PDA

View Full Version : Cơ sở võ học của AIKIDO



BMTD
01-28-2012, 08:52 AM
AIKIDO là một môn võ, và như vậy có thể được xem như một môn thể thao. Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, AIKIDO ngày càng được hoàn thiện cả về phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Trong chủ đề này, BMTD xin trình bày tóm tắt một hệ thống lý thuyết của AIKIDO, được trích từ một tài liệu cùng tên với chủ đề mà BMTD có được, hy vọng sẽ có ích cho các ACE trong diễn đàn.

Theo đó, võ học AIKIDO dựa trên 3 cơ sở:
1. Cơ sở vật lý học
2. Cơ sở y học phương Tây
3. Cơ sở y học phương Đông

Cơ sở vật lý học bao gồm 3 định luật Newton và các định luật cơ bản khác của cơ học. Cơ sở y học phương Tây bao gồm Giải phẫu học và Sinh lý học (của người). Cơ sở y học phương Đông bao gồm các quan niệm về Khí và Đan điền.

Hôm nay tạm thời khai đề như vậy. Những lần sau BMTD xin bàn luận chi tiết hơn.

aiki
01-28-2012, 07:44 PM
Chào BMTD mới vô diễn đàn! Mong đọc chi tiết thêm.

BMTD
01-29-2012, 07:35 AM
Giống như tất cả các môn võ khác, Aikido cũng sử dụng sức lực của con người để trả đòn hoặc khống chế đối thủ. Sức lực này về bản chất là các lực và chúng tuân theo các quy luật vật lý. Trong chương này chúng ta sẽ xem lại một số khái niệm quan trọng của vật lý làm tiền đề cho các phân tích đòn thế Aikido.

Tài liệu tham khảo: BMTD nghĩ rằng đa phần các ACE đều đã biết các định luật cơ sở của Vật lý học sẽ được trình bày trong chương này. Nếu cần xem lại cho có hệ thống thì có thể đọc trong các sách giáo khoa (chương trình trung học) hoặc các sách vật lý học cho năm đầu của các trường đại học kỹ thuật. Xin nêu một vài tài liệu tiêu biểu ở đây:

1. Benjamin Crowell, “Newtonian Physics”, trong bộ sách “The Light and Matter” đăng tại điểm Web: www.lightandmatter.com.
2. Lương Duyên Bình, Dư Trí Công, Nguyễn Hữu Hồ, "Vật lý đại cương", NXB Giáo dục 2003.
3. Nguyễn Viết Kính, Bạch Thành Công, Phan Văn Thích, "Vật lý học đại cương", NXB Đại học Quốc gia Hà nội, 2004.

levis
01-29-2012, 10:45 AM
Mong sớm đọc đc bài viết tiếp theo của anh BMTD :o

BMTD
01-30-2012, 07:03 AM
1.1 Định luật Newton 1: Quán tính

Nếu không có lực ngoài tác động, một vật sẽ giữ nguyên trạng thái chuyển động của nó.

1. Nếu đang đứng yên, vật sẽ mãi đứng yên.
2. Nếu đang chuyển động, vật sẽ chuyển động thẳng đều.

Đặc tính "giữ nguyên trạng thái chuyển động" được gọi là quán tính của vật.

Một ứng dụng nhỏ: Khi đối thủ lao vào tấn công (đấm, đá, chém), nếu ta bình tĩnh và bất ngờ thoát ra khỏi đường tấn công thì theo quán tính, đối thủ có thể lao chúi và té sấp mặt xuống đất nếu không phản xạ kịp. Yếu tố bất ngờ rất quan trọng.

1.2 Định luật Newton 2: Gia tốc

Khi có lực ngoài tác động, vật sẽ thay đổi trạng thái chuyển động của nó (nghĩa là thay đổi vận tốc). Độ lớn của sự thay đổi (gia tốc) tỷ lệ thuận với lực và tỷ lệ nghịch với khối lượng của vật.
a = F/m
trong đó a là gia tốc; F là lực; m là khối lượng.

Một ứng dụng nhỏ: Trong các kỹ thuật dẫn, để tránh phải dùng một lực lớn, chúng ta thường dẫn và tăng tốc từ từ, làm cho uke đang từ trạng thái đứng yên chuyển động dần đến một tốc độ thích hợp rồi mới ra đòn.

1.3 Định luật Newton 3: Phản lực

Khi một vật A tác động vào vật B một lực F thì A cũng chịu một lực Fr tác dụng ngược lại từ B. F và Fr có độ lớn bằng nhau nhưng ngược chiều, mỗi lực tác động vào một vật khác nhau.

Định luật này được ứng dụng vào tình huống hóa giải lực của đối thủ bằng lực đàn hồi (sẽ bàn ở lần sau).

1.4 Chuyển động tròn

Trong AIKIDO và Thái Cực Quyền, chuyển động tròn (vòng cung, vòng cầu, xoắn ốc) là loại chuyển động chủ đạo, đến mức hầu như mọi chiêu trong các đòn thế đều là chuyển động tròn. (Có nhiều người nâng lên thành "Nguyên lý vòng tròn").

Vận dụng định luật Newton I, chúng ta thấy rằng khi chuyển động tròn, vật phải chịu một lực tác dụng nào đó (bằng không, vật phải chuyển động thẳng đều). Lực này làm cho phương của chuyển động hướng về phía tâm của một vòng tròn và được gọi là lực hướng tâm.

Giả sử rằng một vật có khối lượng m đang chuyển động tròn đều với vận tốc v trên một vòng tròn có bán kính r. Khi đó độ lớn của lực hướng tâm được tính bằng công thức: F = mv2/r.

Như vậy, độ lớn của lực hướng tâm tỷ lệ (thuận) với khối lượng của vật và bình phương vận tốc; tỷ lệ nghịch với bán kính của vòng tròn.

Một ứng dụng nhỏ: Khi thực hiện các đòn thế AIKIDO, nếu dẫn đối thủ hoặc ra đòn theo vòng cung thì lực cần ra tương ứng với lực hướng tâm. Vì lực hướng tâm tỷ lệ nghịch với bán kính nên nếu đánh theo vòng lớn (r lớn) thì chỉ cần một lực nhỏ (F nhỏ); ngược lại nếu đánh theo vòng nhỏ (r nhỏ) thì phải dùng một lực lớn (F lớn).

Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta nên đánh vòng cung thay vì theo đường thẳng. Chúng ta sẽ quay lại đề tài này sau khi đã thảo luận về cơ sở y học phương Tây (Giải phẫu và Sinh lý) và tổng hợp thành những nguyên tắc thực hành.

BMTD
01-31-2012, 10:32 AM
1.5 Lực đàn hồi

Xem thử một lò xo S nằm ngang, một đầu cố định, một đầu gắn vào một vật nhẹ A. Dùng bàn tay ép vào vật A theo chiều dài của lò xo để lò xo nén lại. Ta cảm thấy có một lực ép lại vào bàn tay (theo đúng định luật Newton 3: Phản lực).

Nếu tiếp tục ép cho lò xo ngắn lại hơn nữa, ta cảm thấy lực ép vào bàn tay tăng dần lên: Ép càng mạnh, lò xo càng ngắn lại, lực ép càng lớn.

Nếu ta buông bàn tay ra, lò xo sẽ bung trở lại vị trí ban đầu, đẩy vật A trở về vị trí cũ. Lực đẩy làm cho vật A di chuyển từ vị trí bị ép trở về vị trí ban đầu được gọi là lực đàn hồi.

Theo định luật Hook, độ lớn của lực đàn hồi được tính bằng công thức F = kx, trong đó x là độ dài từ vị trí ban đầu của lò xo đến vị trí khi bị nén; k là một giá trị số tùy thuộc vào từng lò xo (chất liệu làm lò xo).

1.6 Động lượng

Thử tưởng tượng tình huống chúng ta định chặn giữ một chiếc xe đạp. Nếu xe đang chạy (vận tốc trung bình khoảng 15 km/giờ) thì ta có thể giữ lại khá dễ dàng. Tuy nhiên nếu xe đang đổ dốc thì ý định của ta không dễ gì thực hiện. Khó khăn cũng tương tự khi chúng ta định chặn giữ một chiếc xe máy thay vì xe đạp, ngay cả khi chiếc xe máy đang chạy chậm với tốc độ tương đương (khoảng 15 km/giờ).

Như vậy khi một vật đang chuyển động, nó hàm chứa một sức mạnh.

Trong vật lý, người ta lượng hóa sức mạnh này bằng một đại lượng gọi là động lượng và đo đạc nó bằng công thức p = mv, trong đó p là động lượng (của vật đang chuyển động); m là khối lượng và v là vận tốc.

1.7 Va chạm

Lăn mạnh một viên bi lớn A cho va chạm với một viên bi nhỏ B đang đứng yên. Ta thấy sau khi va chạm, 2 viên bị đều bị dịch chuyển: A bật ngược lại chiều lăn ban đầu; B bị lăn tới theo chiều lăn ban đầu của A.

Va chạm như trên được gọi là va chạm (có) đàn hồi: cả 2 viên bi đều không bị móp méo sau va chạm. Tổng động lượng trước khi va chạm (chỉ có A có vì A chuyển động; B đứng yên) và tổng động lượng sau khi va chạm đều như nhau (định luật bảo toàn động lượng): Động lượng của A (trước va chạm) truyền một phần cho B làm B chuyển động; phần động lượng của A (còn lại sau va chạm) làm cho A di chuyển ngược lại.

Ứng dụng

Hai cánh tay và toàn cơ thể có thể được sử dụng như lò xo: Trong nhiều chiêu thức phản đòn trực tiếp, khi đối thủ lao vào tấn công, chúng ta có thể giữ vững trọng tâm tại đan điền, sử dụng 2 cánh tay làm 2 lò xo nhận đòn của đối thủ, tạo ra một va chạm đàn hồi.

Khi đó nếu được luyện tập để có được 2 lò xo "xịn", lực tấn công của đối thủ càng mạnh, phản lực của lò xo cánh tay càng mạnh, toàn bộ động lượng của đối thủ bị giữ lại và làm cho đối thủ bật ngược ra sau với tốc độ có khi gần bằng với tốc độ lao vào của đối thủ. Với tốc độ đó, nếu đối thủ không phản xạ kịp để bước chân kịp ra sau thì có thể té ngửa.

PS: Tổ sư và võ sư Gozo Shioda thường sử dụng toàn thân làm lò xo (độ nhún của 2 chân và toàn cơ thể) khiến nhiều uke khi lao vào bị bật ngược ra sau vì sau khi va chạm, uke không làm cho nage di chuyển được (không truyền được động lượng).

Steven
01-31-2012, 02:20 PM
Bài viết hay. Nhưng mình nghĩ nên thêm vào phần mục lục trước: Như i,ii,iii..,1,2,3 chẳng hạn cho người dọc dễ nắm bắt hơn.
Nên chăng chọn tên chủ đề là : "khoa học aikido".
Vì mình thấy cũng đã có nhiều tiêu đề như: Nguyên lý aikido, triết lý aikido, aikido và đời sống...
Thì việc phân tích aikido theo khoa học, mình nghĩ là một đề tài cần thiết.
Thứ hai: Những bài viết của bạn nếu được trích từ những luận văn aikido, sách aikido... Thì mình nghĩ bạn cứ để nguồn dẫn để có sự tôn trọng những tác giả trên.
Thân.

BMTD
01-31-2012, 06:07 PM
Bài viết hay. Nhưng mình nghĩ nên thêm vào phần mục lục trước: Như i,ii,iii..,1,2,3 chẳng hạn cho người dọc dễ nắm bắt hơn.
Nên chăng chọn tên chủ đề là : "khoa học aikido".
Vì mình thấy cũng đã có nhiều tiêu đề như: Nguyên lý aikido, triết lý aikido, aikido và đời sống...
Thì việc phân tích aikido theo khoa học, mình nghĩ là một đề tài cần thiết.
Thứ hai: Những bài viết của bạn nếu được trích từ những luận văn aikido, sách aikido... Thì mình nghĩ bạn cứ để nguồn dẫn để có sự tôn trọng những tác giả trên.
Thân.

Cảm ơn Steven đã góp ý. BMTD có vài dòng giải thích:

1. Tên chủ đề là "Cơ sở võ học của AIKIDO", có nghĩa là "Cơ sở khoa học của môn võ AIKIDO". Trong tiếng Việt, chữ "học" trong các từ ghép như Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh vật học, ..., có nghĩa là ngành học, ngành khoa học.

2. Các bài viết này được trích dẫn (tóm lược) từ cuốn sách "Cơ sở võ học AIKIDO" của BS. Trần Đức Quang. Cuốn sách này chưa xuất bản nhưng tác giả đã đồng ý cho trích đăng ở đây dưới dạng những bài viết tóm lược.

3. Mỗi bài viết thường rất ngắn và tương đối độc lập nên BMTD thấy chưa cần thiết phải đánh số mục. Tuy nhiên BMTD sẽ chú ý đến điều này trong những bài viết sau.

Thân mến,
BMTD

BMTD
02-01-2012, 09:19 PM
1.8 Trọng tâm

Thử tưởng tượng có một quả bóng da đang đứng yên trên mặt đất. Ta dùng đầu ngón tay trỏ ấn đẩy vào một điểm cố định trên quả bóng. Thực hiện nhiều lần với các hướng đẩy thay đổi cho ra kết quả:

- Rất nhiều hướng đẩy làm cho quả bóng lăn đi;
- Chỉ có mỗi hướng đẩy xuyên qua tâm quả bóng làm cho quả bóng bị xê dịch tới trước, cứ như thể toàn bộ sức nặng của quả bóng nằm tại tâm của nó.

Thử làm tương tự với một cục đá có hình dạng bất kỳ, chúng ta cũng thu được kết quả tương tự. Trong trường hợp này, do cục đá không có tính chất đối xứng như quả bóng nên để tìm ra điểm mà toàn bộ sức nặng của cục đá đều dồn vào đó, chúng ta phải ấn đẩy ở nhiều điểm khác nhau.

Thực nghiệm đã cho thấy rằng mọi vật rắn với một hình dạng bất kỳ đều tồn tại một điểm mà toàn bộ sức nặng của vật đều dồn vào đó. Điểm này được gọi là trọng tâm của vật.

- Trọng tâm là điểm cân bằng về sức nặng: Hai bên trọng tâm đều nặng như nhau.
- Trọng tâm có thể nằm bên trong vật hoặc nằm bên ngoài vật: trọng tâm của viên bi (đặc) nằm tại tâm viên bi; trọng tâm của một chiếc nhẫn cũng nằm tại tâm của nó nhưng ở ngoài vòng nhẫn.

Ở người khi đứng thẳng, trọng tâm thường nằm ở một điểm ở phần bụng dưới, chiếu ra da bụng thì nằm bên dưới rốn khoảng 5 cm mà người ta thường gọi là đan điền.

- Trọng tâm ở người không cố định mà thay đổi theo tư thế. Khi cúi người, trọng tâm thường rơi ra phía trước; khi ưỡn ra sau, trọng tâm rơi ra phía sau.
- Nhiều người nhầm lẫn trọng tâm với đan điền: Trọng tâm và đan điền là 2 điểm khác nhau và thường chỉ trùng nhau khi đứng thẳng.

1.9 Mặt chân đế

Đặt một vật cho đứng yên trên mặt đất hoặc trên một mặt phẳng nằm ngang. Ta nối các điểm mà vật tiếp xúc với mặt phẳng lại, tạo ra một hình khép kín trên mặt phẳng. Hình này được gọi là mặt chân đế của vật khi đứng yên trên mặt phẳng.

- Mặt chân đế tương tự như bệ đỡ của vật trên mặt phẳng
- Mặt chân đế phụ thuộc vào các điểm tiếp xúc của vật trên mặt phẳng.

Ở người, khi đứng trên mặt đất, mặt chân đế là phần diện tích của 2 bàn chân cộng với phần diện tích giữa 2 bàn chân.

- Khi dang rộng hai chân (chẳng hạn khi đứng tấn), mặt chân đế rộng hơn;
- Khi kiễng chân lên, mặt chân đế nhỏ đi.

1.10 Thăng bằng

Thăng bằng của một vật là tình trạng vật có thể đứng yên (ổn định) trên mặt đất mà không bị đổ ngã. Trọng tâm và mặt chân đế có liên quan đến tình trạng thăng bằng của vật. Thực nghiệm cho thấy rằng:

- Khi điểm chiếu của trọng tâm (trên mặt đất) nằm trong mặt chân đế thì vật (có) thăng bằng;
- Khi điểm chiếu của trọng tâm tâm rơi ra khỏi mặt chân đế thì vật bị đổ ngã.

Về phương diện võ học, chúng ta cần phải trả lời được 2 câu hỏi sau đây khi thực hiện các đòn thế:

- Làm thế nào để giữ được thăng bằng cho chính mình?
- Làm thế nào để làm mất thăng bằng của đối thủ?

Chúng ta sẽ quay trở lại đề tài này trong phần "Các nguyên tắc võ học AIKIDO".

PS: Lần sau chúng ta sẽ thảo luận về "Cơ sở y học phương Tây".

BMTD
02-05-2012, 06:58 AM
Từ góc độ võ học, chúng ta cần nắm vững các khái niệm sau:

- Quán tính là đặc tính của mọi vật nhằm duy trì trạng thái chuyển động hiện tại của nó. Lực là tác nhân làm thay đổi quán tính của vật.

- Chuyển động tròn xảy ra do lực hướng tâm. Nếu lực hướng tâm nhỏ thì vật sẽ chuyển động theo vòng lớn; ngược lại nếu lực hướng tâm lớn thì vật sẽ chuyển động theo vòng nhỏ.

- Trong một va chạm đàn hồi, nếu một vật đứng yên trước và sau va chạm thì vật kia (vật chuyển động) sẽ bảo toàn động lượng của mình và bị bật ngược ra sau với vận tốc bằng vận tốc trước khi va chạm.

- Một vật sẽ đổ ngã nếu trọng tâm của vật rơi ra khỏi mặt chân đế.

- Trọng tâm và đan điền là 2 điểm khác nhau. Ở người khi đứng thẳng, trọng tâm thường trùng với đan điền.

BMTD
02-05-2012, 10:27 AM
Y học phương Tây dựa trên những luận chứng khoa học rõ ràng và chặt chẽ về cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Trong chương này chúng ta tập trung vào những (hệ) cơ quan có liên quan trực tiếp đến việc luyện tập các đòn thế Aikido, đó là:

1. Cấu trúc giải phẫu và vận động của chi trên (tay)
2. Cấu trúc và hoạt động cơ bản của hệ thống tiền đình (trong tai)
3. Cấu trúc và hoạt động cơ bản của hệ thống thần kinh

Tài liệu tham khảo: Những gì được trình bày ở đây không phải là những khái niệm quá chuyên sâu trong ngành y nên BMTD thiết nghĩ ACE có thể đọc và kiểm chứng ngay trên cơ thể của mình. Nếu cần tham khảo, ACE có thể tìm đọc trên mạng. Dưới đây xin nêu vài cuốn sách tiêu biểu.

1. Harold Ellis, "Clinical Anatomy", 11e, Blackwell Publishing, 2006.
2. Schaum's Easy Outlines "Human Anatomy and Physiology", McGraw-Hill, 2001.

aiki
02-07-2012, 10:24 AM
Mấy bài này của anh BMTD là phân tích HKD theo khoa học. Hồi xưa khi sư tổ hay thầy Takeda chắc đâu có nghĩ như thế này đâu hả? Anh BMTD có áp dụng được những gì anh viết vô đòn chưa? Giũa lý thiết và áp dụng thực tế là 1 trời 1 vực đó!

Đọc mấy bài anh viết làm tui nhớ tới 1 sư huynh, anh ấy là tiến sĩ và khi anh ấy tập HKD, mổi đòn anh ấy phân tích kiểu " phải quay xx độ về hướng này, khoảng cách tay với uke cỡ x cm ...

cucat
02-07-2012, 11:18 AM
Cucat thấy các bài của anh BMTD cũng là một cách hay để mọi người có một cái nhìn tổng thể hơn về Aikido. Chưa biết hết các phần sau của anh BMTD sẽ có liên quan nhiều đến giải phẩu học, tâm lý học, những quá trình sinh hoá ( như vì sao bạn lại không thấy đau/sung hơn bình thường hoặc hoặc vì sao tay chân lại hay bị gồng cứng khi bắt đầu có xung đột, ...) hay không!??? Nếu có thì sẽ rất hay....

Từ kiến thức chung trên, nâng lên một bậc, một người "thầy" hay sẽ nghĩ được daily practice cho các học trò của mình để có thể tập đạt được tốt và nhanh nhất, nếu không sẽ bị tình trạng "Lực bất tòng tâm".

P/s: Nếu cucat không nhầm, trong một số tài liệu CC đọc được thì việc ngâm cứu "khoa học" từ vật lý đến giải phẩu học,...của các võ sư cổ của Nhật Bản cũng đã rất phát triển. Chính vì thế mà đòn thế của các môn võ Nhật bản khá là hiệu quả và gọn gàng.

BMTD
02-07-2012, 07:24 PM
Mấy bài này của anh BMTD là phân tích HKD theo khoa học. Hồi xưa khi sư tổ hay thầy Takeda chắc đâu có nghĩ như thế này đâu hả?

Mấy bài vừa rồi đâu đã phân tích gì về HKD! BMTD mới chỉ trình bày lại các quy luật vật lý mà các ACE đều đã biết từ lâu. Các quy luật này tồn tại khách quan, cho dù ta có biết hay không biết.

Theo nhận xét chủ quan của BMTD, bằng cảm nhận tinh tế và bằng kinh nghiệm, tổ sư và nhiều võ sư đã thực hiện theo đúng các quy luật dù họ chẳng biết gì về chúng.


Anh BMTD có áp dụng được những gì anh viết vô đòn chưa? Giũa lý thiết và áp dụng thực tế là 1 trời 1 vực đó!

Dùng võ mồm thì có thể có ngày bị vỡ mồm!!!


Một sự việc đều có nhiều khía cạnh, đa chiều. Xem xét sự việc ở nhiều góc độ giúp ta hiểu rõ sự việc hơn, đánh giá khách quan hơn và từ đó nhìn nhận khách quan hơn.

Những bài viết ở đây chỉ là một góc nhìn.

BMTD
02-09-2012, 10:56 AM
2.1 Hệ thống vận động

Hệ thống vận động gồm có bộ xương làm khung, khớp giữa các đầu xương làm điểm nối và truyền lực, các cơ bám vào xương làm động cơ tạo lực. Xung quanh khớp có nhiều dây chằng rắn chắc bao bọc và ràng giữ các đầu xương cho khỏi trệch ra khỏi khớp.

Mỗi cơ thường phình to ở giữa (phần thịt) và thon nhỏ lại ở các đầu tận tạo thành các sợi gân rắn chắc bám vào xương. Đa số các cơ đều có 2 đầu: một đầu bám (gần) ở một xương, đầu kia bám (xa) vào xương kế cận (một số cơ có 3 hoặc 4 đầu như cơ tam đầu cánh tay, cơ tứ đầu đùi).

Khi co, các sợi cơ ngắn lại tạo ra lực kéo đầu cơ bám ở xa gần lại làm cho xương có đầu xa bám vào chuyển động theo chiều co của cơ quanh một khớp. Để co và tạo ra lực, cơ sử dụng năng lượng từ phản ứng đốt cháy glucose (đường) bằng oxy do máu cung cấp. Oxy này máu lấy từ khí trời trong quá trình hít thở ở phổi. Do vậy khi vận động mạnh và nhiều, phổi phải hít thở nhanh và nhiều để lấy đủ oxy; tim phải đập nhanh và mạnh hơn để kịp mang oxy đến cho cơ sử dụng.

AIKIDO chủ yếu ra đòn tác động vào chi trên (tay) của đối thủ nên ở đây chỉ trình bày cấu trúc giải phẫu và vận động của chi trên.

2.2 Phân đoạn chi trên

Chi trên có thể được phân thành 4 vùng (đoạn):

1. Vùng vai: Phần cao nhất của lồng ngực
2. Cánh tay: Đoạn đi từ vai đến cùi chỏ
3. Cẳng tay: Đoạn đi từ cùi chỏ đến cổ tay
4. Bàn tay: Đoạn cuối từ cổ tay đến các ngón tay

Giữa các đoạn này là các vùng khớp: khớp vai, khớp khuỷu (cùi chỏ) và cổ tay. Chúng ta tạm gọi là vùng khớp vì ở đây có nhiều khớp chứ không phải chỉ có một khớp.

Quy ước giải phẫu: Đứng thẳng, hai tay để dọc sát 2 bên thân, lòng bàn tay hướng ra trước, ngón út ở sát thân người (phía trong), ngón cái ở xa thân (phía ngoài).

2.3 Xương và khớp chi trên

Vùng vai có 2 xương tạo thành đai vai: Xương đòn nằm vắt ngang phía trước (từ giữa ngực chạy ngang ra chỗ khớp vai) và xương bả vai hình tam giác nằm úp vào phía sau lồng ngực. Góc trên ngoài của xương bả vai là một ụ xương có hình dạng như một cái chén (lõm) gọi là ổ chảo. [Chúng ta có thể sờ thấy xương đòn ở phía trước ngực và các u gờ của xương bả vai ở phía sau lưng.] Đai vai là bệ đỡ để chi trên tựa vững vào thân.

Cánh tay chỉ có một xương to gọi là xương cánh tay: Đầu trên phình to và hướng vào trong tạo thành một hình bán cầu (khớp với ổ chảo của xương bả vai để tạo thành khớp vai). Đầu dưới tận cùng bằng một ụ xương bè ngang hình ròng rọc tạo thành một trụ (ròng rọc) nằm ngang.

Cẳng tay có 2 xương: Một xương làm trục chính gọi là xương trụ (nằm phía trong); xương còn lại có thể xoay một phần quanh xương trụ gọi là xương quay (nằm phía ngoài). Đầu trên xương trụ to và lõm vào để khớp với trụ ròng rọc nằm ngang của xương cánh tay.

Chú ý rằng xương quay nằm phía ngoài (phía ngón cái) và đóng vai trò chính trong động tác sấp ngửa. Khi tay đang ở tư thế ngửa, hai xương trụ và quay nằm song song với nhau: xương trụ ở trong, xương quay ở ngoài. Khi chuyển qua tư thế sấp, đầu trên xương quay chỉ xoay nhẹ nhưng vẫn ở phía ngoài, còn đầu dưới xương quay chồm lên phía trước xương trụ và đi vào trong, làm cho thân của 2 xương vắt chéo với nhau: xương quay ở trên, xương trụ ở dưới.

Vùng cổ tay có nhiều xương nhỏ xếp khớp với nhau và nối với các xương bàn tay, làm cho vùng cổ tay rất linh hoạt. Nối với xương bàn tay là các xương ngón tay, mỗi ngón có nhiều đốt.

PS: Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về các khớp trong bài sau (phần "Vận động của chi trên").

2.4 Các cơ chi trên

Chi trên gồm rất nhiều cơ, khi vận động phối hợp với nhau cho phép chi trên thực hiện nhiều cử động đa dạng và phức tạp. Ở đây chúng ta chỉ phác họa một số nhóm cơ chính:

Nhóm cơ vùng ngực nằm xòe rộng phía trước ngực, bám vào các xương sườn rồi tụ lại chạy ra ngoài bám vào vùng đầu trên xương cánh tay. Khi co nhóm cơ này làm khép cánh tay vào thân và xoay cánh tay ra trước.

Nhóm cơ vùng lưng nằm tỏa rộng bám vào xương bả vai và lồng ngực phía sau rồi tụ lại chạy ra ngoài bám vào vùng đầu trên xương cánh tay. Khi co nhóm cơ này làm khép cánh tay vào thân và xoay cánh tay ra sau.

Nhóm cơ mặt trước cánh tay có đầu xa bám vào mặt trước các xương cẳng tay và làm gập cẳng tay vào cánh tay. Ngược lại nhóm cơ mặt sau cánh tay làm duỗi cẳng tay (kéo cẳng tay ra xa khỏi cánh tay).

Tương tự như trên, nhóm cơ ở mặt trước cẳng tay làm cho bàn tay gập vào cẳng tay (gập cổ tay), còn nhóm cơ mặt sau làm duỗi cổ tay. Ngoài ra còn một số cơ làm sấp ngửa bàn tay.

Chú ý rằng vùng cẳng tay có nhiều cơ chạy xuống bàn tay. Các cơ này khi đến vùng cổ tay thì không còn phần thịt nữa mà trở thành các sợi gân. Ngoài ra vùng cổ tay còn có nhiều dây chằng rất rắn chắc để bó giữ khối xương cổ tay lại với nhau. Chính vì vậy cổ tay là một vùng rất mạnh và linh hoạt, nhất là khi xòe rộng bàn tay.

PS: Các võ sư AIKIDO thường xòe rộng bàn tay khi thực hiện các đòn thế và nhiều người giải thích rằng làm như thế để khoáng trương KHÍ.

chauluong
02-09-2012, 12:51 PM
BMTD có file nào upload lên luôn chứ chờ viết xong chắc tới Tết quá.

BMTD
02-09-2012, 07:47 PM
BMTD có file nào upload lên luôn chứ chờ viết xong chắc tới Tết quá.

Lực bất tòng tâm. Vì vấn đề bản quyền, BMTD phải viết ngắn gọn lại, tóm lược những điểm chính nên mất khá nhiều thời gian. Tới Tết năm sau thì hơi quá nhưng có lẽ cũng phải mất vài tháng. Xin thông cảm.

BMTD
02-10-2012, 07:25 PM
2.5 Sự co cơ

Như chúng ta đã biết từ phần trước, mỗi cơ thường có 2 đầu là những sợi gân rắn chắc. Một đầu bám vào một xương ở gần thân làm điểm tựa, đầu kia bám vào một xương khác ở xa thân hơn (giữa 2 xương này thường là một khớp).

Khi cơ co, phần giữa của cơ (phần thịt) sẽ ngắn lại và phồng to lên (thí dụ như bắp chuột ở cánh tay mà bên y khoa gọi là cơ nhị đầu cánh tay), kéo đầu xa hướng về phía đầu gần và như vậy sinh ra một lực có phương là chiều co của cơ, làm cho xương ở xa chuyển động xoay quanh khớp hướng về phía xương ở đầu gần.

Thí dụ: Khi gập cẳng tay vào cánh tay, cơ nhị đầu cánh tay (ở mặt trước) sẽ co phồng lên và kéo cẳng tay gập vào cánh tay. Khi duỗi cẳng tay, cơ tam đầu cánh tay (ở mặt sau) sẽ co lại và kéo cẳng tay ra xa. Chú ý rằng hai cơ này phải hoạt động nhịp nhàng với nhau, khi gập cẳng tay thì cơ nhị đầu co lại còn cơ tam đầu duỗi ra; ngược lại khi duỗi thì cơ tam đầu co lại còn cơ nhị đầu duỗi ra.

2.6 Trương lực cơ

Ở trạng thái bình thường, các cơ thường không co hết mức hoặc thả lỏng hoàn toàn. Thay vào đó, các cơ luôn giữ ở một trạng thái trung gian: co vừa phải. Trạng thái này được gọi là trương lực cơ.

Chẳng hạn khi đứng thẳng, các cơ vùng cổ và cột sống phải ở trạng thái trương lực để giữ cho cổ và thân không bị gập xuống. Các cơ vùng mông và chân cũng phải ở trạng thái trương lực để giữ cho 2 chân đứng thẳng.

Như vậy đối với cơ, trạng thái trương lực là trạng thái phổ biến chứ không phải trạng thái co hết mức (gồng cứng) hoặc duỗi hết mức (thả lỏng). Ở trạng thái này, cơ duy trì hoạt động và tiêu dùng oxy ở mức tối thiểu và sẵn sàng chuyển qua trạng thái co khi cần.

Trong các môn võ nhu như AIKIDO hoặc Thái Cực Quyền, người tập luôn được nhắc nhở rằng phải thả lỏng toàn cơ thể. Trạng thái thả lỏng trong trường hợp này thật ra là trạng thái trương lực: người tập chỉ cần giữ cho cơ thể ở trạng thái tự nhiên (thư giãn) thay vì tập trung quá mức làm cho các cơ gồng cứng.

Trong AIKIDO, hiện tượng "cánh tay không bẻ được" (unbendable arm) mà võ sư Koichi Tohei hay trình diễn là do cánh tay được giữ ở trạng thái trương lực: không co hẳn và cũng không duỗi hẳn. Ở trạng thái này, toàn bộ các cơ của cánh tay và cẳng thay đều tham gia giữ vững tư thế cho cẳng và cánh tay. Lực tổng hợp khi này rất lớn khiến cho người ngoài khó mà bẻ gập cẳng tay vào cánh tay. Hơn nữa, các cơ lúc này ở trạng thái sử dụng glucose và oxy tối thiểu nên không bị mỏi, cho phép người bị bẻ giữ nguyên trạng thái này trong một thời gian dài.

2.7 Biên độ vận động của các khớp chi trên

Khớp vai: Chúng ta đã biết rằng khớp vai là do đầu trên của xương cánh tay (nửa hình cầu) khớp với ổ chảo của xương bả vai (hình lõm chén) nên biên độ của khớp vai khá rộng. Nhờ đặc điểm này mà cánh tay có thể hoạt động trong một nửa hình cầu có tâm là khớp vai và bán kính là chiều dài của chi trên.

