Trang 3 của 5 Đầu tiênĐầu tiên 12345 CuốiCuối
Kết quả 21 đến 30 của 45

Chủ đề: Cơ sở võ học của AIKIDO

  1. #21
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Tóm tắt Chương 2. Cơ sở y học phương Tây

    Ở góc độ võ học, chúng ta cần ghi nhớ những điểm sau:

    - Khớp vai có biên độ rất rộng ở phía trước nhưng khá hạn chế ở phía sau, nhất là khi cùi chỏ (khuỷu) bị gập lại (khóa ngang khớp khuỷu).

    - Sấp ngửa là động tác của cẳng tay nhưng có ảnh hưởng đến cánh tay và cổ tay do cẳng tay nằm giữa. Các khóa Nikyo, Sankyo và Kote gaeshi có liên quan đến sấp ngửa và gập duỗi cổ tay.

    - Chi trên mạnh nhất khi cẳng tay ở tư thế hơi gập. Do vậy chỉ nên ra đòn khi cẳng tay đã chuyển sang tư thế này.

    - Tầm chủ lực là khoảng không gian chúng ta kiểm soát các động tác tốt nhất, đặc biệt là các động tác của chi trên.

    - Đừng ra đòn khi chi trên đang ở vùng nhược thế vì chúng ta có thể bị làm mất thăng bằng và té ngã.

    - Trương lực cơ là trạng thái cân bằng bền của cơ. Hiện tượng "cánh tay không bẻ được" là do các cơ chi trên được duy trì ở trạng thái trương lực.

    - Hệ thống tiền đình trong tai là cơ quan "đo đạc" tư thế và thăng bằng của cơ thể. Làm nghiêng đầu đột ngột về một bên gây ra phản xạ thả lỏng các cơ vùng thân của bên bị nghiêng và co cứng các cơ vùng thân bên đối diện.

    - Hệ thống thần kinh kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ thể bằng cách nhận các tín hiệu (bên trong và bên ngoài) do các thụ thể cảm giác truyền về theo đường thần kinh cảm giác, xử lý chúng (tín hiệu) và ra lệnh cho các cơ hoạt động theo đường thần kinh vận động.

    - Chức năng của hệ thần kinh bao gồm chức năng vận động (chủ ý) và chức năng thực vật (tự động). Khí công là một phương pháp luyện tập nhằm gián tiếp điều khiển chức năng thần kinh thực vật thông qua chức năng vận động.
    Last edited by BMTD; 02-18-2012 at 02:48 PM.

  2. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  3. #22
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Chuơng 3. Cơ sở y học phuơng Đông

    Y học phuơng Đông là nền y học của các dân tộc Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản, ...), vốn đã được phát triển qua nhiều ngàn năm và chịu nhiều ảnh hưởng của nền y học Trung Quốc (Trung y). Do vậy khi nói đến y học phương Đông, chúng ta thường mặc nhiên xem như đang nói đến Trung y, mặc dù rất có thể nhiều thành tựu y học của những nước lân cận đã được du nhập vào Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

    Theo đó, y học phương Đông được hình thành và phát triển trên cơ sở triết học cổ đại Trung Quốc, với quan niệm con người là một thực thể của vũ trụ, vì vậy chịu sự chi phối của các quy luật trong vũ trụ. Các quy luật này phản ánh trong thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ Hành, mô tả sự hình thành, vận hành và phát triển của vũ trụ bằng một nguồn năng lượng vô hình gọi là KHÍ (tiếng Nhật viết là KI).

    AIKIDO, như tên gọi của nó, đã mặc nhiên xem khái niệm KHÍ như một yếu tố cốt lõi. Tổ sư trong các buổi giảng dạy của mình thường nói đến KHÍ; võ sư Koichi Tohei trong một bài phỏng vấn của tạp chí Black Belt năm 1965 đã tuyên bố: No Ki No Aikido (Không có KHÍ thì không phải Aikido). Câu hỏi đặt ra ngay, vậy khí là gì?

    Trả lời câu hỏi này thật không dễ, dù rằng môn luyện khí (khí công) đã có từ nhiều ngàn năm trước và hiệu quả của nó có thể kiểm chứng được.

    Trong chương này, trước tiên chúng ta trình bày những khái niệm căn bản của y học phương Đông, trên cơ sở đó trình bày những quan niệm khác nhau về khí và các phương pháp luyện khí (khí công). Cuối cùng chúng ta thử đưa ra một cách lý giải để từ đó có thể vận dụng vào quá trình tập luyện của mình. Nội dung cụ thể bao gồm:

    1. Thuyết Âm dương và thuyết Ngũ hành
    2. Phủ tạng và hệ thống kinh mạch
    3. Các quan niệm về đan điền và khí

    Tài liệu tham khảo: Dưới đây xin liệt kê một số tài liệu chính đã được tham khảo khi viết chương này.

    1. Nguyễn Hiến Lê, “Kinh dịch: Đạo của người quân tử”, Nhà xuất bản Văn Học, 1994.
    2. Phùng Hữu Lan, “Lược sử Triết học Trung Quốc” (biên dịch: Lê Anh Minh), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2010.
    3. Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn (Chú giải: Mã Nguyên Đài; Người dịch: Nguyễn Tử Siêu)
    4. Men Jiuzhang, Guo Lei, "A General Introduction to Traditional Chinese Medicine", CRC Press, 2010.
    5. Thái Hồng Quang, "Cẩm nang dưỡng sinh thông Kinh lạc", bản dịch của công ty Nhân Trí Việt, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2009.
    6. Ngô Gia Hy, Bùi Lưu Yêm, Ngô Gia Lương, “Khí công học và Y học hiện đại”, Nhà xuất bản Đồng Nai, 2010.
    7. Yang, Jwing-Ming - Qigong for Health & Martial Arts, YMAA Publication Center, 1998.
    8. Morihei Ueshiba, “BUDO: Les Enseignements du Fondateur de l’Aikido”, Editions Budostore, Paris.
    9. Koichi Tohei, “AIKIDO: The Co-ordination of Mind and Body for Self-defense”, Souvenir Press, London, 1961.
    10. Koichi Tohei, “Aikido in Daily Life”, Rikugei Publishing House, 1966.
    11. Gozo Shioda, “Total Aikido: The Master Course”, Kodansha International, 1997.
    12. Kisshomaru Ueshiba, “AIKIDO”, Hozansha Publishing, Japan, 1974.
    13. Kisshomaru and Moriteru Ueshiba, “Best Aikido: The Fundamentals”, Kodansha International, Tokyo, 2002.
    14. Đặng Thông Phong, Lynn Seiser, “Aikido Basics”, Tuttle Publishing, 2003.

  4. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  5. #23
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Vũ trụ luận trong triết học cổ đại Trung Quốc

    Hầu như mỗi dân tộc trên thế giới đều có những cách giải thích khác nhau về cội nguồn của mình, của loài người, của các loài sinh vật và của cả vũ trụ. Các “truyền thuyết” này phản ánh thế giới quan của con người từ thuở ban sơ, tìm cách lý giải về cội nguồn của mình và thế giới xung quanh.

    Nền văn minh Trung Quốc cổ đại không chỉ ghi nhận các truyền thuyết. Các nhà tư tưởng đã đi một bước xa hơn, hệ thống hóa các truyền thuyết thành những luận thuyết về con người, về thế giới tự nhiên và về vũ trụ. 3 luận thuyết chủ đạo có ảnh hưởng đến Trung y là Khí, thuyết Âm dươngthuyết Ngũ hành.

    3.1 Khí: Nguồn gốc của vũ trụ

    Theo chủ thuyết này, vạn vật trong vũ trụ được hình thành từ KHÍ. Khí là cái vô hình, lan tỏa khắp nơi, khi ngưng tụ lại thì thành vạn vật, thành vũ trụ. Con người là một vật thể trong vũ trụ, vì vậy cũng được tạo ra từ khí.

    Khí ở đây được gọi là tiên thiên khí và có khi được đồng nhất với khái niệm Thái Cực. Điều này có nghĩa là trước khi vũ trụ hình thành thì chẳng có gì khác ngoài tiên thiên khí. Khí hiện hữu khắp nơi, ngay cả khi vạn vật đã hình thành.

    Bởi vậy, cơ thể con người chứa đầy khí, và mọi hoạt động đều có sự dẫn dắt của khí. Khí chuyển động thông suốt thì cơ thể mạnh khỏe; khí tắc nghẽn thì sinh bệnh.

    3.2 Thuyết Âm dương

    Tư tưởng chủ đạo của thuyết này xem Âm Dương là 2 mặt đối lập trong một thể thống nhất, nghĩa là có đối lập, có tương tác và chuyển hóa qua lại nhưng vẫn thống nhất với nhau như được hình tượng trong vòng tròn Thái Cực hay Thái Cực đồ.

    Theo đó, Dương biểu thị cho Mặt trời, cho ánh sáng, cho sức mạnh, cho cái động, cho giống đực, tương phản với Âm biểu thị cho Mặt trăng, cho bóng tối, cho yếu mềm, cho cái tĩnh, cho giống cái.

    Thế giới tồn tại và phát triển nhờ Dương và Âm luôn tương tác với nhau, chuyển hóa lẫn nhau, khi đến cực Dương thì thành Âm, đến cực Âm lại trở về Dương. Hơn thế nữa, trong Âm có Dương và trong Dương có Âm, như ta thấy trong vòng tròn Thái Cực: trong nửa trắng (Dương) có một vòng đen (Âm); trong nửa đen (Âm) có một vòng trắng (Dương).

    3.3 Thuyết Ngũ hành

    Theo thuyết này, vũ trụ có 5 thành tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Lúc đầu, người ta quan niệm đây là 5 yếu tố cấu thành vật chất, tương tự như khái niệm nguyên tố trong hóa học. Về sau, người ta giải thích đây không chỉ là 5 yếu tố vật chất mà còn là 5 động lực vận động: Thủy (nước) thấm xuống; hỏa (lửa) nóng bốc lên; mộc cong hay thẳng; kim biến dạng được; thổ có thể trồng trọt, gặt hái.

    Ngũ hành hoạt động theo quy luật tương sinh, tương khắc:

    - Mộc sinh Hỏa và khắc với Thổ;
    - Hỏa sinh Thổ và khắc với Kim;
    - Thổ sinh Kim và khắc với Thủy;
    - Kim sinh Thủy và khắc với Mộc;
    - Thủy sinh Mộc và khắc với Hỏa.

    Quan niệm này được vận dụng vào Trung y để giải thích về đặc tính và hoạt động của các phủ tạng.
    Last edited by BMTD; 02-20-2012 at 06:15 PM.

  6. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  7. #24
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Tạng và phủ

    Khác với y học phương Tây vốn dựa trên những chứng cứ khoa học thực nghiệm, y học phương Đông xây dựng hệ thống lý luận của mình dựa trên các quan niệm về khí, âm dương và ngũ hành.

    Theo đó, hoạt động của cơ thể là kết quả của sự vận hành thống nhất của các cơ quan trong cơ thể (phủ tạng). Các phủ tạng được thông nối với nhau bằng một hệ thống kinh mạch (12 kinh và 8 mạch). Hệ thống kinh mạch chứa khí và có nhiệm vụ vận chuyển khí đi và đến các phủ tạng, làm cho cơ thể hoạt động thông suốt.

    3.4 Lục phủ và ngũ tạng

    Theo quan niệm của y học phương Đông, các cơ quan chính trong cơ thể gồm có 6 phủ và 5 tạng (lục phủ ngũ tạng). Phủ là cơ quan rỗng, nằm nông và thuộc Dương; tạng là cơ quan đặc, nằm sâu và thuộc Âm.

    - Có 6 phủ, bao gồm: Vị, Đảm, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu
    - Có 5 tạng, bao gồm: Tỳ, Can, Phế, Tâm, Thận.

    Về mặt âm dương, người ta ghép phủ tạng như sau:
    - Tỳ đi với Vị;
    - Can đi với Đảm;
    - Phế đi với Đại trường;
    - Tâm đi với Tiểu trường;
    - Thận đi với Bàng quang;
    - Tam tiêu đi với Tâm bào (màng tim).

    Như vậy người ta phải đưa thêm khái niệm Tâm bào (một phần của Tâm) để cho phù hợp với quan niệm âm dương.

    Về mặt ngũ hành, người ta cho rằng:

    - Cặp Tỳ-Vị thuộc Thổ;
    - Cặp Can-Đảm thuộc Mộc;
    - Cặp Phế-Đại trường thuộc Kim;
    - Cặp Tâm-Tiểu trường thuộc Hỏa;
    - Cặp Thận-Bàng quang thuộc Thủy;
    - Cặp Tam tiêu-Tâm bào thuộc Hỏa (giống cặp Tâm-Tiểu trường).

    Mới nghe qua, chúng ta thường nghĩ rằng các phủ tạng tương ứng với các cơ quan cụ thể như lách-tụy (Tỳ), dạ dày (Vị), gan (Can), mật (Đảm), phổi (Phế), ruột già (Đại trường), tim (Tâm), ruột non (Tiểu trường), thận (Thận), bàng quang (Bàng quang). Thật sự, khái niệm phủ tạng trong Đông y mang ý nghĩa chức năng nhiều hơn và chỉ tương ứng một phần với các cơ quan giải phẫu của Tây y.
    Last edited by BMTD; 02-25-2012 at 09:16 PM.

  8. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  9. #25
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Huyệt, đan điền và hệ thống kinh mạch

    3.5 Huyệt và đan điền

    Theo quan niệm của Đông y, trên da có nhiều điểm hoặc vùng mà qua đó chúng ta có thể khơi thông, kích thích quá trình dẫn khí trong cơ thể. Các điểm hoặc vùng này được gọi là huyệt (đạo). Nối liền các huyệt là hệ thống kinh mạch cho phép dẫn khí đến các phủ tạng (xem phần bên dưới).

    Trong thực tế, Đông y có khá nhiều phương pháp điều trị bệnh thông qua các huyệt như cạo gió, xoa bóp, châm cứu, ngải cứu. Mặc dù chưa chứng minh được cơ sở khoa học của những phương pháp này nhưng hiệu quả của chúng là điều không thể phủ nhận được.

    Theo nhiều tài liệu, cơ thể người có 108 huyệt, trong đó nhiều huyệt có tính chất sinh tử, khi bị tác động mạnh có thể làm chết người hoặc làm cho không cử động được (hành động này được gọi là điểm huyệt). Hiện tác dụng này chưa có bằng chứng cụ thể ngoài việc người ta đã sử dụng phương pháp châm cứu để làm giảm đau và gây tê cục bộ.

    Đan điền: Có nhiều quan niệm về đan điền. Ở đây chúng ta điểm lại một số quan niệm chính.

    - Về số lượng, nhiều người cho rằng có 3 đan điền: Đan điền thượng (ở vùng đầu), đan điền trung (ở vùng gần rốn) và đan điền hạ (ở vùng cơ quan sinh dục), trong đó đan điền thượng là nơi chứa Thần, đan điền trung là nơi chứa Khí còn đan điền hạ là nơi chứa Tinh. Cũng có người cho rằng chỉ có một đan điền nằm ở vùng dưới rốn (tương ứng với đan điền trung). Một số người còn cho rằng vùng dưới rốn có 3 đan điền: đan điền trước, đan điền giữa và đan điền sau.

    - Về vị trí, có người cho rằng đan điền là một huyệt cụ thể, như đan điền thượng là huyệt bách hội ở đỉnh đầu, đan điền trung là huyệt khí hải ở bên dưới rốn, đan điền hạ là huyệt hội âm. Tuy nhiên cũng có người cho rằng đan điền là một điểm hoặc vùng nhưng không phải là huyệt, chẳng hạn ở nữ đan điền nằm sau tử cung còn ở nam, đan điền nằm dưới tiền liệt tuyến.

    Nhìn chung, người ta đều xem như có một vùng quan trọng ở vùng dưới rốn gọi là đan điền.

    - Đối với nhà khí công, vùng này được xem như kho chứa khí (tàng khí). Người luyện khí công sẽ thu hút khí cất trữ tại đan điền và dẫn khí từ đan điền theo các kinh đến các phủ tạng để kiểm soát hoạt động của các phủ tạng.

    - Đối với người tập võ, đan điền là nơi tập trung sức mạnh (khí lực) và cho phép duy trì thăng bằng. Chúng ta sẽ đưa ra những lập luận biện minh cho quan niệm này ở phần sau.

    3.6 Hệ thống kinh mạch

    Tương ứng với 12 phủ và tạng, Đông y cho rằng trong cơ thể có một hệ thống các đường dẫn khí đến các phủ tạng, gọi là các đường kinh. Mỗi phủ và mỗi tạng đều có một cặp đường kinh tương ứng, một ở bên phải, một ở bên trái.

    - Phế kinh: Bắt đầu từ vùng ngực (huyệt Trung phủ) đi xuống tay ở phía mé ngón cái và tận cùng ở ngón tay cái (huyệt Thiếu thương);

    - Đại trường kinh: Bắt đầu ở vùng ngón tay trỏ (huyệt Thương dương) và đi ngược lên tận cùng ở cạnh cánh mũi (huyệt Nghinh hương);

    - Vị kinh: Bắt đầu ở vùng mặt (huyệt Thừa khấp), đi lên đầu ra sau và đi xuống kết thúc ở chân (huyệt Lệ đoài);

    - Tỳ kinh: Bắt đầu ở vùng chân (huyệt Ẩn bạch) rồi đi ngược trở lên vùng ngực (huyệt Đại bao);

    - Tâm kinh: Bắt đầu từ vùng nách (huyệt Cực tuyền) đi xuống ngón tay út (huyệt Thiếu xung);

    - Tiểu trường kinh: Bắt đầu từ ngón tay út (huyệt Thiếu trạch) đi lên vùng trước tai (huyệt Thính cung);

    - Bàng quang kinh: Bắt đầu từ khóe ngoài mắt (huyệt Tinh minh), đi lên đầu ra sau và đi xuống tận cùng ở ngón chân út (huyệt Chí âm);

    - Thận kinh: Bắt đầu từ lòng bàn chân (huyệt Dũng tuyền) đi lên và tận cùng ở vùng ngực (huyệt Du phủ);

    - Tâm bào kinh: Bắt đầu từ vùng ngực (huyệt Thiên trì) và đi xuống tận cùng ở ngón tay giữa (huyệt Trung xung);

    - Tam tiêu kinh: Bắt đầu từ ngón tay áp út (huyệt Quan xung) chạy lên trên và tận cùng ở đuôi chân mày (huyệt Ty trúc không);

    - Đảm kinh: Bắt đầu từ chỗ đuôi mắt (huyệt Đồng tử liêu), chạy lên góc trán rồi vòng ra sau đi xuống tận cùng ở ngón chân áp út (huyệt Túc khiếu âm);

    - Can kinh: Bắt đầu từ ngón chân cái (huyệt Đại đôn) chạy lên trên tận cùng ở vùng ngực (huyệt Kỳ môn).

    Theo đó, 12 kinh thông nối với nhau tạo ra 3 vòng nối:

    - Vòng nối 1: Phế kinh, Đại trường kinh, Vị kinh, Tỳ kinh
    - Vòng nối 2: Tâm kinh, Tiểu trường kinh, Bàng quang kinh, Thận kinh
    - Vòng nối 3: Tâm bào kinh, Tam tiêu kinh, Đảm kinh, Can kinh

    Ngoài hệ thống 12 cặp đường kinh như trên, có thể còn có bát mạch (8 mạch), trong đó 2 mạch quan trọng là Nhâm mạch và Đốc mạch, được ví như những hồ chứa khí làm nhiệm vụ điều phối khí cho hệ thống kinh.

    - Nhâm mạch: Khởi đi từ đan điền, chạy ra phía trước và đi lên dọc theo đường giữa thân (bụng, ngực), qua cổ, ra cằm và tận cùng ở môi dưới (huyệt Thừa tương).

    - Đốc mạch: Cũng khởi đi từ đan điền, chạy ra phía sau và đi lên dọc theo đường giữa thân (lưng), qua gáy và lên đỉnh đầu rồi ra trước đi xuống mặt, tận cùng ở môi trên (huyệt Ngân giao).

    PS: Các nhà khí công cho rằng luyện tập khí công nhằm mục đích dẫn khí để nó lưu chuyển thông suốt trong các kinh mạch và cất trữ khí tại đan điền.

  10. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  11. #26
    Administrator
    Ngày tham gia
    Apr 2006
    Đang ở
    Montreal Canada
    Bài viết
    2,533
    Thanks
    134
    Thanked 156 Times in 114 Posts
    Anh BMTD có hình minh họa mấy huyệt đạo đó khg?
    Aiki

    Pain is the best instructor, but no one wants to go to his class...
    Khg có gì nguy hiểm hơn là võ miệng

  12. #27
    mamen15678
    Guest
    up cho bác

  13. #28
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts
    Trích dẫn Gửi bởi aiki Xem bài viết
    Anh BMTD có hình minh họa mấy huyệt đạo đó khg?
    Anh aiki có thể vào trang web: http://www.acupunctureproducts.com, theo đường link Meridian Point Locations để xem các kinh với các huyệt tương ứng.

    Lung Meridian: Phế kinh (phổi)
    Large Intestine Meridian: Đại tràng kinh (ruột già)
    Stomach Meridian: Vị kinh (dạ dày)
    Spleen Meridian: Tỳ kinh (spleen là lách, nhưng quan niệm Đông y, Tỳ bao gồm cả Tụy: Pancreas)
    Heart Meridian: Tâm kinh (tim)
    Small Intestine Meridian: Tiểu tràng kinh (ruột non)
    Bladder Meridian: Bàng quang kinh
    Kidney Meridian: Thận kinh
    Pericardium Meridian: Tâm bào kinh (màng tim)
    Triple Warmer Meridian: Tam tiêu kinh
    Gall Bladder Meridian: Đảm kinh (mật)
    Liver Meridian: Can kinh (gan)

    Conception Vessel: Nhâm mạch
    Governing Vessel: Đốc mạch
    Last edited by BMTD; 03-01-2012 at 01:17 PM.

  14. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  15. #29
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts

    Các quan niệm về Khí và Đan điền

    Như chúng ta đã nói ở đầu chương này, quan niệm xem Khí là nguồn gốc của vũ trụ là một trong những tư tưởng chủ đạo trong các luận thuyết về vũ trụ của người Trung Quốc. Tư tưởng này rõ ràng là cơ sở cho việc dùng khí, luyện khí trong Đông y, khí công và võ thuật. Trong phần này chúng ta sẽ xem qua những khái niệm khác nhau về khí.

    3.7 Quan niệm Khí trong dân gian

    Trong số các nước ở Đông Á, Việt Nam là dân tộc chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của các tư tưởng và văn hóa Trung Quốc do cả ngàn năm bị đất nước phương Bắc này đô hộ. Bởi vậy không lạ gì khi chúng ta thấy trong tiếng Việt có rất nhiều từ Hán-Việt có liên quan đến khái niệm Khí. Dưới đây là một số thí dụ.

    - Một trong 3 trạng thái của vật chất: thể rắn, thể lỏng, thể khí

    - Các chất mà tình trạng tự nhiên của chúng ở thể khí: không khí (nói chung), dưỡng khí (khí oxy), thán khí (khí các-bô-nic)

    - Trạng thái sức khỏe: khí sắc, sinh khí

    - Sức mạnh tinh thần: dũng khí, khí khái, khí phách

    - Môi trường xung quanh: không khí (nghĩa đen), không khí vui vẻ (nghĩa bóng), hòa khí (nghĩa bóng), khí thế (nghĩa bóng)

    - Yếu tố có hại, gây bệnh: tà khí

    Theo đó, chúng ta thấy khái niệm khí bao hàm rất nhiều ý nghĩa, nhưng trong đó thường hàm chứa một ý nghĩa về sức mạnh, về động lực, và hơn hết là một nguồn lực của sự sống.

  16. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


  17. #30
    Member
    Ngày tham gia
    Jan 2012
    Bài viết
    36
    Thanks
    0
    Thanked 34 Times in 29 Posts
    3.8 Quan niệm Khí trong Khí công

    Đối với các nhà khí công, Khí chính là nguồn lực tạo ra sức khỏe và sức mạnh. Chúng ta xem thử một vài quan niệm.

    - Giáo sư Ngô Gia Hy: “Khí là một chất vô hình mà khoa học cho tới giờ chưa xác định được bản chất mà chỉ phát hiện được những hiện tượng của nó. Khí ở trong khắp hoàn vũ và trong con người. Các học giả Tây Âu gọi là Năng lượng sinh tồn (énergie vitale).”

    - Tiến sỹ Jwing-Ming Yang: “Khí tương tự như khái niệm pneuma (Hy Lạp) hoặc prana (Ấn Độ) và được xem như nguồn lực và năng lượng sinh tồn dịch chuyển trong tất cả các cơ thể sống. Theo kinh nghiệm của các nhà khí công, khí được giải thích như một loại năng lượng rất giống điện năng dịch chuyển trong cơ thể người và động vật.”

    Như vậy, khí có sẵn khắp nơi trong vũ trụ và hoàn toàn vô hình. Luyện tập khí công nhằm khơi thông dòng khí trong cơ thể, thu hút khí từ vũ trụ (dương khí từ trời, âm khí từ đất) để bổ sung nguồn khí cho cơ thể.

    Theo đó, bằng các quá trình điều thân (thư giãn cơ thể), điều tức (kiểm soát nhịp thở) và điều tâm (kiểm soát tư tưởng) với phương châm “Ý đi đến đâu, Khí chuyển đến đấy”, người luyện tập khí công dùng ý để điều khiển khí: thu hút khí từ trời đất thông qua các huyệt (chẳng hạn huyệt Bách hội, Hội âm), vận chuyển khí theo các đường kinh mạch, cất trữ khí vào đan điền để tùy nghi sử dụng.

  18. The Following User Says Thank You to BMTD For This Useful Post:


Trang 3 của 5 Đầu tiênĐầu tiên 12345 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •