PDA

View Full Version : SUMO: Môn võ của các vị Thần Linh.



GauTUTAM
07-28-2006, 05:42 AM
http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/CHAUCHAU.jpg

SUMO: Môn võ của các vị Thần linh.

Nhắc đến nền võ thuật Nhật Bản, nhiều người nghĩ đến ngay môn Karatedo, Judo hoặc Aikido, nhưng chắc chắn có một môn võ truyền thống mà không ai có thể bỏ qua, đó là Sumo. Sumo là môn thể thao được tổ chức vào loại xưa nhất thế giới, cách đây chừng trên 1.500 năm. Tài liệu cổ nhất của Nhật Bản gọi là Kojiky, một tác phẩm nói về sự liệt oanh của các cuộc chiến Sumo bằng thơ được viết từ năm 719.
Với người Nhật Bản Sumo không chỉ là một môn thể thao thuần túy mà nó còn là một tôn giáo riêng, khởi đầu như một phần của nghi thức Thần đạo. Võ đài Sumo không chỉ là sân thi đấu thông thường mà còn là một nơi linh thiêng, đượm màu sắc tôn giáo. Từ thuở sơ khai, Sumo được biểu diễn như một hình thức tế lễ trong nông nghiệp với ước mong một mùa màng tươi tốt của nông dân Nhật Bản, đồng thời để dự đoán mùa vụ và ý trời. Vào thế kỷ thứ 9, môn này được dùng trong nghi lễ cung đình.

Sumo gắn liền hơn với những nghi lễ tôn giáo của Nhật Bản khi những Sumotori (võ sĩ Sumo) vốn là những người có nhiệm vụ hành quyết và đe dọa quân địch đầu hàng. Võ đài sumo phải được tẩy uế trước cuộc đấu bằng cách tung muối. Những võ sĩ Sumo vỗ tay thật lớn để kêu gọi sự chứng kiến của các vị thần linh, mong có được sức mạnh như những vị thần trong huyền thoại.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/KOKUGISAN.jpg

KOKUGISAN, sân đấu Sumo chính thức của nước Nhật.

Trận đấu Sumo đầu tiên được tiến hành năm 642. Năm 858, Nhật hoàng Seiwa đã chiến thắng trong những trận đấu Sumo năm đó và ông đã góp công lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của môn võ độc đáo Sumo. Cho đến thế kỷ thứ 12, sumo trở thành môn võ với nhiều kỹ thuật được ứng dụng trong chiến đấu và sau đó trở thành môn Võ diễn trong các lễ hội tại các ngôi đền vào thời kỳ Edo (1603-1868), việc tổ chức thi đấu Sumo và phân biệt đẳng cấp trong những Sumotori đã được hoàn thiện. Nhưng đến cuối thời Minh Trị (1868-1912) Sumo lần đầu tiên được gọi là môn thể thao dân tộc của Nhật Bản và được duy trì cho đến ngày nay.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/sumobanners.jpg

Náo nức trước các giải Sumo lớn nhất, quy tụ nhiều cao thủ Sumo nhất nước Nhật.

Nghi lễ thi đấu Sumo phải tiến hành đúng quy cách. Nghi lễ nhập đài gồm nhiều giai đoạn: đầu tiên là nghi lễ dậm chân và khởi động - đây là một bài tập luyện mang tính truyền thống rất quan trọng. Trong mỗi buổi luyện tập, các võ sĩ Sumo phải tập đi tập lại động tác này tới hàng ngàn lần, cho đến khi đạt đến độ tinh xảo và hoàn mỹ. Sau đó là nghi lễ tẩy uế Shinto ném muối truyền thống. Hai đấu thủ tiến về góc đài, bốc một nắm muối ném vào sàn đấu, rồi cả hai cúi người xuống và nhìn nhau trừng trừng. Ý nghĩa của động tác này giống như những động tác thiền định của các kiếm sĩ Nhật Bản thời xưa để tập trung tư tưởng. Mỗi đấu thủ thực hiện nghi lễ này theo một phong cách riêng và họ tỏ rõ được uy lực của mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. 4 phút sau khi nghi lễ Shinto kết thúc, hai đấu thủ bắt đầu dùng hết sức bình sinh lao vào nhau - cú húc đầu tiên có tên gọi Tachi-ai. Trận đấu thực sự bắt đầu.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Lenghi.jpg

Nghi lễ trọng thể không thể thiếu trong các cuộc tranh tài Sumo.

Luật giao đấu Sumo rất đơn giản không rườm rà như những nghi thức và thủ tục của nó, gồm có 2 cách để lấy điểm và chiến thắng đối phương:

1. Vật ngã đối phương, cho đối phương té hoặc thân thể chạm đất, bất cứ bộ phận nào của thân thể ngoại trừ 2 bàn chân đứng.

2. Xô hoặc hắt đối phương trợt hoặc bước qua vòng đấu được tròn, chắn bằng các sợi giây thừng bằng cổ tay, với đường kính sàn đấu 4.55 thước xoay tròn trên sàn đấu. Các đấu thủ có thể dùng tất cả các đòn vật ngoại trừ nắm đầu, nắm tóc, đá, nhéo, các nắm đấm ngoài trừ tát tay. Ngoài ra các Võ sĩ Sumo trên sàn đấu bất cứ lúc nào cũng có thể bị loại nếu vi phạm các luật lệ nhất định có từ ngàn xưa trong môn Sumo cổ truyền như là nổi nóng, chưởi tục, rớt đai, bị làm nhục hay hạ nhục đấu thủ khác.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/Sumo3.jpg

Một trong những cao thủ của Sumo Nhật Bản đang "khoe hàng".

Các Võ sĩ Sumo xuất thân từ các lò đều có những kỹ thuật đặc trưng của lò mình hoặc các đòn thế bí truyền được tập luyện rất công phu, hiện nay khắp nước Nhật có khoảng 50 lò võ Sumo và khoảng 10 lò nhỏ hơn khắp nơi trên thế giới, hầu hết các lò danh tiếng (Quy tụ nhiều đấu thủ đạt hạng cao, lâu năm, thầy giỏi) tập trung quanh khu nổi tiếng có đấu trường Sumo lớn nhật tại Nhật là Kukugikan. Các lò đào tạo thường do một cựu Sumo vô địch danh tiếng nhất đứng đầu và coi sóc tất cả võ sinh khác, một ngày của họ thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, tập nhiều bài thể lực, luyện các nghi thức Sumo cho thật hoàn hảo, các đòn thế cổ truyền và hiện đại với các đồng môn thay phiên liên tiếp cho đến 11 giờ trưa và trở lại tập từ 3 giờ chiều cho đến 9 giờ khuya. Ăn trưa lúc 11.30 với 1 bàn tiệc khổng lồ, tính ra trung bình 1 Võ sĩ Sumo phải ngốn gần 9 ký thức ăn trong 2 buổi ăn trưa và tối, phải đi ngủ liền sau đó để có thể giữ được vòng bụng với vòng cân ký lý tưởng. Riêng các Võ sinh mới nhập môn trong 1,2 năm đầu thường phải giữ các nhiệm vụ vô cùng khó nhọc trong việc tạp dịch và hãnh diện phục vụ các đàn anh của mình cho đúng với truyền thống Sumo mà không người võ sĩ nào không từng vinh nhục đi qua.

Những Đấu sĩ Sumo càng có trọng lượng lớn càng được tôn trọng. Cân nặng của một Sumo trung bình hiện nay bắt đầu từ con số 130kg, cao khoảng 180cm. Họ tăng trọng lượng bằng chế độ ăn đặc biệt với những đồ ăn nhiều chất béo gọi là "Chanko nabe" kết hợp với những bài tập "Haragei". Những Sumotori muốn trở thành Sumo thành danh phải gia nhập ngay từ tuổi 15 và theo chế độ tập luyện khắc nghiệt. Hàng năm sẽ có sáu giải đấu Sumo (Basho) kéo dài 15 ngày nhằm phân biệt đẳng cấp của các Sumotori. Tại Tokyo (Tháng 1,5,9), Osake (Tháng 3), Nagoya (Tháng 7) và tại Fukouka (tháng 11). Trong thời gian các giải được tổ chức các đấu sĩ ngoài thời gian đầu tư cho tập luyện họ phải tuyệt đối tĩnh tâm bằng cách ngồi trầm mặc trước bàn thờ Shinto và loại bỏ những tạp niệm.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/SumoMaster.jpg
Các cao thủ trình diện các thần linh, theo nghi lễ của Thần đạo.

Theo qui định bắt buộc của Hiệp hội Sumo Nhật Bản, tất cả võ sĩ sumo, bất kể thời tiết nóng hay lạnh, khi tập luyện cũng như trong thi đấu đều chỉ được đóng khố. Một dạo gần đây nhiều người đã đề nghị cần có sự thay đổi trong trang phục thi đấu của các võ sĩ nhằm giúp các võ sĩ đỡ bị e ngại khi bước lên võ đài. Tuy nhiên, những ý kiến này đã bị giới chuyên môn cực lực phản đối, bởi họ cho rằng việc đóng khố ngoài yếu tố duy trì tính truyền thống của môn võ này, còn giúp các võ sĩ vốn rất to lớn về mặt thể hình sẽ dễ bề xoay chuyển trong các tư thế khi đối mặt với đối phương. Khi tôi bước vào võ đường, tất cả các võ sĩ đều lịch sự quay đầu cúi chào theo phong cách truyền thống, rồi quay lại luyện tập ngay. Sàn tập chỉ rộng khoảng 20m2 nhưng có gần 20 võ sĩ mồ hôi nhễ nhại đang đứng xoay trần ra xuống tấn, chạy đà..., giữa sàn đấu từng cặp một bước ra luyện thế và tiến hành các thế vật như trong các trận đấu thật.

Trái ngược với những suy nghĩ ban đầu đối với các chàng hộ pháp to lớn này phải là những người ăn to nói lớn, nhưng không, các võ sĩ gần như im lặng trong khi tập luyện, tất cả đều ra dấu hoặc lên tiếng rất khẽ mỗi khi bạn tập đưa ra những động tác không phù hợp, chỉ có âm thanh "huỵch huỵch" là đều đặn mỗi khi những cơ thể nặng hàng trăm ký đập xuống nền đất nện.

Thứ bậc của Sumotori được phân theo 9 thứ hạng. Những thứ hạng cao nhất của Sumo gồm Komusubi, Sekiwake, Ozeki và trên cùng là Yokozuna - Nhà Đại vô địch, muốn đạt đến đẳng cấp này, đấu thủ Sumo phải có một thành tích thật ổn định - mỗi vòng đấu phải thắng ít nhất 12 trong số 15 trận, ở các trận cao cấp thường không tính sức nặng hay chiều cao mà hoàn toàn theo khả năng. Cũng như các Samurai thời trước, võ sĩ Sumo là người biết tôn trọng triệt để quy tắc, luật lệ và nhất là giữ gìn tinh thần khắc kỷ, tự chế, thắng không kiêu, bại không nản. Nơi đấu trường không bao giờ kẻ thắng bộc lộ sự kiêu căng, tự mãn hay kẻ thua tỏ ra mất bình tĩnh, bất mãn. Trọng tài, giám khảo có một vị trí gần như tuyệt đối. Nếu quyết định của họ sai thì không một ai kể cả cổ động viên, thốt ra lời phản đối. Sau mỗi trận đấu, hai võ sỹ đều cúi thật thấp đầu chào nhau và lặng rời khỏi võ đài. Hầu như mỗi cử chỉ, động tác của võ sĩ Sumo đều được tính toán cẩn thận, tất cả nhằm duy trì tinh thần truyền thống của Nhật Bản.

Có hơn 70 đòn vật kỹ thuật trong môn Sumo, mà hầu hết người ta có thể tìm thấy trong các đòn thế của Ju-Jitsu, Judo. Nhưng 1 đấu thủ muốn thắng đối phương mình một cách vẻ vang anh ta phải luyện những tuyệt chiêu riêng cho mình trong nhiều năm tháng. Các cuôc đấu Sumo thường chỉ đấu trong vòng vài chục giây, ít có cuộc đấu nào kéo dài lên tới 1,2 phút.

Tiêu chuẩn để tuyển chọn vào các lò võ sumo là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 - 23, trong đó chiều cao tối thiểu là 173cm và nặng ít nhất 75kg, đặc biệt trình độ học vấn tối thiểu phải hoàn tất bậc trung học, xuất thân gia đình nề niếp, được giới thiệu của 1 vài người quen biết trong giới Sumo Nhật. Sau khi được thu nhận, tất cả các võ sĩ đều được lò võ đài thọ miễn tiền ăn, ở.v.v.. Nguồn kinh phí này chủ yếu được các doanh nghiệp lớn của Nhật tài trợ thông qua Hiệp hội Sumo Nhật Bản.

Sau khi chính thức thi đấu, các võ sĩ sẽ được Hiệp hội Sumo trả lương hằng tháng (từ 60.000 - 200.000 yen), ngoài ra mỗi trận thắng sẽ nhận được một số tiền thưởng rất lớn (từ 1 - 1,5 triệu yen). Chính vì vậy cuộc sống của hầu hết võ sĩ sumo đều rất khấm khá, nếu không nói là giàu có, nhà cao cửa rộng. Rất nhiều tài tử, ca sĩ mơ ước được nâng khăn sửa ví cho các chàng trai Sumo và họ coi đó là một hãnh diện khi đi bên người chồng xuất thân là đệ tử của các thần linh.

Trung bình 1 năm thu hoạch của các Võ sĩ Sumo, theo đẳng cấp như sau:
Yokozuna: 3,820,000 Yen
Ozeki: 2,350,000 Yen
Sanyaku: 1,700,000 Yen
Maegashira: 1,300,000 Yen
Juryo: 1,030,000 Yen

Từ cấp Juryo trở xuống chỉ được ăn lương theo số lượng trận mình đấu, hoặc ăn lương theo chia chác của lò võ, họ sống với số tiền ít ỏi và phải dành dụm cho tuổi xế chiều, hoặc thường làm vốn làm ăn để sinh tồn trong xã hội mắc mỏ của Nhật Bản.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/SumoInTraining.jpg

Một Võ Sĩ Sumo muốn thành danh, họ phải thuộc lòng câu châm ngôn "Sumo sống chiến thắng, hay chết đê hèn".

Tuy nhiên bề mặt trái của cuộc đời 1 võ sĩ Sumo không đơn giản như chúng ta nghĩ, với cuộc sống và lề lối sống như vậy suốt bao năm, cuộc đời của học rất ngắn ngủi thường từ khoảng 60 65 tuồi, 20 năm ngắn hơn tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện nay. Họ thường bị các chứng bệnh như cao máu, tiểu đường, và nhất là đau tim. Ngoài ra các võ sĩ Sumo về già rất dễ nghiện ruợu và hầu hết mang các chứng bệnh về bao tử, gan, thấp khớp. Hiện nay để tăng cường số lượng những người trưc tiếp tham gia vào môn võ Sumo, các giới thẩm quyền về Sumo có khuynh hướng khuyến khích các võ sĩ Sumo tập sống cuộc sống lành mạnh, tập luyện nhiều loại thể thao khác, giảm lượng cân để kéo dài tuổi thọ cao hơn.



http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/sumo.jpg

Một trong những đòn ruột của các cao thủ Sumo.


Trong thời gian tranh giải, các đài truyền hình, cáp của Nhật chiếu trực tiếp thường xuyên các trận đấu. Trong đấu trường khán giả thường mang rượu Sake, các thức ăn cổ truyền để có thể xem suốt thời gian mà không rời bỏ 1 trận nào cho việc ăn uống. Khán giả thường bình luận rất sôi nổi hoan hô nhiệt tình. Trong trận đấu các ghế gần nhất thường được tính với giá rất mắc và hầu như không thể nào mua được vì được dành riêng cho các nhà bảo trợ giàu có và quyền lực. Nhiều trận đấu có khán giả giàu có ngồi hàng ghế đầu bị chết hoặc phải vào nhà thương vì các đấu thù Sumo té xuống đài đè họ, khán đài đấu Sumo không được an toàn như tại các sân đấu Quyền anh có giây bao xung quanh.

Để tránh việc gian lận trong mùa đấu hoặc các giải có số tiền thưởng lớn, các lò võ phải được sắp xiếp sao cho các đấu thủ giỏi của mỗi lò không đụng nhau trong 1 trận đấu, hoặc các Võ sĩ cùng 1 lò không đấu với nhau vì có thể dàn xiếp tỉ số ăn thua. Sự gian lận trong các trận Sumo được coi là làm nhục đến các vị thần linh trong sạch của Thần đạo. Luật bất thành văn trong giới Sumo là nếu 1 đấu thủ Sumo bị bắt được tại trận trong việc bán độ hoặc liên hệ đến chuyện gian dối nào đó, có thể anh ta có thể không cần bị luật pháp trừng trị nhưng anh ta sẽ bị chính các đấu thủ của mình khinh bỉ tột cùng, lò võ anh sẽ bị tiếng xấu trong nhiều năm liên tiếp cho đến khi chính lò võ của anh phải truất phế anh ra khỏi sư môn, và cuộc đời Sumo của anh coi như hoàn toàn chấm dứt trong đau thương.


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/01220Sumo20Training.jpg

Hết mình nơi sàn tập !


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/SumoLunch.jpg
Một buổi ăn trưa ''đơn giản'' của các Sumo.

Nhìn những võ sĩ Sumo to lớn kềnh càng, chắc bạn sẽ nghĩ đây là trò chơi bắp thịt, nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Sumo là môn thể thao đầy tính thẩm mỹ và nghệ thuật. Trong Sumo không phải sức mạnh bắp thịt mà chính sự khéo léo và khôn ngoan mới là yếu tố quyết định thắng lợi cuối cùng. Bạn có thể phân biệt được kẻ thắng, người bại trong cuộc đấu bởi vì, màn chung cuộc của một trận Sumo bao giờ cũng rõ ràng minh bạch hơn Judo, Karatedo hay vật nghiệp dư rất nhiều. Chỉ có hai trường hợp: Kẻ chiến bại rời khỏi sàn đấu, hoặc bị đo ván.

Một điều đặc biệt là Sumo là một môn mà nữ giới hoàn toàn không được tham gia, trong bất cứ lảnh vực nào ngoại trừ làm khán giả, các nữ giới không được đến gần sàn đấu trong vòng 2 thước, không được trợ giúp trong mọi việc huấn luyện, nấu ăn, giặt ủi. Thời gian trước năm 1940 phụ nữ đến xem các cuộc đấu Sumo, họ phải trả với 1 giá mắc hơn nam giới, phải tôn trọng 1 số quy ước ngầm (Kimono sạch sẽ, phụ nữ có kinh nguyệt cấm tuyệt đối, không được cười ngả ngớn, phải đi với chồng hoặc chủ nhân v.v..).


http://i110.photobucket.com/albums/n120/hinhanhvothuat/sumo_monument_001.jpg
Đền ghi ơn các chiến sĩ và cao thủ Sumo nổi tiếng của Nhật qua biết bao thời đại.

Hiện nay môn võ Sumo - một đại biểu của tinh thần văn hoá Nhật Bản không chỉ phát triển ở đất nước hoa anh đào mà còn mở rộng trên toàn thế giới. Điều đặc biệt là danh hiệu cao quý nhất dành cho võ sĩ Sumo không chỉ dành riêng cho người Nhật Bản. Rất nhiều võ sĩ ngoại quốc đã vinh dự dành được giải thưởng này. Năm 1993, giải đấu Grand Sumo Tournament tổ chức ở Honolulu, Hawaii. Những võ sĩ được phong tước hiệu Yokozuna cao quý nhất cũng dần xuất hiện những người nước ngoài. Hiện nay chỉ còn 700 - 800 võ sĩ chuyên nghiệp và khán giả xem sumo đã giảm xuống trầm trọng. Hơn nữa theo nhiều nhà thể dục học thì việc có một thể hình quá khổ sẽ làm cho những võ sĩ sumo có chuyển động nặng nề, thiếu linh hoạt và sẽ gặp khó khăn trong những hoạt động xã hội thông thường. Sumo cũng cần những anh hùng mới để cuốn hút các fan của mình. Điều quan trọng bây giờ không phải là vận động viên Nhật Bản hay nước ngoài thi đấu mà các vận động viên phải trình diễn những trận đấu hay và đẹp mắt. Điều đó muốn nhắc nhở rằng "Nghệ thuật truyền thống" không đồng nghĩa với việc cạnh tranh hạn chế ở riêng đất nước đã sinh ra nó. Môn võ sumo của người Nhật sẽ thật sự được đánh giá cao hơn khi nó được giao lưu và thi đấu với thế giới bên ngoài.

Gaututam.

myukyu
07-28-2006, 09:05 AM
Cách đây không lâu, tớ có coi 1 chương trình nói về Sumo. Những VĐV Sumo trông bự, nặng nề nhưng rất là nhanh nhẹn và lẹ. Họ áp dụng phương thức của Judo và aikido để đẩy và xô địch thủ ra khỏi cái vòng đấu!

Nhìn lực sĩ Sumo thì thấy ghê, nhưng không thể tưởng tượng được khi thấy họ ra đòn ....

Bushido
08-04-2006, 07:51 PM
Đây là mấy cái clip về Sumo:

http://www.youtube.com/watch?v=TLbtWnAQn0o
http://www.youtube.com/watch?v=wWuPrQAqVT4
http://www.youtube.com/watch?v=BKOjk-5R0OA