Mặc dù mới tập Aikido nhưng khi thấy các thày nói về KI và nhất là đọc cuốn "Hiệp khí đạo trong đời sống hàng ngày" của đại sư Koichi Toihei mình lại càng thích "tự" luyện khí thông qua phương pháp "viết trong sách" mà không cần sự hướng dẫn của các thày.

Hôm nay đọc được đôi dòng nghiên cứu của một cao thủ võ lâm về chuyện thiền để luyện khí, mình xin mạn phép chia xẻ cùng các bạn :


Thường những người thiền đều hàng ngày rất dễ bị người đời nói là : "hâm". Vậy thực sự là họ có "hâm" không, hay chỉ là định kiến của mọi người ? Sau nhiều năm chiêm nghiệm, phân tích, quan sát những người chăm chỉ thiền hàng ngày, tôi rút ra kết luận : Hâm thật chứ không phải định kiến suông - tất nhiên không phải tất cả ai cũng "bị". Theo tôi, những người bị coi là "hâm" chủ yếu có những nguyên nhân sau :

1. Thể chất có bệnh - đặc biệt là bệnh về nội tạng : những người có bệnh nội tạng bao giờ tính khí cũng thất thường. Hoặc là nóng nảy bộc phát ( đụng tý là nộ khí xung thiên, ăn không nói có, đổi trắng thay đen), hoặc trầm cảm, hoặc dễ xúc động sụt sùi,...tuỳ bệnh ở tạng nào. Nếu họ không thiền, thì cũng chỉ bị coi là : nóng tính, ít nói, mít ướt,...những nếu họ thiền đều hàng ngày, thì sẽ xảy ra sự trái ngược giữa tính cách thiền thường trực và sự bộc phát thái độ mỗi khi có chuyện bất thường xảy ra. Vì khi thiền đều hàng ngày, tính tình sẽ dần dần hiền dịu hơn + tác phong sẽ bình hoà khoan thai hơn, nhưng những khi có chuyện trái ý muốn xảy ra, dù là chuyện nhỏ, do nội tạng yếu làm cho khả năng tự chủ kém - lại dễ xảy ra phản ứng thất thường trái ngược với tác phong thiền. Vì vậy mọi người xung quanh sẽ rất dễ nhận ra có sự kỳ dị ở con người đó : không bình thường - dĩ nhiên là hâm.

2. Nội tạng quá yếu, làm cho các tuyến nội tiết không sinh ra các hooc môn, không cung cấp đủ máu huyết dinh dưỡng cho cơ thể, khiến nhu cầu nhiều mặt bị bóp méo ( nhu cầu được thoả mãn sinh lý, vật chất, tinh thần...nói chung là nhu cầu : tiền, sắc, danh, thực, thuỳ (ngủ) bị méo mó. Ví dụ người có tạng gan hoặc thận yếu, sẽ không có khả năng thoả mãn nhu cầu tình dục (sắc), nhu cầu ngủ (thùy), nhu cầu ẩm thực, mà sự thỏa mãn các nhu cầu bị dồn nén không khác gì một quả bóng bay : bóp chỗ này sẽ phình chỗ kia. Các nhu cầu này bị ức chế thì các nhu cầu khác sẽ phát triển mạnh hơn để bù đắp sự thiếu hụt thoả mãn. Trong trường hợp trên, do các nhu cầu sinh lý, ăn, ngủ bị ức chế, nên người đó sẽ hám danh một cách kỳ lạ. Nên dù họ thiền đều hàng ngày + họ ít có các ham muốn vật dục (do nội tạng yếu), nên lúc bình thường mọi người thấy họ như...thánh. Nhưng khi tiếp xúc, thấy người đó hám danh kỳ lạ, hám danh từ những chuyện nhỏ xíu trở đi, thì sẽ nhận ra : tên này "hâm".

3. Khi sức khoẻ bình thường, các tuyến nội tiết sẽ sinh đủ các hooc môn - kích thích đầy đủ các nhu cầu về thể xác, tinh thần, vật chất. Nhưng khi thiền đều hàng ngày, tuyến trên cao sẽ bị ức chế mạnh, khiến tính tình mềm hơn, các nhu cầu tinh thần giảm đi, nhưng do thể chất khoẻ mạnh bình thường nên các nhu cầu về sinh lý + vật chất vẫn mạnh mẽ vì các tuyến bên dưới vẫn hoạt động mạnh. Nên dễ nhận ra người này chẳng tình yêu tình báo gì, khiêm tốn, không hám danh, nhưng vẫn hám lợi, sống chơi bời buông thả, mặc dù lúc bình thường thì như...thánh.

4. Người thiền nhiều nhưng thiếu kinh nghiệm sống thực tế : khi thiền đều hàng ngày, sóng não sẽ êm dịu hơn, càng ngày tần số càng nhỏ, suy nghĩ dần đi vào chiều sâu hơn, đến một mức nào đó, sẽ đi vào tầng của các tư duy triết học trừu tượng, khái quát hoá cao độ, gần như bất cứ lúc nào, khi suy nghĩ về vấn đề gì đó, họ cũng nghĩ ở tầm cao : rất bao quát, sâu rộng, mang tính quy luật chung, nói chung là vĩ mô và sâu sắc. Nhưng do thiếu kinh nghiệm sống thực tế, ít va vấp trong đời sống, nên những điều họ suy nghĩ nói năng - mặc dù về mặt tư duy mà nói thì rất hay, rất cao siêu, rất logic, rất trí tuệ, rất sâu xa, rất....nhưng lại toàn là những điều không tưởng, chẳng phù hợp thực tế tẹo nào, chẳng khả thi trong hiện thực là bao. Nên khi ngồi cạnh những nguời này, rất dễ nhận ra cái "hâm" vĩ đại của họ.
Mặt khác, do thiếu kinh nghiệm sống, ít va vấp, bước chân ra đời ôm theo một đống giáo điều cao đẹp mà chưa bị ăn đòn bầm dập lần nào, hơn nữa, khi phát hiện ra mình nói hay, lại càng nói hăng hơn nữa. Hầu hết những hành động trong đời sống thực tế toàn là những pha điều hoà ở cận biên, nhưng những người thiền nhiều mà ngây thơ này lại toàn hô hào những hành động xoay chuyển càn khôn, vận động đại cách mạng,..., thành ra rất thiếu sự tỉnh táo, kín đáo tế nhị . Nhưng họ không biết, nghĩ rằng mình nghĩ hay nói hay nên đi đâu cũng thuyết giảng lý luận, gặp chuyện gì cũng sổ ra một tràng triét lý vòng vèo. Nói chung là gặp phải những hoà thượng Thích Thuyết Pháp này thì rất nhức đầu, rất mệt.

5. Người thiền đều hàng ngày, nhưng lại kết hợp kỹ thuật luyện của nhiều môn khác nhau, nhào trộn thành món chè thập cẩm : ví dụ trong một phần luyện, vừa kết hợp vận khí theo Tĩnh Công Dưỡng Sinh, vừa kết hợp thần chú Yoga theo hơi thở, khi tới mỗi điểm dừng lại còn gồng nén theo nội công Thiếu Lâm,...như vậy, trải qua một quá trình nhất định, tính tình sẽ biến chứng, tự nhiên phát sinh những sở thích quái gở. Lâu ngày thành hẳn một lối sống kỳ dị chẳng giống ai. Ví dụ : đầu tóc loằng ngoằng , quần áo cổ trang, dây chuyền vòng lắc xủng xoẻng, râu ria xồm xoàm, bảo sành điệu đẹp đẽ đã đành, nhưng đằng này trông xa đã thấy quái dị, chẳng hiểu xuất xứ từ quốc gia nào...

6. Người thiền đều hàng ngày theo một hệ thống kỹ thuật của môn phái nào đó, nhưng không theo Tâm Pháp của môn đó để có định hướng chung cho con đường rèn luyện.
Mỗi hệ thống kỹ thuật ra đời đều nhằm mục đích hướng tới một lý tưởng nào đó đặc thù của môn phái. Phần định hướng tinh thần để môn sinh rèn luyện tới đích theo đúng hướng gọi là Tâm Pháp. Có khi mỗi giai đoạn lại có Tâm Pháp khác nhau. Nếu một người thích hệ thống kỹ thuật của môn phái nào đó, nhưng lại thấy Tâm Pháp môn đó không hợp khẩu vị, mà người đó rèn luyện chăm chỉ theo hệ thống kỹ thuật này, nhưng lại không áp dụng Tâm Pháp để định hướng đúng đích - thì dĩ nhiên sự lệch lạc về mặt tinh thần sẽ xảy ra, người đó càng lúc càng "khang khác", hay nói cách khác là chập cheng.

7. Người thiền đều hàng ngày, tâm trí ngày càng sâu lắng, nhưng không chịu vận động tập tành thể chất, thể dục thể thao. Hay nói chính xác là không rèn luyện đồng bộ thân, khí, tâm - vật chất, năng lượng, thông tin phát triển không đều, dẫn đến sự lệch pha trong một khối thống nhất. Khi tâm trí đang trên đà vận động phát triển nhanh do thiền đều, mà thể chất vẫn trì trệ ô trược, bế tắc, thì sẽ nảy sinh xung đột nội tại giữa quá trình sinh lý và tâm lý, dẫn đến sự bức bối tiềm ẩn mạnh mẽ khiến cho người đó càng ngày càng khó tính ( các cụ gọi là Lực bất tòng Tâm), chuyện này xảy ra cả ở những người lao động thiên về trí óc - giới trí thức - nhưng ít vận động thể chất.
Hoặc ngược lại, người thiền đều hàng ngày, nhưng lại chuyên thiền để phát triển năng lượng + sức mạnh thể chất, mà không rèn luyện để phát triển cả tâm trí, thì sự lệch pha lại xảy ra : năng lượng phát triển mạnh mẽ, mà trí óc thì càng ngày càng mất tự chủ, vì nội năng càng mạnh thì dục vọng càng nhiều, lâu ngày lấn át sự kiềm toả của lý chí. Những người này "hâm" theo kiểu : đi đâu cũng biểu diễn kỹ thuật đặc biệt của cơ thể, khoe khoang công năng đặc dị, chẳng ai trả tiền mà cứ sồn sồn ra phát khí chữa bệnh cho người khác, trong khi chưa biết người ta bị bệnh ở bộ phận nào trên cơ thể....


8. Dạng hâm kiểu đi đâu cũng ra vẻ Đạo Cao Đức Trọng : những người này do thiền hàng ngày nên đôi khi tâm trí cũng tương đối thanh tịnh - nhưng chỉ đôi lúc chứ chưa tuyệt đối - nhất là sau khi thiền xong : cảm giác lâng lâng thoát tục. Nên trong những lúc tâm trạng lâng lâng thoát tục này thì họ hay phô diễn những điều luân lý đạo đức một cách thái quá, nhưng khi trở lại trạng thái bình thường thì họ lại "đú" chẳng kém ai. Thành ra những lúc ngồi cạnh những người này, nhất là khi thấy họ cũng nhí nhảnh bon chen giống như bao người trần tục khác, mà miệng họ phun ra toàn những điều cao xa thoát tục, lên mặt dạy đời thiểu dục tri túc...nghe rất buồn cười. Trong lúc họ đang thuyết giảng để thể hiện "tấm lòng" - đôi mắt mở to xao xuyến để bày tỏ sự chân thành - họ cũng chẳng để ý là hầu hết mọi người đang tủm tỉm cười.
Ví dụ có người đi đâu cũng kêu gào đòi tự do tư tưởng, công bằng xã hội, bình đẳng bác ái, nhưng trong khi nói chuyện với người khác lại thường xuyên chèn ép người ta, chuyên dùng lý luận xảo biện để vặn bẻ khuất phục người khác.
Hoặc có người đến đâu cũng khuyên người khác sống giản dị, hy sinh phục vụ cho mọi người, nhưng bản thân thì lại toàn sống trong biệt thự + khách sạn sang trọng, ăn uống tiệc tùng xa xỉ, sử dụng toàn công nghệ đời mới....


Eo ui...!!!! Tui đem sách dạy "tự" luyện khí công đóng gói vào hòm, lục mãi mới tìm ra được địa chỉ một người bà con xa lắc xa lơ ở quê cũng thích võ thuật như tui --> Đề Gửi tặng !

....Ít ra người ta còn nghĩ mình có tấm lòng...chứ nếu vứt bỏ đi thì tiếc quá !!!

Các bạn có ai như tôi không nhỉ ??? Còn dám nghĩ về "KI" khi không có sensei hướng dẫn mình tập không ??? cho mình biết ý kiến với nhé ???

Have fun !