Trang 4 của 5 Đầu tiênĐầu tiên ... 2345 CuốiCuối
Kết quả 31 đến 40 của 45

Chủ đề: Cơ sở võ học của AIKIDO

  1. #31
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts
    3.9 Quan niệm Khí trong AIKIDO

    Quan niệm khí trong AIKIDO có phần giống quan niệm khí trong khí công do văn hóa Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Trung Quốc.

    - Giải thích của Tổ sư về Khí thường sâu xa và khó hiểu, đặc biệt đối với những người hiện đại. Một số người cố gắng theo đúng những gì Người nói còn một số khác không xem đó là điều quan trọng. Một đôi khi Tổ sư giảng giải tất cả về Khí rồi đột nhiên mỉm cười và nói: “Nó tỏa ra từ Thượng Đế”. (Best Aikido – The Fundamentals, Kisshomaru & Moriteru Ueshiba).

    - Quan niệm Phương Đông cho rằng từ lúc khai thiên lập địa, Vũ Trụ là một mớ hỗn độn. Dần dần mớ hỗn độn đó sắp đặt lại thành Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao. Chúng ta gọi tình trạng hỗn độn trước khi định hình Vũ Trụ là Khí. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng vật chất có nguồn gốc từ Khí. (AIKIDO: The Co-ordination of Mind and Body for Self-defense, Koichi Tohei).

    - Khí là hiện thân của sức mạnh tinh thần. Chính sức mạnh tinh thần đã cuốn chặt các chuyển động của đối phương vào trong chuyển động của ta qua những phản ứng tự nhiên và vô thức. Những phản ứng này xảy ra được nhờ sự hòa hợp trong một tinh thần vững vàng. (Aikido, Kisshomaru Ueshiba).

    - Khí biểu hiện khi thực hiện các đòn thế Aikido chính là sự tổng hòa của các thành phần: tư thế, tầm chủ lực, hô hấp, xuất lực đúng thời điểm, vân vân, khiến cho ta ở vào một trạng thái thăng bằng hoàn hảo nhất. (Total Aikido – The master course, Gozo Shioda).

    - Mục đích của Aikido là làm cho con người mạnh mẽ bằng cách khơi dậy năng lực tự nhiên của họ, làm cho họ khỏe mạnh cả thể xác lẫn tinh thần. Trong Aikido, chúng ta không phân tách giữa thể xác và tinh thần, hợp nhất chúng trong hành động như một thực thể duy nhất. Và từ trung tâm của thực thể hợp nhất đó, dòng Khí vô hạn sẽ sinh ra và tuôn chảy ra như dòng sinh chất. (Best Aikido – The Fundamentals, Kisshomaru & Moriteru Ueshiba).

    - Khí được diễn giải như là “linh hồn”, “năng lượng”, “thành phần thiết yếu của sự sống”, “sức mạnh của sự sống” hoặc “năng lượng toàn vũ”. (Aikido Basics, Đặng Thông Phong & Lynn Seiser).

    Chúng ta nhận thấy rằng đa phần các quan niệm trên đều là những quan niệm siêu hình về Khí, cho rằng Khí là một lực lượng vô hình có sức mạnh lan tỏa và là nguồn gốc của sự phát triển, kể cả sự sống. Cơ sở của những quan niệm này là tư tưởng triết học cổ đại của Trung Quốc (thuyết Âm Dương, thuyết Ngũ Hành). Theo đó, nguồn lực đã hình thành và làm cho vũ trụ vận động, làm hình thành sự sống và duy trì sự sống chỉ là một và được khái quát hóa thành khái niệm Khí, cho phép người xưa có được một cách giải thích hợp lý về thế giới, về vũ trụ.

    Những quan niệm siêu hình về Khí như vậy đã khiến cho Khí trở thành một khái niệm bí ẩn, mơ hồ. Thực tế các võ sinh AIKIDO thường lúng túng và khắc khoải trong suốt quá trình tập luyện bởi lẽ ẩn tàng trong môn võ luôn hàm chứa khái niệm Khí nhưng trong thực tế thì không rõ có tồn tại khí hay không, nếu có thì khí thật sự là gì và nó được biểu hiện như thế nào trong các đòn thế.

    Kết quả là đa số các hệ phái AIKIDO hiện nay hoàn toàn không đề cập gì đến khí mà chỉ chú trọng vào các đòn thế; một số rất ít hệ phái có bàn luận về khí nhưng xem chừng cũng không chứng tỏ được ưu việt về khí của mình so với các hệ phái khác. Trong thực tế nhiều võ sư AIKIDO phải luyện tập thêm một môn khí công với mục đích tăng cường khí lực, hỗ trợ thêm cho quá trình luyện tập AIKIDO.

    Vậy nếu cho rằng khí có tồn tại, liệu có một cách giải thích khác về nó hay không? Chúng ta sẽ thử giải đáp những câu hỏi này từ một quan điểm hiện đại hơn trong phần sau.

  2. The Following 2 Users Say Thank You to BMTD For This Useful Post:


  3. #32
    Administrator
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    730
    Thanks
    0
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi BMTD
    Khi cơ co, phần giữa của cơ (phần thịt) sẽ ngắn lại và phồng to lên (thí dụ như bắp chuột ở cánh tay mà bên y khoa gọi là cơ nhị đầu cánh tay), kéo đầu xa hướng về phía đầu gần và như vậy sinh ra một lực có phương là chiều co của cơ, làm cho xương ở xa chuyển động xoay quanh khớp hướng về phía xương ở đầu gần.
    http://www.yourdictionary.com/triceps.

    Sao gọi là cơ nhị đầu, cơ ba đầu nhỉ ?

  4. #33
    Administrator
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Đang ở
    Montreal Canada
    Bài viết
    2,533
    Thanks
    134
    Thanked 156 Times in 114 Posts
    Khg hiểu chi mô Ngdalat nói??? Tiếng Ziệt là gì hỉ?

    Chờ đọc bài tiếp của anh BMTD về khí! Trong aikido có nhiều cách tập khí, và mỗi nơi, hay môn phái dạy khác nhau. Ngươì tập thì khg thấy tiến bộ, nhưng khi đánh đòn thì uke cảm nhận khác biệt.
    khi tập với các bạn tập võ cương như Karate, thì thấy ọ dùng sức nhiều chứ khg có khí.
    Aiki

    Pain is the best instructor, but no one wants to go to his class...
    Khg có gì nguy hiểm hơn là võ miệng

  5. #34
    Administrator
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Bài viết
    730
    Thanks
    0
    Thanked 3 Times in 3 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi aiki Xem bài viết
    Khg hiểu chi mô Ngdalat nói??? Tiếng Ziệt là gì hỉ?
    hì hì! NgDalat đâu nói chi mô. Tiếng việt là cơ nhị đầu, cơ ba đầu như trong bài của BMTD. Chắc tác giả dịch phóng từ tiếng anh triceps, biceps
    NgDaLat
    Nhớ ơn các bậc sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ

  6. #35
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi NgDaLat Xem bài viết
    hì hì! NgDalat đâu nói chi mô. Tiếng việt là cơ nhị đầu, cơ ba đầu như trong bài của BMTD. Chắc tác giả dịch phóng từ tiếng anh triceps, biceps
    Thuật ngữ giải phẫu học gọi là cơ nhị đầu cánh tay (biceps brachii), cơ tam đầu cánh tay (triceps brachii). Khi trao đổi hàng ngày với nhau, các bác sỹ thường nói đơn giản là cơ nhị đầu và cơ tam đầu. Tôi không thấy ai gọi là cơ hai đầu, cơ ba đầu mặc dù nói như thế ai cũng hiểu.

    Cơ nhị đầu nằm ở mặt trước cánh tay (ta thường gọi là con chuột hoặc bắp chuột) với nhiệm vụ chính là gập cẳng tay vào cánh tay. Cơ tam đầu nằm ở mặt sau cánh tay với nhiệm vụ chính là duỗi cẳng tay.

    Sao gọi là cơ nhị đầu, cơ ba đầu nhỉ ?
    Các cơ giúp chúng ta vận động, đi lại thường có 2 đầu tận (end) mà trong giải phẫu học người ta gọi là nguyên ủy (origin) và bám tận (insert).

    - Nguyên ủy của cơ nhị đầu cánh tay có 2 điểm bám riêng biệt gọi là 2 đầu (head); mỗi đầu là một sợi gân (tendon) chạy từ vùng vai đi xuống, hình thành 2 bó cơ rồi nhập vào nhau thành cơ nhị đầu rồi bám tận ở xương trụ dưới cẳng tay.

    - Tương tự, nguyên ủy của cơ tam đầu cánh tay có 3 điểm bám riêng biệt gọi là 3 đầu.

    Trong bài viết tôi tránh đề cập nhiều thuật ngữ chuyên ngành vì có thể làm nhiều người bối rối.

    PS: Cám ơn anh NgDaLat đã đặt câu hỏi.

  7. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  8. #36
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts
    3.10 Một quan niệm khác về Khí

    Như chúng ta đã thấy trong phần trước, các quan niệm về khí trong Đông y, khí công và võ AIKIDO đa phần đều là những quan niệm siêu hình. Theo đó, người luyện tập AIKIDO không biết rõ khí là gì, khi tập luyện các đòn thế thì vận khí ra sao vì các môn võ Trung Quốc đều có những bài luyện tập khí công. Trong phần này chúng ta thử đi tìm một câu trả lời có tính thực tiễn hơn.

    Từ những quan niệm về khí trong dân gian, trong khí công và trong AIKIDO đã trình bày ở phần trước, chúng ta thấy có các ý niệm chính về khí:

    1. Khí là môi trường nuôi dưỡng sự sống. Theo ý này, khí chính là không khí, cung cấp dưỡng khí để nuôi dưỡng các sinh vật trên trái đất. Vì vậy, không có khí thì không có sự sống; khí đi liền với hô hấp, ngưng thở có nghĩa là chết.

    2. Từ ý niệm khí theo nghĩa đen ở trên, khí được hình dung như một dòng chảy vô hình trong cơ thể người, cung cấp năng lượng và sức mạnh cho sinh vật hoạt động. Chúng ta có thể dùng ý (tư tưởng) để vận chuyển khí trong cơ thể thông qua các phương pháp luyện ý, dẫn khí trong khí công.

    3. Khái quát hóa hơn, khí là động lực làm vũ trụ vận động và phát triển, tạo ra các hiện tượng trong vũ trụ. Chúng ta có thể thu hút nguồn lực của khí này vào trong cơ thể thông qua các phương pháp luyện thở trong khí công.

    Với nhận định đó, chúng ta có thể quy kết ba ý niệm của khí thành các khái niệm cụ thể như sau, đó là:

    1. Các chất khí có sẵn trong không khí tham gia vào quá trình sống (khí ô-xy, khí các-bô-níc). Trong quá trình sống, các tế bào cần phải sử dụng khí ô-xy (dưỡng khí) để đốt cháy các chất, sinh ra năng lượng và khí các-bô-níc (thán khí). Trong quá trình tuần hoàn, máu vận chuyển dưỡng khí đến tế bào và nhận thán khí chuyển về phổi. Thông qua quá trình hô hấp tại phổi, thán khí được thải ra ngoài và máu lại lấy dưỡng khí từ không khí đưa vào. Khả năng dự trữ khí ô-xy trong cơ thể nói chung không lớn lắm nên để duy trì sự sống, chúng ta luôn phải hít thở (hô hấp). Thiếu ô-xy trong vài phút là chết não, do vậy ngừng thở là chết.

    2. Xung động thần kinh. Y học hiện đại đã chứng minh hệ thần kinh đóng vai trò điều khiển toàn bộ hoạt động của tất cả các cơ quan khác trong cơ thể. Cơ chế hoạt động về cơ bản như sau: (1) Các cơ quan cảm giác ghi nhận các tín hiệu từ môi trường rồi báo hiệu cho não biết nhờ vào các xung động thần kinh lan truyền qua đường thần kinh cảm giác, (2) Não ghi nhận, phân tích, tổng hợp; (3) Não phát ra các xung động thần kinh truyền qua đường thần kinh vận động đến các cơ quan vận động (gân, cơ). Do vậy,

    - Tình trạng tâm lý hoặc sức khỏe biểu lộ ra ánh mắt, nét mặt, lời nói, cử chỉ và có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi nóng giận, một người có thể nói ra những điều xúc phạm đến ta và có thể khiến ta nổi giận. Nếu ta vẫn giữ được hòa khí và bình tĩnh thì có thể làm đảo ngược tình hình, tránh được các xung đột.

    - Luyện khí công có thể được xem như một phương pháp rèn luyện khả năng điều khiển của não (dẫn ý, dẫn khí). Bằng cách luyện thở và tưởng tượng đang dẫn khí qua các đường kinh mạch, não điều khiển quá trình thu nhận dưỡng khí và thải thán khí ở phổi, kiểm soát khả năng giãn nỡ có chủ ý các mạch máu để đưa máu nhiều hơn đến những nơi mong muốn. Võ sư Tohei trong một tài liệu gần đây dẫn giải về phương pháp thở bằng khí (Ki-Breathing) của mình cũng giải thích tương tự.

    3. Các quy luật tự nhiên. Với quan niệm Khí là động lực hình thành nên vũ trụ, động lực làm cho nó vận động và phát triển như chúng ta đã quan sát thấy thì Khí ở đây chính là những quy luật tự nhiên mà con người đã khám phá ra trong suốt chiều dài lịch sử của loài người.

    Dựa theo cách giải thích này, chúng ta thử trả lời những câu hỏi đã được đặt ra ở cuối phần trước.

    - Có tồn tại Khí hay không? Nếu có thì thật sự Khí là gì?

    Có. Nhưng không phải dưới dạng một loại năng lượng vô hình, siêu hình. Khí chính là nguồn dưỡng khí chúng ta hít thở để có thể sống và hoạt động; Khí chính là dòng tư tưởng đã tạo ra luồng thần kinh kiểm soát các hoạt động của cơ thể và chính là các quy luật khách quan của tự nhiên mà chúng ta dù biết hay không biết cũng phải tuân theo.

    - Vận dụng Khí ra sao trong các đòn thế?

    Nói ngắn gọn, phải hiểu rõ các quy luật khách quan trong tự nhiên như đã được phân tích ở các chương trước và vận dụng chúng trong suốt quá trình luyện tập AIKIDO. Việc vận dụng sẽ được cụ thể hóa trong các nguyên lý và nguyên tắc thực hành AIKIDO.

    Trên quan điểm đó, mỗi đòn thế AIKIDO đều là một bài luyện khí công, tương tự như những bài quyền trong Thái Cực Quyền. Người võ sinh AIKIDO khi thực hiện các đòn thế cần vận dụng đúng các quy luật về lực, quy luật về chuyển động, về thăng bằng, quy luật sức mạnh tối ưu của các cơ và của cơ thể, … một cách có chủ ý, “Dụng ý bất dụng lực”. Khi đó, với sự luyện tập đều đặn và bền bỉ, các chiêu thức trong một đòn thế hoàn toàn hòa nhập, ăn khớp với nhau, từng thớ cơ trong cơ thể được điều khiển chính xác, cho phép người võ sinh có thể kiểm soát được các đòn thế, cảm thấy như trong cơ thể mình có một dòng khí mạnh mẽ tuôn chảy, tạo ra một sức mạnh khiến bản thân chúng ta hết sức bất ngờ.

    Nếu các bạn đã trải nghiệm được điều này thì khi đọc lại những diễn giải về khí của các võ sư AIKIDO đã trích dẫn ở những bài viết trước, chúng ta thấy rằng những điều họ nói hoàn toàn chính xác.

    PS: Một số người vẫn xem AIKIDO và Thái Cực Quyền là một môn khí công thuộc trường phái nội công.
    Last edited by BMTD; 03-09-2012 at 08:44 PM.

  9. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  10. #37
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts
    3.11 Quan niệm về Đan điền

    Người ta còn cho rằng vùng dưới rốn là nguồn gốc của khí trong cơ thể và gọi vùng đó là đan điền. Vị trí chính xác của đan điền không được xác định rõ; các võ sư Aikido thường cho là nằm dưới rốn khoảng 5cm.

    Chúng ta cần biết rằng hông eo là vùng nối giữa chi dưới (chân) với thân mình và là bệ đỡ để cho toàn bộ thân mình tựa vững trên 2 chân. Vì vậy, các cơ vùng hông eo đa phần đều là các cơ rất khỏe để giữ cho cơ thể vững vàng ở tư thế đứng thẳng và chịu được sức nặng của toàn cơ thể. Theo đó,

    - Nếu giữ vững sao cho trọng tâm luôn nằm ở vùng hông eo, nhất là ở trung tâm của vùng này, thì chúng ta không bị mất thăng bằng. Điểm trung tâm này hầu như luôn nằm giữa 2 chân nên rất ít khi rơi ra khỏi mặt chân đế. Nếu bỏ qua các quan niệm siêu hình về đan điền và khí thì điểm trung tâm của vùng hông eo chính là đan điền.

    - Khi ra lực, nếu kiểm soát được các cơ vùng hông eo sao cho cơ thể tựa vững vào vùng này thì lực phát ra rất mạnh và chúng ta có cảm giác như lực xuất phát từ đan điền mà nhiều võ sư mô tả là khí cuộn chảy từ đan điền tuôn trào thành sức mạnh ở tay hoặc chân (đá).

    PS: Một trong những công phu tuyệt đỉnh của Aikido là giữ cho trọng tâm luôn nằm ở đan điền, ngay cả trong lúc di chuyển. Theo các võ sư Aikido, bí quyết để đạt được công phu này nằm ở khả năng hòa hợp giữa tinh thần và thể xác như chúng tôi có nêu trong Nguyên lý tâm-thể hiệp nhất (xem ở những bài viết sau “Nguyên Lý Aikido và nguyên tắc thực hành”). Tuy nhiên vấn đề còn tranh luận là sử dụng phương pháp luyện tập nào để đạt được khả năng hòa hợp này. Một số võ sư cho rằng cứ luyện tập bền bỉ các đòn thế Aikido, đến một lúc nào đó sẽ tự khắc đạt được công phu này (Moriteru Ueshiba, Chưởng môn hệ phái Aikido chính tông Aikikai); một số võ sư khác lại cho rằng cần phải luyện tập khả năng này bằng phương pháp thở misogi, thở bằng khí hoặc khí công. Quan niệm này là nền tảng cho hệ phái Ki-Aikido của võ sư Koichi Tohei.

    Xin trích dẫn một câu nói khuyết danh:

    “AIKIDO không thiếu những tuyệt đỉnh công phu, chỉ hiềm nỗi công phu AIKIDO của ta chưa tuyệt đỉnh.”
    Last edited by BMTD; 03-11-2012 at 05:25 AM.

  11. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  12. #38
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Tóm tắt Chương 3. Cơ sở y học phương Đông

    Ở góc độ võ học, chúng ta cần ghi nhớ những điểm sau:

    - Lý luận của y học phương Đông dựa trên cơ sở các học thuyết về vũ trụ trong triết học cổ đại của Trung Quốc: Khí, Âm Dương, Ngũ Hành.

    - Hệ thống kinh mạch nối liền các phủ tạng với nhiệm vụ dẫn chuyển khí thông suốt trong cơ thể. Trên các đường kinh và mạch có các huyệt nằm nông ở da đóng vai trò như các trạm giúp khơi thông các dòng khí trong kinh mạch.

    - Châm cứu, xoa bóp, cạo gió, day huyệt, ấn huyệt, … là các phương pháp khơi thông dòng khí đã được sử dụng từ vài ngàn năm trước ở phương Đông.

    - Luyện khí công là phương pháp dùng ý để kiểm soát khí: thu hút khí từ trời đất thông qua các huyệt, vận chuyển khí qua các đường kinh mạch và cất trữ khí ở đan điền.

    - Quan niệm khí và đan điền trong AIKIDO tựu chung vẫn là quan niệm đã có từ lâu trong khí công.

    - Từ một quan điểm khoa học hơn, chúng ta có thể xem khí chính là dưỡng khí có trong không khí, được cơ thể hấp thụ và vận chuyển theo dòng máu đến các vùng cơ thể. Khí cũng chính là các luồng thần kinh kiểm soát các hoạt động giãn nở mạch máu và vận động của các cơ. Ngoài ra khí còn là các quy luật tự nhiên vận hành vũ trụ như chúng ta đã thấy.

    - Đan điền là điểm trung tâm của vùng hông eo. Vùng này là vùng nối của thân với chi dưới và làm bệ đỡ cho toàn thân tựa trên chi dưới. Đan điền hầu như không bao giờ rơi ra khỏi mặt chân đế. Do vậy luyện tập để giữ trọng tâm tại đan điền là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình tập luyện AIKIDO.

  13. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  14. #39
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Chương 4. Nguyên lý võ học AIKIDO và nguyên tắc thực hành

    AIKIDO là một môn võ nhu. Và cũng giống như các môn võ nhu khác, luận điểm chính của AIKIDO là “Lấy nhu thắng cương”. Nghe qua quả là tuyệt diệu và thật hấp dẫn.

    Thế nhưng không ai có thể chối cãi được lợi thế hiển nhiên của sức mạnh mà theo cách hiểu trực quan nhất là sức mạnh cơ bắp. “Cương” biểu thị sức mạnh cơ bắp. Và để “nhu” có thể khắc chế được “cương”, “nhu” phải sử dụng đến một loại sức mạnh khác, đó là sức mạnh của tinh thần, của trí tuệ, của kỹ thuật.

    Sức mạnh này được xây dựng dựa trên các nguyên lý võ học AIKIDO, đó là những luận điểm có tính chất triết lý làm cơ sở để chúng ta đề ra các nguyên tắc thực hành cho quá trình tập luyện các đòn thế AIKIDO. Một khi đã hiểu rõ được các nguyên tắc này, mỗi võ sinh AIKIDO có thể tìm ra được một cách đánh hiệu quả nhất phù hợp với sở trường của mình trong những tình huống khác nhau. Khi đó, các đòn thế AIKIDO đã thiên biến vạn hóa, luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ nên có thể đạt được hiệu quả tối ưu.

    Trong chương này, trước tiên chúng ta sẽ thảo luận về 4 nguyên lý võ học AIKIDO:

    1. Nguyên lý tự nhiên
    2. Nguyên lý tâm-thể hiệp nhất
    3. Nguyên lý hiệp khí
    4. Nguyên lý biến dịch

    Sau đó chúng ta sẽ đưa ra 6 nguyên tắc thực hành

    1. Nguyên tắc an toàn
    2. Nguyên tắc chuyển động
    3. Nguyên tắc thăng bằng
    4. Nguyên tắc điều vận khí
    5. Nguyên tắc khóa khớp
    6. Nguyên tắc ứng biến

    PS: Sau khi hoàn tất chương này, nếu có thời gian tôi sẽ trình bày về các đề tài có tính thực tiễn hơn như Thân pháp trong AIKIDO và Đấu pháp của AIKIDO. Khi đó, tôi hy vọng sẽ có nhiều người cùng tham gia trao đổi và thảo luận. Kinh nghiệm thực tiễn phong phú của nhiều người sẽ là những bài kiểm tốt nhất cho những lập luận đã được nêu ra ở đây. Xin cám ơn.

  15. The Following 2 Users Say Thank You to BMTD For This Useful Post:


  16. #40
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Nguyên lý võ học AIKIDO

    4.1 Nguyên lý tự nhiên

    Tự nhiên có những quy luật vốn có của nó, không do con người tạo ra. Con người sinh ra trong thế giới tự nhiên nên không thể phá hủy được những quy luật đó. Võ sư Koichi Tohei có lần đã nói rằng: “Cách duy nhất để bảo đảm mình hiểu biết đúng là tránh bị lôi cuốn vào những sự kiện của thế giới tương quan này; thay vào đó chúng ta cần phải thuận theo những nguyên lý phổ quát của Trời Đất. Khi sử dụng như các chuẩn mực đánh giá, những gì thuận theo các nguyên lý phổ quát của Trời Đất thì được xem như là đúng, những gì trái với chúng được xem như là sai.” (Exclusive Interview with Koichi Tohei, Aikido Journal #107)

    Quan niệm Phương Đông xem Trời, Đất và vạn vật là Vũ Trụ, đồng hóa Vũ Trụ với Tự Nhiên. Ở một mức độ nào đó họ vẫn xem Trời là Đấng Tối Cao hay Thượng Đế, vì thế các quy luật của Tự Nhiên được xem như Lẽ Trời. Con người là một sinh vật sống trong Tự Nhiên, vì vậy phàm làm việc gì cũng phải thuận theo Lẽ Trời. Tư tưởng này nhuốm màu sắc triết học và tôn giáo, có ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh quan của Tổ sư và nhiều thế hệ võ sinh Aikido. Khi loại bỏ màu sắc triết học và tôn giáo, đây chính là tư tưởng khoa học. Nhà khoa học là những người đi tìm hiểu và khám phá các quy luật của vũ trụ, của tự nhiên. Và những người khác, các kỹ sư, các thợ lành nghề, vận dụng sáng tạo các quy luật tự nhiên để làm thay đổi cuộc sống của con người, làm cho xã hội con người ngày càng tiến bộ, văn minh hơn.

    Nguyên lý tự nhiên đề cập đến tự nhiên và các quy luật tự nhiên, khẳng định rằng mọi đòn thế trong Aikido đều phải tuân theo các quy luật tự nhiên. Đây chính là nguyên lý tối thượng, có tính phổ quát và bao trùm các nguyên lý còn lại. Với quan điểm như vậy, chúng ta có thể khẳng định ngược lại rằng, mọi thứ không tự nhiên đều không phải là Aikido.

    Thế thì đâu là điểm phân biệt giữa những gì tự nhiên và những gì không tự nhiên. Quy tắc kim chỉ nam là: “Khi thực hiện các đòn thế Aikido, hãy để cho cơ thể chúng ta mách bảo. Những gì chúng ta cảm thấy đơn giản, dễ thực hiện, dễ thích ứng là tự nhiên; những gì chúng ta cảm thấy gượng gạo, lúng túng, bất cập đều là không tự nhiên.”

    Với nguyên lý này, người võ sinh Aikido cần nhớ rằng bản thân họ chính là người phải xây dựng nên võ công Aikido của riêng họ. Bằng cách nghiên cứu, lắng nghe, quan sát, phân tích, thảo luận về võ học Aikido với các võ sư, với các bạn đồng môn trên tinh thần cởi mở, cầu thị, người võ sinh Aikido sẽ hiểu rõ hơn các quy luật tự nhiên và biết cách vận dụng chúng vào trong công phu Aikido của mình.

    Chúng tôi xin nêu một thí dụ. Theo cảm nhận thông thường, chúng ta cho rằng phải gồng mạnh khi thực hiện các đòn thế. Võ sư Tohei cho rằng làm như thế là trái với quy luật tự nhiên. Khi cơ thể gồng cứng, chúng ta không còn linh hoạt, uyển chuyển để đối ứng với các chuyển động của đối thủ. Phải giữ cho cơ thể tự nhiên, không gồng cứng với một tinh thần bình tĩnh, sẵn sàng đối phó với các động thái và biến chuyển bất ngờ. Trạng thái cơ thể tự nhiên, như chúng tôi đã nói trong Chương 2, là trạng thái trương lực cơ, không phải buông lỏng cũng không phải gồng cứng; chỉ xuất lực khi cần quăng ngã hoặc khống chế đối thủ.

  17. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


Trang 4 của 5 Đầu tiênĐầu tiên ... 2345 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •