết Nối (Niêm), Kết Nối tạo nên một vòng tròn bao quanh những yếu tố kia.

    Hiệp là gì ? Khi bị tấn công người ta thường gia nhập vào trận đấu bằng cách đấm đá đỡ gạt ... Trong Hiệp Khí Đạo bạn nhập trận bằng nguyên tắc Hiệp, tức là nhập trận mà không hề kháng cự. Hiệp vừa giúp bạn tránh khỏi đụng độ với sức tấn công, vừa đưa bạn vào vị thế thuận lợi để chi phối năng lượng của đối phương.

    Dẫn dắt là thế nào ? Khi tấn công thì năng lượng của người tấn công hướng vào mục tiêu, nếu bạn kéo được luồng năng lượng này đi quá đà một chút thì đối phương sẽ mất đi phần nào sự chủ động. Khi đó trọng tâm và thăng bằng của đối phương bị xô lệch và kém ổn định. Lúc này bạn có thể khá dễ dàng dẫn dắt đối phương di chuyển theo hướng bạn muốn.

    Kiểm soát (Quán) ra sao ? Kiểm soát ở đây có nghĩa là bạn nắm quyền kiểm soát bằng cách kết nối với Khí và Trọng tâm của đối phương và hướng chúng tới chỗ nào bạn muốn. Ngoài ra bạn còn phải nắm quyền kiểm soát Khí và Trọng tâm của chính mình nữa. Nhờ nắm được quyền kiểm soát, bạn có thể di chuyển đối phương hết sức nhanh gọn. Bạn cần rà soát lại tầm kiểm soát cho hoàn chỉnh để không lộ một khe hở nào cả. Bạn kiểm soát mà lỏng lẻo thì đối phương sẽ thoát ra được rồi kiểm soát ngược lại chính bạn hoặc phản công lại. Quyền kiểm soát được ví như lớp sơn ngoài cùng bảo vệ đòn thế. Lớp sơn phải liền lạc, vững chắc, không rò rỉ hay tì vết, bảo đảm không gì có thể lọt qua được. Xin đừng quên điều này, việc nắm quyền kiểm soát theo nguyên lý Hiệp Khí phải được thực hành trong tinh thần khoan dung độ lượng, chứ không được làm một cách thù hận sát phạt.

    Hóa giải là sao ? Ta thường kết thúc một đòn bằng một thế quật hoặc một thế khoá, đấy chính là hoá giải, dù đôi khi chỉ là hoá giải tạm thời. Những đòn quật bạn đã tập cả trăm ngàn lần tưởng chừng tầm thường nhưng thật ra rất nguy hiểm. Đối với những người không biết cách té mà bạn "hoá giải" bằng một đòn quật thì khó lòng tránh khỏi thương tích cho người ta. Vậy phải hết sức cẩn thận và kiềm chế khi ra đòn quật mới được. Tốt hơn hết là nên tránh dùng đòn quật, dùng những thế khoá an toàn hơn. Gặp phải những người biết té thì quật ngã chẳng ăn thua mấy, té xuống thường họ nhỏm dậy được ngay, còn nếu họ ngồi dậy hết nổi thì bạn biết rằng đã quật mạnh hơn dự định rồi đấy. Nếu bạn đủ bản lãnh thì cũng chẳng cần quật khoá làm gì, có cách hoá giải hiệu quả hơn nhiều. Chỉ cần làm đối phương mất thăng bằng rồi gài họ vào một thế đứng chông chênh. Cảnh cáo như vậy đủ để người ta không dám làm tới rồi.

    Yếu tố sau cùng - Niêm. Hãy tạm gọi tắt những yếu tố nhắc trên là Hiệp, Dẫn, Quán, Hoá. Niêm chính là chất keo gắn Hiệp, Dẫn, Quán và Hoá thành một khối. Niêm giúp Hiệp được hiệu quả và đúng lúc. Niêm tạo nên đường truyền để Dẫn dắt khí của đối phương. Nhờ có Niêm ta mới biết được quyền Kiểm soát đã hoàn chỉnh chưa. Và Niêm giúp phần Hoá giải thêm phần chắc chắn gọn ghẽ.

    Theo kinh nghiệm của những bậc đàn anh aikido thì khó mà phân biệt đâu là ranh giới giữa các yếu tố Hiệp, Dẫn, Quán, Hoá và Niêm. Tất cả đều trộn lẫn với nhau. Ngay thế đánh đầu tiên có thể đã bao gồm đủ các yếu tố Hiệp, Dẫn, Quán, Hoá và Niêm.

    Quyển sách này không nhằm miêu tả chi tiết về những đòn thế riêng lẻ nào hết, vậy các bạn hãy thử dùng cách phân tích đòn thế mà tôi nhắc bên trên để tự phân tích đòn thế của các bạn xem sao. Mỗi khi ra đòn nào bạn hãy nhận xét xem đòn đó có hội đủ các yếu tố Hiệp, Dẫn, Quán, Hoá và Niêm không ? Chỉ cần thiếu hoặc kém một yếu tố thôi là bạn đã gặp vấn đề rồi đấy.

    GIÁ TRỊ CỦA ĐÒN THẾ

    Với mỗi đòn thế, động tác thuộc về phần hình thức trong khi những nguyên tắc ra đòn là phần nội dung. Mỗi khi học đòn nào bạn nên chịu khó tìm hiểu nội dung của đòn đó. Nhờ có thói quen tập cảm nhận nội dung tiềm ẩn trong từng đòn, bạn sẽ mau chóng bỏ qua được phần hình thức để chuyên luyện phần nội dung đòn.

    Nói đến đây chúng ta lại nhớ đến một định đề thường gặp trong võ học: Hãy quên hết chiêu thức đi, quên càng sớm càng tốt. Sớm rời bỏ được phần hình thức khô khan và chuyển qua cảm nhận những đặc trưng đòn thế Hiệp Khí Đạo thì Hiệp Khí Đạo sẽ mau chóng trở thành một phần của chính bạn. Có khi tập suốt mấy năm mới nhập tâm được một đòn, nhưng nếu bạn chịu tập theo tinh thần "hình thức chỉ là vỏ ngoài, nội dung mới là thực chất" thì bạn đã đi đúng đường rồi.

    Nếu bạn chỉ tập đi tập lại theo một lối thì đòn thế của bạn chỉ dùng được trong một số trường hợp nhất định. Nếu tình huống thay đổi mà lối ra đòn đó không còn phù hợp thì bạn kẹt ngay. Hoặc là ra đòn không được, hoặc đòn ra không theo nguyên lý Hiệp Khí Đạo mà phải nhờ vào sức hay mánh lới.

    Vì vậy tập theo hướng nội dung (nguyên lý) có lợi hơn. Nắm vững nguyên lý thì tình huống nào áp dụng cũng được. Cái hay là khi bạn lồng các nguyên lý Hiệp Khí Đạo vào việc luyện tập rồi thì đột nhiên bạn thấy các chi tiết tay chân không còn quan trọng nữa. Bạn không cần đánh theo khuôn mẫu như thầy dạy nữa mà đòn vẫn đúng. Cuối cùng thì bạn thấy nhờ áp dụng đúng nguyên lý mà bạn đã tự tạo cho mình những khuôn mẫu riêng. Nói cách khác, mỗi lần tập dợt bạn lại tạo ra một cách đánh ikkyo hay kote gaeshi mới. Chính những nguyên lý đã tạo nên đòn thế.

    Kỹ thuật bao hàm cả kiến thức và cảm nhận. Hiệp Khí Đạo là một môn võ, mà võ dùng để chiến đấu, chiến đấu thì phải có chiến thuật. Khi học đòn thế nào, bạn phải hiểu những chiến thuật liên quan đến đòn đó. Nhờ áp dụng những nguyên lý Hiệp Khí Đạo vào những chiến thuật này mà bạn mới ra đòn đúng được.
    Mỗi đòn Hiệp Khí Đạo đều có những chiến thuật đi kèm. Có những chiến thuật xài chung cho nhiều đòn nhưng cũng có những chiến thuật chỉ dùng riêng cho đòn này đòn kia. Bạn hãy ráng nhận ra và sử dụng rành rẽ từng loại chiến thuật.

    Thí dụ, đòn tenshi nage chứa đựng nhiều chiến thuật. Đối với 2 tay của uke, mỗi tay có một cách đối phó riêng. Phải dẫn khí của cánh tay dưới của uke vào điểm 'yếu' nằm dưới đất ngay sau lưng uke. Với cánh tay bên trên của uke, bạn phải dẫn khí chạy xoắn quanh cánh tay đó rồi từ khuỷu tay đẩy duỗi ra vòng qua vai uke. Một yếu tố chiến thuật khác của đòn này là tách luồng năng lượng tấn công ra. Thêm một chiến thuật khác nữa là bạn chập hai cánh tay lại thành một hình tam giác rồi xỉa thẳng luồng khí vào trục chính tâm của uke trước khi uke kịp nắm lấy cổ tay bạn.

    Xin thí dụ thêm. Giả như phải áp dụng 10 chiến thuật thì đòn mới hiệu quả. Làm đủ hết thì tuyệt nhưng dễ gì được. Cũng may là trong các chiến thuật cũng có chỗ du di nên không cần xài hết cả 10 mà đòn vẫn có kết quả. Nếu bạn chỉ xài 7, dù khó khăn đôi chút nhưng đòn vẫn có thể đúng. Nếu bạn chỉ xài 5 thì chắc phải dùng sức hơi nhiều. Còn nếu chỉ xài có hai, ba chiến thuật thì chắc sẽ hư đòn thôi. Nếu bạn chịu khó thường xuyên tập luyện đủ cả 10 chiến thuật thì lúc hữu sự ít ra bạn cũng dùng được bảy tám phần, như vậy đủ để thành công rồi.

    Sách này không đi vào chi tiết những chiến thuật đi kèm theo các đòn thế. Chẳng có gì hiểm hóc hay bí truyền, nhưng chiến thuật thì bước đầu phải do thầy truyền thẳng cho học trò mới có kết quả. Tập quen rồi bạn sẽ nhận ra có một số hình thức khuôn mẫu chung, qua đó bạn sẽ tự tìm ra những chiến thuật phù hợp cho từng đòn. Chỉ cần phân tích dưới khía cạnh chiến đấu, bạn sẽ nhận ra được điều nào là quan trọng. Làm sao để khỏi ăn đòn, tức là di chuyển làm sao để ít hở mà vẫn lợi dụng được những khuyết điểm của đối phương ? Làm sao để hoá giải đòn tấn công ? Làm cách nào để kiểm soát được tình hình ? Những điểm này quyết định những yếu tố chiến thuật của mỗi đòn thế.

    Trong quá trình luyện tập, bạn hãy luôn tìm cách kết hợp những yếu tố chiến thuật với các nguyên lý của Hiệp Khí Đạo. Điều này cho phép bạn đưa khả năng thực chiến vào môn võ nhân ái Hiệp Khí Đạo.

    NHỮNG MẶT H N CHẾ CỦA ĐÒN THẾ

    Đòn thế là con dao hai lưỡi. Nó giúp ta hiểu biết các nguyên lý Hiệp Khí Đạo nhưng nó cũng là đầu mối dẫn đến bế tắc. Đòn thế như lưỡi dao vừa giết người vừa cứu người, mở ra sinh lộ nhưng cũng dẫn đến tử lộ. Khi đòn thế dần trở nên khô cứng, bó buộc, nó dẫn ta vào ngõ cụt. Mặt khác đòn thế cũng mở ra cánh cửa cho ta nhìn thấy những ý nghĩa ẩn chứa trong Hiệp Khí Đạo.

    Tại một số võ đường, các huấn luyện viên cho rằng chỉ có lối ra đòn của họ mới đúng và hiệu quả nhất. Gặp phải những chỗ như vậy bạn nên tìm nơi khác học thì hơn. Cách dạy của một huấn luyện viên chịu ảnh hưởng từ phong cách, cá tính, thể trạng và quá trình luyện tập của cá nhân người đó. Lối ra đòn lại còn tùy thuộc vào uke là ai và tấn công như thế nào. Nếu ông thầy cứ khăng khăng bắt học trò phải đặt chân thế này, để tay thế kia tức là ông ta đang lẫn lộn. Ông ta không phân biệt được rằng cách thể hiện đòn thế của ông ta và những nguyên lý, chiến thuật Hiệp Khí Đạo là hai điều khác nhau. Thấy lối thực hành Hiệp Khí Đạo của mình có kết quả, mấy ông thầy kiểu này cho rằng cách đó cũng hạp với mọi người, và muốn học trò cũng phải làm theo như vậy. Họ quên rằng Hiệp Khí Đạo bao hàm những nguyên lý tổng quát nhưng biểu hiện rất đa dạng, mỗi lần mỗi khác.

    Bạn có thể dễ dàng tự nhận ra sự phong phú này của Hiệp Khí Đạo. Nếu có dịp tập luyện ở nhiều võ đường khác nhau, dù cùng hay khác phái, bạn sẽ thấy rằng cùng một đòn nhưng có nhiều cách đánh khác nhau. Dù những cách đánh đó khác với cách của bạn, tất cả đều hiệu quả, nếu người ra đòn có căn bản vững vàng.

    Có một điều dù nhắc đi nhắc lại vẫn không thừa: kỹ thuật Hiệp Khí Đạo chỉ là cách thể hiện của mỗi cá nhân. Những nguyên lý Hiệp Khí Đạo mới là yếu tố mang lại hiêu quả cho đòn thế. Dù tình huống nào, dù ai thực hành, các nguyên lý này vẫn giữ nguyên.


    -----------------------------------

    Đã được kiểm tra và sửa lỗi chính tả, thay chữ KẾT NỐI bằng chữ NIÊM.
    Hiệp khí vi thượng sách.

  2. #2
    Moderator
    Ngày tham gia
    May 2006
    Bài viết
    200
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts
    phần Khí của anh levan là 1 chút phần đầu àh. Có cái bài Khí đầy đủ Noface dịch tiếp đó
    I have faith in life, and life responds in kind.

  3. #3
    Senior Member
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    129
    Thanks
    0
    Thanked 1 Time in 1 Post
    Đúng đó thevagrant, phần Ki tui dịch có một chút đầu tiên thôi, phần Ki mà zen+noface+GK dịch mới thật sự đầy đủ. Để khỏi trùng lặp, nhờ vagrant xóa bỏ phần Ki trong phần dịch của tui nhé.

  4. #4
    Senior Member
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    258
    Thanks
    4
    Thanked 5 Times in 3 Posts
    "Khí" rõ ràng rất quan trọng trong Aikido, nó chính là nguyên lý chủ đạo và tồn tại ngay trong cái tên của Aikido. Theo nghĩa đen, "Khí" có thể dịch là năng lượng, nhưng nó còn là một nguyên lý rộng lớn hơn. Vậy làm sao cắt nghĩa chữ Khí này một cách đơn giản và thực tế ?
    Khi mới tập aikido, chúng ta có xu hướng thi triển đòn thế bằng sức mạnh cơ bắp, theo cách chúng ta vẫn thường làm với những môn thể dục thể thao khác. Nhưng khổ nỗi, sức mạnh cơ bắp mà sử dụng trong aikido lại không có hiệu quả, phải dùng một thứ năng lực khác, đó chính là Khí.
    Tôi vẫn còn nhớ lần đầu được tập với những người tập aikido giàu kinh nghiệm, tôi đã kinh hãi trước "sức mạnh" đáng kinh ngạc của họ. Dường như không cần một chút cố gắng, nhưng họ vẫn phát ra 1 sức mạnh phi thường, chỉ một cái lắc tay nhẹ, tôi đã bay ra xa. Khi nắm lấy cổ tay họ, tôi cảm thấy một nguồn lực to lớn như đang chảy dồi dào trong cánh tay họ.
    Lúc đó, tôi choáng ngợp bởi sức mạnh này và đâm ra chán nản, dường như nó qua xa vời với tôi, khó có thể tin được một người bình thường như tôi sẽ đạt được thứ "quyền năng" ghê gớm này. May mắn thay, nó còn có sức hấp dẫn đặc biệt, kích thích trí tò mò và sự ham thích giúp cho tôi duy trì sự tập luyện.
    Đến nay thì tôi đã đủ tự tin để nói rằng năng lượng mạnh mẽ đó có được nhờ vận Khí. Trong quá trình học Aikido, giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nhất là chuyển từ dụng sức sang dụng Khí. Sự chuyển tiếp này thú vị ở chỗ là không có một phương pháp cụ thể nào để đạt được Khí cả. Một số huấn luyện viên nói rằng phải tập cách này cách kia để luyện khí. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy chuyện đó không chính xác. Khí tồn tại và có sẵn trong tự nhiên, trong vũ trụ, và trong chính bản thân chúng ta. Chẳng qua những luồng khí có sẵn đã bị tắc nghẽn chứ không phải chúng ta bị thiếu khí. Giống như nhiều lĩnh vực khác trong aikido, thử thách lớn nhất trong việc luyện khí không phải là học một cái gì mới mà chính là học cách loại bỏ những tập quán cũ. Chính những tập quán sẵn có này đã cản trở nhận thức của chúng ta về khí, xoá bỏ những chướng ngại vật này đi thì mới dụng khí có kết quả được.

    Sức mạnh chống lại Khí
    Những người mới tập Aikido, đặc biệt là những người có vóc dáng to khỏe, thường sử dụng sức mạnh hơn là Khí. Tuy nhiên, khi bạn dùng sức với một người tập aikido nhiều kinh nghiệm, hầu như bạn không bao giờ thành công. Đó là vì 2 lí do. Thứ nhất, bạn sử dụng sức mạnh cơ bắp để chống lại sức mạnh của Khí, mà không biết rằng, sức mạnh từ Khí có hiệu quả hơn sức mạnh cơ bắp rất nhiều. Thứ nhì, sức mạnh cơ bắp sẽ tạo ra một sự đấu tranh giằng co, và tạo cho uke cơ hội để chống trả lại chính bạn.
    Hãy hình dung bạn đang dùng đòn ikkyo để phòng thủ khi uke đánh shomenuchi. Giả sữ bạn dùng sức mạnh cơ bắp để thực hiện đòn đánh, ngay lập tức bạn đã tạo ra một "cái gì đó" để uke chống lại bạn. Phải có điều gì đó không đúng nên uke mới có thể chống trả lại bạn. Đó chính là bản chất của sức mạnh cơ bắp, mà nguyên lý của Newton đã chỉ rõ, với bất kì 1 lực nào, luôn luôn có 1 phản lực ngược chiều với nó
    Trái lại, Khí mang một tính chất hoàn toàn khác. Nó rất rõ ràng, uy lực và thuyết phục. Nó mạnh mẽ nhưng uyển chuyển như một luồng gió mạnh hay con sóng bạc đầu. Tác dụng của Khí hoàn toàn có thể cảm thấy được và thật khó để chống cự lại nó. Ai có thể chống lại sức mạnh của 1 ngọn sóng lớn hay ngăn cản 1 cơn gió to? Nó mang một sức mạnh phi thường, nhưng không ai có thể nắm giữ nó lại được

    Vậy Khí là gì?
    Vậy, chính xác Khí là gì? Khí là sức mạnh bạn có được khi không cần dùng đến sức mạnh cơ bắp, ý chí, sự tranh chấp hoặc nỗ lực. Vậy nếu không sử dụng đến sức mạnh cơ bắp, ý chí, sự tranh chấp hoặc nỗ lực, làm sao chúng ta luyện tập Khí? Đây là một bí ẩn mà bạn phải tự mình khám phá trong quá trình tập luyện. Bạn có thể tìm thấy câu trả lời trong chính cơ thể bạn. Cách tốt nhất để bắt đầu là hãy cố gắng không dùng sức mạnh, ý chí, tranh chấp hay nổ lực, để xem có hiệu quả không.

    Nghịch lý: Nếu không hiệu quả, hãy cố gắng ít hơn
    Nguyên lý căn bản của Aikido hoàn toàn trái ngược với những nhận định, kiến thức thông thường. Bạn thường nghe: "Phải cố gắng hết sức mình, thì mới phát huy hết sức mạnh". Với Aikido, mọi chuyện đều ngược lại: "Để phát huy hết sức mạnh, bạn cố gắng càng ít càng tốt".
    Lí do là vì chúng ta thường "cố gắng hết sức mình" bằng cách căng thẳng nỗ lực. Nhưng cách này sẽ tạo ra một "phản lực", một sự phản kháng và đánh bại chính chúng ta. Bằng cách "ít cố gắng", chúng ta thả lỏng cơ thể và để 1 lực lượng kì diệu làm thay cho chúng ta. Lực lượng diệu kì đó chính là Khí.
    Khí bắt đầu với 1 trạng thái hoàn toàn thư giãn. Thư giãn chính là điều tối quan trọng trong việc luyện tập dẫn dắt khí. Những cơ bắp gồng cứng, những nắm đấm nắm chặt sẽ cắt đứt sự lưu chuyển Khí. Đó cũng chính là lí do mà nage thường đợi đến những thời điểm cuối cùng mới "nắm tay" của uke. Nắm, chụp sẽ cắt đứt sự lưu chuyển Khí. Đa số đòn thế chúng ta nghĩ phải nắm, chụp lấy tay uke, đều có thể thực hiện được mà không cần phải nắm hay chụp.
    Bạn cần phải hiểu rằng, lúc luyện tập, nếu bạn thư giãn, bạn sẽ không cần đến sức lực cơ bắp, nổ lực và sự tranh đấu nữa, thay vào đó là một lực lượng kì diệu. Nếu bạn biết trước như vậy, bạn có thể để ý tìm nó. Lúc đầu, bạn sẽ chỉ cảm thấy sau khi nó đã xảy ra, dần dần bạn sẽ cảm nhận được ngay trong lúc tập. Cứ sau mỗi lần cảm thấy nó, bạn sẽ càng vững tin vào sức mạnh kì diệu của nó, và dần dần không cần dùng đến sức mạnh, ý chí, nổ lực và sự tranh đấu nữa.
    Khi bạn đã hiểu được và có thể dẫn dắt Khí của bạn và của cả uke, bạn đã vượt ra khỏi giới hạn của cơ thể và bước vào thế giới của năng lượng. Bạn bắt đầu cảm nhận được năng lượng của chính bạn và của uke. Đây thực sự là 1 khám phá hết sức mới mẽ và đột phá. Chúng ta đều đã rất quen thuộc khi nhìn sự vật dưới con mắt vật chất và vì vậy những phản ứng, hành động của chúng ta dường như đã được lập trình thành những thói quen khó bỏ. Rất ít người có được sự khám phá về năng lượng này. Chính sự khám phá mới mẻ này sẽ giúp chúng ta trút bỏ được những phản ứng theo thói quen và tiếp nhận sự việc theo 1 cách mới hơn.
    Đây là 1 ví dụ đơn giản, giả sử như uke của tôi là 1 anh chàng to lớn, lực lưỡng, và tôi phải di chuyển anh ta. Tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều, nhưng nhiều khả năng tôi sẽ thất bại. Đó chỉ là 1 kết luận theo bản năng, dựa trên kinh nghiệm là người to hơn khỏe hơn sẽ thắng. Và nếu tôi đương đầu anh chàng này với tâm lí và suy nghĩ như vậy, tôi đã bị đánh bại ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu tôi không nghĩ anh ta là 1 đống 220 pounds thịt và cơ bắp, mà cũng chỉ đơn giản là 1 nguồn năng lượng, giống như tôi, tự nhiên, tôi sẽ tự tin hơn và có nhiều giải pháp hơn.

    Di chuyển năng lượng của uke dễ hơn di chuyển cơ thể anh ta nhiều.
    Trong 1 cuộc tranh đấu bằng vũ lực và cơ bắp, nếu các yếu tố khác đều ngang bằng, cơ bắp ai mạnh hơn sẽ thắng. Tuy vậy, trong thế giới bao la của Khí, sức mạnh cơ bắp chỉ là chuyện nhỏ. Bạn phải di chuyển năng lượng của uke, chứ không phải là chính cơ thể vật chất của anh ta. Năng lượng có thể hiểu là tư tưởng, ý định hay Khí. Điều đó có nghĩa là, để ảnh hưởng lên năng lượng của uke, bạn gây ảnh hưởng lên tư tưởng, ý định và Khí của anh ta.

    Vật chất theo sau năng lượng
    Có 1 sự liên kết chặt chẽ giữa vật chất và năng lượng. Vật chất luôn theo sau năng lượng. Nói cách khác, nếu bạn kiểm soát được năng lượng uke, cơ thể anh ta sẽ rất dễ dàng bị di chuyển. Nếu bạn dẫn dắt tư tưởng (hoặc Khí) của uke, cơ thể anh ta sẽ theo sau ngoan ngoãn như 1 chú rối.
    Kiểm soát và dẫn dắt Khí là 1 hình thức cao hơn của Kết nối, kết nối với năng lượng của uke mà không cần thiết phải chạm vào anh ta.

    Làm sao để dẫn dắt Khí

    Ở đây, chúng ta sẽ chỉ có thể chạm đến bề nổi của vấn đề, bạn sẽ phải tìm ra câu trả lời đích thực qua thực tiễn tập luyện và kinh nghiệm.
    Một cách tập hiệu quả là bạn hãy bắt đầu vào đòn trước khi uke thực sự chạm đến bạn. Ví dụ, nếu uke định nắm lấy cổ tay bạn, và bạn chờ cho đến khi cổ tay mình bị nắm mới thực hiện động tác quay người ném, bạn sẽ khó khăn đến dường nào. Thay vào đó, bạn hãy thử xoay người và ném ngay trước khi anh ta thực sự nắm được cổ tay bạn, bạn sẽ dẫn dắt được năng lượng của anh ta. Để nắm được cổ tay bạn, nếu bạn đã di chuyển, uke sẽ phải chạy theo bạn. Nếu anh ta thực sự muốn nắm lấy tay bạn, bạn sẽ dễ dàng dẫn dắt Khí của anh ta bằng cách di chuyển vừa đủ để thoát khỏi tầm nắm. Và như vậy bạn đã dẫn dắt uke vào bất cứ đòn thế Aikido nào bạn muốn.
    Rõ ràng, việc xác định đúng thời điểm là hết sức quan trọng . Nếu bạn xoay người đi quá sớm trước khi anh ta tung ra hết đòn tấn công, uke có thể dễ dàng bỏ đi đòn tấn công đó và thay bằng 1 đón khác hoặc đơn giản hơn, anh ta tấn công bạn lại từ đầu. Tuy nhiên nếu bạn làm quá chậm, và để uke nắm lấy tay mình, bạn đã đánh mất sự lợi thế để dẫn dắt.
    Dẫn dắt Khí cũng có thể giúp bạn ảnh hưởng lên cách tấn công của uke. Chúng ta vẫn thường nói về việc giả lộ ra sơ hở để dẫn dụ uke tấn công vào đó. Nếu bạn chìa tay ra "mời gọi" uke, đó sẽ trở thành 1 mục tiêu dễ dàng cho uke nhắm đến hơn là khi bạn không để lộ ra sơ hở nào. Bằng cách cố tình tạo điều kiện cho uke tấn công bạn, bạn đã dẫn dụ anh ta làm đúng như bạn mong muốn. Nói cách khác, bạn đã biết trước uke sẽ tấn công bằng cách nào, vì bạn đã tạo cho anh ta 1 cơ hội không thể bỏ qua. Điều này là 1 lợi thế vô cùng lớn cho bạn, yếu tố bất ngờ trong đòn tấn công của uke sẽ mất đi. Nếu bạn có thể dẫn dắt đòn đánh, bạn biết trước uke sẽ làm gì và kết thúc như thế nào. Tuy nhiên, 1 lần nữa, bí quyết của việc dẫn dắt Khí chính là chọn thời điểm.

    Vì vậy Việc dẫn dắt Khí giúp bạn quyết định đòn tấn công của uke.
    Hiệp khí vi thượng sách.

  5. #5
    Senior Member
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    258
    Thanks
    4
    Thanked 5 Times in 3 Posts
    Phần Khí của anh Levan dịch cũng hay quá, bỏ đi thật tiếc, để ở đây cho mọi người coi chơi, còn lúc đem ra ngoài thì tùy "tổng biên tập" quyết định vậy.
    Hiệp khí vi thượng sách.

  6. #6
    Senior Member
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    258
    Thanks
    4
    Thanked 5 Times in 3 Posts
    Đã bổ sung phần kỹ thuật còn lại của anh Levan.
    Hiệp khí vi thượng sách.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •