Kỹ thuật căn bản
Đối với kỹ thuật căn bản, nó rất phức tạp nhưng, Tổ sự thường nói: "Căn bản là những bí quyết cao nhất". Chúng ta tập về cơ bản là giống nhau như mọi ngày, cho dù đối với những người đã tập 10 năm, 20 năm và 30 năm. Có thể có vài người nghĩ rằng: "không phải lại là kỹ thuật này nữa". Nhưng vẫn là kỹ thuật đó, cho dù là căn bản đến mấy, đều là bí quyết uyên sâu. Tổ sư, khi còn sống, thường dạy lớp buổi sáng. Trong những lớp buổi sáng như vậy, thầy thường bắt đầu với kỹ thuật Tenkan-Ho. Một trong số võ sinh có lần đã đến gần thầy và hỏi: "Thưa thầy, mọi ngày chúng ta đều tập Tenkan-Ho. Sao thầy không dạy chúng con những bí quyết thực sự của Aikido?". Lúc đó tôi nghĩ Tổ sư sẽ nổi giận, nhưng thầy không nổi giận. Thầy chỉ nói: "Tôi đã chỉ bí quyết đó cho tất cả mọi người mọi ngày. Đó là bí quyết uyên thâm nhất". Tôi vẫn nhớ những lời của thầy cho đến giờ.
Thái độ của Nage.
Khi nói đến Nage, người ta thường nói Shin-Gi-Tai là quan trọng. Một kỹ thuật thật sự không xuất hiện nếu như tinh thần, kỹ thuật và sức mạnh không là một. Chỉ có kỹ thuật thôi không thì không đủ. Chỉ có sức mạnh thôi thì không đủ. Chỉ có tinh thần không thì cũng không đủ. Sự hợp nhất của Shin-Gi-Tai là sức mạnh thực sự của một người. Trong suốt quá trình tập luyện Aikido, tôi thường thấy có người thường ném bạn tập của mình một lực là 6 hay 7 trong khi bạn tập của mình chỉ có khả năng nhận một lực là 5. Nếu điều này cứ tiếp tục, bạn tập của người đó sẽ bị chấn thương. Do đó, quan sát bạn tập của mình là thiết yếu: là Nage, ta phải phát triển khả năng cảm nhận trình độ của uke. Nếu không, chúng ta có thể gây chấn thương cho bạn tập của mình. Quan trọng là chỉ ném bạn tập của ta ở mức độ phù hợp với khả năng của anh ta thôi.
Thái độ của Uke.
Khi làm uke cũng vậy, quan trọng là anh tấn công không phải để té. Khi anh chém, anh phải chém thật chắc. Khi anh đấm, anh cũng phải đấm thật chắc. Khi anh nắm, anh cũng phải nắm cho chắc. Suy nghĩ như vậy rất quan trọng. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là anh cứ chém, cứ đấm cho dù bạn tập của anh là ai. Quan trọng là anh phải thấy bạn tập của anh là ai và làm uke cho phù hợp. Chúng ta càng lên cao làm uke càng trở nên tấn công thật sự. Do đó, quan trọng là phải quan sát bạn tập và té cho đúng. Một thứ khác cũng quan trọng là phải giữ thái độ, tinh thần hợp tác và hòa nhã. Nếu bạn đối với bạn tập bằng thái độ "Tôi sẽ đánh hắn; tôi sẽ gượng lại". Thì buổi tập của bạn sẽ không có kết quả tốt. Hoặc nếu có gì sai, ai đó sẽ bị chấn thương. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao khi thực hiện kỹ thuật hay làm uke thì nên cho/hy sinh càng nhiều càng tốt, và phải tập luyện trong tinh thần hợp tác với nhau.

Bàn về những điểm trong Aikido có liên hệ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Ki Do Ma, tôi nghĩ cái này quan trọng. Ki nghĩa là thời điểm. Trong bất cứ cái gì, có một lúc nào đó mà ta nói "đây chính là thời khắc!". Tốt nhất là đừng để lỡ. Đặc biệt trong võ, anh không được quá sớm hay quá trễ. Bây giờ là thời điểm tốt nhất. Anh có thể hiểu Ki nghĩa là bây giờ, cơ hội, thời điểm, dịp may.
Chữ Do trong Ki Do Ma có thể giải thích theo Nage. Anh không được quá mạnh, hay quá yếu. Nếu quá yếu, sẽ chẳng luyện tập được gì. Nếu quá mạnh, anh có thể làm chấn thương bạn tập. Do đó quan trọng là cẩn thận xem xét đâu là mức độ vừa phải, và luyện tập theo đó.
Chữ Ma trong Ki Do Ma, đây là khoảng cách giữa ta và bạn tập. Nếu Ma quá xa, tập mà đứng cách khoảng thì không tập được. Ma quá gần cũng không tập được. Ma phải đúng mới tập được.
Ki Do Ma, trong cuộc sống hằng này nếu ta cảm thấy có việc gì đó không ổn, tôi tin rằng thường chúng ta sẽ khám phá ra một trong những yếu tố này không ổn. Thời điểm, góc độ, khoảng cách chúng ta nên suy ngẫm cẩn thận những yết tố này khi chúng ta chuẩn bị làm gì đó.

Sự khác nhau giữa Biểu diễn và Thi.
Điều quan trọng nhất trong bài thi Aikido là phải thể hiện được rằng bạn đã nhớ các kỹ thuật một cách chắc chắn và chính xác. Phải nhớ: không phải nhớ bằng đầu, mà nhớ bằng cơ thể. Từ "tập luyện" trong tiếng Nhật bao gồm hai chữ: là kiểm soát bản thân và "hành động". Như vậy, điểm chính yếu là liệu bạn có thực sự nhớ bằng cơ thể hay không. Trong Zen (thiền), các từ "Kakusoku" và "Taitoku" (đạt được bằng cơ thể) thường được sử dụng. Điều quan trọng là phải nhớ bằng cơ thể. Do đó, khi giám khảo nói: "hãy thực hiện kỹ thuật này và kỹ thuật kia", cơ thể phải chuyển động không cần suy nghĩ. Đó là cái ta phải đạt được. Tôi tin đây chính là nền tảng. Khi chấm thi các cấp cao hơn, người ta sẽ suy xét thêm tính cách và nhân phẩm.
Trong biểu diễn, hiển nhiên là phải trình diễn kỹ thuật một cách chính xác. Có một câu hỏi đặt thêm là bạn muốn thể hiện cái gì trong khung thời gian cho phép. Ví dụ, có thể bạn muốn thể hiện sức mạnh, hay cái đẹp, hay sự nhẹ nhàng. Biểu diễn là phương tiện thể hiện bản thân. Do đó, yếu tố muốn thể hiện cái gì trong phần biểu diễn là quan trọng. Tôi tin có sự khác nhau giữa biểu diễn và thi.

Mục tiêu cao nhất của Aikido
Tổ sư thường nói rằng mục tiêu cao nhất của Aikido là tạo một con người thành thật, nhiệt tình và biết sống hết lòng. Tôi tin rằng chúng ta có thể từ từ tạo ra điều này qua Keiko [luyện tập]. Tôi tin điều này rất quan trọng. Do đó, nếu ví dụ, nếu anh giữ đai cao, như là 4, 5 hay thậm chí 6 dan, và anh coi thường những người mới luyện tập, tệ hơn là cười nhạo họ, đó là cách cư xử không phải. Hãy là bạn tập với họ với tất cả trái tim, hay tốt hơn nữa là, mời họ tập với mình một cách khiêm tốn, sự "thành tâm", "xuất phát từ trái tim", "nhiệt tình" là điều cơ bản, tôi nghĩ vậy. Điều này chẳng có gì liên quan tới thực hiện kỹ thuật "tốt" hay "dở". Hãy có được cái cảm giác hài lòng cả về thể xác và tinh thần sau khi tập luyện, cái cảm giác "ah, thật là thoải mái", "tôi cảm thấy tập với người đó thật vui". Tôi nghĩ tốt nhất là hãy tập luyện theo cách mà tạo ra những cảm giác như vậy. Là người giỏi nhất, thì không nên để lại cảm giác không tốt cho bạn tập của mình sau khi luyện tập, hoặc ngay chính bản thân bạn không nên cảm thấy: "tôi đã tập với anh ta, nhưng chẳng thấy thích thú gì hết". Có những người mà mặc dù trình độ kỹ thuật không cao nhưng họ luôn để lại cho bạn cảm giác tươi vui sau khi tập. Có những người để lại cho bạn cảm giác khỏe khoắn, hăng hái. Tôi tin như vậy là Keiko tốt. Tôi đã nói điều này nhiều lần, nhưng, tôi tin rằng thậm chí khi bạn lên đai cao, bạn phải hết sức cẩn trọng không được coi thường người khác.

Luyện tập với nhau
Luyện tập với nhau, điều này thật khó giải thích. Nhưng thử lấy lễ Mochi Tsuki hằng năm mà ta tổ chức cho lớp trẻ con làm ví dụ. Chúng ta bắt đầu với những hạt gạo thô, từng hạt tách rời nhau. Chúng ta giã gạo bằng chày, như thế này, nhào thành bột, từ từ làm chúng mềm hơn nhưng chắc hơn. Cũng giống như ban đầu khi cơ thể ta không biết gì về kỹ thuật hết. Tay, chân và tinh thần tách rời nhau. Từ từ, dần dần, thông qua quá trình luyện tập với nhau, cơ thể, tinh thần, kỹ thuật hợp nhất lại. Bằng cách này chúng ta trở nên mạnh hơn và linh hoạt. Mong muốn trở nên giỏi trong thời gian ngắn là không thực tế. Tôi nghĩ quan trọng là luyện tập không ngừng năm này qua năm khác để hợp nhất được: Shin tinh thần, Gi Kỹ thuật và Tai Cơ thể. Thiền Sư Takuan đã từng nói: khi thể hiện nước hãy là nước. Nước khi ở trong cái chén tròn thì tròn, khi ở trong hình chữ nhật thì nó là hình chữ nhật. Nước có sự linh động và sự thích ứng vô tận. Nhưng đá thì không như vậy. Tinh thần và cơ thể không được luyện tập thì giống như đá. Nó cứng nhắc, không có khả năng thích nghi. Tinh thần và cơ thể có sự luyện tập thì giống như nước, có khả năng thích nghi với bất kỳ hoàn cảnh nào.

Lời khuyên đối với những ai gặp khó khăn trong việc ghi nhớ kỹ thuật:
Tôi không chắc tôi có câu trả lời, nhưng Tổ sư đã từng nói "ghi nhớ và quên". Khi anh rời khỏi đạo đường, cho dù anh quên những gì được dạy ở đó cũng không sao! Lần sau khi đến đạo đường hãy nhớ lại. Và lần nữa lại quên đi. Bằng cách này anh sẽ ghi nhớ thông qua cơ thể mình, mà không phải suy nghĩ nhiều bằng cái đầu. đây là cái thầy từng nói. Nên có thể anh sẽ nghi "Tôi sẽ quên tất cả mọi thứ khi tôi bước ra khỏi đạo đường", nhưng không sao hết. Khi ở đạo đường, hãy hoàn tất mọi công việc của đạo đường với tất cả trái tim; khi anh rời khỏi đạo đường, hãy đặt trái tim và sức lực của mình vào những thứ anh làm bên ngoài đạo đường. Năm qua năm tập luyện đi tập luyện lại như vậy, và anh sẽ có được kỹ thuật của chính anh. Tôi nhớ thầy từng nói như vậy. Tôi không chắc liệu tôi đã trả lời được câu hỏi đó chưa.

Morito Suganuma - 8 Dan Aikikai
trích từ AIKIDO - SHOHEIJUKU AIKIDO - KIHON