Thanh Dũng
Võ sư Chương dùng một ngón tay trỏ để lên một điểm tựa và cho đồ đệ đứng lên nhún trong nhiều phút

Một võ sĩ thế hệ 7X ở Sóc Trăng có thể vận công "bế khí" đứng định thân hơn 3 phút trên một mặt bàn làm... bằng giấy hay vận khí dùng ngón tay trỏ đẩy xe ô tô nặng trên 1.690 kg dịch chuyển 1,9 mét !

Khổ luyện từ bé !

Vị võ sư trẻ đó là Nguyễn Hồng Chương, sinh năm 1970, ngụ P.5, thị xã Sóc Trăng. Lúc Chương được 8 tuổi, cha Chương đã đưa con lên TP.HCM gặp thầy Tám Kiểng bái sư, mong con luyện võ để biết đôi ba miếng phòng thân và rèn luyện sức khỏe. Võ sư Tám Kiểng xuất thân phái Bạch Hạc Thiếu Lâm, giỏi về "Nam quyền", đã truyền thụ cho Chương công phu "Thốn kình". Đầu tiên, võ sư Kiểng lấy cọng dây chỉ buộc vào đầu cây nhang rồi treo tòn ten cho Chương làm gãy cây nhang bằng ngón tay. Bài tập nghe đơn giản nhưng để luyện tới nơi tới, tới chốn phức tạp vô cùng. Mỗi ngày Chương phải vận công phát lực kình "điểm" chính xác sao cho cây nhang bị gãy nhưng sợi chỉ buộc vẫn không bị đứt bởi áp lực tác động. Hoàn thành bài tập luyện cơ bản này, cơ thể đã tích tụ nội lực thì chuyển qua xơm đá. Phần luyện tập này Chương vận lực dùng ngón tay trỏ đẩy các đá tảng di chuyển ra xa, ban đầu đẩy đá nhỏ xong tới đá to. Từ từ ngón tay anh đã chai cứng như thép nguội.

Chương nói võ công của các phái có sở trường sở đoản, mỗi phái có nét tinh hoa riêng nên khi luyện công, các sư phụ thường khuyên răn môn đồ đừng ỷ biết chút công phu mà hống hách làm tàng. Chương ví von võ công như cây súng, còn khí công như viên đạn. Một cây súng tốt, đạn tốt thì khi nạp vào bắn ra sức công phá sẽ mãnh liệt. Còn chuyện điểm huyệt địch thủ cũng có nhưng không dữ dội như trong phim ảnh. Bất cứ võ sư nào luyện khí công cũng có thể dùng khí đánh vào một điểm nào đó trên người làm máu không thông và đối thủ bất động, đánh mạnh hay đánh vào các yếu huyệt khiến đối thủ hôn mê, ngất xỉu là chuyện thường. Khí công luyện tới nơi tới chốn giúp người khỏe mạnh tráng kiện hơn, tinh thần luôn thư thái. Luyện tới tối cao có thể vận khí chịu đựng được sắt nhọn đâm vào, tung cú đá thẳng đứng ngang tới đỉnh đầu, hay dựa vào những điểm tựa khinh công trên mặt nước... Hỏi chuyện Chương rằng nghe đồn muốn khí công phải tịnh thân, không được gần gũi phái nữ..., Chương cười nói rằng với ai anh không biết, riêng anh thì đã lập gia đình và có hai mặt con.

"Cú đánh tia chớp"...

Từ biệt thầy, Chương trở về Sóc Trăng, không lâu sau anh đầu quân cho Sở Thể dục Thể thao của tỉnh và trở thành huấn luyện viên taekowndo. Tại đây, đôi lúc Chương lại hiển lộ khí công của mình bằng các chiêu cho môn sinh thưởng thức để quên đi nỗi nhọc nhằn luyện tập như: dùng ngón tay trỏ để lên một điểm tựa và cho đồ đệ đứng lên nhún nhiều phút; lấy 2 sợi chỉ thắt mỗi sợi thành 2 đầu, sau đó móc 2 đầu sợi trên vào lưỡi sống 2 cây dao thái căng theo hướng nằm ngang, xong vắt một khúc mía vào đầu dưới 2 sợi chỉ. Anh vận khí đánh như chớp vào khúc mía và lạ lùng thay vừa nghe tiếng "rổn", khúc mía đã bị gãy đôi còn 2 sợi chỉ vẫn không bị đứt. Cú đánh này được học trò tán dương là "cú đánh tia chớp". Một trò khí công khác là bế khí đứng yên trên mặt bàn bằng giấy. Màn này anh cho học trò lấy giấy loại A4 dán lên một khung tre ghép hình chữ nhật tạo thành mặt phẳng. Sau đó Chương vận khí "tót" lên đứng yên đung đưa trên giấy mấy phút liền. Cũng cần nói rõ thêm là võ sư Chương nặng sơ sơ khoảng 87 kg, còn chiều cao thì trên 1m80.

Chương kể rằng lúc biễu diễn màn đẩy xe ô tô phải chạy lòng vòng kiếm và cuối cùng nhóm mới chọn chiếc xe của Đài truyền hình Sóc Trăng nặng trên 1,7 tấn. Lần thứ nhất anh vận khí đẩy nhưng chiếc xe không... nhúc nhích. Lần thứ hai, anh xuống tấn thủ bộ vận khí và mạnh mẽ chọt ngón trỏ vào thân xe. Trong tiếng trầm trồ ngạc nhiên của khán giả, chiếc xe bị ngón tay nhỏ bé ấy đẩy nhích bánh dần được 1m90. Ở màn biểu diễn bế khí đứng trên mặt bàn giấy, anh vận khí công y hệt như mấy tay cao thủ đang múa quyền trong phim Hồng Kông. Người xem thì trợn mắt ngạc nhiên bởi tấm giấy mỏng tang bị một sức nặng to lớn đè lên nhưng chỉ bị lõm xuống một khoảnh nhỏ mà không rách toạc. Những lúc mất thăng bằng anh lại xoạc chân lấy lại thế quân bình trong khi hai tay vẫn liên tục vận khí. Màn biểu diễn này kéo dài đúng 3 phút 30 giây thì mặt bàn giấy mới bị rách! Chương nói lúc trước còn nhẹ cân và thường xuyên luyện tập khí công nên anh có thể đứng định thân khoảng 7 phút trên bàn giấy...

Thanh Dũng

( Nguồn báo Thanhnien online.)

http://www2.thanhnien.com.vn/Thegioitre/2006/5/8/147937.tno