PDA

View Full Version : Trò Chuyện Cùng Lý Tiểu Long !



Guest
06-23-2006, 02:22 AM
Trên đời nầy tui có 2 thứ mê, đó là "mê gái và mê Lý Tiểu Long", không biết cái đam mê nào lớn hơn? nhưng cái mê gái cho thấy chưa hề đem cho tui 1 lợi ích nào (ngoại trừ thất tình lên thất tình xuống, như cái mền rách !) nhưng đam mê họ Lý đã đưa tui đến với võ thuật như 1 người tình thủy chung, sự đam mê nhen nhúm từ thước phim đầu tiên trong "Đường Sơn Đại Huynh" khi coi xong thao thức không ngủ được...

Ai ai khi viết về Họ Lý, đều viết về anh như 1 anh hùng, một huyền thoại khả kính, một triết gia khai sáng môn phái Triệt Quyền Đạo. Nhưng bài viết nầy khá đặc biệt, dưới 1 cách nhìn soi sáng khía cạnh rất "người" của Lý Tiểu Long.

Một bài viết lạ.

Mời anh em HKD.COM cùng đọc.

http://i62.photobucket.com/albums/h115/hiepkhidao/BruceLee2.jpg

Đứng trước ngôi mộ của Lý Tiểu Long tôi thật sự xúc động. Từ trên tấm bia cẩm thạch, Lý Tiểu Long như mỉm cười mời gọi tôi cùng chuyện trò.

Trước đây, tôi hình dung nơi an nghỉ cuối cùng của con người nổi tiếng này phải là một lăng mộ cực kỳ tráng lệ cho xứng với tên tuổi lẫy lừng một thời của anh. Vậy mà nơi an nghỉ cuối cùng của Lý Tiểu Long ở nghĩa trang Lake View trên đồi Volunteer Park (Seattle, Mỹ) chỉ là một ngôi mộ bình thường với một tấm bia bằng đá cẩm thạch màu hồng có chân dung anh và hàng chữ Bruce Lee, Lý Trấn Phiên, 27-11-1940 - 20-7-1973, người sáng lập Triệt quyền đạo. Vài bó hoa đặt trên mộ hãy còn tươi, chắc là của những người hâm mộ anh.

San Francisco là nơi anh cất tiếng chào đời, Hong Kong là nơi tuổi thơ anh lớn lên, nhưng Seattle mới là nơi anh lập thân. Nơi đây lần đầu anh biểu diễn kungfu, mở võ đường, lần đầu anh giao duyên với điện ảnh, gặp Linda - người vợ đằm thắm thủy chung của anh, và nay là nơi anh yên nghỉ đời đời.

Ba mẹ Lý là người Trung Hoa nhưng một buổi sáng đẹp trời anh khóc tiếng chào đời ở thành phố San Francisco, thế là anh trở thành công dân Mỹ thực thụ. Anh tuy không cao lớn nhưng tố chất tiên thiên đạt chuẩn tỉ lệ vàng, phải triệu triệu người mới có một. Thập niên 1940 - 1960, Hong Kong là vùng đất phức tạp và dữ dội của một trung tâm tài chính quốc tế.

Ở đó tuổi thơ anh là những tháng ngày lêu lổng, trốn học, quậy phá, đánh nhau... và anh đã học được cách làm "xếp sòng" thiên hạ. Tính khí hung hãn thời niên thiếu và những ân oán giang hồ khiến Lý Tiểu Long khó mà lập thân ở đất Hong Kong, nhưng anh đã có ngay mảnh đất để lánh nạn: nước Mỹ.

Anh có người thầy chân chính - võ sư Diệp Vấn, sống thanh bạch nhưng nhất định không coi võ như món hàng mua bán. Anh đã gặp Amy Sanbo, người con gái anh yêu, người hết lòng thương yêu anh nhưng không a dua theo những thành tích có tính khoe mẽ của anh; đã thế còn nghiêm khắc khuyên anh phải nhìn lại mình, và khi biết anh không thể làm được điều đó cô đã khước từ lời cầu hôn của anh.

Anh có người bạn quí - Taky Kimura, đúng hơn là bậc thiền sư, ngầm khai thị cho anh bài học biết kiềm chế mình, biết giấu mình, biết coi thường thói hư danh, phù phiếm. Anh có người vợ biết chấp nhận anh, yêu thương, chăm chút, thủy chung. Anh có những đệ tử giỏi giang và hết lòng vì sư phụ. Anh có nhiều cơ hội, mà một trong những cơ hội đó đã đưa anh vèo một cái lên hàng ngôi sao điện ảnh đắt giá nhất thế giới, và trong vòng ba năm tiếng tăm anh lẫy lừng tới mức nhiều tài tử khác trong nghề ở Hollywood một đời vẫn không có được...

Vừa là một cao thủ quyền cước, vừa là một tài tử điện ảnh xuất sắc, đó là hai yếu tố tạo nên huyền thoại Lý Tiểu Long. Năm 18 tuổi từ Hong Kong anh sang Mỹ, với học vấn xoàng, võ thuật chưa tới và lăn vào tập luyện karate, quyền anh, quyền Thái, và khi đạt đến đệ tứ đẳng huyền đai karate anh quyết định mưu sinh bằng nghề dạy khiêu vũ. Đó là nhờ những ngày còn lêu lổng ở Hong Kong anh bỏ thời gian vào các vũ trường, và từng đoạt giải quán quân một cuộc thi vũ điệu cha cha cha.

Chính võ thuật là bàn đạp giúp anh đến với điện ảnh, mà đỉnh cao là bộ phim Đường Sơn đại huynh - phá vỡ mọi kỷ lục trước đó của loại phim võ thuật, quyền cước. Thành công đó dẫn tới các phim kế tiếp của anh là Tinh Võ môn, Mãnh long quá giang, Long tranh hổ đấu, Tử vong du hí (dở dang). Dưới bàn tay của đạo diễn bậc thầy La Duy, Đường Sơn đại huynh đưa Lý lên hàng "sao" và chinh phục con tim, khối óc người xem.

Rất tiếc từ sau Tinh Võ môn mọi chuyện đã khác đi. Thành công quá sớm cộng với cái tính hung hăng, háo thắng, anh bắt đầu làm cho các mối quan hệ trở nên căng thẳng. Đạo diễn La Duy không còn đến phim trường nữa nên một mình Lý bao biện cả biên kịch lẫn đạo diễn. Dưới bàn tay nhào nặn của anh, phim trở thành luận đề về niềm kiêu hãnh giống nòi, lòng căm ghét người Anh, người Nhật xâm lược. Nhiều cảnh trong phim hết sức chướng, ví dụ: một mình Lý Tiểu Long hiên ngang, kiêu bạt, đánh hàng trăm võ sĩ Nhật nhục nhã ê chề... (Và đã có nhiều thanh thiếu niên xem phim, bắt chước thần tượng của họ luyện võ, múa côn nhị khúc, khệnh khạng ta đây. Không ít kẻ lao vào các cuộc ẩu đả, những tưởng bắt chước Lý Tiểu Long mãnh hổ địch quần hồ, để rồi phải chết trong vòng dao búa trước khi kịp nhận ra võ trong phim và võ ngoài đời khác nhau biết chừng nào!).

http://i62.photobucket.com/albums/h115/hiepkhidao/Brucelee.jpg

Nhiều người thắc mắc không biết công phu của Lý Tiểu Long bắt nguồn từ đâu? Rõ ràng anh có ba năm học Vĩnh Xuân quyền với võ sư Diệp Vấn. Sau này anh có tập thêm karate, quyền anh, quyền Thái, nhưng chừng ấy vẫn chưa thể gọi là đủ. Chính những tố chất thông minh, hiếu thắng, gan dạ, ý chí sắt đá, đam mê khổ luyện, dày dạn trận mạc... mới tạo nên tượng đài Lý Tiểu Long trong võ thuật, với quan điểm chiến đấu rất rõ ràng: vô chiêu, tức thời, trực tiếp, đơn giản, hiệu quả.

Đòn thế của anh không hề rườm rà, huê dạng mà bao giờ cũng dứt khoát, rõ ràng và thuyết phục. Anh đặt tên cho nghệ thuật chiến đấu ấy là Triệt quyền đạo, không lâu sau Triệt quyền đạo trở thành môn phái mà anh là vị sáng tổ.

Nếu tính cách khuôn thành số phận thì Lý Tiểu Long là một dẫn chứng điển hình. Trong gia đình, anh là đứa bé hiếu động, không bao giờ chịu ngồi yên; nên còn có cái tên "Con lật đật". Trong lớp, anh là một học sinh lười biếng, thường gây ồn ào, mất trật tự, không nghe lời thầy...; vì thành tích quậy phá ấy mà anh bị đuổi học nhiều lần, và cuối cùng bị đuổi hẳn khỏi Trường trung học La Salle vì hạnh kiểm xấu và học lực kém.

Ngoài lớp, anh là xếp sòng của một băng anh chị chuyên gây gổ, thách thức, âu đả. Ngay cả võ là môn anh "say mê và miệt mài luyện tập tưởng chừng như sắp hóa điên", Lý cũng từng bị võ sư Diệp Vấn đuổi khỏi võ đường vì cho rằng thiếu tư cách, ngông nghênh, tự phụ. Và anh mang cả lên đỉnh cao giàu sang và danh vọng tính cách cá biệt của mình.

Những người thân yêu quanh anh hiểu rõ điều này hơn ai hết. Linda Lee nói về chồng mình: "Lý Tiểu Long có rất nhiều nhược điểm, chẳng hạn như nóng nảy bất thường, thiếu tế nhị với người xung quanh, không ý tứ trong mọi cách hành xử". Michael Lai, bạn anh, nói: "Nếu anh thua, bao giờ anh cũng viện ra một cái cớ nào đó để bào chữa. Anh có vẻ trơ tráo và khệnh khạng như một con công, luôn luôn tỏ ra kẻ cả, cha chú trong các hành động". Còn Amy Sanbo thì đồng ý rằng anh quả có tài về võ thuật, nhưng "chỉ là một kẻ non nớt, thiển cận và luôn luôn bám riết những việc làm có tính cách khoe mẽ", "Anh ấy chỉ biết ném ra một lô những túi khôn của phương Đông mà chẳng bao giờ anh ấy tuân theo cả".

Những năm cuối đời, anh là hiện thân của sức mạnh, quyền lực và giàu có, như kẻ sở hữu một lưỡi kiếm sáng ngời và sắc lẻm, thay vì giấu nó trong bao thì anh lại xách đi khơi khơi giữa ba quân thiên hạ. Một tính khí như thế, một tính cách như thế, một cái tâm như thế, cùng với nỗi khao khát giành phần thắng, luyện võ sẽ rất mau thành tựu công phu, nhưng lại quá nguy hại cho bản thân: nóng nảy, điên loạn, và tẩu hỏa nhập ma.

Còn với đời, chắc chắn sẽ có nhiều nỗi khổ hơn niềm vui, nhiều kẻ thù hơn bè bạn. Thomas Chan, người cùng đóng chung với anh trong phim Tinh Võ môn, tiết lộ: "Trong hai năm cuối cùng ở Hong Kong, anh hoàn toàn cô độc. Cả đời anh, anh không có một người bạn nào".

Cái chết của anh cũng vậy thôi, cũng lạ lùng kỳ quái như chính cuộc đời anh. Đám tang anh, từ Hong Kong đến Mỹ, hàng vạn người tiễn đưa anh, vừa buồn bã vừa nhẹ nhõm, vừa ngợi ca vừa mai mỉa.

Người ta nói xế trưa ngày 20-7-1973, Raymond Show và anh hẹn gặp nhau tại nhà nữ tài tử Đinh Phối để thảo luận về cuốn phim mới. Cuộc trao đổi kéo dài cho đến chiều, Raymond Show mời cả Lý và Đinh Phối cùng đi ăn tối. Đến nhà hàng đợi hoài không thấy, Raymond Show gọi điện về nhà thì Đinh Phối cho biết Lý Tiểu Long kêu nhức đầu nên cô đã cho uống một viên thuốc cảm nhẹ, rồi anh ấy ngủ li bì đến nay vẫn chưa dậy. Raymond Show vội quay về, gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện nhưng không kịp nữa, Lý đã chết trên đường đi.

Việc Lý Tiểu Long có tuyệt kỹ công phu bỗng lăn đùng ra chết khiến cả Hong Kong choáng váng. Người ta nhao nhao đi tìm nguyên nhân. Người thì nói do gây thù kết oán với băng nhóm mafia nên anh bị Hội Tam Hoàng thanh toán. Người khác nói do thành công của anh với hãng phim Gia Hòa đe dọa sự tồn tại của hãng phim Shaw Brothers nên Lý bị hãng này thuê sát thủ ra tay. Người khác lại nói, bởi mười ngày trước anh đã có cuộc va chạm dữ dội với đạo diễn La Duy nên La Duy thuê người ám hại.

Rồi người khác nữa lại nói trong một cuộc tỉ thí ba tháng trước đó, anh bị một nhà sư chùa Thiếu Lâm điểm huyệt. Và vì anh chết trong phòng riêng của Đinh Phối nên nhiều người đoan chắc rằng anh chết vì "thượng mã phong"... Còn cánh bác sĩ cũng đành phải đầu hàng. Họ chỉ có thể giải thích cái chết của anh là "không rõ nguyên nhân".

Cho đến nay vẫn chưa ai biết đích xác vì sao Lý Tiểu Long qua đời đột ngột. Nhưng nếu căn cứ vào cái chết của con trai anh 20 năm sau, e rằng Lý chết vì bị người ta đầu độc. Còn nếu căn cứ vào xác minh của bác sĩ, thì chắc chắn anh chết vì tẩu hoả nhập ma. Suy cho cùng, ít nhất cũng có một người biết đích xác cái chết của anh, đó là anh. Nhưng nay thì anh đã học được ngôn ngữ của sự thinh lặng.

http://i62.photobucket.com/albums/h115/hiepkhidao/Bruce_Lee1.jpg

Từ trên tấm bia cẩm thạch, anh lại mỉm cười. Đôi mắt ấy ngày nào dữ dội là thế mà nay sao quá đỗi dịu dàng, và có vẻ buồn. Hẳn cái chết giúp anh nhận ra rằng đời người vốn vô thường, vinh hoa phú quí chỉ là mộng ảo: "Có tài mà cậy chi tài"... và rằng "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".

Dù rất buồn lòng về anh, tôi vẫn là một trong muôn triệu người hâm mộ anh.

(ST).

Thân mến.

psi_ops2001
06-23-2006, 03:01 AM
em cũng thích lý tiểu long lắm !! mà tiếc là ông ấy qua đời sớm quá !! hôm truớc có coi cái phim nói về cuộc đời bruce lee ! mà diễn viên diễn xuất tệ quá !! đúng là tiếc thất :neutral: ! bài biết tuyệt vời quá anh DCH
Thân

aiki
06-23-2006, 06:57 AM
Bài hay lắm anh DCH! Tui cũng nghe nói về cái tính "khó ưa" này của LTL rồi!