PDA

View Full Version : Cuộc Đời & Sự Nghiệp của Kenji Tomiki



Guest
09-02-2006, 11:40 PM
DCH biết mình tài hèn sức mọn nên không dám và miễn bình luận về triết lý hay kỹ thuật của hệ phái Tomiki Aikido, chỉ xin được viết về một cuộc đời của một nhân vật tài năng, có tầm ảnh hưởng rất nhiều trong nền võ học của Nhật Bản, nhất là môn phái Hiệp Khí Đạo và Nhu Đạo. Bỏ qua tất cả quan niệm và thành kiến mà chỉ cần nhìn thấy suốt 1 quảng đời dài hy sinh cho võ thuật cũng quá xứng đáng để ACE chúng ta noi theo !


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Tomiki1.jpg

Aikido là môn võ của Nhật Bản do tổ sư Uyeshiba Morihei (1883 - 1969) - người đã tìm ra chân lý cội nguồn của võ đạo chính là tình yêu thương vạn vật, là sự hòa hợp giữa thế giới vật chất và tinh thần - sáng lập vào đầu thập niên 20. Aikido là một môn võ tự vệ, không có nội dung đối kháng, không có trong chương trình thi đấu của SEA Games, Olympic v.v.. Điểm nổi bật của Aikido là ở chỗ đã hoàn chỉnh được một hệ thống lý luận, một nhân sinh quan đúng đắn để chỉ đạo cho kỹ thuật và hành động của con người trong cuộc sống. Trong kỹ thuật Aikido, lòng vị tha đã ảnh hưởng tới lối kết thúc đòn thế, loại bỏ mọi độc chiêu, sát thủ, phản ánh lên gương mặt an nhiên tự tại và tạo ra một phong thái đặc thù. Nhờ có tình vị tha giửa người với người mới có hy sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ để xóa bỏ hận thù ganh ghét. Aikido đã xây dựng một Lý thuyết công để nghiên cứu toàn diện một cuộc tấn công của địch thủ, và vạch rõ một cuộc tấn công nào cũng gồm 3 yếu tố: tâm lý (ý chí muốn làm hại ta), thể chất (dùng thân thể, chân tay, binh khí), chức năng ( đòn thế ,phương cách tấn công). Tự vệ trong Aikido chỉ là hóa giải yếu tố chức năng (đòn thế) chứ không hủy diệt yếu tố thể chất (thân thể) của địch thủ.

Sau khi tồ sư Uyeshiba Morihei không còn nữa nhiều môn đệ của ông vẫn tiếp nối theo truyền thống đó, với sự sáng tạo không ngừng nghĩ của biển đời võ học, nhiều chi phái Aikido lần lược ra đời trong nhiều bối cảnh và lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên hầu hết mọi chi phái Aikido đều lấy tin thần tiên khởi của vị tổ sư Uyesshiba Morihei làm phương châm căn bản để tiến tới một ý thức "Hiệp Khí Nhất Gia" của Aikido. Trong sự phẳng lặng như mặt hồ của lý thuyết Aikido đó, bổng nhiên xuất hiện một chi phái của bậc thầy Kenji Tomiki, được gọi là "Tomki Aikido Ryu" hoặc nôm na hơn là "Shodokan Aikido", một môn Aikido đặt nặng tin thần đối kháng, chiến đấu, gây nên sự bất đồng sâu sắc các ý thức hệ thầy trò giửa môn đệ Kenji Tomiki và bậc thầy Uyeshiba Morihei. Qua sự tương phản và bất đồng đó những người trong thế giới võ thuật có nhiều cái nhìn khác nhau về Kenji Tomiki, người có tin thần khắt khe theo truyền thống thuần Á Đông cho ông là một "phản đồ", kẻ yêu thích sự cải cách, tin thần cách mạng hóa thì cho rằng Kenji Tomiki là một người "cái cách" cần thiết để tạo thăng tiến cho môn phái Aikido trong tiến trình võ thuật thế giới. Không gì hay bằng cách quan sát cuộc đời của chính Kenji Tomiki và sự nghiệp cũa ông trước khi chúng ta có sự phê phán và nhận định về ông và chi phái Tomiki Aikido.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Tomiki2.jpg
Giáo sư Kenji Tomiki (1990-1979).
Huyền đai 8 đẳng Nhu Đạo
Huyền đai 8 đẳng Hiệp Khí Đạo
Sáng lập viên Tomiki Aikido Ryu


Cuộc Đời & Sự Nghiệp của Kenji Tomiki

Thời thơ ấu:

Giáo sư Kenji Tomiki được ra đời vào triều đại Minh Trị (Meiji) vào ngày 15/03/1900, tại làng nhỏ tên Kakunodate, thuộc đồng bằng Akita, cha mẹ Ông là những địa chủ giàu có. Theo tục lệ khi của truyền thống làng quê Nhật Bản khi đưá bé ra đời được 1 năm, cha me đưá bé ấy phải mời 5 người có uy tín có nghề nghiệp đàng hoàng nhất trong làng như Thầy giáo, Nhà sư, Nhà nông, Nhà đô vật và một người Thầy thuốc đến nhà ăn mừng và xem đưa bé thích được ai ẩm bồng nhất ngoài ba mẹ em ra, nếu người và nghề nào em bé thích nhất không khóc khi ẩm lấy em thì coi như là cuộc đời em lớn lên sẽ sống bằng nghề ấy. Câu bé vừa 1 tuổi ấy được ba mẹ bỏ ra và nhất định lao xuống đất lăng tròn chứ không chịu để bất cứ ai khác ẩm bồng, vì vậy ai cũng nói là cậu ấm Kenji Tomiki sẽ làm một nghề gì đó khác lạ với mọi người, ba mẹ em và nhiều người lo lắng chờ đợi.

Vì làng Kakunodate nổi tiếng tại Nhật bản là thành phố sản sinh biết bao nhiêu anh tài Võ Sĩ Đạo phụng sự cho triều đình Minh Trị, và võ thuật của tỉnh được biết tiếng vang danh khắp cả nước, từ lúc 6 tuổi là cậu Tomiki phải ngày ngày tập luyện cách dùng kiếm gỗ trước cả vào trường học chử. Vào học chương trình bậc tiểu học lớp 4 là lúc cậu Tomiki tham gia lớp Nhu đạo của trường, một sự nghiệp khởi đầu cho suốt 70 năm dài sau đó.

Là cậu ấm của một gia đình giàu có tiền bạn và thế lực nhất nhì trong tỉnh, có rất nhiều chọn lựa tốt nhất được danh cho câu khi hoàn tất bậc tiểu học, nhưng với kỷ cương của gia đình cậu Tomiki được đưa vào trường công trung học nhà nước Yokote, ngôi trường nổi tiếng là khắt nghiệt, đầy luật lệ rắc rối và mỗi năm gần 10 trong số 60 học sinh mỗi lớp bị trường quyết định đuổi học vĩnh viển. Cậu bé Tomiki không những đứng trong tầm 3 hạng đầu giỏi của lớp mà tại lớp Nhu đạo cậu tiến rất nhanh và được các huấn luyện viên chọn để làm lớp trưởng mặc dù cậu gia nhập không lâu. Cậu bé đã làm rạng danh gia đình và giòng họ ở những buổi lễ phát thưởng cuối năm toàn trường, phần thưởng lớn nhất với 2 môn học vấn thường thức và cả võ thuật Nhu đạo.

Sau khi hoàn tất và rời Trường Trung học Yokote, Kenji Tomiki từ giả Cha mẹ đến Thành phố Tokyo sinh sống với người câu ruột tên là Tsurumakicho để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học tại thủ đô Nhật Bản. Thời điểm đến Tokyo sinh sống với gia đình người cậu là lúc có rất nhiều tin đồn sau nầy cho rằng là giửa Kenji Tomiki và người cậu ruột đó chính là "Morihei Uyeshiba" sau nầy, vì nhiều người ganh tỵ khi thấy sự thân mật thương yêu của O-Sensei lúc nào cũng dành cho người học trò Kenji Tomiki, thật ra 2 người không có 1 chút gì ràng buộc máu mủ với nhau, được xác nhận bởi Đạo chủ (Doshu) đời thứ II, là người bạn rất thân thời trai trẻ của Kenji Tomiki.

Tại Tokyo chàng trai Tomiki học hành rất chăm chỉ để dành một ghế ngồi tại đại học vốn rất là khó khăn để tranh đua, mặc dù cơ thể Tomiki có nhiều triệu chứng đau ở ngực trái và sau nầy khám phá ra đó chính là bệnh lao mà suốt 3 năm chửa trị mới dứt hẳn. Thần bệnh lại viếng thăm chàng trai Tomiki lần nửa như một sự thách đố ngạo mạn, chứng bệnh đau bao tử làm câu ta gầy còm không có đủ sức khoẻ để cặm cụi học hành, bao nhiêu năm chuẩn bị bước vào đời đã phí mất mấy năm cho bệnh tật.

Thời trai trẻ:


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Tomiki3.jpg
Chụp năm 1926 tại võ đường JUDO.

Năm 1922, Tomiki cuối cùng cũng ghi danh được vào khoá dự bị tại đại học Waseda và trờ thành chàng sinh viên chính thức của trường trong năm kế tiếp. Là sinh viên chính thức Tomiki mới được phép ghi danh tập lại Nhu đạo, với căn bản khá từ trước cậu lấy được đai đen không lâu sau đó, và được thăng cách đặc biệt vì tài năng hiếm có trong giới sinh viên thời ấy, cậu nhận được đai đen 4 đẳng trong vòng chỉ 4 năm ngắn ngủi. Thời kỳ vàng son của làng Nhu đạo Đại học Waseda với sự lảnh đạo của vị võ sư trẻ tuổi đầy tài năng Tomiki. Được sự chú ý đặc biệt của Tổ sư Jigoro Kano, Võ sư Tomiki được mời đến tập tại đạo đường chính của môn Nhu Đạo Kokokan tãi Tokyo, dưới sự hướng dẫn tận tình của vị sáng tổ Kano, võ công của Tomiki càng tiếng lên cao như diều gặp gió, thời gian nầy với sự hướng dẫn và huấn luyện đặt biệt của vị tổ sư danh tiếng đã ảnh hưởng rất nhiều trong quan niệm của Tomiki về việc sáng lập ra Tomiki Aikido sau nầy.

Tomiki thành công trong cả 2 lảnh vực học vấn tại trường Đại học và trong chuyện luyện võ đã trờ thành hình ảnh mẫu mực cho giới sinh viên thời đó, người bạn tập cùng sân Nhu đạo sau nầy trở đã thành trở thành nhân vật rất nổi tiếng trong giới trí thức Nhật Bản tên là Tsunesaburo Tokoyama, thường gọi Tomiki bằng mỹ danh: "Trạng nguyên thể thao đất Phù Tang".

Năm 1925, Tomiki được hân hạnh lớn nhất đời mình khi được Nhật Hoàng cho vời vào hoàng cung cùng với những võ sư xuất sắc nhất của môn phái Nhu Đạo để biểu diễn cho Nhật Hoàng và Hoàng gia xem, cuộc biểu diễn gây thật nhiều ấn tượng sâu đậm làm thay đổi cách nhìn từ giới quy tộc về sự cải cách cũa nền võ thuật Nhật Bản vào thời điểm đó, vốn bảo thủ và trân trọng tin thần Hiệp Sĩ Đạo có từ thời xa xưa.

Năm 1926, do Hidetaro Nisimura, người bạn từ lớp Nhu đạo, giới thiệu Tomiki với Võ sư Morihei Uyeshiba rất nổi tiếng về môn Aiki Jujitsu (Hiệp khí Nhu thuật), một môn nghệ thuật trong việc hiệp-khí. Qua cuộc biểu diễn rất ngắn như ma thuật của Morihei Uyeshiba đã làm cho Tomiki bị mê hoặc kỳ lạ, những kỹ thuật mà cả đời chưa bao giờ được chứng kiến.

(Còn tiếp)

psi_ops2001
09-03-2006, 04:34 AM
Huyền đai 8 đẳng Nhu Đạo
Huyền đai 8 đẳng Hiệp Khí Đạo
Sáng lập viên Tomiki Aikido Ryu
Wow ! nghe đến đây đủ biết con người này đã đi vào huyền thoại rùi:bigsmile:

Guest
09-05-2006, 01:24 AM
(Tiếp theo)

Năm kế tiếp 1927, Tomiki ra trường với bằng cấp Đại học ngành khoa học chính trị và ghi danh học tiếp lên cao học ngành kinh tế. Mùa hè khi chờ đợi nhập học lại Tomiki vội vã rời Tokyo để đi gấp đến thành phố Ayabe để tập luyện môn võ Aiki Jujitsu mà chàng ngày đêm mong nhớ, chàng dành suốt 1 tháng hè tập luyện dưới cặp mắt gắt gao của Morihei Uyeshiba.

Nhiều người qua tài liệu thu nhặt được cho rằng Tomiki là đệ tử đầu tiên của cả 2 trụ cột lớn của Hiệp Khí Đạo hiện đại - Morihei Uyeshiba và Nhu Đạo Nhật Bản Jigoro Kano là một phán đoán không đúng với lịch sử, vì trước khi Tomiki đến với 2 vị ân sư trên, thì 2 môn phái nầy đã bắt đầu nở rộ tại Nhật Bản và nhân tài đã có mặt khắp nơi tại đất nước hoa Anh đào.

Phong cách của Thầy Uyeshiba khác với lối giảng dạy của Thầy Jigoro Kano, ông có lối dạy khác thường so với các bậc thầy Nhật Bản thời đó, Uyeshiba yêu cầu các môn đệ mình đừng bao giờ dùng nhiều sức lực, nhưng cố gắng thả lỏng thân người thoải mái và tập một cách tự nhiên an nhàn. Sau giờ tập luyện chính Uyeshiba nhẹ nhàng ôn lại tất cả các đòn thế với sự giảng daỵ thật nhỏ nhẹ, rất ít nói. Ông rất ghét và cấm tuyệt đối học trò tập luyện bất cứ đòn thế nào với nhau khi ông không có mặt bên cạnh, Uyeshiba lo sợ các môn đệ của mình sẽ bị lạc lối khi đánh sai và tệ hại nó sẽ thành thói quen không thể sửa được suốt đời.

So với loại dạy rất sư phạm của Jigoro Kano, Vị thầy Nhu đạo lại truyền dạy bằng cách giới thiệu về đòn mới với các môn đệ thật kỹ, ông chia sẽ chi tiết về những triết lý quan trọng của đòn, và áp dụng lý thuyết của môn Nhu đạo vào bên trong từng động tác, kể cả chỉ cách phản hoá đòn trước khi cho nhập đòn tập luyện với nhau.

Vì vậy dưới cách daỵ của Hiệp khi đạo qua Uyeshiba, mỗi ngày Tomiki càng lạc lối, thắc mắc không hiểu hay hiểu một cách rất mù mờ, như một ngư phủ già giửa biển khơi trung trùng khốn khó. Nhưng với quyết tâm sắt đá của mình Tomiki đã tập luyện để trở thành một võ sư Hiệp khí nhu thuật và liên tiếp nhiều năm dài khổ luyện để trở thành 1 trong số các môn đệ giỏi nhất và hàng đầu của Morihei Uyeshiba.

Thời kỳ sau chiến tranh Nhật Bản:

3 năm sau cuộc chiến tranh đẩm máu của Nhật và thế giới chấm dứt, Tomiki làm việc tại một nhà tù bên bờ biển hồ Balkhash thuộc Liên Bang Sô-Viết. Dù cả nơi đây, với kiến thức và tài năng võ thuật Tomiki đã cứu sống rất nhiều người bằng phương pháp thể dục của Hiệp khí đạo và Nhu đạo. Tại nơi mà không ai có thể kiếm được bộ đồ tập võ hay dụng cụ thiết bị để tập luyện, Tomikisáng chế ra các phương pháp giúp cho các nhân viên và tù nhân có thể tập được trong lúc nghỉ giải lao giửa giờ lao động cực nhọc, các kỹ thuật đơn giàn nhất đầy uy lực của "Atemi" và "Kansetu", qua lối song đấu của Nhu đạo, nhu nhuyễn nhưng rất chuộng kỹ thuật.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Tomiki7.jpg
Hình ảnh giảng dạy của 1 người thấy suốt đời vì sự nghiệp võ thuật.

Vào ngày 1 tháng 11, 1948, Tomiki được trở về với đất quê mẹ, hòn đảo Maizuru của biển Nhật Bản, sau 6 ngày lặn lội ông trở về được quê hương làng Kakunodate. Năm sau đó 1949 - trước ngày thống nhất thành lập Liên đoàn Nhu Đạo toàn Nhật Bản Tomiki quay lại Tokyo, đến Kodokan và bắt đầu cuộc đời hăng say xây dựng và phát triển môn Nhu đạo Nhật Bản sau bao nhiêu đổ vỡ của cuộc chiến tranh. Ông là trụ cột chính trong việc kêu gọi biến "Nhu đạo thành môn thể thao trường học", lời kêu gọi của ông được các báo chí tại Tokyo đăng suốt nhiều tháng liên tiếp để đánh động lương tâm các giới chức thẩm quyền của Nhật Bản.

Với lời kêu gọi nhiệt thành Tomiki được giới chức giáo dục Nhật Bản tất tán thành và thích thú, tháng 10 năm sau ông được mời làm giảng viên bán thời cho khu "Thể thao học đường" (sau nầy là "Phân khoa thể thao giáo dục" tại đại học Waseda), Tomiki được phụ trách giảng huấn môn "Kiểm soát thể dục học đường", làm nên nền móng cho môn học chính trong việc giáo dục đưa võ thuật vào tậm học đường của khắp nước Nhật, đưa con người Nhật Bản vào khuôn khổ của nên học vấn văn minh mới so với phương cách cổ điển ảnh hưởng từ Trung Hoa trong nhiều năm dài.

Năm 1950, ngoài việc làm tổng thư ký cho đạo đường Kodokan Nhu đạo, Tomiki trở thành giám đốc toàn thời gian cho "Liên đoàn Nhu Đạo toàn Nhật Bản" và giử chức vụ nầy cho đến năm 1954.

Tháng 4/1951, Tomiki trở thành giảng viên làm việc toàn thời tại Đại học Waseda, đồng thời coi sóc luôn cho võ đường Nhu đạo rất có tiếng của trường. Dưới sự dìu dắt hết lòng tận tụy của ông đã cho ra đời nhiều danh thủ nổi tiếng cho làng Nhu đạo Nhật bản như Schoichi Teramoto, Isamu Ishii, Gensuke Yuki v.v.., ngoài tập luyện Nhu đạo chính tông ra ông còn đề nghị cho các môn đồ của mình luyện tập thêm các kỷ thuật bổ sung mới lạ như thế đứng"Rikatutaisei" (Thế đứng thủ cách biệt đối thủ) hoàn toàn xuất phát từ phần kỹ thuật của môn Hiệp Khí.

Tháng 5/1952, khi Đại học Waseda chính thức thành lập phân Khoa "Thể thao học đường", Tomiki nghiên cứu tổ chức các lớp "Thể thao Nhu đạo" dành riêng cho các nữ sinh viên và sau đó thì áp dụng chung cho 2 phái nam và nữ. Để thành công trong các đòn thế Tomiki đã từng phải bỏ ra 8 năm ròng rã tự viết nên các tài liệu đầy tính cách thực dụng để thu hút giới trí thức chấp nhận nó. Tháng 3/1960 Ông quyết định đổi tên bộ môn "Thể thao Nhu đạo" của ông sang tên AIKIDO - Hiệp khí đạo, trả lại sự thật cho lịch sử. Trước một thời gian cuốn sách đầu tiên viết về "Thể thao Nhu đạo" của ông được ấn hành vào năm 1954.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Tomiki5.jpg

Theo nhà sử học Schoichi Teramoto cũng là người bạn thân với Tomiki cho biết, ngay thời điểm đó Tomiki đã tự sáng chế ra và giảng dạy 12 Kata của Aikido, ông chú tâm nghiên cứu rộng rải phương thức luyện tập an toàn để loại trừ các đòn thế nguy hiểm, độc hại có thể gây chết người từ môn Aiki Jujitsu, Tomiki được tán thành nhiệt liệt và rất nhiều nơi yêu cầu ông đến giảng dạy môn võ thuật mới nầy. Võ sư Morihei Uyeshiba, sau khi biết được lý thuyết mới của người học trò thân tính của mình đã yêu cầu Tomiki đem triết lý đó áp dụng lại vào môn phái của mình. Lúc đó Teramoto với tư cách của một người bạn đề nghị với Tomiki rằng cùng danh vọng và sự nổi tiếng hiện nay Tomiki có thể tự lập ra cho mình một phái riêng biệt như là "Môn phái Tomiki" để có thể xưng hùng xưng bá khắp nước Nhật. Tomiki khẳng khái trả lời:

- "Tôi sẽ đem tất cả triết lý và danh dự nầy về vị thầy Uyeshiba, dù sao chính tôi đã thụ hưởng được 15 năm dài từ bao khổ nhọc dạy dỗ của Thầy Uyeshiba".

Nhưng cuối cùng thì chính nhóm học trò thân tính của Uyeshiba, là những người phản đối quyết liệt chống lại lý thuyết và nghiên cứu của Tomiki.

Thời thành danh:

Tháng 4/1953 Tomiki được chính thực nhiệm chức "Giáo sư thực thụ", nhìn về góc cạnh của lịch sử giáo dục Nhật bản ta mới thấy được tầm mức quan trọng của chức vị và học hàm "Giáo sư", rất được trân trọng và chỉ được chấp nhận khi Nhật Hoàng chính thức phong chức vị đó, mỗi năm cả nước Nhật chỉ có 1,2 người được tước vị cao quý và sẽ được mang danh dự mãi mãi suốt cuộc đời. Thời điểm đó Giào sư Tomiki được vời sang Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ để giảng huấn đặc biệt về Nhu Đạo, được mời ở lại để làm võ sư, huấn luyện trưởng cho quân đội Hoa kỳ cùng với Võ sư Sumiyuki Kotani (8 đẳng huyền đai), Tadao Otaky (7 đẳng huyền đai) nhưng Ông nhẹ nhàng từ chối lời mời mà nhiều người ở cương vị Ông sẽ sẵn sáng chấp nhận. Chuyến đi của ông qua 15 tiểu bang, 1 lảnh thổ và một hòn đảo trước khi quay về Nhật sau 5 tháng ra nước ngoài. Và ông được bổ nhiệm làm Phó khoa đặc trách nghiên cứu đường lối giào dục của Đại học Weseda, ông giử chức vụ nầy và làm tròn trách nhiệm của mình cho đến năm 1960.

Sau khi Giáo sư Tomiki trở về đến Nhật, vào ngày 26/2/1958, Bộ giáo dục học đường của Nhật chấp nhận cho mở lớp Hiệp Khí Đạo tại trường Đại học như môn học chính thức và xem như là bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử môn phái Hiệp Khí Đạo, đứng ngang hoàng với các đại môn phái khác tại Nhật.

Giáo sư Tomiki cho rằng các môn sinh Nhu Đạo nên tập các môn Hiệp khí (Aiki), chú trọng việc đứng xa các đối thủ chứ không theo Nhu đạo truyền thống, Ông đem vào luận án giảng dạy những cải cách trong võ học, bước qua vòng cương tỏa của thời xa xưa bấy lâu nay cứ lập đi lập lại một cách lạc điệu. Trong bất cứ lớp võ thuật nào ông cũng cố gắng lập ra một lớp đặc biệt, nhóm "Hiệp khí" - Những nhân tài võ thuật làm nền móng cho ông sau nầy làm huấn luyện viên nồng cốt khi môn Hiệp Khí Đạo của ông được chính thức giàng dạy tại Đại học Weseda.

Hiệp Khí Đạo truyền thống do Sáng tổ Morihei Uyeshiba đề xướng không hề có mục giao đấu, một khó khăn lớn nhất cho Giáo sư Tomiki là làm sao sáng chế được thể thức chiến đấu hay song đấu vì theo luật định của trường Đại học là làm sao môn võ thuật giảng dạy tại trường có khả năng thi đấu, chứ không thể chỉ có khả năng tự vệ thông thường. Giáo sư Tomiki tin rằng sự "hợp thức hoá" thi đấu trong luyện tập Hiệp Khí Đạo, theo cách mà Tổ Sư Kano đã làm với Nhu Đạo, có thể làm nó dễ được giảng dạy hơn, đặc biệt là tại các trường Đại học ở Nhật Bản. Thêm vào đó, ông cho rằng đưa vào yếu tố thi đấu sẽ làm cho việc thực hành Hiệp Khí Đạo được mài sắc và tập trung hơn, cần phải tập chiến đấu trước khi nó sắp phải trải nghiệm trong thực chiến ngoài đường phố. Hiệp Khí Đạo cổ truyền chính thống và Hiệp Khí Đạo của Giáo sư Tomiki được nhận thấy rõ nét qua việc sử dụng Kata (các bài quyền được chuẩn bị trước) trong giảng dạy và việc cho phép thi đấu, bằng tay không cũng như với dao làm bằng cao su.Và đây chính là lúc gây ra sự bất đồng sâu sắc với Tổ sư, người đặt nền tảng cho tư tưởng "bất đối kháng" của Hiệp Khí Đạo.

(còn tiếp)

Guest
09-08-2006, 06:18 AM
Khoảng tháng 10/1962, một Hội đồng chính thức được lập ra để tổ chức các khoá học chuyên môn trong ngành thể thao sư phạm trực thuộc khoa giáo dục, các môn phái như Hiệp Khí Đạo, Nhu Đạo chuẩn bị cho việc đưa các môn phái mình vào chương trìng giàng huấn tạo các bậc giáo dục tại Nhật để truyền bá được sâu rộng hơn. Giáo sư Tomiki được chính thức bầu vào giám đốc điều hành chương trình và cũng chính là nhà tiên phong trong việc xây dựng "Hiệp Khí Đạo chiến đấu".

Giáo sư nổi tiếng nhất Đại học Wesada là Ông Kaoru Abe, trưởng khoa giáo dục và sư phạm đưa ra nhận định chính Giáo sư Kenji Tomiki là "Người cha đẻ và sáng lập viên" của tất cả khoá học chỉ có giảng dạy tại Đại học Weseda, nơi đã được nhiều trường đại học danh tiếng khác trên thế giới xem là khuôn mẫu của nghệ thuật giáo dục Phương đông "văn võ song hành".

Từ giữa thập niên 1950, Giáo sư Tomiki xuất bản 3 quyển sách, cuốn "Nhu Đạo và Hiệp Khí Đạo" xuất bàn bằng Anh ngữ vào năm 1956, được chuyển ngữ sang tiếng Pháp vào năm 1960, được nhiều người biết đến như một công việc lịch sử đã đem môn Aikido ra thế giới bên ngoài đất Nhật Bản. Năm 1958, cuốn "Nhập môn Hiệp khí đạo" được tung ra khắp thế giới, đây là cuốn sách của Giáo sư Tomiki được tái bản rất nhiều lần cho đến ngày hôm nay, quyển sách nói lên được chủ tâm và đường lối của ông trong việc cách mạng hoá môn Nhu đạo và Hiệp khí đạo. Ông tiếp tục xuất bản thêm quyển sách "Hiệp Khí đạo tân thư", cuốn dùng cho việc thực hành môn thể thao chiến đấu tại trường học, quyển sách đặt mạnh về thi đấu trong môn Hiệp khí đạo.

Tháng 3/1970, Giáo sư Tomiki quyết định từ giả nghề dạy học, giã từ viện đại học danh tiếng Weseda, nơi mà ông hoạt động hết mình và có tiếng nói mạnh mẻ nhất trong cộng đồng vọ thuật Nhật Bản. Trong suốt thập niên làm việc tại đây Ông đã chứng tỏ sức mạnh hăng say làm việc không hề biết mệt mõi và chính là đỉnh cao nhất thành đạt trong đời mình. Tháng 10/1970 ông xuất bản tác phẩm nghiên cứu rất đặc sắc được ấp ủ, thai nghén từ trời chiến tranh của Nhật với tựa đề "Giáo dục thể thao và các bộ môn Võ thuật". Tháng 11 cùng năm lần đầu tiên cuộc tranh giải "Vô địch Hiệp Khí Đạo Sinh viên toàn quốc" được tổ chức lần đầu tiên và được xem là thành công mỹ mãn, 10 lần tổ chức liên tiếp thành công sau đó cho tới cuối năm 1979.

"Viện nghiên cứu võ thuật Nhật Bản" thành lập vào năm 1968, Giáo sư Tomiki đã bỏ nhiều sức lực trong công việc của một thành viên trong hội đồng quản trị. Từ năm 1973 cho đến lúc mất đi ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một Phó chủ tịch của hiệp hội danh tiếng đã có công lớn nhất trong việc truyền bá võ thuật Nhật Bản ra khắp các quốc gia trên thế giới.

Số lượng tác phẩm, điểm sách, phê bình, phân tích của Giáo sư Tomiki về Hiệp khí đạo, Nhu đạo, hay các môn võ thuật Nhật Bản vô cùng đồ sộ về số lượng, được nhiều giới đánh giá cao về chất lượng mà đến nay vẫn chưa có người phá được kỷ lục như kỳ tích của ông. Tác phẩm phân tích cuối cùng của ông về "Chất liệu trong Võ học Nhật Bản", được ông viết vô cùng xúc tích đã trở thành cuốn sách tham khảo quý giá cho các môn đệ ông hiểu biết về nền tảng xây dựng nên một chi phái Tomiki Aikido.

Tháng 12/1974, "Tân hiệp hội Hiệp Khí Đạo Nhật Bản" đã được thành lập do Giáo sư Tomiki đứng đầu. Hiệp hội được thành lập với nhiệm vụ quản trị và đáp ứng mọi vấn đề liên hệ đến môn "Hiệp khí đạo thể thao", đặt trên lý thyết do ông sáng lập và phát triển không ngừng nghỉ qua hoạt động mạnh mẻ của các môn đồ thân tín nhất, không chỉ dừng lại ở biên giới Nhật Bản mà bao trùm khắp nơi trên thế giới.

Tháng 7/1977, cùng với phu nhân và vài học trò cao cấp, Giáo sư Tomiki viếng thăm Úc châu, lục địa cuối cùng mà Tomiki Aikido muốn chinh phục để gieo hạt giống Tomiki Aikido, qua lời mời của huấn luyện viên trưởng John Gay và "Hội Hiệp Khí Đạo Úc Châu ", vị Giáo sư Tomiki 77 tuổi được liên tục chào đón khắp các tiểu bang mà ông đặt chân đến, từ ngày đó đến nay hạt giống do ông gieo đã có đến 70 võ đường khắp Úc Châu theo hệ phái Tomiki Aikido.

Trước lúc ra đi:

Tháng 7/1978, sức khỏe của giáo sư Tomiki bất đầu xuống dốc, ngày 15 tháng 8 ông được đưa vào bệnh viện để ngày hôm sau vào ngay ca mổ sáng sớm nhất, các bác sĩ bệnh viên chuẩn đoán ra căn bệnh của ông chính là ung thư bao tử, nhưng bí mật nầy được giử kín với những người thân nhất trong gia đình, cho đến ngày ra đi của Giáo sư về cõi vĩnh hằng ông vẫn chưa được biết căn bệnh thật sự của chính mình.

Ngày 17/10/1979, Giáo sư Tomiki lại phải trải qua thêm 1 lần mổ nữa, căn bịnh có vẽ trầm kha hơn kỳ mổ vừa qua, tuy nhiên ông tỉnh dậy rất sớm, và bắt đầu nói chuyện bình thường vào ngay sáng hôm sau, dù mọi người biết bịnh tình ông ngày càng nặng hơn và ngay thời điểm đó ung thư là một căn bịnh mà nguyên nhân của nó là những mù mờ huyền hoặc đầy lý thuyết khó hiểu. Giáo sư Tomiki nằm trên giường bịnh đã sắp xiếp cho mình những gì cân thiết phải làm khi ông bước chân khỏi bệnh viện, hoàng loạt kế hoạch ông đưa ra như là phải hoàn tất ngay 2 bộ sách về Nhu Đạo và Hiệp Khí Đạo mà ông đã bỏ quá nhiều thời gian sưu khảo, thí nghiệm, so sánh để viết cho thật hoàn hảo. Ông dự tính phải chuần bị ngay cho các chuyến đi nước ngoài trong thời gian gần nhất với mục đích phát triển chi phái Tomiki Aikido nói riêng và Hiệp Khí Đạo nói chung.

Tuy nhiên, sức khoẻ của ông làm tan nát hết tất cả mọi kế hoạch được ông tỉ mĩ ghi vào chương trình, thân thể từng một thời thật tráng kiện của Giáo sư Tomiki bây giờ không chịu nhận thức ăn nửa, bao tử ông hư hoại không thể tiêu hoá bất cứ món thực phẩm nào, nhưng ý chí mạnh mẽ của ông bắt thân xác mình phải hoạt động, ông dùng tay và chân đẩy mạnh vào giường để di chuyển, ông dùng nhiều cách để tự mình đứng dậy để bước xuống giường. Ngoài gia đình ra ông không tiếp một người khách lạ nào khác ngoài những môn đệ, những người muốn bàn luận, học tập về môn Hiệp khí đạo hay Nhu Đạo, có lẽmột ý thức cuối cùng còn lại trong ông phải cố gắng đem tặng và chia sớt hết tất cả mọi kiến thức một đời tuyệt học của ông về võ thuật cho những người cần thiết nó. Tuy nhiên những giờ bàn luận với ông về võ thuật, về Nhu đạo, Nhu thuật, Hiệp Khí đạo ngày càng ít đi vì ông không thể nói được nữa, ngoại trừ đôi mắt vẫn sáng rực khi nhận thấy những người môn đệ, bè bạn võ thuật, gia đình viếng thăm.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Tomiki6.jpg
Nơi đài tưởng niệm Giáo Sư Kenji Tomiki, nơi Ông sáng lập ra ý tưởng "Hiệp Khí Đạo Tomiki"

Vào lúc 9 giờ tối, ngày 24 tháng 12, trong lúc nhiều người dù có đạo Thiên Chúa Giáo hay không vẫn cố gắng tìm đến một giáo đường để được nghe những bài thánh ca tuyệt vời. Đên Giáng Sinh ngoài trời lạnh, buồn như những giây phút cuối cùng của Giáo sư Tomiki và những người thân yêu bên cạnh ông, người vợ tên Fusae như bao nhiêu người đàn bà Nhật Bản đã lao lụy tận tình chăm sóc ông trong suốt 2 tháng trời cuối cùng của cuộc đời, bà ước mơ ông sẽ sống được qua năm mới. Giáo sư Tomiki đã thở những hơi thở cuối cùng và từ giả cỏi đời ô trọc vào lúc 4.10 giờ chiều ngày 25 Tháng 12. Giải khăn tang bao trùm khắp thế giới khắp, 5 châu để vĩnh biệt ông, một vị thầy của những vị thầy.

(Hết).

aiki
09-08-2006, 01:07 PM
Cám ơn anh DCH! Nhờ bài này mà tui biết thêm nhiều về thầy Tomiki! :no1: :no1:

psi_ops2001
09-08-2006, 10:45 PM
hay quá anh DCH ơi ! đọc về cuộc đời của thấy tomiki cứ như đang xem 1 bộ phim ấy :no1: :drinks: