Hôm nay mới sang thăm 4rum tenshinkai của anh LSHC, thấy có 1 bài của bạn Bahamut phê bình và cho ý kiến cá nhân về cách dạy HKD tại VN.

Bạn Bahamut nêu lên rất nhiều điều đáng được bình luận và tui xin gom góp mấy ý chính như sau

- Tự phát bằng cho nhau, bằng danh dự ...
- Trình độ kỹ thuật kém và khả năng đứng lớp và huấn luyện
- Bằng aikido VN và aikido quốc tế
- Cách tập aikido: tự vệ hay cho khoẻ

Sau đây là 1 số trích dẫn nguyên văn của Bahamut từ 4rum tenshinkai


Trích dẫn 1:
Trích dẫn Gửi bởi bahamut
Xin chào mọi người!

Aikido Việt Nam chúng ta đang có những vấn đề cần mổ sẻ, phân tích:

1. Nếu một thầy giáo dạy cấp I rất giỏi, các em thi tốt nghiệp lên cấp II đều đạt 100%. 50 năm sau, vị này được phong làm Tiến Sĩ, Giáo Sư do thành tích dạy tốt ở cấp I. Vậy có được không? Do có nhiều công lao đóng góp trong nhiều năm , một người được phong làm Giáo Sư, Tiến Sĩ mặc dù không qua quá trình đào tạo, không có chuyên môn, không nghiên cứu khoa học. Vậy có được không?

Huống chi, sinh viên năm hai, năm ba ngành Kiến Trúc, thiết kế bản vẽ chưa xong, chưa tốt nghiệp. Vì lý dó nào đó, được người thầy, được vị Giáo sư phong làm Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Sau đó, người này đứng ra giảng dạy cho sinh viên khác. Cuối cùng, tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều ngôi nhà, nhiều công trình sập đổ . Sinh viên ngành y, chuyên môn không vững, chưa được thực tập, chưa tốt nghiệp. Người này được phong làm Giáo Sư dạy người khác mổ sẻ. Cuối cùng có phải dẫn đến chết người không ?

Kỹ sư mới ra trường, phải theo thực tập cọ sát bao nhiêu năm trời với người Giáo Sư, làm phụ tá cho người này để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó mới có đủ năng lực để tự làm việc. Còn muốn giảng dạy, phải qua giai đoạn Cao Học, phải nghiên cứu chuyên môn sâu sắc mới có thể trở thành Thạc Sĩ, Tiến Sĩ.

Cùng nói về Aikido. Có những vị hăng hái đóng góp cho Aikido - mở rộng nhiều sân tập cho các đơn vị - nhưng về chuyên môn chỉ mới Kyu 1, Kyu 2 (nâu 2), hay có vị chỉ mới Kyu 4 (Xanh 2)

Do nhiệt tình với Aikido, các Thầy sắc phong Nâu hai nhận bốn Đẳng, Xanh hai nhận hai Đẳng , rồi làm đơn vị trưởng đứng đầu đơn vị; làm HLV trưởng giảng dạy các võ sinh. Vậy thì, những đẳng cấp được phong ấy có giá trị về điều gì? Để lãnh đạo sân, hay để giảng dạy (võ sư).

Tôi vẫn hoan nghênh các vị được nhận đẳng Danh Dự, dù các vị này không hiểu biết gì về chuyên môn về Aikido. Nhưng chúng ta phải hiểu: Đẳng Danh Dự chứ không phải Đẳng Chuyên Môn giảng dạy.

Theo tôi nghĩ: "Người thầy phong đẳng cho học trò như thế, phải chăng đẳng cấp các thầy ngày xưa cũng được phong như kiểu ấy ???"

Đẳng cấp và kỹ thuật tự vệ đâu phải là tiền vốn, đâu phải là cơm gạo. Muốn cho muốn tặng là cứ cho tặng, cứ phong cứ ban phát. Vậy đó, thế mà còn có những người chạy chọt, van xin, thưa kiện tranh nhau cái đẳng cấp ấy. Chẳng khác nào như xóa đói giảm nghèo! Nhục!

Cái gì mà có được một cách tự nhiên thì nó cũng sẽ mất đi một cách tự nhiên. Không có chuyên môn, không có trình độ thì cũng không có giá trị gì hết.

Thảo nào! Mấy chục năm nay, tôi chỉ xin thầy sắc phong cho tôi từ xanh ba lên hai đẳng thôi, mà thầy nhất quyết từ chối, Buộc tôi phải thi thì mới được. Cho đến giờ tôi vẫn cứ xanh ba, vì không muốn thi. Buồn Thật!


2. Nói về thể chất con người Aikido và võ thuật Aikido.
Chân yếu tay mềm thì chỉ có Liễu yếu đào tơ, Công tử bột, Tiểu thư đài cát mới như vậy.

Thân thể rắn chắc, tay chân cứng cáp như là người lao động nặng, như là Võ Sĩ Đạo.

Chân yếu tay mềm thì tự vệ cái gì, đánh đấm gì. Đây là những con người yếu từ thể xác lẫn tinh thần. Vậy các bạn đang đi tìm con đường nào. Đang cứng cáp giờ lại bắt nó mềm ra, yếu đi để rồi không còn khả năng tự vệ. Hãy thức tĩnh, đừng tự lừa dối mình. Chúng ta có thấy các bạn Shihan cùng phụ tá thân thể rất cứng cáp, tay chân to khỏe không?

Aikido Việt Nam chúng ta có những điều chưa làm được:

1. Uke gồng người co lại à giải quyết không được.
2. Uke căng tay ra cứng à không đánh được.

Có lẽ vậy, mà vừa qua, có những bạn tham dự seminar trong nước bị áp đặt. Khi họ cứng, các vị này không giải quyết được, đành dụ họ mềm ra rồi đập cho một phát. Khi đi huấn luyện còn nguyên hai chân, giờ về còn chân rưỡi . Lừa dối nhau!

Kẻ thù có những trạng thái như sau:

1. Người nó cứng đẩy vào.
2. Người nó cứng nhưng chạy ra.
3. Người nó cứng ôm mình lại.

Không bao giờ có cái cảnh kẻ thù mềm ra cho mình đập. Giả dối!

Võ thuật: Bất kể môn võ thuật nào cũng phải tự vệ được. Cả Aikido phải làm điều này. Nhiều năm trước, tại TP Hồ Chí Minh, Các vị trong hội Aikido: thầy Hiệp, thầy Hà, thầy Hoàng, thầy Linh, thầy Phát gặp gỡ các Shihan tại Thuận Kiều Plaza. Shihan đã từng hỏi: "Các vị đã tự vệ được bằng Aikido chưa?"

Nếu HLV nào không giải trình được những vấn đề kia thì cần luyện tập, học hỏi thêm. Đừng vì cái tôi, tự đóng cửa nhốt mình lại. Rồi cho rằng Aikido học chỉ để khỏe, học chỉ để biết. Không hề nhìn thấy được sức mạnh và khả năng tự vệ của nó, mà lại cho rằng mình như vậy là đạt được đẳng cấp rồi, giống như Ếch ngồi đáy giếng. Do đó có người còn hùng hồn phát biểu: "Aikido Việt nam thì có cái nét riêng của Aikido Việt Nam"; "Chúng ta có nét riêng của chúng ta". Giao tiếp với thế giới thì phải dùng ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh... Có ai giao tiếp với thế giới bằng Tiếng Việt không!!! Nói ai nghe!

Nực cười! Aikido bây giờ là của thế giới. Chúng ta hòa nhập Aikido thế giới làm sao mang cái riêng lạ lùng không giống ai của Việt Nam mà hòa nhập được. Cứ tưởng mình là "con công, con phụng giữa bầy thiên nga lộng lẫy, hóa ra chẳng phải vịt bầu, chẳng phải vịt siêm, mà chỉ là vịt con, vịt tơ, vịt đang thay lông", không giống ai.

Trong khi đó, có vị học tập kỹ thuật từ các bạn Shihan. Sau đó, họ hướng dẫn, truyền đạt lại cho chúng ta thì bị cho là đồng hóa, không phải Aikido của Việt Nam.

Họ học tập kỹ thuật, họ học cái hay của Nhật Bản, của thế giới. Họ đâu có cúi đầu nghe theo lời của thầy nước ngoài đầu mà gọi là đồng hóa. Nước ngoài cũng sang Việt Nam chúng ta để nghiên cứu học hỏi Việt Võ Đạo, vậy làm sao gọi là đồng hóa. Còn những người chạy theo mọp dưới chân shihan , tôn họ lên làm thầy, vì Shihan khỏe quá, tay chân rắn chắc hơn to hơn các thầy Việt nam, rồi nghe theo lời của người nước ngoài. Cái này có phải là đồng hóa không, có là nỗi nhục không ? Hay là Phản thầy, tinh thần Tôn sư trọng đạo Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ở đâu.


3. Không có môn võ nào khi tập tự vệ mà đối thủ không đau đớn cả. Không làm đối thủ đau (Tình thương hòa hợp) đều là giả dối. Các HLV không thực hiện được phải đi học thêm nâng cao trình độ , để thay đổi chính mình. Hãy tập luyện cho tay chân cứng chắc, thân thể khỏe mạnh. Hãy nhận lấy đẳng cấp bằng chính thành quả luyện tập thật sự của mình. Không thể lừa dối bản thân và mọi người nữa. Võ thuật là phải tự vệ và chiến đấu để cứu nguy người thân và người xung quanh.

Mong các bạn hiểu điều này.


Trích dẫn 2
Trích dẫn Gửi bởi bahamut
Trong võ thuật aikido, nếu nói về luyện khí lực, hợp lực, thì chúng ta có ba mức để tập luyện:

1. Tập hình thức. Nói về người mới vào, chúng ta vẫn tập nhẹ nhàng lướt vào, và tori cũng nhẹ nhàng đè xuống khống chế.
2. Tập ý lực. Từ xanh một đến Shodan, thì uke lướt vào thoải mái (thoải mái ở đây là tinh thần thư giản bình thường, không căng thẳng sợ hãi, không hơn thua thách đấu, không mang ý đánh nhau. Chứ không phải thả lỏng, rời rạc). Tori cũng vậy.
3. Shodan đến Yondan trở lên, hoàn toàn phải tập luyện bằng hình thức tự vệ (cọ sát thực tế, chứ không phải đánh nhau thật). Với sự áp đảo mạnh mẽ, lực phát căng ra một tinh thần Võ Sĩ Đạo của người Aikidoka.

Giống như Tập lái xe. Từng bước chúng ta luyện, ban đầu tập trong sân trống, rồi tập những con đường nhỏ lòng vòng trong hàng xóm, trong thành phố. Dần dần sau này, chúng ta mở rộng ra đến cả đại lộ cao tốc. Vậy Aikido chúng ta hãy cùng nhau đi ra đại lộ thông thoáng mà chạy thật nhanh, thênh thang trên con đường luyện tập. Các bạn đai cao thoải mái trình bày các thế tự vệ trong nguyên lý Aikido cấp cao. Tôi mong rằng đây là con đường tập luyện và sự phát triển tốt giống các bạn Shihan Nhật.


Vấn đề văn bằng:
Ngoài văn bằng Hội Aikido thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng ta có ba loại văn bằng Aikido không chính thức đối với mặt pháp nhân chính quyền:

1. AIKIKAI
2. TENSHINKAI
3. TENRYUKAI

Các cấp sở tại Việt Nam chưa công nhận chính thức. Nhưng nói về phát triển các sân Aikido tỉnh thành thì phải cảm ơn võ sư Bùi Thế Cần. Trước đây nhiều năm, nhiều võ sinh từ các tỉnh thành khác vào thành phố Hồ chí Minh xin theo học và thi. Một số đơn vị đã từ chối (nếu không muốn nói là cự tuyệt). Võ sư Bùi Thế Cần tuy tuổi đã lớn, nhưng tinh thần rất mạnh. Ông đã cấp phát văn bằng cho một số anh em, để họ có cơ sở tạm thời đứng trên sân. Nếu không có việc này, thì liệu Aikido chúng ta có mở rộng như ngày hôm nay không (ví dụ các đơn vị ở Huế). Còn hai loại bằng kia chỉ để đấu đá nhau. Khoe giấy khoe bút, hơn nhau tờ giấy thôi có giúp gì cho kỹ thuật, kỹ năng trình độ đâu.

Bây giờ không có chiến tranh quân sự, nhưng chúng ta cẩn thận không chừng xảy ra chiến tranh văn hóa. Các cấp lãnh đạo Aikido Việt Nam nói chung, đừng vì cái tôi của mình dùng Shihan ngoại đưa học trò mình vào thế một gánh hai mang. Nặng tiền văn bằng nội ngoại mà học vấn trình độ thì chỉ có tính nội thôi. Văn bằng ngoại chỉ mang tính chất dán tem.

Tuy nhiên, tôi không phải vơ đũa cả nắm. Aikido Việt Nam chúng ta cũng có nhiều thầy rất giỏi về kỹ thuật đẳng cấp cao của Aikido. Vì chúng ta chưa tạo ra một sân chơi hoàn thiện để các thầy có điều kiện trình bày kỹ năng của mình cho toàn môn sinh Aikido Việt Nam chiêm ngưỡng. Ví dụ: các thầy cùng nhau lập ra cuộc trình bày luận chứng kỹ thuật cấp cao Aikido Việt Nam cho toàn quốc vào tham dự. Chúng ta quay video lại, diễn giải bằng lời, rồi mời quan chức chính quyền cấp thành phố, Bộ, Trung ương của ngành thể thao... xem, rồi xác nhận, chứng nhận văn bằng. Hỏi như vậy mọi người, cả luôn anh em Nhật Bản Aikikai có nể phục không? Aikikai không phải tiếc chữ ký trên bằng cấp chúng ta, mà là họ không muốn làm xấu bộ môn của họ. Vì chúng ta chưa xứng đáng.


Nguyên nhân yếu kém:
Các huấn luyện viên đều hướng dẫn hình thức là chính. Không có sự hợp lực Uke thì làm gì nâng cao kỹ thuật được. Cho nên càng lúc càng suy yếu về thể chất và kỹ thuật tự vệ. Võ sinh tập luyện không cần cù, siêng năng. Đến sân tập mang tính có mặt đặt tên, nói chuyện, đùa giỡn là nhiều. Làm Uke chỉ biết nắm tay (katatetori) mặc cho tori muốn làm gì thì làm, không có tâm pháp... Chúng ta lắng nghe và hiểu được thì mong thực hiện cải tổ liền. Nhất là chương trình giảng dạy quá khác với Aikikai và thế giới. Họ tập bắt đầu có Lực, còn chúng ta bắt đầu tập một cách bất động, bất lực. Vậy thì làm sao mạnh được, làm sao tiến bộ được.

Aikido ta phần đông các huấn luyện viên xem học trò như những người ăn chay. Lấy bột ra làm đùi gà, thịt bò, heo quay... toàn là bột, mà tưởng là thịt. Thèm! Cũng giống như luyện tập: giả đè, giả đánh, giả ném... thật ra có làm được đâu, Thèm! Hãy suy nghĩ lại, đừng có vì bản thân hưởng lợi từ đồng tiền võ sinh, mà không giúp gì được cho họ.

Thầy của tôi vừa chứng kiến cảnh một huấn luyện viên nói chuyện với các thành viên hội Aikido thành phố: "Các anh đừng có lừa đảo thế gian". Có mặt cả lãnh đạo cấp cao Aikido thành phố. Những vị nào đọc được thì phải biết mình xấu hổ thế nào khi chính gậy ông đập lưng ông. Có bao nhiêu vị thầy bị học trò xem thường, xem là lừa dối thế gian. Đừng chay mặt ra để ăn đứng tiền phí đó, mà không xứng đáng. Nhục!

Học trò thầy khác đánh tốt thì bảo là bạo lực, cho rớt, hoặc xếp hạng thấp. Trong khi đó, học trò của mình đánh không giống ai, hái hoa bắt bướm thì đậu thủ khoa, đậu hạng nhất, hạng nhì. Đến lúc biễu diễn trình bày, thủ khoa tam đẳng cũng trốn, viện lý do "em chưa chuẩn bị".

Ngay chính các thầy cũng vậy, mời các thầy biễu diễn, chứng mình thực lực người thì tôi đau chân, tôi nhức lưng, đau vai, đủ thứ lý do lý trấu. Trong khi đó, các bạn nữ, họ có chuẩn bị gì đâu cũng ra trình bày hào hứng. Điều này do các thầy không thấy rõ hay các thầy không đủ năng lực để chấm thi. Nhìn thấy người khác dạy tự vệ, sợ lòi ra cái giả của mình trước các học trò, nên tìm cách phá, rồi bôi trơn... Chính vì lẽ đó những người không đủ năng lực thì tìm cách chèn ép người giỏi, tranh giành cái ghế này ghế nọ. Điển hình ngày xưa là thầy Bùi Duy Cảnh. Thầy đã từng bức xúc như chúng tôi bây giờ. Người có tâm huyết, nhưng do không thể tìm được tiếng nói chung trong ngôi nhà Aikido, cuối cùng ra đi. Nếu thầy không bỏ cuộc, thầy có ý chí xây dựng bộ môn, thì giờ đây chúng ta đâu phải lừa dối nhau 50 năm nay. Cho mình là đại diện Aikikai có quyền phong đai phong đẳng, giành nhau đẳng cấp, không tự vệ được thì bôi trơn trước các học trò bảo rằng tình thương. Bản thân các thầy đã bao giờ sang Nhật chưa, tập huấn bên đó chưa, bằng cấp do đạo chủ nào ký, hay chỉ là một cá nhân học nào đó (vô danh tiểu tốt, cháu chắt) ký. Giờ bỗng nhiên, khi thầy Cảnh quay về thăm thì được gọi là đại sư. Ngộ!

Khi Aikido được Thầy Đặng Thông Trị thành lập ở Việt Nam, Đạo Chủ Moriteru chúng ta chỉ mới ba tuổi. Vài chục năm sau, hàng đệ tử Aikikai sang Việt Nam để chỉ bảo. Giờ nếu không nói, không phân tích, không mổ sẻ thì 50 năm nữa, lớp người chúng ta lúc ấy cũng 70, 80 tuổi, có người sẽ 100 tuổi (nếu sống tới lúc đó), từ già đến trẻ, từ Đại Sư, Cao Sư, Võ Sư, đến các học trò lại phải cúi chào, phải mọp, phải ngồi xuống lắng nghe hàng cháu chắt Aikikai giảng mãi những điều cơ bản của Aikido, từ cách xoay Tenkan, cách nhập nội... Thật ra họ có dạy đâu! Trình bày xong, yêu cầu chúng ta tập, làm sao mà tập được! Chẳng phân tích: lực thế nào, thân pháp ra sao... Thầy Việt Nam giảng khô cả cổ, phân tích kỹ càng thì bảo là giống kiếm hiệp. Shihan qua đây hướng dẫn giống như đánh đố, xem thường thì quỳ mọp, bái, chạy theo vì bằng cấp. Có nỗi buồn nào như nổi buồn này, có nỗi nhục nào hơn nỗi nhục này, "nhục thể dân tộc". Các thành viên bộ môn Aikido xem lại, cẩn thận nhà nước chúng ta dẹp luôn một môn phái mị dân làm nhục dân tộc Việt Nam.

Chúng ta có thấy Aikido thế giới không? Họ rất mạnh, họ ngang hàng, là bạn đồng hành với Aikikai. Aikikai chỉ đến đó để mở rộng, để chứng kiến Aikido của thế giới tiến bộ như thế nào. Còn chúng ta, sao không sửa chữa ngay bây giờ? Đợi đến lúc sự thật yếu kém về Aikido bị phơi bày trước Liên đoàn Võ thuật, trước các ban chính quyền vì mục đích cải tổ, thì lúc đó ăn nói làm sao với các học trò. Hướng dẫn, chỉ bảo tốn không biết bao nhiêu là tiền bạc, công sức, thời gian của họ, giờ chỉ là một con số không to tướng. Ăn làm sao nói làm sao hỡi các thầy?

Đây là nỗi đau của bộ môn Aikido chúng ta, những mong rằng các vị cấp cao Aikido Việt Nam nên đến Nhật, vào tận Hombu Dojo, đi từ tầng trệt lên tầng cao, xem họ tập luyện thế nào. Đừng có ở nhà như "Ếch ngồi đáy giếng" mà suy đoán, giống như thầy bói mù xem voi.


Trích dẫn 3

Trích dẫn Gửi bởi bahamut
Rất nhiều đạo giáo mà các tín đồ sùng bái u mê, cuồng tính. Gần đây nhất chúng ta nghe nói vấn đề lừa đảo: chữa bệnh bằng nước, chữa bệnh bằng cầu nguyện, mất trật tự xã hội. Y học phát triển khẳng định: chữa bệnh bằng phẫu thuật là phải có nguy hiểm. Một là thành công - cứu người sống - hồi phục chức năng. Hai là thất bại - tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn. Không có mơ hồ hai chữ: "Có thể". Được hay không được!

Aikido chúng ta có phải vậy không? Nhiều Dojo hướng dẫn các võ sinh luyện tập một cách mơ hồ. Hãy "cảm nhận" đè, "cảm nhận" đẩy, té xuống thì lỏng người ra để "cảm nhận" thoát lực. Sự thật thì làm gì xảy ra chuyện đó, làm gì mà cảm nhận. Khẳng định: đòn thế đó, kỹ thuật thực hiện cách đó tự vệ được, hay không được. Không có mơ hồ hai chữ "có thể". Nếu vậy, trong võ thuật điều này gọi là gì, lừa đảo học trò hay là gì? Các môn sinh Aikido đang u mê, cố chấp, hay cố tình không không nhìn thấy. Aikido "Học cho khỏe". Những câu nói lừa võ sinh đã cũ lắm rồi.

Học cho khỏe thì đừng có đai đẳng gì hết, đừng có thưa kiện tranh chấp đai đẳng, phong đai phong đẳng; học cho khỏe thì đừng nâng cao kỹ thuật; học cho khỏe thì đừng đòi tự vệ; học cho khỏe thì đừng có hòa nhập thế giới, đừng hòa nhập Aikikai, học cho khỏe thì đừng có vào Nam ra Bắc tham dự hết Seminar này đến Seminar khác dù là trong nước hay quốc tế. Và hãy lập ra một Tổ Sư khác, lập ra môn võ khác: Aikido học cho khỏe không tự vệ, hay Aikido dưỡng sinh, Aikido múa đôi...tùy. Giống Aikijutsu (Hiệp Khí Nhu Thuật). Rồi treo quảng cáo: "Mở lớp Aikido dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe. Đảm bảo đánh đối thủ không đau, đánh đối thủ không bị thương, đánh đối thủ không sao, không tự vệ được". Còn chúng tôi khẳng định, võ phái Aikido chúng tôi là: "Aikido Tự Vệ". Aikido: khỏe phải tự vệ được; phải khỏe để tiếp thu kỹ thuật cấp cao; phải khỏe để tinh thần mạnh mẽ, gan dạ; khỏe phải có thân pháp, tấn pháp tốt, nội lực sung mãn; khỏe phải hội nhập Aikikai, phải hội nhập Thế Giới.

Tổ sư áp dụng nguyên lý, luyện tập cả đời nên thân pháp, tấn pháp, nội lực sung mãn, nhuần nhuyễn. Học trò của Người là những võ sư đẳng cấp, những thanh niên lực lưỡng khoẻ mạnh. Chúng tôi cũng áp dụng theo nguyên lý ấy, luyện tập theo phương pháp và cách thức của Tổ Sư nên kết quả mới được như hiện giờ. Trong khi đó, một số huấn luyện viên không tự vệ được, luyện thân pháp, tấn pháp, nội lực không xong. Rồi cảm thấy luyện tập chung với những người như vậy không chịu được, nên bẻ cong cho rằng các đơn vị chúng tôi luyện tập bạo lực, trâu bò. Vậy thì tất cả học trò Tổ Sư, từ Saito, Tohei, Shioda, Mitsuguchi, Diễn Viên Steven Segal...đều luyện theo cách này vậy họ luyện cách gì. Tổ sư nhỏ người, thấp bé, là người phát hiện và áp dụng cách luyện tập này; khi tự vệ đánh dạt tất cả Uke lực lưỡng bao vây, vậy ta gọi Tổ Sư đã luyện theo cách gì???

Nhiều vị chưa từng luyện cọ sát tự vệ: Uke căng cứng đẩy vào, Uke gồng cứng co người lại, Uke siết chặc thì mình chẳng thể nào đánh được, vậy thì chẳng có ai trên cái xứ này làm được. Mình không tự vệ được thì chẳng ai trên cái xứ này tự vệ được. Vậy có phải là phiến diện không, có giống như "thầy bói mù xem voi không", hay là "Ếch ngồi đáy giếng". (Mời xem phần bài: Lực trong Aikido).

Nhiều huấn luyện viên phát biểu với các thành viên trong hội: Học trò tôi không biết chữ thì làm sao học như vậy được. Nếu học trò mà không biết chữ, thì đừng có cho lên đai lên đẳng, dạy họ khỏe là được rồi. Nếu muốn vào kỹ thuật cấp cao, yêu cầu họ đi học chữ. Đất nước phát triển, dân trí nâng cao, mọi người đều biết chữ. Dân tộc thiểu số Nhà Nước vẫn yêu cầu học chữ. Aikido chúng ta là dân tộc thiểu số, hay sống trong rừng? Ngày xưa, học võ, thiếu thốn mọi bề, không có sách vỡ thì học trò cũng phải thuộc lòng khẩu thuyết mới được học đòn thế. Còn không thì đừng mơ tự vệ cấp cao. Hỡi những huấn luyện viên, các vị cố tình, chai mặt ra bẻ cong sự thật về Aikido, hay không đủ trình độ để lãnh hội Aikido? Hay vì bản thân, vì lợi ích cá nhân? Chúng tôi nói thẳng: không phải không hiểu biết thì muốn nói ngược nói xuôi gì cũng được, đó là lừa đảo.

Xin ACE cho ý kiến