PDA

View Full Version : Kể chuyện tập Aikido ở Nhật



chithanh
04-23-2017, 09:49 PM
Chào mọi người. Hiện tại mình đang học ở Nhật, cũng mới đi tập lại được vài tháng. Hôm nay rảnh rỗi, mình xin kể lại chuyện đi tập của mình ở bên này.

Có lẽ qua một số bài khác trên 4rum, mọi người đã biết về việc luyện tập Aikido ở Hombu và 1 số thành phố lớn ở Nhật. Nhưng vùng mình đang ở lại là 1 vùng miền núi khá hẻo lánh (ngoại ô 1 thành phố nhỏ của 1 tỉnh miền núi :P) nên việc tập luyện k đc thuận lợi cho lắm.

Các CLB quanh chỗ mình thưởng chỉ sinh hoạt 1 buổi 1 tuần và đều cách khá xa, khoảng hơn 1h di chuyển. Do địa hình miền núi, nhiều dốc đứng nên đạp xe rất khó khăn. Phương tiện công cộng cũng k tiện lắm (leo dốc khoảng 30’ mới đến ga tàu, xe bus thì mỗi chuyến cách nhau 1-2h, giá tàu xe cũng đắt). Thêm vào đó, những ngày trong tuần mình thường phải ở trên lab muộn, về phòng nấu nướng tắm giặt là hết thời gian không thể đi tập buổi tối.

Vì những lí do đó mà lúc đầu mình đã định bỏ tập, đợi về VN tập tiếp. Nhưng sau khi nghe lời động viên từ bạn bè, mình đã quyết định đi tập lại. Sau 1 tgian, mình cũng đã tìm được 1 clb phù hợp. CLB này tập 1 tháng 4 buổi, thông thường là vào sáng CN nhưng nếu k có sân thì sẽ chuyển sang 1 buổi khác trong cuối tuần. Ngoài ra, mỗi tháng có 1 buổi tập thêm miễn phí ở thành phố lớn gần đó. Gọi là miễn phí nhưng tiền tàu cũng gần bằng tiền tập 1 tháng, thời gian di chuyển cũng lâu nên mình chưa tham gia bao giờ.

Lệ phí 1 tháng cho người đã đi làm là 3000 yên (~600 ngàn VNĐ), trẻ em là 1000, người già trên 65 tuổi và sinh viên là 2000 yên. Bảo hiểm 1 năm là hơn 1800 yên. Nếu so với lệ phí tập ở Việt Nam thì khá cao, nhưng so với các CLB khác trong vùng thì mức này là thấp nhất.

https://c1.staticflickr.com/3/2888/34219244865_256e5da393.jpg (https://flic.kr/p/U8Qzjr)
Đường đi từ ga tàu lên võ đường

https://c1.staticflickr.com/5/4176/33377292864_55ccf1d695.jpg (https://flic.kr/p/SRrmjC)
Đường khá hẹp, 2 làn ô tô và 1 lối đi bộ nhỏ. 2 người đi bộ ngược chiều gặp nhau thì 1 người phải đi xuống làn ô tô để tránh, hơi nguy hiểm chút :P

Từ chỗ mình đến CLB mất khoảng gần 1 tiếng. Trong đó có 7 phút ngồi tàu, còn lại là đi bộ leo dốc. Do CLB nằm gần đỉnh của 1 ngọn núi nên đường rất dốc, đi lên rất mệt. Cảm giác lượng mồ hôi đổ trên đường đến clb còn nhiều hơn mồ hôi trên thảm tập nữa.

https://c1.staticflickr.com/3/2873/34061990142_69652af615.jpg (https://flic.kr/p/TTWAY7)
Chụp từ đỉnh đoạn dốc cuối cùng dẫn lên võ đường. Trời nắng leo lên muốn xỉu luôn :P

https://c1.staticflickr.com/3/2920/33377289814_8d3098587b.jpg (https://flic.kr/p/SRrkq3)
Bên ngoài võ đường

https://c1.staticflickr.com/3/2810/34088476221_a1afda3d5d.jpg (https://flic.kr/p/TWhmmD)
Từ trên chỗ võ đường nhìn xuống TP bên dưới

Giáo viên hướng dẫn chính ở đây là thầy Matsushima (6 dan Aikikai), ngoài ra có 1 thầy người Anh và 1 cô người Nhật nữa làm trợ giảng.


https://www.youtube.com/watch?v=0SgyUu3lYTU
Video thầy hướng dẫn của mình và cô trợ giảng người Nhật (2 người đầu tiên trong clip)

Mỗi buổi tập kéo dài 90 phút, trong đó 30 phút cuối là tập jo. Thời gian tập không nhiều nên một số thành viên thường đến sớm để tập thêm vào cả ca trẻ em (diễn ra trước ca tập chính).

Tập 1 buổi 1 tuần thì có lẽ chỉ để cho đỡ quên kỹ thuật thôi chứ cũng khó mà tiến bộ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại thì mình cũng k thể làm hơn.

Hôm nay tạm kể đến đây. Mình sẽ viết kỹ hơn về kỹ thuật và không khí tập luyện trong bài sau.

kidsaiki
04-26-2017, 06:29 PM
Hay quá, hóng bài viết tiếp của bác :)

aiki
05-04-2017, 02:32 AM
Như vậy thì khỏi cần khởi động hả CT! tập 1 lần / tuần thì khó tiến à nhe! mà thôi, có còn hơn khg! Kiên nhẫn đi nhe!

chithanh
05-05-2017, 11:10 PM
Như vậy thì khỏi cần khởi động hả CT! tập 1 lần / tuần thì khó tiến à nhe! mà thôi, có còn hơn khg! Kiên nhẫn đi nhe!

@Chú Aiki.
Có khởi động nhanh khoảng 10’ đầu giờ chú ạ. Thời gian ít nên cháu chủ yếu tập cho đỡ quên bài thôi ạ.
///

Hôm nay mình xin kể tiếp chuyện

Lớp người lớn ở CLB mình có khoảng 20 người tập. Chủ yếu là người trung niên – và các cụ lớn tuổi. Vì vậy nên nhìn chung, mọi người tập khá chậm rãi, nhẹ nhàng. Ở đây có qui định màu đai xanh, nâu cho từng cấp. 1 năm thi 1 lần. Có 1 điểm là kyu 1 sẽ phải thi 2 lần để lấy shodan. Lần đầu, võ sinh sẽ đc đeo đai đen nhưng k có hakama (hình như là đai đen cấp CLB). Sau đó 1 năm thì thi tiếp lần 2, lần này sẽ có bằng shodan của Aikikai và đc mặc hakama.

Trong CLB, ngoài 3 người hướng dẫn chính như mình đã kể, còn có 1 bác thuộc hàng “cao thủ”, tên Yamanegi. Bác kể với mình là tập được gần 60 năm. Bác bắt đầu tập theo hệ phái của thầy Tohei. Sau đó lên Tokyo làm việc thì đi tập ở Hombu, tập vũ khí với thầy Saito. Bác kể là hay tham gia lớp của Sư tổ lúc 6h sáng. Lớp sáng sớm còn có nhiều diễn viên ca sĩ nổi tiếng tập. Bác kể tên mấy diễn viên mà mình k biết ai với ai cả.

Bác này đã hơn 70 mà vẫn rất khỏe. Dáng người hơi giống thầy Saito. Tập và nói chuyện với bác khiến mình cảm nhận được Aikido theo 1 kiểu khác, có gì đó cổ điển, rất thú vị. Cách đánh của bác là k phải kiểu mềm mại bay nhảy như các thầy trẻ bây giờ. Bác đánh đòn rất gọn và mạnh. Có lần làm uke cho bác đòn Irimi, mình đã suýt đập đầu xuống thảm vì bác xoay quá nhanh và hướng thẳng lực xuống đất. Còn mấy đòn như Kotegaeshi thì uke chỉ có ngã nổ. Có lẽ tại cách đánh hơi mạnh bạo và khác với phong cách của HLV chính nên mọi người trong CLB không thích tập với bác lắm. Bác hay bị lẻ ra. Và mình – người ngoại quốc mới gia nhập cũng hay bị lẻ nên mình với bác thường tập với nhau.

Có lần tập Kotegaeshi với bác, bác đánh mạnh nên mình ngã nổ liên tục, cô trợ giảng đứng ngoài nhìn có vẻ k thích lắm, rồi cô xin vào tập cùng, đánh kiểu chậm chậm nhẹ nhàng. Đòn kế sau đó thì cô chủ động gọi mình ra tập cùng cô, hình như cô sợ mình tập cùng bác kia bị nguy hiểm.

Bác này cũng hay cho mình đi nhờ xe về ga tàu. Vừa đi vừa tán chuyện bằng tiếng Anh xen tiếng Nhật. Bác bảo mình là nếu có tiền thì có thể tập thêm nhiều clb 1 lúc, đi tập cả tuần cũng được. Mình bảo mình học Master nên k có nhiều thời gian. Bác mới cười bảo con gái bác đang làm PhD y khoa ở trường Kyoto, ngày nào cũng ở trên lab đến 9 10h tối mà 5 năm chưa lấy đc bằng, vợ chồng bác phải trông cháu ngoại cho cô tập trung nghiên cứu.

Có lần mình hỏi tại sao bác lại k tập jo vào cuối buổi. Bác bảo bị đau vai khi giơ jo lên đỡ, với cả bác quen đánh mạnh, mọi người ở đâu đỡ k quen nên dễ bị tai nạn. Xong bác cho mình xem bộ kiếm gậy vẫn cất ở cốp xe, bảo là ngày xưa tao khỏe lắm, mà bây giờ đau yếu đi nhiều rồi. Mình bảo bác như vậy là khỏe lắm rồi, bọn trẻ như mình còn k theo kịp. Bác xua tay bảo bình thường thôi, các thầy uchideshi của sư tổ ngày xưa còn mạnh hơn bác nhiều. Mình chỉ biết lắc đầu lè lưỡi, k biết bao giờ mới mạnh được 1 nửa như vậy.

chithanh
07-09-2017, 06:48 PM
Chào mọi người. Mới rồi ngày 7/7 bên Nhật là lễ Thất tịch, ngày Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau. Ở Việt Nam thì tính theo lịch âm. Bên Nhật thì họ k dùng lịch âm nữa. Lễ hội các kiểu vẫn giữ nhưng lại tổ chức theo lịch dương. Ngày 7/7 cũng là ngày kỉ niệm 10 năm mình lập nick này :P Mình nhớ vì hôm đó là ngày đẹp: thứ 7 ngày 7 tháng 7 năm 2007 :P
Lan man 1 chút. Giờ mình xin kể tiếp chuyện đi tập.
Võ đường mình đang theo tập là chi nhánh của 1 võ đường lớn có trụ sở ở tỉnh kế bên. Họ gọi đó là Bản bộ đạo tràng (Hombu dojo), nôm na là võ đường gốc, chứ không phải Hombu ở Tokyo. Thầy đứng đầu võ đường gốc là thầy Matsuo 7 dan (Thầy Matsushima đang dạy tại võ đường của mình là 6 dan). Thầy Matsuo 1 năm có ghé thăm võ đường của mình 1-2 lần. Chủ Nhật vừa qua (2/7) là 1 dịp như vậy.
Trước seminar mấy tuần, mỗi người được phát 1 tấm giấy mời để thông báo về sự kiện và buổi party sau khi tập. Mấy cô phụ trách hành chính còn cẩn thận dịch, viết lại bằng tiếng Anh ra giấy để gửi kèm cho mình.
Hôm đó, tất cả mọi người tập trung từ ca 1 - ca trẻ em (9h). Đây cũng là lần đầu mình đến tập ca trẻ em. Ca này có khoảng 20 em từ khoảng 6-15 tuổi. Các em nhỏ đến từ sớm, lấy chổi quét thảm, rồi tập ukemi, shikko. Ca người lớn không có tập mấy cái này.
Khi thầy Matsuo đến, mọi người cùng ra ngoài, tập trung thành 2 hàng trước cửa võ đường để chào thầy.
Trong ca trẻ em, thầy chỉ gọi uke là các em nhỏ và hình thức tổ chức lớp thì y như lớp người lớn. Hội người lớn chủ yếu tập ở góc nhỏ cuối thảm, nhường chỗ cho các em tập. Một số đai cao thì đi quanh hướng dẫn các em.
Nói chung thì mọi thứ vẫn như 1 buổi tập bình thường, chỉ khác là có thêm vài đai đen đến cùng thầy thôi. Mình tập cùng với mấy bác đai đen làm uke cho thầy, họ hướng dẫn rất chi tiết, và dễ làm theo. Dù mình k biết tiếng Nhật, k hiểu họ nói j cả nhưng nhìn họ làm thì vẫn đoán được để bắt chước. Các thầy ở đây cũng vậy, hướng dẫn kĩ, nói rất nhiều. Tiếc là mình chỉ nhìn hình đoán ý nên k tiếp thu được hết.
Sau ca trẻ em, mọi người nghỉ 1 chút rồi lại vào khởi động để bắt đầu ca 2. Hôm đó khá nóng, mình cũng khá mệt, nhưng nhìn mấy cụ già tóc bạc phơ còn đánh ầm ầm nên vẫn phải cố tập tiếp.
Chiều hôm đó mình có hẹn nên không tham gia được party. Nói qua 1 chút về party ở Nhật. Bên này khi ra nhà hàng liên hoan thì thường chọn kiểu buffet ăn tự chọn, uống tự chọn nên giá hơi cao. Bù lại mọi người có thể tùy chọn món ưa thích vì đi đông người, khó chọn món phù hợp với tất cả.
Đây là hình chụp tở giấy viết tay họ đưa mình:
https://farm5.staticflickr.com/4210/35003029123_76f142a65a.jpg (https://flic.kr/p/Vk6F58)

aiki
08-09-2017, 04:01 AM
Hôm nay mới đọc bài áp chót của CT nói về cụ học Iwama. Cách đánh đó là đúng theo Iwama rồi. Hồi xưa, dân aikikai Tokyo khg thích tập với Iwama vì dân iwama là dân ở quê, quen mạnh tay hơn dân thành thị.

chithanh
10-09-2017, 09:46 AM
Chào mọi người.
Để chuẩn bị cho đợt thi lên cấp sắp tới, hôm vừa rồi CLB mình có dành 30' cuối giờ cho những người chuẩn bị thi tập luyện và làm bài thi thử.
Như mình kể trong bài trước, clb mình từ kyu 1 (đai nâu) lên shodan phải thi 2 lần. Sau lần 1 thì được đeo đai đen, thi xong lần 2 mới có bằng của Aikikai và mặc hakama. Lý do tại sao thì mình k rõ vì mọi người giải thích kiểu nửa tiếng Anh nửa tiếng Nhật, nghe k hiểu hết. Bài trước mình có nói 1 năm thi 1 lấn là không đúng. Chắc do nghe nhầm. Từ đầu năm đến giờ, đây là đợt thi thứ 2 rồi.
Đợt thi này có 2 người từ kyu 2(đai xanh lam) lên kyu 1(đai nâu), 2 người từ kyu 1 thi lên đai đen, 1 cụ (chắc ngoài 60t) thi nidan và mấy em nhỏ tầm 10 tuổi đeo đai vàng với xanh lá, k biết kyu mấy.
Mấy em nhỏ chỉ đánh vài đòn cơ bản như ikkyo, irimi, kaiten. Nhìn chung cũng ok. Tụi trẻ con CLB mình được dạy là khi đánh kết thúc đòn phải hô to. Chắc để tập thở. Lớp người lớn thì k có ai hô khi đánh cả.
Về mấy bác lớn thì mình thấy hơi đuối. Đòn đánh chưa thuộc hết và đánh cũng k trôi chảy. Nhất là cụ thi nidan, đánh gokyo chống dao mà toàn nắm kiểu ikkyo. Có lẽ do clb mình ở vùng núi, thành viên toàn người lớn tuổi nên chuyện thi cử làm dễ dàng hơn để khuyến khích người tập chăng?

Steven
12-29-2017, 12:07 AM
Hay quá, kể tiếp nha ChiThanh

chithanh
12-29-2017, 11:36 AM
Chào mọi người,
Mấy tuần trước mình vừa đi ăn tất niên với clb. Do CLB nhỏ nên chỉ có hơn 10 người tham gia tiệc thôi. Đa số người Nhật ở đây đều không nói tiếng Anh hoặc nói rất ít. May là có anh Simon người Anh tham gia nên mình có người phiên dịch giúp.
Như mình đã viết ở bài trước, anh Simon là 1 trong 3 người hướng dẫn ở CLB mình. Anh kể là sang Nhật từ 20 năm trước. Sang được 1 năm thì cưới luôn vợ Nhật và ở lại đến bây giờ. Anh bắt đầu tập 16 năm trước ở cơ sở khác của Hombu ở khu trung tâm. Khi hombu mở CLB ở vùng núi này thì anh đến giúp. Do ở xa, không có ô tô nên k đến thường xuyên được.
Tiếng Nhật của anh rất siêu. Nhiều khi nói chuyện với mình mà anh còn nói kiểu nửa tiếng Anh nửa tiếng Nhật nữa. Trong lúc ăn uống mọi người hỏi gì mình anh đều dịch giúp.
Mọi người kể là bác Yamanegi (bác cao thủ hay cho mình đi nhờ xe)rất thích tập với mình vì mình ngã tốt. Trong CLB ai cũng sợ tập với bác vì bác đánh mạnh quá. Bác còn bảo thầy Matsushima cho mình thi lên cấp nữa. Nhưng vì mình mới kyu 2, không được bảo lưu khi chuyển CLB, thầy bảo nếu muốn thi lên kyu 1 thì phải đến võ đường chính (Hombu) tập vài lần (buổi tập bổ sung hàng tháng như mình đã nói ở bài trước)để cho các thầy ở hombu biết mặt rồi mới xin thi được. Thầy bảo nếu ngại đi xa thì có thể đi nhờ xe thầy cũng được. Mình bảo thầy đợt tới sẽ cố gắng đi.
Nói về chuyện thi cử, thầy Matsushima mới lấy 1 tờ báo ra đưa cho cụ vừa thi lên nidan đợt trước. Hóa ra ở Nhật, ai thi lên đẳng thanh công sẽ được in tên lên báo của Aikikai.
Lúc này mọi người lại chuyển sang nói chuyện chính trị trong Aikido. Đại khái là các võ đường quanh khu Tokyo bị Aikikai quản lí khá chặt, ở Osaka thì đỡ hơn. Võ đường của mình cũng thuộc Aikikai nhưng do thầy trưởng võ đường có uy tín nên tương đối độc lập với Aikikai. Ở các võ đường khác, khi có người mới gia nhập thì phải nộp tiền lệ phí thành viên lên Aikikai, tầm hơn 6000 yên(~500$). Ở CLB mình thì không cần nộp phí này. Mọi người còn nói nhiều nữa mà anh Simon bảo nghe mệt quá nên không dịch thêm.
Nhân chuyện ngôn ngữ, tháng trước bác Yamanegi có đánh máy 2 trang các từ chuyên dụng trong Aikido để đưa mình học. Hi vọng dần dần sẽ nghe hiểu lời thầy nói.

aiki
12-30-2017, 01:39 AM
Việc Aikikai quản lý thì tui hiểu rõ lắm. Tất cà đều là $ thôi.

chithanh
02-05-2018, 09:25 PM
Chào mọi người,
Ở Nhật hiện giờ đang mùa đông. Chỗ mình, nhiệt độ thấp nhất khoảng 0 độ.
Đi tập mấy ngày này khá mệt. Sáng dậy thì rét, leo dốc đi lên chỗ tập 1 lúc là người nóng bừng, phải bỏ bớt áo. Đến khi thay đồ vào tập lại rét
Phòng tập khá rộng, thoáng gió và không có hệ thống sưởi. Mùa hè tập thì mát nhưng mùa đông gió lùa rất lạnh.
Bước lên thảm tập cảm giác như bước lên nền đá lạnh vậy. Sau khi tập 1 lúc, người có nóng lên, nhưng bàn chân thì k ấm lên được.
Gần cuối buổi là chân mình bắt đầu mất cảm giác. Chỉ đợi cuối giờ xong là mình chạy ngay ra ngoài đi tất, nhưng cũng phải nửa tiếng sau chân mới ấm lên được.
Bác Yamanegi bảo mình là kể cả người Nhật, tất cả đều bị lạnh chân khi tập mùa này. Một số người nếu không chịu nổi sẽ đi tất tabi (tất xỏ ngón). Nhưng đi tất dễ bị trơn nên mọi người thường cố gắng đi chân không. Một số cũng dán miếng dán nhiệt vào lưng nữa.
ay mà mỗi tháng chỉ tập 4 buổi, qua 2 3 buổi nữa, đến cuối tháng 2 là thời tiết bắt đầu ấm lên rồi

chithanh
03-28-2018, 08:28 PM
Tuần vừa rồi mình mới thi lên kyu 1. Hôm nay mình xin kể thêm về việc thi lên đai ở CLB mình.

Như đã kể ở phần trước, CLB của mình là 1 chi nhánh của CLB ở tỉnh kế bên. Lúc thi phải đến võ đường chính, cách chỗ mình hơn 100km. Tra đường tàu mất đến hơn 3 tiếng. May mắn là có bác M (phụ trách hành chính ở CLB) cho mình và 3 người nữa đi nhờ ô tô đến chỗ thi. Đi ô tô thì chỉ mất hơn 1h, nhưng vẫn phải qua vài trạm thu phí, tổng phí 2 chiều khoảng 1 triệu 200 ngàn VND. 4 người tụi mình góp tiền lại gửi bác M khoản phí kia. Tính ra vẫn rẻ và nhanh hơn đi tàu nhiều.

Vào võ đường, sau khi thay đồ, mình cùng mọi người kê thảm và xếp bàn ghế chuẩn bị cho buổi thi. 4 giám khảo có bàn ghế ngồi ở đầu thảm, phía ảnh sư tổ. Cuối thảm thì có 2 dãy ghế được kê cho người nhà thí sinh ngồi.
Mình khá ngạc nhiên vì số lượng trẻ em rất đông. Đếm qua có khoảng hơn 60 em. Trong khi người lớn dự thi chỉ có 6 người từ CLB mình thôi.

Sau khi cho khởi động, tất cả thí sinh ngồi quanh thảm. Thầy gọi lên thi mỗi lượt 4-6 em, đánh khoảng 5 -10 phút. Tất cả lớp trẻ em từ kyu 5 đến kyu 2 đều phải đi shikko, ukemi trước sau 2 vòng, xoay tenkan tại chỗ 2 lượt rồi mới vào đánh đòn.
Ngoài 4 giám khảo chính ngồi phía trên, còn có 3 giám khảo phụ đứng 2 bên thảm. Trong khi thí sinh đang ukemi, mấy giám khảo này sẽ chọn uke cho phần thi đối luyện bằng cách vỗ vai những em đang ngồi dưới để ra hiệu. Khi thầy phía trên gọi uke, những người được vỗ vai sẽ tự chạy lên và chia ra đứng cạnh các thí sinh. Người thi sẽ không biết trước ai là uke cho mình, thi lên shodan cũng vậy.

Trong mấy bài trước mình có nói là ở CLB mình, từ kyu 1 lên shodan còn phải qua 1 kì thi trung gian nữa. Nay mình đã hỏi kĩ được vụ này. Bậc trung gian kia gọi là Junshodan ("Jun" là chữ "chuẩn" trong "chuẩn bị"). Nguyên do là CLB chỉ tập 1 buổi/tuần, để lên shodan cần khoảng thời gian khá dài, CLB đặt ra bậc junshodan giống như bài kiểm tra giữa kì để người tập ôn luyện trước khi thi shodan.

Ngoài junshodan thì còn có junkyu từ kyu 5 đến kyu 1. junkyu chỉ áp dụng cho các bé cấp 1 để khuyến khích các bé tiếp tục tập luyện và cũng là để luyện tập thêm cho kì thi kyu. Dojo cũng có hệ thống kĩ thuật riêng cho kì thi từng cấp, lên đến shodan chứ không theo hệ thống đòn trên web của Aikikai.

chithanh
06-10-2018, 11:42 PM
Chào mọi người.
Vừa qua là lễ biểu diễn Aikido toàn Nhật Bản, cô trợ giảng ở CLB mình cũng đến dự và tập ở Hombu 1 tuần. Buổi tập vừa rồi, cô có giới thiệu 1 số cách đánh ở hombu mà cô thấy khác so với cách thường tập ở CLB. Ví dụ trong đòn quỳ Suriwaza ikkyo. Thầy ở CLB mình đánh với bước shikko rõ ràng, như trong clip dưới, khúc 0:43


https://www.youtube.com/watch?v=jWDN6bxlC98

ở Hombu chỉ di đầu gối trong bước đầu tiên, giống thầy Horii trong clip sau, khúc 0:41


https://www.youtube.com/watch?v=S-8Ku5bHRdI

Cách đỡ yokomen, tori không bước chân vào sâu rồi xoay cùng uke như clip thầy Tissier mà chỉ đổi chân, giữ khoảng cách và lái tay uke đi (clip thầy Saito, khúc 5:00).


https://www.youtube.com/watch?v=G6KecllgjXw


https://www.youtube.com/watch?v=FeSrySq9SPQ

Kiểu di chuyển của thầy Saito cũng chính là kiểu mà bác Y. hay làm. Mỗi lần tập Yokomenuchi với bác Y., nếu mình bước sâu vào gần uke như trong clip của thầy Tissier thì đều bị bác đấm vào bụng. Bác bảo nếu vào sâu vậy phải atemi thật nhanh, chậm 1 chút là sẽ dính đòn. An toàn nhất là giữ khoảng cách và chỉ đổi chân thôi.

Nhân nói về bác Y., hồi chuyển mùa sức khỏe của bác không được tốt lắm, không tập mạnh được. Gần đây thì bác có vẻ khỏe hơn 1 chút. Trước khi tập trung, bác hay chỉ mình 1 số đòn cơ bản hoặc gọi mình đến để tập ukemi (thực ra là làm uke cho bác quăng). Tập cùng bác mới hiểu tại sao bảo Aikido nguy hiểm. Hồi trước mình xem clip cũ cũ của các thầy Saito, Tohei,... thấy uke ngã rất "nặng" chứ không có mềm mại như bây giờ. Có khi uke chỉ xoay nửa vòng là đã đập cả người xuống đất rồi. Mình cứ nghĩ là ngày xưa uke không tập ngã nhiều nên vậy. Nhưng giờ tập với bác Y. mới hiểu là do Tori ném quá mạnh, không thể ngã kiểu mềm mại bay bổng được. Nhiều khi đúng là "chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã nằm dưới đất rồi".
Bác hay bảo mình, đánh đau như thế là 1 cách luyện tập để cho cơ thể mạnh mẽ hơn. Bác bảo trong các đòn khóa, nếu tori không bẻ hết sức, uke không chống lại thì tori không thể biết được đòn khóa của mình có đúng không. Nếu tori đánh chưa đúng và gặp uke không nương theo thì sẽ không thể ra đòn được. Bác còn chỉ mình kiểu tập nikkyo đối luyện, trong thể aihanmi katatedori, uke khi bị nikkyo thì cố gồng lên để bẻ nikkyo lại tori. Mình thấy kiểu này khá nguy hiểm nhưng bác Y. thì bảo đây là cách tập tốt cho cổ tay to khỏe :P

Hector
07-22-2018, 06:51 PM
Dạo này có gì mới không hả bạn Chithanh?

chithanh
09-26-2018, 04:13 PM
Chào mọi người,
Trong bài lần trước mình có kể chuyện bị bác Y. phản đòn khi đỡ chém yokomenuchi, nhưng lần trước mình hiểu sai ý bác nên viết không rõ, hôm nay (sau khi ăn thêm vài cú đấm của bác Y.), mình xin viết lại kĩ hơn về động tác này để các bạn tham khảo.
Như bài trước mình kể, khi bác Y. làm uke và chém yokomen, nếu mình bước lên đỡ (như trong clip thầy Tissier) thì luôn bị bác đấm vào bụng. Mọi người xem lại clip thầy Tissier, khúc 00:27 có thể thấy uke khá bị động, tay trái uke thõng xuống, thậm chí còn không đỡ đòn atemi của tori. Bác Y. không thích kiểu uke này, bác bảo uke như vậy khiến đòn đánh trở nên quá dễ dàng, không thực tế. Thậm chí nhiều uke khi tấn công còn tự mình mất thăng bằng khi tori mới chạm vào nữa. Bác Y. nói uke phải luôn giữ thăng bằng khi tấn công và phải biết tấn công tiếp khi Tori sơ hở.


https://www.youtube.com/watch?v=G6KecllgjXw

Trở lại với cách đỡ chém Yokomen, sau mấy lần ăn đấm trước, mình tưởng là khi bước vào đỡ thì phải atemi thật nhanh. Tuy nhiên, tuần trước, khi tập lại với bác Y, dù mình có atemi nhanh thế nào cũng bị dính đòn đấm của bác trước. Sau một hồi căng tai nghe bác giảng giải bằng tiếng Nhật, mình mới hơi hơi hiểu ý bác. Đại khái là khi atemi thì không nên vung tay lên chém yokomen lại vào mang tai uke vì làm vậy sẽ hở nhiều khoảng trống và uke có thể đấm dễ dàng. Nhất là khi bước chân nhập nội sâu, không khác gì lao vào nắm đấm của uke. Xem clip thầy Tissier, nếu tay trái uke không thõng xuống mà giữ nguyên phía trước thì tori đã lao thẳng vào tay uke rồi, dù tay tori chém nhanh cũng khó mà hạ gục uke trước.
Vì thế, bác Y. bảo mình, khi đỡ chém yokomen kiểu này thì nên đánh atemi từ dưới hông lên phía ức/cằm uke. Do tay đưa dưới lên nên sẽ ít sơ hở hơn, tay atemi cũng có thể chặn tay còn lại của uke, không cho uke phản đòn.
Bác Y. nói tori phải giữ khoảng cách, di chuyển vào góc chết (shikaku) của uke. Đây là vị trí uke không thể tấn công tori, còn tori có thể tấn công hoặc làm uke mất thăng bằng dễ dàng.

MinhDao
09-26-2018, 08:34 PM
Cảm ơn chia sẻ rất thực tế của bạn chithanh.

Ở CLB mình khi lên đai thì Đánh 1/2 số đòn phải thi. Sau đó là thể lực, Ukemi (té lăn, té nổ...), Santo, bò ngược (bẻ lưng ngược ra sau, tay chạm đất, rồi "bò cua" di chuyển bằng tay và chân), rồi lần lượt đứng 1 chân, giữ thăng bằng và nâng hạ người xuống. Mỗi lần thi vậy rồi đánh rất phê, đầu không còn suy nghĩ đc nữa, Uke tấn công là đòn thế tự phát ra luôn :D

chithanh
09-27-2018, 03:05 PM
Cảm ơn chia sẻ rất thực tế của bạn chithanh.

Ở CLB mình khi lên đai thì Đánh 1/2 số đòn phải thi. Sau đó là thể lực, Ukemi (té lăn, té nổ...), Santo, bò ngược (bẻ lưng ngược ra sau, tay chạm đất, rồi "bò cua" di chuyển bằng tay và chân), rồi lần lượt đứng 1 chân, giữ thăng bằng và nâng hạ người xuống. Mỗi lần thi vậy rồi đánh rất phê, đầu không còn suy nghĩ đc nữa, Uke tấn công là đòn thế tự phát ra luôn :D

Đây có phải chương trình thi chung của LĐ Aikido TP HCM không anh MinhDao? Nghe thôi đã thấy "phê" rồi, yêu cầu thể lực cao hơn nhiều so với thi kiểu Aikikai

Hector
09-27-2018, 09:19 PM
Em thấy một số thầy khi vào đòn yokomen uchi thì atemi thay vì hướng vào mặt lại chém yokomen vào bắp tay dưới hoặc trên của cái tay mà uke tấn công. Hồi trước em nghĩ chém như vậy thì có vẻ là lấy lực đối lực khiến cả hai đều đau. Nhưng gần đây đọc cuốn Aikido Shugyo đoạn nói về một tình huống tương tự rồi mới thấy là nếu timing tốt thì atemi của mình có thể triệt tiêu và làm phản lại lực, khiến cho tuy va chạm nhưng mình chịu lực ít hơn nhiều. Hơn nữa vì chém vào bắp tay nên mình sẽ đứng ngoài tầm với của tay còn lại của uke được.

aiki
10-10-2018, 11:27 PM
Hello CT

Hôm nay mới thấy mây clip mà CT post hồi tháng 9 nói về suwariwaza ikkyo và yokomen.

Theo kinh nghiệm cá nhân về suwariwaza thì cách dánh tùy thuôc theo khoảng cách giữa uke va nage. Kiểu Hombu khi uke gần và kiểu ở CLB của CT thì khi uke xa, vì vậy mà thấy rõ shikko.

Còn về Yokomen thì có nhiều cách vô đòn. Có ít nhất 4 cách, trong đó có cách thầy Saito và thầy Tissier. Cách thầy Tissier thì khg phải atemi hẳn, nhưng nếu mà atemi vô mặt hay xương vai thì uke cũng khó đấm với tay kia lắm.

Hector có clip nào minh họa những gì Hector nói khg? Có nhiều thế vô đòn khi nhìn qua thì tưởng là atemi vô tay nhưng thật ra là khg. Rất nhiều aikidoka khg di chuyển nguyên khối nên phải dùng sức và uke ít khi mất thăng bằng.

Aikido cũng như bất cứ môn võ nào khác, thể lực rất quan trọng. Bên tui thi, Giám khảo biết trình độ kỹ thuật thí sinh khi thí sinh mệt nhoài. lúc đó khg còn sức nữa và cũng là lúc xem aikido có "thấm vô máu chưa". Người nào dùng sức thì sẽ mệt, nếu biết thả lỏng thì sẽ khg sao hết.

vài dòng nói tào lao chút xíu với mấy bạn cho vui, có tin tức gì thì cho hay nhe.

chithanh
10-13-2018, 09:18 PM
Cám ơn chia sẻ của chú Aiki!
Hôm nay CT xin kể tiếp vài chuyện lặt vặt, mọi người đọc chơi.

Một năm học ở Nhật được chia làm 2 kì. Học kì mùa xuân bắt đầu từ tháng 4, là thời điểm nhập học của đa số sinh viên Nhật. Sinh viên nước ngoài thường nhập học vào học kì mùa thu, bắt đầu từ tháng 10. Thời điểm chuyển sang học kì mới cũng là lúc có nhiều thay đổi về mặt nhân sụ trong trường: nhân viên văn phòng luân chuyển chỗ làm, các nghiên cứu viên, postdoc chuyển đi, chuyển đến,…

Tháng 10 này, trong số những người mới chuyển đến trường, mình đã gặp 2 Aikidoka.

Người thứ nhất là 1 anh sinh viên từ VN. Anh này trước đây từng đi du học, tập Aikido ở nước ngoài và lên 2 dan từ 5 6 năm trước. Khi về VN thì anh có đi tập lại 1 chút rồi nghỉ tập cho đến nay. Mình có rủ anh qua xem CLB mình đang tập ở đây, có lẽ vài tuần nữa mình sẽ dẫn anh đi. Hi vọng có thể tập cùng anh ở CLB hoặc kiếm chỗ tự tập thêm trong trường. Vì tập 1 buổi 1 tuần ở CLB cũng hơi ít.

Tiếp theo là anh postdoc người Nhật mới đến lab mình làm việc. Trong bài tự giới thiệu trước lab, anh có nói anh từng tham gia clb Aikido thời đại học và đạt shodan. Lúc nghe vậy mình khá mừng, vì nếu rủ được anh này đi tập cùng thì có thể đi nhờ xe, không phải bắt tàu với leo núi lên dojo nữa :D. Nhưng khí hỏi chuyện kĩ hơn thì anh bảo là anh cũng nghỉ tập 6 năm rồi và hiện giờ không có thời gian tập. Mình hơi tiu nghỉu chút, nhưng cũng khá thông cảm vì công việc của postdoc thực sự rất bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc khác.

Nói về việc nghỉ tập Aikido vì công việc, ngay cả người yêu thích Aikido như bác Y. ở CLB mình, cũng phải nghỉ tập suốt 30 năm vì quá bận.
Ở đây mình xin đính chính 1 chút. Trong bài viết thứ 2 của mình ở #4, mình từng ghi là bác Y. tập đc gần 60 năm, thông tin này là không đúng, do hồi đó mình nghe nhầm. Thực ra là bác bắt-đầu-tập từ gần 60 năm trước, khi còn học cấp 3, sau khi đạt 3 dan năm 28 tuổi thì bác nghỉ tập 30 năm vì công việc. Đến lúc gần nghỉ hưu mới đi tập lại cho đến nay.



https://farm2.staticflickr.com/1980/44378819915_ff9b1e438b_c.jpg (https://flic.kr/p/2aBB42v)

Mùa thu ở Nhật cũng là mùa có nhiều hội thi thể thao, do tiết trời mát mẻ dễ chịu. Trên hình là cảnh các cụ già đang thi đấu bóng gỗ ở sân vận động gần dojo mình

chithanh
10-30-2018, 09:24 AM
Chào cả nhà,
Hôm nay mình xin tả 1 chút về địa điểm luyện tập của mình ở bên Nhật. Chỗ tập của mình thuộc “Võ đạo quán” của thành phố - Đây là khu võ đường chung cho nhiều câu lạc bộ võ thuật tập luyện. Võ đạo quán được xây phía sau nhà thi đấu của thành phố. Đứng cạnh một nhà thi đấu lớn và hiện đại, võ đạo quán nhìn có vẻ nhỏ bé và cũ kĩ. Lần đầu khi đến tìm CLB, mình đã đi nhầm vào nhà thi đấu, đi lòng vòng gần 20’ mới tìm ra võ đạo quán ẩn phía sau.

Bên ngoài Võ đạo quán là 1 trường bắn nhỏ cho CLB kyudo (chỉ có 2 bia). Phía trong là 1 phòng lớn được lát gỗ toàn bộ, gồm phần sân luyện tập ở giữa và hành lang bao xung quanh. Phần sân tập được chia đôi, 1 bên kê thảm, một bên để nguyên sàn gỗ. Phần kê thảm được cố định bởi khung gỗ bao quanh, đây là nơi tập Judo, Aikido. Phần sàn gỗ thì dành cho các môn khác nhu Kendo, Naginata, Iaido,…Thỉnh thoảng, khi lớp judo và aikido tập cùng 1 buổi, 1 lớp sẽ phải chuyển qua tập bên sàn gỗ. Lúc đó thì phải kê thêm thảm. Thảm bổ sung cho phần sàn gỗ được cất trong ngăn kéo lớn ẩn trong tường sân tập. Vì sàn gỗ khá trơn nên có cả các dải băng cao su để trải lót dưới sàn trước khi kê thảm để chống trơn trượt. Điều khiến mình ngạc nhiên là thảm ở đây cực kì nhẹ, có thể nhấc 1 tấm thảm chỉ với 2 ngón tay. Dù nhẹ nhưng thảm vẫn hấp thụ lực rất tốt. Không biết khi nào ở VN mới có điều kiện đầu tư loại thảm như vậy để vận chuyển cho dễ.

Những lúc không sắp xếp được phòng ở Võ đạo quán, bên mình phải chuyển sang tập trong phòng đa năng của nhà thi đấu thành phố. Phòng đa năng khá nhỏ, sàn lát gỗ, và không có thảm. Điều khiến mình ngạc nhiên là các bạn tập người Nhật có thể ngồi seiza dễ dàng trên sàn gỗ. Trong khi mình chỉ ngồi 1 lúc là xương ở mu bàn chân đã bầm lại vì bị tỳ xuống sàn cứng. Không hiểu họ có kĩ thuật gì đặc biệt không?

https://farm2.staticflickr.com/1915/44378821045_e76ff2929c_c.jpg (https://flic.kr/p/2aBB4mZ)
Đây là hình phòng tập mình chụp tháng trước. Trên hình, mọi người đang tập luyện cho kì thi lên cấp mùa thu. Bên cạnh là lớp kendo cũng đang luyện tập để chuẩn bị thi.

Hector
10-31-2018, 04:40 AM
Võ đạo quán này chính là võ đường ở trên núi được nói đến trong bài đầu tiên phải không anh chỉthanh?

chithanh
10-31-2018, 03:34 PM
Võ đạo quán này chính là võ đường ở trên núi được nói đến trong bài đầu tiên phải không anh chỉthanh?

Chính là nó đó, bạn Hector. Ở bài đầu tiên mình có chụp hình bên ngoài cửa võ đường đó. Bên ngoài nhìn nhỏ và cũ vậy chứ bên trong cũng rộng rãi khang trang lắm.

chithanh
11-09-2018, 02:12 PM
Chào ace,

Trong bài đầu tiên, mình có kể là mỗi tháng CLB mình có 1 buổi tập thêm ở thành phố Osaka kế bên. Gần đây buổi tập thêm này được tổ chức hàng tuần, vào 6h tối thứ 5.

Vì buổi tập rơi vào ngày làm việc, địa điểm lại xa nên mình không tham gia được. Bác Y. thì tuần nào cũng đi. Bác kể là lớp này toàn người đai đen tập nên khá tốt, và bảo mình nên đến tập nếu có thời gian..

2 tuần trước, nhân dịp giáo sư mình đi công tác, mình đã trốn về sớm để đi đến đó tập thử. Bác Y. hôm đó lại bận nên không đi cùng được.

Địa điểm tập là nhà thể chất của 1 công ty lớn. Từ chỗ mình đi đến đó mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Do sợ lạc đường, mình đến chỗ tập khá sớm, từ 5h30.
Lúc mình đến nơi. nhân viên trong công ty bắt đầu nườm nượp ra về. Người ngoài muốn vào công ty thì phải đăng kí ở phòng bảo vệ, ghi tên, mục đích và thời gian vào công ti.

https://farm5.staticflickr.com/4835/30852335097_d2f4ee0d97_c.jpg (https://flic.kr/p/P1jhm2)

Phòng tập ở đây rất rộng, cũng là 1 nửa kê thảm, 1 nửa sàn gỗ. Ngoài ra phía sau còn có khu tập bóng bàn nữa. Thảm tập thì khá cũ, cứng, bề mặt không bằng phẳng và khá thô ráp.

Trước kia, mình nghĩ đây là 1 chi nhánh của võ đường mình, nhưng hóa ra chỉ là chố tập thêm cho các thành viên của võ đường thôi.
Ở đây thậm chí không có ảnh sư tổ, mỗi buổi tập chỉ có khoảng 4 5 người, gồm thầy và cô trợ giảng.

Hôm mình tập thì đông hơn, có 7 người. Tất cả chỉ ngồi ở 1 góc thảm. Do ít người nên thầy cho tập theo nhóm, cả thầy cũng vô tập cùng luôn.
Vì toàn người đai cao nên thầy mình kêu mọi người đánh mạnh tay và ngã nổ nhiều (Cả thầy cũng ngã nổ nữa).
Do thảm quá xấu và ráp nên mình bị trầy hết 2 khuỷu tay khi nổ, chân còn bị dính dằm nữa.

https://farm5.staticflickr.com/4820/45067546154_3389b2958a_c.jpg (https://flic.kr/p/2bEsXkQ)

Khi hội mình đang tập thì có 2 người khác cũng vào thảm tập ở góc đối diện. Nhìn qua thì thấy họ cũng tập Aikido luôn. Nhưng họ tự tập với nhau và không ngó ngàng gì tới bên mình cả. 2 nhóm riêng tập ở 2 góc thảm cùng 1 lúc, khá là buồn cười. Có lẽ chỗ này là phòng tập mở cho mọi người vào tập tự do chăng!?

Hector
11-10-2018, 01:22 AM
Trước và sau giờ tập mọi người ở bên đó có làm mấy cái "nghịch nghịch" không hả anh chithanh? Kiểu như tập bắt cú đá chân hay đấu vật tự do vui vui vậy ? Cái này chắc có bọn trẻ trẻ bọn em mới chơi vậy thôi nhỉ ?

chithanh
11-10-2018, 07:37 PM
Trước và sau giờ tập mọi người ở bên đó có làm mấy cái "nghịch nghịch" không hả anh chithanh? Kiểu như tập bắt cú đá chân hay đấu vật tự do vui vui vậy ? Cái này chắc có bọn trẻ trẻ bọn em mới chơi vậy thôi nhỉ ?

Lúc nghỉ giữa giờ thì mọi người bên mình hay tập ngã nổ, hoặc tự tập kĩ thuật thêm với nhau 1 chút. Bọn trẻ con cũng nghịch trồng cây chuối,v.v. Còn vật hay tập chống đòn chân thì không thấy :D

chithanh
12-25-2018, 03:04 PM
Chào mọi người.

Mình mới dự tiệc tất niên với CLB mấy hôm trước. Lần này anh S. người Anh không tham gia nên k có ai dịch giúp mình. Mình chỉ nghe lõm bõm được vài chuyện, nay kể lại để mọi người đọc cho vui.

Ở Nhật, các câu lạc bộ Aikido trong trường đại học thường có 1 shihan phụ trách và một đội trưởng (là sinh viên trong trường). Thầy thì chỉ ghé CLB trong trường khoảng 2 tuần 1 lần để hướng dẫn. Còn lại, các buổi tập khác đều do đội trưởng hướng dẫn. Tất cả các buổi tập dù có thầy hướng dần hay là tự tập thì đều được tính để làm điều kiện thi lên cấp. Nhiều CLB tập 6-7 buổi/ tuần nên sinh viên thường lên cấp rất nhanh nếu tập đầy đủ.

Bác Y. thời đại học từng làm đội trưởng trong CLB Aikido của trường. Hiện tại, thỉnh thoảng bác vẫn về trường cũ để tập. Bác kể là thông thường sinh viên tập hơn 1 năm là lên kyu 1 rồi. Nếu duy trì tập thì dễ dàng đạt shodan, nidan trước khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tập dưới sự hướng dẫn của shihan là không nhiều (chỉ khoảng 1/10 tổng số buổi tập), nên trình độ shodan, nidan ở các CLB trong trường ĐH thường không cao lắm.

Về chuyện đai đẳng, thầy mình kể là theo Aikikai thì từ 5 đẳng trở lên không có thi, mà do tiến cử, xét duyệt gì đó. Hiện tại, chuyện thăng đẳng này tốn rất nhiều tiền. Vừa phải tốn tiền cho người tiến cử từ võ đường địa phương, vừa tốn cho Aikikai, và khoản tiền này không cố định. Có người tổng cộng phải bỏ ra đến 600 ngàn yên để lên 6 dan (khoảng 5500 usd).

Thi lên shodan thì nhẹ nhàng hơn nhiều. Ở CLB mình thì chỉ tốn gần 20 ngàn yên (khoảng 10 ngàn cho lệ phí và 7-8 ngàn cho Yudansha book. Ngoài ra cũng không phải đóng thêm khoản phí hội viên nào cả.

Hector
01-03-2019, 09:17 PM
Chỗ em tập cũng từng có một bạn nidan từ Nhật về thăm. Bạn ấy là người Việt Nam nhưng học đại học bên đó rồi làm việc luôn. Bạn ấy tập Aikido từ lúc học trong trường cho đến nay. Cảm nhận của em là kỹ thuật của bạn rất "mẫu mực" theo kiểu Aikikai. Tư thế rất đẹp mắt và có tấn tốt. Tuy nhiên so với sư huynh của em cũng hai đẳng thì dường như sư huynh mạnh hơn và kiến thức về võ thuật, về những tình huống ngoài bài bản cũng tốt hơn mặc dù kỹ thuật của sư huynh hơi tùy hứng kiểu ứng biến chứ không được khuôn mẫu. Có lẽ là do bạn Nidan kia có ít thời gian tập cùng shihan quá như anh chithanh nói. Những người dùng trọn thời gian để theo đuổi Aikido với các shihan chắc hẳn phải giỏi lắm? Anh chithanh đã gặp ai như vậy chưa?

chithanh
03-03-2019, 12:55 PM
Mình mới hay tin bác Y. đã qua đời 2 tuần trước.
Lần cuối mình gặp bác là hồi đầu tháng hai, khi vừa từ Mỹ về. Mình có kể chuyện tập Aikido bên đó và tặng bác 1 hộp sô cô la. Lúc đó bác vẫn còn khỏe.
Sau đó 2 tuần k thấy bác đi tập, mình đã thấy hơi lạ. Vì bác đi tập rất đều, rất ít khi nghỉ 2 tuần liên tiếp. Nhưng mình cũng chỉ nghĩ là bác ốm nên nghỉ một thời gian thôi.
Hôm nay lúc mình đến sân tập, nhìn chỗ để giày không thấy giày của bác. Vậy là buổi thứ 3 bác k đi, mình đã thấy lo lo. Lúc vào tập thì thầy M. ra chỗ mình báo tin là bác Y. bị đột quỵ, mất 2 tuần trước.
Trong dojo thì bác Y. là người tập cùng và nói chuyện cùng mình nhiều nhất, như mình đã kể ở các bài trước. Khoảng 1 năm trở lại đây, mình thấy bác yếu đi rõ. Hồi đầu thì bác có thể tập cùng mình cả buổi và đi bộ nhanh ngang mình. Gần đây thì bác chỉ tập cũng mình 3 đòn, rồi bảo mình tập cùng người khác. Lúc đi bộ mình cũng hay phải đi chậm lại để chờ bác.
Nhưng mình cũng không nghĩ bác sẽ ra đi nhanh đến vậy...

Dù sao, mình và bác cũng đã có thời gian luyện tập rất vui cùng nhau. Chúc bác yên nghỉ.

aiki
03-13-2019, 11:02 PM
Bác Y năm nay bao nhiêu tuổi vây CT? Xin chia buồn cùng gia đình bác.

chithanh
03-14-2019, 02:31 PM
Bác Y năm nay bao nhiêu tuổi vây CT? Xin chia buồn cùng gia đình bác.

Chào chú aiki. Nếu cháu nhớ k nhầm thì bác Y. năm nay 75 tuổi. Trông bác chỉ như hơn 60 thôi và đánh còn khá khỏe nên ai cũng bất ngờ khi hay tin bác mất.

chithanh
08-12-2019, 03:00 PM
Chào mọi người.
Như mình đã kể trong mấy bài trước, mấy người trong CLB mình có tập thêm ở Thành phố Osaka kế bên. Nay mình được biết thêm rằng buổi tập này thực ra là 1 buổi tập tự do, được thầy mình tổ chức. Vì thế có những người ở các võ đường khác nhau cũng đến tập cùng. Thầy mình lập nhóm trên LINE và đăng lịch lên đó, ai đi được thì đi. Ngoài buổi tập thứ 4 hàng tuần trong nhà tập của 1 công ty như mình đã kể ở bài trước, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ lễ, nhóm này cũng tập ở 1 trung tâm thể thao.
Tháng trước nhân 1 ngày nghỉ lễ ở Nhật, mình đã đến tập ở đây. Đây là lần thứ 2 mình đến osaka tập.
Trung tâm thể thao này có sàn gỗ khá rộng, nhưng không kê sẵn thảm. Thảm tập được đặt trên các xe đẩy, lúc tập mới lấy ra xếp. Ở đây cũng có miếng lót cao su dùng để trải xuống sàn trước khi kê thảm, nhằm tăng ma sát. Sau khi kê thảm xong thì lại có các miếng nêm bằng cao su cứng và nặng để chèn xung quanh nữa. Vì thế dù kê trên sàn gỗ trơn nhưng thảm vẫn ít bị xô lệch.

https://live.staticflickr.com/65535/48517935731_2c70a81f1b_c.jpg (https://flic.kr/p/2gVn6Xi)
Miếng lót cao su màu xanh được trải quanh khu kê thảm để tăng ma sát. Thảm được để trên xe đẩy phía xa

https://live.staticflickr.com/65535/48517935636_e0b3b71c49_c.jpg (https://flic.kr/p/2gVn6VE)
Miếng nêm bằng cao su đen được chèn quanh thảm

Hôm đó có 8 người tham gia buổi tập, 4 người ở CLB mình và 4 người từ CLB Washinkai ở Osaka. Ngoại trừ mình ra, tất cả đều đai đen hết. Trong 4 người ở Washinkai thì mình đã gặp 2 người từ trước. Đó là bác K. và con bác. 2 cha con bác có đến Dojo của mình tập 1 năm 1 lần vào dịp seminar tháng 7. Bác K. 5 dan, tuy không cao nhưng thân mình to lớn như hộ pháp (hình trên, người tóc bác đang đứng). Ngược lại, con bác (3 dan) lại khá nhỏ (hình trên, người đẩy xe thảm). Bác K. đánh rất uy lực, có lẽ mạnh hơn cả bác Yamanegi khi còn sống. Nhưng con bác lại đánh khá là thường, không có lực mấy.
Buổi tập kéo dài khoảng 2 tiếng, đầu tiên thầy mình lên cho khởi động rồi hướng dẫn vài đòn. Sau khoảng 45’ thì giải lao rồi mỗi người lần lượt lên hướng dẫn 1 đòn mình thích. Mọi người chia 2 nhóm tập xoay vòng.
Trong số mấy người tập thì mình ngại bác K. nhất. Khi bác làm uke thì đến 90% là mình không ra đòn nổi. Người bác thì to lớn và lúc nắm thì cứng ngắc. Đối diện với bác tự nhiên mình cũng bị cứng người lại, dù biết lý thuyết nhưng không thể áp dụng được. Có khi đánh Irimi xoay hoài mà không đưa tay lên kết thúc đòn được. Hoặc lúc đánh ikkyo vừa đè tay bác xuống thì đã bị bác đẩy cả người bắn lên. Những lúc như thế mọi người đều cười, mình thì cũng chỉ biết cười trừ.
Đi tập cùng các đai đen thế này, mình mới thấy là mình còn quá kém, phải rèn luyện thêm nhiều. Mấy người ở võ đường mình toàn chưa đánh đã ngã nên đôi khi mình không nhận ra được điểm yếu trong đòn đánh.

aiki
08-28-2019, 12:58 AM
CT nên tập với những người như bác đó. Nên tim hiểu tại sao khg ra đòn được rồi từ từ sửa. Như vậy mới tiến bộ được.

Cái đồ để dưới thảm hay quá. Để xem bên này có bán khg. Bên tui khi tổ chức seminar lớn, vì đông người, phải mướn gym và trài thảm. Vì khg có cái đó nên phải dùng scotch tape có băng keo 2 mật để thảm khg xê dịch được.

CT biết cái đó tên gì khg?

chithanh
09-16-2019, 03:40 PM
Cái đồ để dưới thảm hay quá. Để xem bên này có bán khg. Bên tui khi tổ chức seminar lớn, vì đông người, phải mướn gym và trài thảm. Vì khg có cái đó nên phải dùng scotch tape có băng keo 2 mật để thảm khg xê dịch được.

CT biết cái đó tên gì khg?
Cháu vừa hỏi mấy người ở CLB, cái nêm đó tiếng Nhật là 滑り止め, chú copy vào google tìm sẽ ra rất nhiều loại. Còn k biết bên chú có bán không.

https://item.rakuten.co.jp/sigekodo/evernew-ekr013-nocol-nolot/?gclid=CjwKCAjw5fzrBRASEiwAD2OSV6Kj6AJCfF1BaOhcaZr gRw9UHzreCbWjqb6fn22p9Zd0_xggOApVaBoCm1cQAvD_BwE&scid=af_sp_etc&sc2id=af_113_0_10001868

chithanh
07-21-2020, 01:06 PM
Sau đợt nghỉ dài vì dịch COVID19 thì đến đầu tháng 6, CLB mình bắt đầu đi tập lại. Có 1 số qui định mới sau khi nghỉ dịch: người tập phải đo thân nhiệt, sát trùng tay và phải đeo khẩu trang khi tập. Có lẽ qui định về khẩu trang bắt nguồn từ bức hình trên facebook của Aikikai?

https://www.facebook.com/AikikaiFoundation/photos/a.156366525201026/679625639541776/?type=3&theater

Mùa hè nóng, lúc tập mau mệt, lại đeo thêm khẩu trang nên rất khó chịu. Cuối buổi, khi mồ hôi thấm ướt khẩu trang thì hầu như không thở nổi. Nhiều người phải kéo khẩu trang xuống thở. Mình nghĩ đeo khẩu trang kiểu này chả có ý nghĩa gì, nhưng nhập gia tùy tục, cứ theo qui định chung mà làm thôi.

Các CLB khác, dù cùng tập trong Võ đạo quán, lại có kiểu phòng dịch khác nhau. An toàn nhất chắc là CLB naginata. Vì cây giáo dài hơn 2 mét nên lúc tập bình thường các thành viên đã được giãn cách rồi. Chưa kể toàn bộ thành viên đeo khẩu trang, người hướng dẫn đeo thêm tấm nhựa chắn giọt bắn và cả clb mặc quần áo thể thao để không phải tập trung trong phòng thay đồ. Trong khi đó CLB kendo thì còn không đeo khẩu trang, mọi hoạt động vẫn diễn ra như trước khi có dịch.

aiki
07-21-2020, 09:19 PM
Bên tui cũng bắt đầu tập lại ở trong từ 2 tuần nay, Dojo đóng cửa từ tháng 3 tới tháng 6, đầu tháng 6 thì chính quyền mới cho phép tụ tập ngoài trời 10 người. Sau đó vài tuần thì cho phsep lên 50 người với điều kiện giữ khoảng cách 2m. Lúc đó thì chỉ tập Jo kata và kiếm thôi.

Khi cho phép tập ở trong thì phải làm nghi thức phòng dịch:

- Khoảng cách tập 2m trong thàm và phòng thay đồ
- Lấy nhiệt độ khi vô
- lau chùi tatami, phòng thay đồ, sàn nhà sau mỗi lớp
- Không được xài máy uống nươc
- đeo khẩu trang khi tập
- Nước rửa tay ở mọi nơi
- Lau chùi Jo và Bokken với thuốc nhiễm trùng sau mỗi buổi lớp
- Vô ngã trước, ra ngã sau
- v.v...

Lúc trươc, có thể chứa 30 người trên tatamiu, nay chỉ còn 12 người tối đa.

Tôi lợi dụng cơ hội này để chỉ lại 1 số căn bản mà lúc trước không làm vì sợ võ sinh sẽ thấy chán như:

- ukemi (khg quay người như khi bị iriminage hay tenchi nage)
- Hạ trong tâm
- áp dụng Kokyu vô đòn
- Làm sao relax và phát khi (connection, energy flow) không dùng sưc cơ bắp
- Cách làm mất thăng bầng mà không dùng sức (break structure)

Để giữ khoảng cách 2m, tôi phải mua 6 cây gậy 2m (như Jo nhưng gỗ khg tốt như Jo), dán băng keo khác mầu 2 đầu để tấp cảm nhận v.v...

Không ngờ những người tới lớp tui họ lại thich cách tập này, tuy khó làm nhưng họ cảm nhận được và bây giờ họ mới thấy cái khó của HKD. Nhất là đàn ông / con trai quen dùng sức nhiều bây giờ mới hiểu cái tinh túy của HKD.

Nhờ dịch này may ra căn bản của họ sẽ khá hơn. từ trước tới giờ họ quen tập theo hình thức, bây giờ bắt đầu hiểu vả thấy cái tinh túy của những môn võ mà dùng nội lực.

Cái khó nhất là làm sao cho họ hiểu lý thuyết 'dẫn khí bằng trí' vá 'kết nối' tay-chân-đan điền.

Vài hàng láo lếu kề chuyện mùa tấp Cô Vy cho mấy người nghe.

Từ trước tới giờ tôi vẫn 'thích đán bà, con gái', nhưng kỳ này sao không ưa Cô vy này tý náo hết. Cô này vừ xấu, tóc tai lởm chởm, vừa là mối nguy công cộng nữa! LOL

chithanh
07-28-2020, 08:26 AM
Tháng 9 năm ngoái mình có tham gia buổi seminar của cô Okamoto Yoko và thầy Horii ở Kyoto. Bài này viết trong word mà quên chưa đăng.
Buổi seminar này do một số võ sinh của cô Okamoto lên ý tưởng tổ chức, gọi là keiko-kai. Keiko kai hơi khác với các seminar thông thường vì nó chỉ diễn ra trong 1 ngày (ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ) với nhiều ca tập. Ngoài ra keiko kai không tổ chức party cuối seminar. Thế nên với những người ở hơi xa như mình, keiko-kai khá là tiện. Sáng sớm đi tàu đến, tập nguyên ngày rồi chiều tối về. Lệ phí 3000 yên, đóng trước khi tập, đăng kí trước qua email rất đơn giản.
Seminar diễn ra trong võ đường xây bằng gỗ hơn trăm năm tuổi ở Budo center, Kyoto. Như mình nói, có 4 ca, chia 2 buổi sáng-chiều. Thầy Horii và cô Okamoto từng người thay nhau hướng dẫn, người còn lại ở dưới tập cùng luôn. Thế nên người tham gia có cơ hội tập chung với thầy cô.
Do là lần đầu tổ chức nên người tham gia chủ yếu là học trò của 2 thầy cô.
Về kĩ thuật thì 2 người đều hướng dẫn những kĩ thuật cơ bản và đặc trưng của mình, như mọi người xem trên youtube đó.

https://www.youtube.com/watch?v=ehFAeG1wK_o

Mọi người tập rất hăng say và rất lịch sự. Đây là lần đầu mình tập với cô Okamoto nên không hiểu được cách đánh của cô. Vì thế mình chọn những người mà mình đoán là trong nhóm của cô để xin tập cùng. Khi thấy mình đánh không đúng thì họ làm chậm lại cho mình quan sát.
Lần này mình quên không mang thêm đồ đi để thay. Tập xong ca sáng thì cả người đã ướt sũng. May là phía sau nhà thay đồ có 1 giàn que tre để phơi đồ nên cũng đỡ. Tập xong 4 ca rã rời chân tay luôn.
Mình rất thích mô hình seminar kiểu này. Hi vọng khi hết dịch, keiko kai sẽ tiếp tục được tổ chức.

https://live.staticflickr.com/65535/50157430648_c5e8e696ba_w.jpg (https://flic.kr/p/2jqeWF3)
Bên ngoài dojo, có chỗ để giày dép và bàn đăng kí. Buổi trưa nhiều người ngồi trên bậc đá bên ngoài này để nghỉ và ăn cơm hộp

https://live.staticflickr.com/65535/50158219142_9dc87679a3_w.jpg (https://flic.kr/p/2jqiZ4L)
Bên trong

https://live.staticflickr.com/65535/50158219087_cf69541a07_w.jpg (https://flic.kr/p/2jqiZ3P)
Giàn que phơi đồ

aiki
08-06-2020, 08:21 PM
Cám ơn CT kể truyện seminar với cô Yoko và thầy Horii.

Nếu tôi hiểu đúng thì sự khác biệt giữa seminar và keiko-kai là thời gian phải không? Keiko-Kai= 1 ngày, Smeinar= hơn 1 ngày?

Bên tui nói riêng và ngaọi quốc nói chung, không phân biệt 2 cái này. Thời gian seminar là tùy BTC quyết định. Đa số là làm cuối tuần vì ai cũng được nghỉ và thuận tiện cho những người ở xa tới.

Những buowori tập 1 ngày đa số là khi mấy thầy được mời từ xa tới và mấy võ đường nhỏ hay tỉnh nhỏ lợi dụng sự có mật của thầy cô mời tới chỗ họ trong tuần (tối). Thầy Yamada hay HLV tôi khi đượu mời sang Âu châu hay làm vậy lắm. Cuối tuần seminar to, 2 ngày, trong tuần thì được mời tới võ đường tình nhỏ.

Còn việc đãi tiệc thì không bắt buộc than dự. Ai muốn đi thì đi. Lúc đó là lúc để hàn huyên và làm quen với võ sinh khác.

chithanh
09-22-2020, 09:15 AM
Đợt này thành viên trong clb mình có chút thay đổi.

Đầu tiên là bác M (2 đẳng) phụ trách hành chính của clb (cũng là 1 giáo sư ở trường đại học của mình) mới nghỉ hưu. Bác sẽ lên Tokyo làm việc trong khoảng 5 năm nên sẽ nghỉ tập tạm thời. Bác M là 1 trong những thành viên đầu tiên, đứng tổ chức clb và mời thầy về dạy. Bác cũng là người thường lái xe đưa đón mọi người đi tập ở võ đường gốc của thầy tại tỉnh kế bên (cách 2 tiếng đi xe). Bác M đi nên các thành viên khác (kể cả đai trắng) phải chia nhau phần việc bác từng gánh vác.

Cùng lúc bác M nghỉ tập thì 1 bác khác tên S. (4 đẳng) đã nghỉ 2 năm nay lại đi tập lại. Cũng do nghỉ hưu nên có nhiều thời gian hơn. Bác S. tập từ thời cấp 3, cách đây gần 40 năm, nhưng cũng có nhiều giai đoạn nghỉ giữa chừng. Ngoài Aikido, bác còn có 2 dan judo và 3 dan kendo nữa.

Có lẽ giờ trên thảm ngoài thầy và cô trợ giảng ra thì bác S. có kỹ thuật tốt nhất. Vì thế nên mình thường tranh thủ tập thêm với bác. Lối đánh của bác S. rất rõ ràng và dễ bắt chước theo. Một số kiểu đánh của bác mà CT nhớ: Shiho nage thì căng tay uke lên như thanh kiếm rồi chém xuống, ikkyokhi vào thì bác hơi miết tay ở cạnh ngoài cùi chỏ để thêm lực xoay uke đi.

Ngoài bác S. thì clb chỉ còn 2 yudansha khác tập thường xuyên. Nhiều người tập tốt ở lớp người lớn đã nghỉ. Thành viên mới thì rất ít. Trong 3 năm rưỡi CT tập ở đây chỉ có 2-3 người mới vào thôi. Ngược lại, lớp trẻ em thì vẫn rất đông. 1 số em lên kyu 1 được chuyển lên lớp người lớn.



Cám ơn CT kể truyện seminar với cô Yoko và thầy Horii.

Nếu tôi hiểu đúng thì sự khác biệt giữa seminar và keiko-kai là thời gian phải không? Keiko-Kai= 1 ngày, Smeinar= hơn 1 ngày?

Bên tui nói riêng và ngaọi quốc nói chung, không phân biệt 2 cái này. Thời gian seminar là tùy BTC quyết định. Đa số là làm cuối tuần vì ai cũng được nghỉ và thuận tiện cho những người ở xa tới.

Những buowori tập 1 ngày đa số là khi mấy thầy được mời từ xa tới và mấy võ đường nhỏ hay tỉnh nhỏ lợi dụng sự có mật của thầy cô mời tới chỗ họ trong tuần (tối). Thầy Yamada hay HLV tôi khi đượu mời sang Âu châu hay làm vậy lắm. Cuối tuần seminar to, 2 ngày, trong tuần thì được mời tới võ đường tình nhỏ.

Còn việc đãi tiệc thì không bắt buộc than dự. Ai muốn đi thì đi. Lúc đó là lúc để hàn huyên và làm quen với võ sinh khác.

Cám ơn chia sẻ của chú Aiki. Theo CT hiểu thì keiko kai hướng đến tổ chức 1 những buổi tập giao lưu nhanh gọn, dễ đăng kí. CT nghĩ như vậy đỡ tốn công chuẩn bị và có thể tổ chức thường xuyên hơn các seminar bình thường? Website của họ ở đây: https://www.project-act-aikido.com/en/

chithanh
10-20-2020, 09:07 AM
Tháng trước mình có đi tập thêm 1 buổi ở Osaka. Nay xin kể lại cho mọi người.

Buổi tập ở Osaka diễn ra vào 1 buổi sáng thứ 2 nghỉ lễ. Đợt dịch Corona bùng phát, mình không có đi đâu xa. Cũng đã 7 tháng kể từ lần cuối mình đến Osaka. Đường phố khá đông đúc, các quán ăn đã trở lại hoạt động bình thường.

Khi vào nhà thi đấu, mọi người phải sát khuẩn tay, đo nhiệt độ và đeo khẩu trang. Buổi tập này có 2 người mới là 2 sinh viên đang tập trong clb Aikido của 1 trường đại học (hình như là đội trưởng và đội phó của CLB). Bác K. 5 dan cùng 1 người khác (4 dan) từ Washinkai cũng tham dự. Con trai bác K. thì không đến.

Nhắc lại 1 chút về các buổi tập ở Osaka. Đây là buổi tập do thầy mình đứng ra tổ chức, thuê phòng và mời mọi người đến tập chung (không phải hoạt động kiểu võ đường). Người tập đến từ nhiều clb khác nhau, có cả người mới muốn tập thử Aikido. Tại sao lại tổ chức kiểu như vậy? Là do thầy mình sống ở Wakayama, vốn tập tại dojo ở wakayama, nhưng sau này thầy lại đi làm ở Osaka (cách 2 tiếng đi tàu) nên hầu như không về tập được. Thầy mới lập 1 nhóm tập luyện ở Osaka sau giờ làm việc.

Lần này, thầy mình hướng dẫn nửa đầu buổi tập, sau đó những người 4 dan trở lên, mỗi người lên hướng dẫn 1 đòn. Do buổi này hơi đông và thảm ít nên mọi người chia thành 4 nhóm để tập.

Cũng như mọi lần, bác K. luôn làm mọi người khó khăn khi ra đòn. Nếu di chuyển đúng thì bác theo rất nhẹ nhàng. Nhưng nếu sai 1 chút thì bác cứ trơ ra như tảng đá, không thể làm gì được. Ví dụ như khi bẻ kotegaeshi, lúc đầu mình đánh vội nên bẻ từ cạnh bàn tay. Bác K. gồng cứng cổ tay khiến mình không thể bẻ được. Sau mấy lần, mình phải bẻ cuộn vào từ phía các ngón tay vào thì bác mới ngã. Kể cả mấy người 3 - 4 dan khác cũng phải cười trừ nhiều lần khi tập với bác K.

Lúc sau, mình có tập các đòn khóa tay liên hoàn với bác K. Lúc đầu mình bẻ, bác nhăn nhó bảo đau quá, mà đau sai chỗ. Rồi bác chỉ mình cách bẻ lại cho đúng. Bác bảo quan trọng là kiểm soát trọng tâm uke, chứ không phải cố bẻ cho uke đau.

Mỗi lần tập cùng bác K., mình lại có cơ hội kiểm tra lại kỹ thuật của bản thân. Nhưng nghĩ lại, nếu buổi tập nào cũng tập chậm, vừa tập vửa sửa từng tí một như vậy thì chắc cũng mệt.

Người còn lại từ Washinkai cũng đánh kiểu tương tự: đòn đánh chậm và nặng, không di chuyển nhiều.

2 cậu sinh viên thì đánh kiểu hoàn toàn khác: bay nhảy quá mức cần thiết.

Cái hay là mọi người từ các CLB khác nhau, phong cách khác nhau nhưng vẫn tập cùng nhau rất vui vẻ.

chithanh
12-25-2020, 09:00 AM
Như đã nói ở mấy bài trên, thầy Matsushima 6 dan đang hướng dẫn ở CLB mình là thành viên của một võ đường ở tỉnh Wakayama.

Mỗi tháng 1 lần, võ đường gốc ở Wakayama sẽ tổ chức 1 buổi tập nâng cao lúc 2h chiều chủ nhật cho các thành viên đai đen.

Trong gần 4 năm tập, mình chưa bao giờ tham gia buổi tập chủ nhật ở võ đường gốc. Tuy nhiên, tháng 3 năm sau mình sẽ tốt nghiệp, sợ rằng sẽ không có cơ hội nữa nên gần đây mình có tham gia vài buổi cùng mọi người.

Vào hôm có buổi tập ở Wakayama, CLB mình vẫn tập bình thường vào buổi sáng. Sau khi kết thúc lớp lúc 12h trưa, 1 người trong nhóm quản lí CLB sẽ lái xe chở thầy Matsushima, cô trợ giảng cùng vài thành viên khác (tổng cộng khoảng từ 5 đến 7 người) đi Wakayama tập.

Trước tiên, xe sẽ ghé qua siêu thị để mọi người mua đồ ăn trưa. Sau đó mọi người lên xe và ăn trên đường đi. Từ CLB mình đến lớp tập ở Wakayama mất khoảng 1 tiếng rưỡi lái xe. Mọi người đến nơi thay quần áo xong là vừa kịp vào tập lúc 2h chiều.

Tham gia buổi tập này, ngoài thành viên CLB mình thì còn 7 8 thành viên đai đen khác của võ đường Wakayama. Đứng lớp là 1 thầy lớn tuổi, hình như 6 dan. Thầy Matsuo 7 dan trưởng võ đường cũng tham gia buổi tập nhưng có vẻ thầy bị đau ở tay (tay thầy quấn băng) nên chỉ đi quanh thảm chỉ dẫn mọi người nhẹ nhàng thôi.

Trong buổi tập này, thầy Matsushima cũng ngồi dưới tập nên mình có thể mời thầy tập cùng để học thêm. Các đai đen khác cũng giúp mình sửa lại nhiều kỹ thuật. Vì cùng 1 lò nên mọi người đánh khá giống nhau, không phải mỗi người 1 kiểu như trong buổi tập ở Osaka mình kể trong bài trước.

Đến 4h chiều, kết thúc buổi tập thì mấy thành viên CLB mình lên xe về. Thầy và cô trợ giảng thì ở lại nhậu sau buổi tập.

Về đến nhà là khoảng 6h hơn. Đi cao tốc liên tỉnh phải qua nhiều trạm thu phí nên cuối ngày, mỗi người góp 1000 yên (khoảng 10$ hay 200k VNĐ) để đóng phí đi lại.

Hector
01-08-2021, 12:01 AM
Nhanh quá, đã theo dõi chủ đề của anh chithanh được 4 năm rồi. Cám ơn anh đã thường xuyên chia sẻ.

chithanh
03-07-2021, 09:29 PM
Nhanh quá, đã theo dõi chủ đề của anh chithanh được 4 năm rồi. Cám ơn anh đã thường xuyên chia sẻ.

Cảm ơn anh Hector đã theo dõi chủ đề của CT.
---

Gần đây mình gặp phải vài chuyện hơi rắc rối liên quan đến địa điểm tập.
Chẳng là cuối tháng này mình sẽ tốt nghiệp. Từ tháng sau mình sẽ đến làm việc ở Wakayama (tỉnh có dojo Iwade- dojo gốc của thầy mình), cách Ikoma - nơi ở hiện tại của mình khoảng 3.5 tiếng đi tàu.
Vợ mình vẫn chưa học xong nên vẫn ở lại kí túc của trường. Kế hoạch là mỗi cuối tuần mình sẽ về Ikoma thăm vợ.

Qua tìm hiểu trên internet thì gần nơi ở mới của mình có khá nhiều dojo. Có 1 dojo chỉ cách công ty 3 km và ngày nào cũng có buổi tập. Mình định sẽ chuyển sang dojo mới này tập 5 buổi trong tuần. Cuối tuần về trường, mình muốn giành nhiều thời gian ở nhà nên không định tập thường xuyên ở dojo Ikoma hiện tại nữa.

Tuy nhiên, khi nghe mình kể về việc sắp chuyển đến Wakayama thì thầy mình lại gợi ý là trong tuần có thể đến dojo Iwade của thầy tập và cuối tuần tiếp tục về tập ở Ikoma.
Mình không thích cách này vì sẽ tốn khá nhiều thời gian đi lại (từ công ty mình đến dojo Iwade của thầy mất 2 tiếng đi tàu). Dojo này cũng chỉ tập 1 buổi 1 tuần. Mình muốn tập nhiều hơn và tiết kiệm thời gian di chuyển.

Nhưng có lẽ người Nhật không hiểu chuyện đó? Dojo mình có 1 anhnhà ở Osaka - 1 thành phố lớn với rất nhiều dojo, shihan nổi tiếng, nhưng lại chọn di chuyển hơn 100km đến dojo Iwade để tập chỉ 1 buổi 1 tuần. Lí do anh đưa ra là ở Iwade có nhiều người tập lâu năm. Bản thân thầy mình cũng đang di chuyển hơn 100 km để đi làm bằng tàu điện hàng ngày. Có lẽ sẽ hơi khó để từ chối lời gợi ý đến dojo Iwade tập vì lí do khoảng cách.

Còn 1 việc nữa là cuối tháng này thầy muốn mình thi shodan. Lúc thu lệ phí thi, 1 anh phụ trách hành chính hỏi mình từ tháng 4 có tiếp tục đóng tiền tập không. Mình bảo sẽ đóng theo buổi vì chưa chắc đã tập được thường xuyên. Anh đó khuyên mình hãy cố gắng tiếp tục ghé qua tập, vì nếu mình vừa thi shodan xong đã bỏ dojo thì thầy sẽ không vui. Nhiều người ở dojo mình cũng chỉ đến tập mỗi tháng 1 buổi thôi.

Những chuyện trên làm mình phải tính lại kế hoạch tập sắp tới.
Mình vẫn định xin phép thầy cho tập ở dojo mới. Với lớp ở Ikoma, do mình sẽ về thăm vợ hàng tuần nên có thể tham gia mỗi tháng 1 buổi để duy trì mối quan hệ với thầy và các thành viên ở đây. Hi vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

aiki
03-15-2021, 11:22 PM
Cứ nói thật đi CT ơi. Ai cũng muốn giữ học trò mình ở lại thôi. Nên học với mấy shihan khác để học hỏi thêm. Nếu lên được shodan trước thì đỡ hơn. Cuối tuần về thì nên để thời gian với vợ con, lấy cái đó là lý do chính.

Văn ôn võ luyện. Nên học nơi nào mà có thể tập hơn 3 lần / tuần. Tui nhjan xét là muốn hơn 3 lần thì mới khá hơn, dưới 3 lần thì sẽ kém đi .

chithanh
04-19-2021, 09:20 PM
Chào mọi người.

Từ đầu tháng 4 này, mình chuyển đến chỗ mới và bắt đầu tập ở clb mới gần nơi làm việc.

Chỗ tập mới là 1 căn phòng gỗ xây phía sau 1 công viên. Cửa chính nhìn ra đường, 3 mặt còn lại quay vào phía công viên. Không có nhà vệ sinh hay phòng thay đồ gì cả. Thầy ở đây là shihan Matsumoto 7 dan.

https://live.staticflickr.com/65535/51125303539_2162eaa04e.jpg (https://flic.kr/p/2kTLxyF) https://live.staticflickr.com/65535/51125464448_10db41943a_w.jpg (https://flic.kr/p/2kTMnoY)
Võ đường trước của mình ở Ikoma thì toàn các cụ già. Còn võ đường mới này lại toàn trẻ con, tầm 10-15 tuổi. 1 mình shihan hướng dẫn, không có người lớn nào cả. Thầy bảo người lớn thường chỉ tập cuối tuần. Mà cuối tuần mình lại về lại trường gặp vợ con rồi nên không tập được. Chẳng còn cách nào khác, đành phải tập tạm vậy.

Thầy Matsumoto cũng biết các thầy ở Iwade nên bảo mình không cần đóng phí tập, khi nào rảnh thì đến, coi như giúp thầy hướng dẫn đám trẻ con.

Chỗ tập cũ nhiều cụ già nên đánh khá chậm, nhiều lực, ví dụ nắm katatedori thì để uke nắm thật chặt rồi mới đánh. Lớp trẻ con này thì lại đánh kiểu nhanh, kiểu tay chạm vào là di chuyển ngay.

Do vừa chuyển đến chỗ mới, chưa quen nhịp làm việc nên mình cũng chưa đi tập nhiều, cũng chưa tập thử lớp sáng sớm. Sau này có gì mới mình sẽ kể tiếp cho mọi người.

aiki
05-09-2021, 12:36 AM
Chỗ tập mới đẹp quá nhe CT! Cách tập lẹ cũng hay đó. Khi tui dạy, đòn mới thì làm chậm và uke phải nắm chặt để học kỹ thuật, phải relax mới ra đòn được. Khi hiểu và làm được rồi thì ra đòn lẹ. Khg biết bên Nhật thì sao, chứ bên này nhiều vị thành niên 15-16t khỏe như trâu đó!

chithanh
10-07-2021, 11:37 AM
Chào mọi người.
Đã lâu rồi mình không viết bài mới.

Mấy tháng qua, mình mất khá nhiều thời gian để làm quen với công việc nên không thể đi tập được thường xuyên ở dojo mới. Buổi chiều mình thường xong việc muộn nên không kịp đến tập lớp trẻ em lúc 18h. Vì thế, gần đây mình đã tập thói quen dậy sớm, cố gắng đi tập lớp sáng.

Lớp sáng 1 tuần có 3 buổi, thứ 2-4-6, từ 6h30 đến 7h30. Thông thường chỉ có khoảng 3-4 người thôi. Qua mấy buổi tập thì mình thấy mọi người thường tập khá chậm, chủ yếu tập cảm nhận và thả lỏng (Khá giống lớp cũ của mình ở Ikoma)

Có buổi chỉ có 2 thầy trò. Thầy tập cùng và hướng dẫn mình những chi tiết nhỏ. Từ các động tác khởi động đến những đòn cơ bản như khóa nikkyo, sankyo, do tập quen rồi nên mình hay đánh theo phản xạ, chủ quan và bỏ qua nhiều tiểu tiết, như vị trí ngón tay, hướng vặn khi khóa, v.v. Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, có lẽ khó nhận ra được những tiểu tiết này, phải làm uke thì có thể cảm nhận được sự khác biệt.

@chú Aiki: Lên ảnh thì vậy chứ thực tế bên trong khá cũ và tối chú ạ. Còn nữa là do nằm sát công viên nên rất nhiều muỗi. Những buổi tập tối mùa hè phải đốt hương muỗi quanh thảm mà vẫn nghe muỗi vo ve bên tai lúc tập.

https://live.staticflickr.com/65535/51559991931_4aca66e742.jpg (https://flic.kr/p/2mybrh8)
Đường phố lúc 6h sáng

https://live.staticflickr.com/65535/51559991851_ccaca05457.jpg (https://flic.kr/p/2mybrfK)
Dojo hướng về phía đông. Khi mặt trời lên, nắng chiếu thẳng vào phòng tập

chithanh
01-19-2022, 09:29 AM
Thực ra thầy Matsumoto không thường đứng lớp vào buổi sáng. Có 1 thầy khác là thầy Yoshida phụ trách lớp này. Chỉ khi nào thầy Yoshida không đến thì thầy Matsumoto mới hướng dẫn. Khi thầy Y. đến thì thầy M. cũng ngồi phía dưới tập cùng mọi người. Mình chưa biểu lắm về quan hệ giữa thầy Y. và thầy M. Nhưng về kỹ thuật thì mình thấy thầy Y. có nhiều nét đặc biệt hơn. Trong quá trình tập Aikido, trước giờ mình mới thấy lối đánh của bác Yamanegi quá cố là không thể kháng lại. Thầy Y. là người thứ 2 cho mình cái cảm giác bị áp đảo đó. Nhưng cách đánh của thầy Y. lại rất khác cách đánh của bác Yamanegi.
Bác Yamanegi có vẻ tập trung vào động tác đúng. Bác luôn giữ nguyên 1 kiểu đánh dù cho uke là ai. Chính vì thế nên trước khi mình tham gia clb, hầu như không có ai dám tập với bác. Bác luôn đánh mạnh hết sức và nếu không biết ngã sẽ rất nguy hiểm. Mình có cảm giác vì bác tập di chuyển rất nhiều (bác kể là trong thời gian không đến dojo được, bác vẫn tập taisabaki với uke tưởng tượng) nên những bước di chuyển của bác dù đơn giản nhưng đầy uy lực. Bác Yamanegi đánh nhanh và mạnh khiến uke giật mình chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã nằm dưới đất rồi.
Cách đánh của thầy Yamada thì lại hoàn toàn trái ngược. Thầy cho mình nắm chặt, gồng hết sức, rồi thầy đánh rất chậm, từng bước một, nhưng mình vẫn không thể chống cự. Đó là 1 cảm giác rất lạ. Thầy biết cách tấn công vào đúng điểm yếu của mình, nên càng gồng cứng, càng dễ bị đánh ngã. Mình cảm giác như mình là 1 cái tủ nặng, nhấc từ chân lên thì khó nhưng nếu bị đẩy ngang ở đúng chỗ, cái tủ sẽ đổ từ từ mà không có cách gì kháng lại được. Nếu mình chỉ gồng cứng, thầy sẽ lấy lực từ trọng tâm để tấn công vào điểm yếu của mình, làm mình mất thăng bằng. Khi mình thử cũng dùng lực từ trọng tâm để kháng lại thầy, thì thầy lập tức xoay người khiến mình bị hẫng rồi ném mình ngã luôn.
Buổi tập với thầy Y. thì không được vận động nhiều. Chủ yếu mọi người làm uke cho thầy và cảm nhận đòn của thầy thôi. Thỉnh thoảng thầy cũng cho tập thử nhưng đa số mọi người ít khi làm thành công, kể cả thầy M.

aiki
01-25-2022, 10:51 PM
Cách đánh của thầy Y là cách dạy của tui. Đánh chậm cho uke cảm nhận được và như vậy mới học được. Cách đánh kia là khi tui tập, ra đòn lẹ và quăng uke. Cám ơn CT chia sẻ cảm nhận.

chithanh
01-28-2022, 01:18 PM
Đầu năm, mình mới hay tin thầy Matsushima ở dojo Ikoma bị đột quỵ phải vào viện. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thầy phải nghỉ tầm 2 tháng. Anh S. trợ giảng người Anh (3 dan) thì bị tai nạn xe nên cũng phải nghỉ 2 tháng. Thành ra dojo ở Ikoma chỉ còn một mình cô Miyata hướng dẫn. Cô Miyata mới được thăng 5 dan trong lễ Kagami năm nay ở Hombu – một tin tốt cho dojo giữa nhiều tin xấu trong năm mới này.

Mùa đông trời khá lạnh nhưng mình vẫn cố gắng đi tập buổi sáng ít nhất 1 lần 1 tuần ở dojo Wakayama. Mấy buổi gần đây chỉ có 3 người: mình, thầy Yoshida và thầy Matsumoto. Nếu mình không đến, chắc chỉ có 2 thầy tập với nhau.

chithanh
04-10-2022, 04:38 PM
Giữa tháng 2, thầy Matsushima vừa hồi phục sau đột quỵ và trở lại võ đường thì thầy Matsuo (trưởng võ đường Iwade, thầy của thầy Matsushima) đột ngột qua đời do đột quỵ. Lần cuối mình gặp thầy là trong buổi tập nâng cao ngày CN ở Iwade vào giữa tháng 1. Như mình đã kể trước kia (#41), khi mình bắt đầu tham gia các buổi tập nâng cao ở Iwade tầm 2 năm trước thì thầy Matso có vẻ yếu và không đứng lớp nữa.

Về phía dojo mới ở Wakayama, mình vẫn tham gia các lớp buổi sáng với thầy Matsumoto và thầy Yoshida. Mùa xuân đến, thời tiết ấm hơn nên thỉnh thoảng có thêm 1 2 người nữa đến tập. Nhưng chủ yếu vẫn chỉ có mình tập cùng 2 thầy. Lúc thầy M. làm uke cho mình thì thầy Y. đứng ngoài nhìn và sửa. Nhiều lúc mình nghĩ việc tập cùng 2 thầy thế này đúng là cơ hội hiếm có (đã thế còn không mất tiền tập). Mình sẽ cố dậy sớm đi tập nhiều nhất có thể để học thêm từ các thầy.

Mình mới thấy trên youtube video của anh này. Mấy cái anh này chỉ khá giống cách thả lỏng của thầy Y. Kiểu tập này phải tự mình làm uke thì mới hiểu được nên khó mang đi dạy cho những lớp đông người:


https://www.youtube.com/watch?v=Dnml5j_T1Uc
1 video có sub tiếng Anh

https://www.youtube.com/channel/UCabldpC3OdGafTA-mOgU6Ig/featured
Kênh gốc của anh này

chithanh
07-20-2022, 11:59 AM
Sau vài tháng không đăng bài đc trên 4rum, hôm nay mình mới lại đăng nhập được. Mình xin đăng mấy đoạn đã viết từ trước

Nói về dojo ở Wakayama, từ lúc trời ấm lên thì cũng có thêm 1 2 người đi tập lớp sáng. Thầy Yoshida có người mới đến thì có vẻ khá vui và nói chuyện rất nhiều. Thầy kể hết chuyện thầy nọ thầy kia, so sánh thế tay các hệ phái, rồi chỉ các kiểu tập kì lạ như tự đập vào cổ tay mình hay ôm quả bóng nặng xoay vòng số 8 quanh người. Trong số những chuyện mình nghe lõm bõm được, thầy Yoshida kể từng bị thầy Endo mắng vì cúi chào kiểu “võ đạo cổ”: chống 2 nắm đấm xuống thảm chứ không chụm tay thành hình tam giác như thông thường. Thầy Yoshida cũng kể chuyện đi seminar vài lần với thầy Saito con. Thầy bảo cách đánh của Iwama nhìn khá mạnh bạo, nhưng khi tập với thầy Saito con thì thầy đã rất ngạc nhiên vì thầy Saito đánh cực kì mềm và không dùng sức tí nào.


Hồi cuối năm 2021, trong 1 buổi tập ở CLB cũ tại Ikoma, có 1 chuyện thế này.
Mình lúc đó đang tập shihonage cùng anh N. Anh N thích đánh kiểu bay nhảy, cả khi làm tori lẫn khi làm uke đều khá vội. Thầy Matsushima đứng xem 2 người tập 1 lúc rồi vào làm uke, bảo anh N thực hiện đòn. Đến lượt cuối thì thầy xoay người, chui đầu qua tay để thoát. Anh N lúc này không hiểu sao lại tung cước đá thầy, tất nhiên là chỉ chạm nhẹ thôi. Thầy không nói gì về cú đá, chỉ bảo anh đánh nhanh quá, không có kết nối, uke sẽ phản đòn. Rồi thầy bảo anh N làm uke. Lúc vào đòn, thầy đánh chậm. Anh N lại cũng quay người chui đầu qua tay. Thầy mình chuyển sang kokyu nage, nhưng anh N đã lấy thăng bằng, không chịu ngã. Thầy chuyển sang bẻ kotegaeshi thì anh mới miễn cưỡng ngã.
Sau đó, thầy mình có vẻ khá tức giận. Thầy nói to tiếng với anh N và cho ngừng lớp, rồi nói gì đó về chuyện đánh vội, phản đòn. Mình nghe không hiểu rõ lắm, nhưng thầy giọng thầy khá bực. Anh N nhìn cũng khá căng thẳng.
Vài tháng sau, không còn thấy anh N đi tập, mình hỏi mọi người thì biết sau buổi đó, anh N đã báo với thầy là bỏ tập. Đây là chuyện khá đáng tiếc vì anh N cũng thuộc lại khá trong lớp người lớn.
Thực ra mình cũng thấy cách đánh của thầy Matushima đôi khi cũng một vài điểm chưa hợp lí. Do thầy tập trung vào những ý niệm lớn mà đôi khi bỏ qua những chi tiết nhỏ, nên đôi khi vẫn có chút sơ hở. Nhưng dù sao thái độ của anh N hôm đó cũng hơi quá, nhất là đối với người Nhật thì càng khó hiểu. Có lẽ anh N đã có chuyện gì đó với thầy từ trước chăng?


Tháng 7/2022, mình quay lại lớp tập chủ nhật ở Iwade, lớp tập CN đầu tiên mình tham gia sau khi thầy Matsuo (trưởng võ đường Iwade) qua đời. Mình khá ngạc nhiên khi lớp khá vắng, chỉ bằng khoảng 1/3 trước đây.
Nghe nói thầy Matsuo lúc sinh thời khá nổi tiếng. nhiều người ở xa tìm đến Iwade tập chỉ vì có thầy. Sau khi thầy yếu đi rồi mất, cộng thêm với dịch covid, rất nhiều người đã nghỉ tập. Ngoài thầy Matsuo, dojo không có ai 7 dan. 1 thầy 6 dan mới lên thay vị trí trưởng võ đường thì cũng khá lớn tuổi, động tác cũng không được sắc sảo nữa. Thầy Matsushima (cũng 6 dan) dạy mình ở Ikoma thì trẻ khỏ hơn, nhưng vẫn đang đi làm nên không có nhiều thời gian cho dojo này

Hector
09-06-2022, 08:30 AM
Cám ơn anh chithanh. Chuyện thầy Matushima và anh N căng thẳng quá, em đọc bài mà cũng hình dung ra không khí ngượng nghịu lúc đó. Em nghĩ nếu uke của em đã chuẩn bị sẵn để phá đòn thì mình cũng chẳng cần tiếp tục đòn đó nữa, lùi lại đánh đòn mới thôi à. Vì Aikido khi không còn "đi" thì không phải là Aikido nữa, mình cố vặn, bẻ thì thành Nhu thuật mất rồi.

chithanh
02-26-2023, 10:04 PM
Do thay đổi trong công việc của 2 vợ chồng, tháng 4 tới, gia đình mình sẽ chuyển đến Kyoto.
Hi vọng sẽ có cơ hội tập với cô Okamoto Yoko, và sẽ có nhiều chuyện để kể với mọi người.

Mình cũng khá tiếc khi không được tập cùng thầy Yoshida nữa.
Tiện đây xin kể 1 chuyện nhỏ.
Đợt trước về nước chơi, mình có thử vài động tác của thầy Yoshida lên các bạn tập ở VN.
Mấy anh chị đai đen, khi nắm tay katatedori thường nắm chắc và có hơi đẩy bằng trọng tâm.
Vì thế, mình có thể dễ dàng kết nối và áp dụng mấy đòn kiểu thầy Yoshida chỉ (là kiểu gì thì mình đã viết ở các bài cũ)
Nhưng các bạn đai thấp hơn 1 chút thì thường chỉ nắm chắc ở điểm nắm, chứ không dùng toàn thân.
Nếu mình hơi phát lực, đẩy họ về trước thì họ không dùng trọng tâm để đẩy lại mà thường lùi chân lại hoặc co tay lại.
Thế nên mình không thể kết nối với trọng tâm của họ để đánh theo kiểu thầy Yoshida.
Lần đầu tiên mình hiểu thế nào là: uke tấn công càng mạnh thì càng dễ vào đòn.
Lần sau có dịp tập với thầy Yoshida, mình sẽ hỏi thầy về cách kết nối khi uke không tấn công toàn lực.

chithanh
04-27-2023, 08:31 PM
Tháng 4 này, gia đình mình chuyển đến Kyoto.
Vậy là kết thúc hơn 6 năm gắn bó với các dojo ở Ikoma và Wakayama. Nhìn lại 6 năm tập ở Nhật, tần suất tập của mình rất thấp, chỉ khoảng 1-2 buổi/ tuần. Tuy nhiên, mình đã hiểu ra/ học lại được nhiều điều. Có những điều cơ bản đã được nghe nói nhiều ở VN, nhưng chỉ khi đến Nhật mình mới cảm nhận được rõ ràng. VD như việc làm uke mất thăng bằng, kiểm soát uke, thả lỏng,…
Sau khi chuyển đến kyoto, mình đã đăng kí gia nhập dojo của cô Okamoto.
Dojo này hơi xa chỗ mình sống, khoảng 9km. Đạp xe đạp mất khoảng 50’, nhưng vẫn trong khoảng chấp nhận được.
Dojo nằm trong ngõ nhỏ, hơi khó tìm. Rất nhiều người đến bằng xe đạp, dựng xe san sát bên ngoài dojo.
Lần đầu mình đến là buổi sáng t7. Buổi này có thầy Chris, chồng cô Okamoto đứng lớp. Thầy giải thích bằng TA nên khá dễ hiểu
Cách đánh ở đây nhịp nhàng và trôi Kiểu “nagare” hay “ryuutai”. Rất khác kiểu tập chậm kiểu “Tanren” (uke nắm chắc, gồng cứng) mình vẫn tập trước đây. Khi thầy Chris đánh mình lần đầu, mình theo thói quen siết chặt và hơi kháng lại. Thầy liền bảo là mình quá cứng, phải lỏng ra và theo tori…
1 điểm nữa là mọi người không đổi bạn tập sau mỗi đòn mà chỉ đổi bạn tập khi người hướng dẫn nói đổi. Thế nên trong 1 buổi tập, mình chỉ tập được với 3-4 người thôi.
Tối t5 là lớp của cô Okamoto. Buổi này có rất đông người nước ngoài và khách thăm. Buổi tập t5 đầu tiên mình đến, tập với một cô nước ngoài là khách thăm dojo. Cô này rất giỏi nhưng theo kiểu chậm & chắc như phong cách Iwama chứ không biết đánh theo kiểu của dojo này. Vậy là mất 1/4 buổi tập, 2 người “ngoại đạo” loay hoay với nhau, không biết đánh sao cho đúng đòn của cô hướng dẫn. Từ sau có lẽ mình phải để ý tập với người của dojo này trước, để học cách đánh của họ đã.
Sau những buổi đầu tập, mình thấy thầy Chris đánh kiểu thực tế với atemi rõ ràng. Thầy giải thích kĩ lí do từng bước di chuyển của cả tori và uke. Trong giờ tập, thầy rất hay cho ngừng lớp để giải thích chi tiết thêm về đòn đánh. Cô Okamoto thì ít cho ngừng lớp hơn, có lẽ vì lớp của cô đông hơn nên khó đi vào chi tiết. Cô đánh tấn thấp và vung tay rộng. Mới đầu tập kiểu này khá mệt vì khi làm uke phải di chuyển nhiều còn khi làm tori thì phải hạ thấp tấn…

chithanh
06-16-2023, 06:48 PM
Sau hơn 2 tháng, mình vẫn chưa quen được với cách tập ở dojo cô Okamoto. Một phần là do nhà xa dojo, mình không thể đến kịp để tham gia các lớp cơ bản, thường vào 18h, mà chỉ kịp tham gia lớp nâng cao lúc 19h30 hoặc vào cuối tuần. Lớp nâng cao thì thường tập những đòn “lạ” mà trước giờ mình ít tập. Thầy cô lại ít giải thích, và đa số là người tập lâu nên đánh nhanh và mạnh, khiến mình khó bắt nhịp theo.
Các dojo trước mình tập thì uke thường phải nắm chắc và kết nối với trọng tâm tori. Nếu tori không thả lỏng thì không thể đánh được. Cách tập này khiến buổi tập diễn ra khá chậm, mọi người không phải di chuyển nhiều. Vì có khi uke nắm chắc quá, tori loay hoay 1 hồi mới vào đòn được chẳng hạn.
Ở dojo của cô Okamoto, theo cảm nhận ban đầu của mình thì mọi người coi trọng cách di chuyển Taisabaki và tính liên tục của đòn đánh. Uke kết nối với tori 1 cách nhẹ nhàng (chạm nhẹ), sau đó cảm nhận và di chuyển theo tori, chứ không cố đẩy vào trọng tâm để kiểm soát tori.
Ở đây cũng có nhiều qui tắc mới với mình. VD như uke không đưa tay đỡ đòn atemi của tori. Trong các đòn thì uke luôn phải giữ tay chạm với tay tori (chỉ chạm chứ không kéo/đẩy gì cả),…
Ngoài ra, việc di chuyển nhiều và hạ thấp trọng tâm đòi hỏi nhiều về thể lực và sự dẻo dai. Các khớp của mình thì khá cứng vì cường độ tập trong mấy năm qua quá thấp. Mình bắt đầu tập dãn cơ thêm ở nhà để thích ứng với cách tập mới.

Mình chưa có nhiều cơ hội làm uke cho cô Okamoto. Và mỗi lần mình đánh với cô, cô thường làm chậm để cho mình xem bước di chuyển, chứ không đánh thẳng tay. Vì thế, mình chưa cảm nhận được hết sức mạnh của cô và cũng chưa thấy 1 sự áp đảo như ở thầy Yoshida hay bác Yamanegi mà mình đã kể trước đây. Theo ấn tượng ban đầu thì cô có những bước di chuyển nhỏ nhưng lại là mấu chốt khiến uke mất thăng bằng. Một chút xoay hông hoặc 1 bước đệm nhỏ sang bên có thể khiến đòn đánh trở nên khác biệt. Nếu nhìn không kĩ có thể sẽ bỏ qua những bước nhỏ đó.

Đầu tháng 6 có seminar ở Kyoto. Hướng dẫn trong seminar này là cô Okamoto, thầy Horii và thầy Miyamoto. Mình chỉ tham dự 1 buổi sáng CN, thầy Miyamoto đứng lớp. Các thầy/cô khác thì ở quanh thảm trợ giúp tổ chức lớp. Thầy Miyamoto không giải thích nhiều nên thực sự mình không hiểu lắm. Lớp thì khá đông nên không có cơ hội làm uke cho thầy lần nào.
Sau seminar, thầy Chris hỏi mình thấy sao. Mình bảo mình chả hiểu gì cả. Thầy Chris bảo thầy thấy 80% người tham gia không hiểu gì. Thầy bảo ở tập seminar không giống như tập ở dojo. Ở dojo thì thầy dạy, còn ở seminar thì người ta chỉ biểu diễn chứ không dạy, thế nên tự mình phải cố gắng quan sát cho kĩ…

chithanh
01-29-2024, 12:59 PM
Gần 1 năm tập ở Kyoto, mình cố gắng duy trì tập 2-3 buổi 1 tuần.
1 buổi vào thứ 2 là lớp của anh H, học trò của cô Yoko. Đây là buổi cho kyu 5 trở lên nên chủ yếu chỉ tập các đòn đơn giản. Anh H hay đi quanh thảm tập cùng mọi người và hướng dẫn cách làm uke. Cường độ tập buổi này không quá cao. Với mình thì đây là buổi để học những động tác/ quy tắc cơ bản của dojo.

Tối thứ 5, mình tập lớp Yudansha của cô Yoko. Buổi này cô không hướng dẫn nhiều đòn đánh mà thường tập trung vào các bài tập về cách di chuyển/ kokyu nage. Vì là “bài tập” nên có các qui tắc riêng cho uke. VD có khi uke phải tiếp tục lao đến sau khi atemi, có khi uke lại phải giữ khoảng cách khi chém, có khi uke phải tì đè, kháng lại lực ép của tori, có khi lại phải thả lỏng trôi theo động tác của tori. Nếu không nắm bắt được ý cô khi làm uke, thường sẽ bị cô atemi vào mặt. Đòn đánh trong buổi này bên cạnh kokyu nage thì thường Ikkyo và Irimi, ít khi có đòn khác. Cường độ tập buổi này rất cao, thường đến cuối buổi là thở không ra hơi nữa. Nhiều cô đai đen người Nhật nói là không dám đến buổi này vì thể lực không theo nổi.

Thỉnh thoảng cô Yoko có đến đứng lớp cơ bản vào thứ 2. Những lúc này thì cô chủ yếu dạy đòn đánh chứ không tập trung vào kyokyu nage.

Buổi cuối tuần mình tập là lớp của thầy Chris. Thầy tập trung vào các đòn đánh thực tế + chống vũ khí. Buổi tập thường bắt đầu với những bước taisabaki đơn giản. Sau đó là cách áp dụng vào đòn đánh rồi những biến thể phức tạp hơn, hiếm gặp hơn. Đến gần cuối buổi, nhiều người không thể theo kịp động tác của thầy. Thầy Chris hay nói “I have to do the dirty work”. “Dirty work” ở đây là những đòn siết cổ, biến thể, phản đòn, v.v mà ít người dạy.
Trước mỗi kì thi lên đai, thầy thường cho tập kokyu nage vào cuối buổi. sau đó, thầy cho cả lớp ngồi quanh thảm và gọi những người chuẩn bị thi lên tập 1 chống 3. Những người chuẩn bị thi lên đai thường đi tập buổi này để tập thêm những đòn ít gặp, chuẩn bị cho kì thi.

chithanh
04-15-2024, 01:38 PM
Tháng 4 này là tròn 1 năm mình chuyển đến Kyoto.

Tuần trước, mình quay lại Wakayama để thăm thầy Matsumoto và thầy Yoshida sau 1 năm. Mình tham gia buổi tập chiều thứ 7. Dù là buổi cuối tuần nhưng cũng chỉ có 7 người, trong đó có 4 cụ lớn tuổi, có cụ đi còn không vững nữa. Phụ trách lớp là thầy Noshiro. Thầy khá lớn tuổi, có lẽ phải ngoài 80. Đây là lần đầu mình gặp thầy Noshiro. Thầy Matsumoto cũng đến tham gia, còn thầy Yoshida thì không đến được.

Sau khi khởi động, mọi người ghép cặp và tự tập. Thầy Noshiro tập với mình. Mới tập được vài đòn cơ bản là thầy đã thở dốc rồi. Thầy bảo lâu lắm mới tập với người trẻ nên mệt quá. Sau khoảng 15 phút thì thầy bảo mệt quá rồi, chuyển sang tập Aiki thôi. Lúc này thầy mới bắt đầu kiểu tập giống thầy Yoshida thường dạy vào những buổi tập sáng trước kia.

Thầy bảo mình nắm chặt tay và dùng “ki” để ném mình. Mình lại cảm nhận được sức mạnh giống hệt thầy Yoshida trước kia (Mình đã tả nhiều về thầy Yoshida ở các bài trước). Dù cố hết sức kháng lại nhưng mình vẫn không thể giữ được thầy và bị thầy ném dễ dàng. Lúc này thầy gần như thả lỏng hoàn toàn, không di chuyển nhiều và trông rất thoải mái, không mệt nhọc như lúc đầu buổi. Đến cuối buổi thì người phải thở dốc lại là mình.

Thầy Noshiro bảo “Aiki” rất khó giải thích, phải cảm nhận dần dần. Chỉ cần di chuyển 1 mm thôi là có thể tạo ra sự khác biệt rồi.

Kiểu đánh dùng khí này rất thú vị. Nhưng nếu buổi nào cũng tập như vậy thì cũng không ổn. Do cách tập này chủ yếu dựa vào cảm nhận, và phải tốn rất nhiều thời gian. Nếu chỉ tập trung vào tập “khí” mà bỏ qua các động tác thì khá là…chán và không giống võ nữa. Nhìn lại clip cũ của các đệ tử thời sư tổ cũng thấy mọi người tập rất mạnh bạo chứ không phải chỉ nắm tay nhau rồi đứng cảm nhận. Ngược lại, nếu chỉ tập động tác mà không tập và cảm nhận “khí” thì liệu có còn là Aikido thực sự không?

Ở Kyoto, có 1 2 lần thầy Chris kêu mình giữ hết sức để thầy ném – Lúc đó mình có thể cảm nhận được cái “khí” giống như mình từng cảm nhận từ thầy Yoshida hay thầy Noshiro. Nhưng những buổi tập bình thường thì thầy cô chú ý nhiều hơn vào động tác, tư thế chứ ít thể hiện “khí”. Thực ra cũng dễ hiểu, vì 1 lớp quá đông, khó mà tập kiểu ở Wakayama được

Có lẽ mình sẽ cố gắng quay lại Wakayama 1 năm vài lần để ôn lại cảm giác bị ném bằng “Khí”.

Thầy Noshiro bảo mình là dojo ở Wakayama là nơi sư tổ và các đệ tử từng đến tập và quay phim. Mình lên youtube tìm thử thì ra được clip này. Đúng là dojo mình tập ở Wakayama với cột gỗ ở quanh thảm và tường bao. Mọi người có thể xem và so sánh với ảnh dojo mình đăng trong bài #45 ở trang trước. Trong clip có cả thầy Tanaka Bansen, là thầy của bác Sato tập cùng mình ở Ikoma.


https://www.youtube.com/watch?v=5_61SMnr4QM

Công viên bên cạnh dojo. Hôm mình đến là lúc hoa anh đào vừa rụng hết

https://live.staticflickr.com/65535/53656027894_2ac10b3e58_z.jpg (https://flic.kr/p/2pKpaKd)