- Dạng vai: Khi khuỷu gập 90 độ hoặc bàn tay sấp thì vai chỉ dạng được khoảng hơn 90 độ.
- Xoay vai: Khi khuỷu gập 90 độ thì biên độ xoay vai cỡ khoảng 180 độ, từ vị trí cẳng tay hướng lên trời, xoay ra trước đến vị trí cẳng tay hướng xuống đất.

Khớp khuỷu: Khớp khuỷu cho phép gập duỗi cẳng tay vào cánh tay với biên độ khoảng 145 độ. Lực duỗi khuỷu mạnh nhất khi khuỷu gập khoảng 90 độ; ngược lại lực gập mạnh nhất khi khuỷu chỉ mới gập khoảng 65 độ.

Một ứng dụng nhỏ: Khi bị nắm cổ tay (đối thủ dùng 1 hoặc 2 tay), chúng ta phải di chuyển sao cho khuỷu tay hơi gập lại (chẳng hạn bằng cách lỏng vai trầm trỏ).

Khớp cổ tay: Cổ tay có thể gập duỗi, nghiêng trong-ngoài hoặc xoay tròn theo cả 2 chiều. Động tác sấp ngửa bàn tay thật ra là động tác của cẳng tay.

- Gập duỗi: Gập cổ tay có biên độ gần 90 độ còn duỗi có biên độ nhỏ hơn, cỡ khoảng 75 độ.
- Sấp ngửa: Vì cẳng tay ở giữa cổ tay và cánh tay và sấp ngửa thật sự là chuyển động của xương cẳng tay (xem ở bài trước) nên động tác này có ảnh hưởng đến cánh tay và cổ tay. Cụ thể, (1) Đối với cánh tay, sấp ngửa khi cẳng tay duỗi thẳng làm xoay xương cánh tay quanh trục của nó, còn sấp ngửa khi cẳng tay gập thì không; (2) Đối với cổ tay, khi đang ở tư thế sấp, động tác ngửa khi cổ tay gập làm cho bàn tay chuyển động một nửa vòng tròn phía trong, ngược lại khi cổ tay duỗi thì làm cho bàn tay chuyển động một nửa vòng tròn phía ngoài.

Ứng dụng trong AIKIDO: Kote gaeshi là khóa bẻ gập cổ tay ở tư thế ngửa; Nikyo là khóa bẻ gập cổ tay ở tư thế sấp; Sankyo là khóa bẻ duỗi cổ tay ở tư thế sấp.

Chú ý rằng biên độ các khớp sẽ được ứng dụng để làm mất thăng bằng và khống chế đối thủ. Đề tài này sẽ được thảo luận trong phần Nguyên tắc thăng bằng và Nguyên tắc khóa khớp.

PS: Chúng ta chỉ trình bày những động tác và biên độ có thể ứng dụng vào các đòn thế AIKIDO.

BMTD
02-11-2012, 03:44 PM
2.8 Tầm chủ lực

Dựa trên kết quả nghiên cứu giải phẫu và sinh lý của hệ thống vận động, chúng ta nhận thấy rằng vùng không gian ngay phía trước mặt là nơi chúng ta có thể kiểm soát tốt nhất các động tác vận động của mình. Vùng này gần như là một khối trụ mà phía trên chúng ta có thể ôm khít bằng 2 tay và phía dưới không vượt quá tầm bước tự nhiên. Chúng ta gọi đây là tầm chủ lực của mình.

Về mặt võ học, tầm chủ lực là vùng chúng ta có lợi thế nhất: ra đòn chính xác và mạnh nhất, có thể kiểm soát để giữ thăng bằng hoặc lấy lại thăng bằng tốt nhất.

PS: Nhiều tài liệu gọi tầm chủ lực là trục chính tâm (center line).

2.9 Vùng nhược thế

Nói chung ở bên ngoài tầm chủ lực, khả năng kiểm soát các động tác thường kém chính xác; sức mạnh của các cơ đều giảm đi nhiều, đặc biệt là các cơ chi trên, mặc dù vẫn còn trong tầm với của tay khi đánh hoặc đấm hoặc của chân khi đá.

Khoảng không gian phía sau lưng rõ ràng là vùng chúng ta khó kiểm soát nhất. Ở khu vực này, 2 vùng ngay phía sau hai vai được gọi là vùng nhược thế: hoạt động của các cơ tay khi chuyển vào vùng này rất yếu và khó kiểm soát; 2 chân chỉ có thể bước lùi lại còn các cơ vùng thân và lưng không đủ mạnh để giữ thẳng, khiến cho cơ thể rất dễ bị mất thăng bằng nếu bị nghiêng về một phía.

PS: Chúng ta sẽ phân tích nhiều hơn khi thảo luận về các nguyên tắc võ học AIKIDO.

BMTD
02-12-2012, 10:42 AM
2.10 Hệ thống tiền đình

Đa số chúng ta đều biết rằng tai là cơ quan ghi nhận âm thanh (thính giác). Thực sự, tai còn là cơ quan cảm nhận tư thế và thăng bằng. Bộ phận của tai đảm nhận chức năng này gọi là hệ thống tiền đình.

Hệ thống này nằm ở tai giữa, bao gồm 3 ống bán khuyên, một xoang nang và một cầu nang, tất cả đều thông nối với nhau, bên trong chứa một chất lỏng gọi là nội dịch. Ba ống bán khuyên được sắp đặt theo 3 chiều không gian, mỗi ống "đo đạc" tư thế của cơ thể theo một chiều không gian dựa theo sự chuyển động và cân bằng của nội dịch. Nội dịch như vậy đóng vai trò của mực nước trong cái thước cân của người thợ xây.

Khi đầu bị nghiêng đột ngột sang một bên, cơ thể nhận biết và phản ứng lại bằng cách co cứng các cơ vùng cổ, vai và thân của bên đối diện, trong khi đó thả lỏng các cơ tương ứng ở bên đầu bị nghiêng.

Trong AIKIDO, phản xạ này được nhiều võ sư sử dụng để làm cho đối thủ mất thăng bằng và dễ dàng bị đánh ngã.

2.11 Hệ thống thần kinh

So với các động vật khác, hệ thống thần kinh của người phức tạp hơn rất nhiều. Về cấu trúc, hệ thống thần kinh gồm có não bộ (ở đầu) và tủy sống (trong xương sống). Não bộ chứa các trung khu thần kinh kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể; tủy sống chứa một số trung khu phản xạ tự động và là đường dẫn truyền thông tin. Ngoài đường truyền thông qua tủy sống, hệ thần kinh còn có 12 đôi dây thần kinh sọ não nối trực tiếp từ não bộ đến các cơ quan trong cơ thể.

Hoạt động của hệ thần kinh về cơ bản như sau: Các thụ thể cảm giác nhận các tín hiệu và truyền về não qua các dây thần kinh cảm giác. Não (trung khu thần kinh) ghi nhận các tín hiệu này, phân tích và tổng hợp. Cuối cùng, não ra lệnh phản ứng bằng cách truyền tín hiệu qua các dây thần kinh vận động đến các cơ để các cơ thực hiện.

Ở người, chu trình phản ứng như trên chỉ có một số ít là bẩm sinh (bản năng) còn đa số là phản xạ có điều kiện (hỏi học, kinh nghiệm). Khi trở thành phản xạ có điều kiện, não không cần phải phân tích và tổng hợp nữa mà có thể phản ứng ngay lập tức. Tuy nhiên, các phản xạ có điều kiện không phải là bất biến mà có thể bị mất đi nếu không được lập lại thường xuyên. Lời cổ nhân "Văn ôn, võ luyện" quả là chí lý!

Chúng ta cần biết rằng các thụ thể cảm giác nằm ở rất nhiều nơi trong cơ thể, không phải chỉ ở 5 ngũ quan (mắt, mũi, tai, lưỡi, da) như nhiều người vẫn nghĩ. Chẳng hạn ở cơ xương khớp có các thụ thể ghi nhận sức căng của cơ, độ căng của dây chằng, bao khớp; ở trong lòng động mạch có các thụ thể ghi nhận nồng độ khí oxy và các-bô-nic trong máu, hoặc áp suất của máu. Từ các tín hiệu của những thụ thể này, hệ thống thần kinh sẽ có những phản ứng phù hợp, chẳng hạn như tăng nhịp tim hoặc tăng nhịp thở.

Về mặt chức năng tổng quát, hệ thống thần kinh bao gồm 2 hệ thống tương đối độc lập: hệ thần kinh vận động và hệ thần kinh thực vật. Hệ thần kinh vận động cho phép chúng ta thực hiện các hành động chủ ý như đứng dậy, bước đi, vươn vai. Ngược lại, hệ thần kinh thực vật hoạt động theo cơ chế tự động và nằm ngoài mọi chủ ý của chúng ta. Nó kiểm soát nhịp tim, huyết áp, sự co bóp của dạ dày, ruột non, ruột già, các phản xạ bẩm sinh. Chú ý rằng nhịp thở chịu sự kiểm soát của cả 2 hệ thống này: trong trường hợp bình thường, chúng ta có thể chủ ý hít thở theo ý mình (hệ thần kinh vận động); tuy nhiên nếu nồng độ khí các-bô-nic trong máu quá cao, hệ thần kinh thực vật buộc chúng ta phải hít thở liên tục, không thể kìm hãm được nhằm thải nhanh lượng khí các-bô-nic trong máu.

Luyện tập khí công là một phương pháp gián tiếp giúp chúng ta kiểm soát được hoạt động của hệ thần kinh thực vật. Đề tài này sẽ được thảo luận nhiều hơn trong Chương 3: Cơ sở y học phương Đông.

BMTD
02-15-2012, 08:48 PM
Ở góc độ võ học, chúng ta cần ghi nhớ những điểm sau:

- Khớp vai có biên độ rất rộng ở phía trước nhưng khá hạn chế ở phía sau, nhất là khi cùi chỏ (khuỷu) bị gập lại (khóa ngang khớp khuỷu).

- Sấp ngửa là động tác của cẳng tay nhưng có ảnh hưởng đến cánh tay và cổ tay do cẳng tay nằm giữa. Các khóa Nikyo, Sankyo và Kote gaeshi có liên quan đến sấp ngửa và gập duỗi cổ tay.

- Chi trên mạnh nhất khi cẳng tay ở tư thế hơi gập. Do vậy chỉ nên ra đòn khi cẳng tay đã chuyển sang tư thế này.

- Tầm chủ lực là khoảng không gian chúng ta kiểm soát các động tác tốt nhất, đặc biệt là các động tác của chi trên.

- Đừng ra đòn khi chi trên đang ở vùng nhược thế vì chúng ta có thể bị làm mất thăng bằng và té ngã.

- Trương lực cơ là trạng thái cân bằng bền của cơ. Hiện tượng "cánh tay không bẻ được" là do các cơ chi trên được duy trì ở trạng thái trương lực.

- Hệ thống tiền đình trong tai là cơ quan "đo đạc" tư thế và thăng bằng của cơ thể. Làm nghiêng đầu đột ngột về một bên gây ra phản xạ thả lỏng các cơ vùng thân của bên bị nghiêng và co cứng các cơ vùng thân bên đối diện.

- Hệ thống thần kinh kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ thể bằng cách nhận các tín hiệu (bên trong và bên ngoài) do các thụ thể cảm giác truyền về theo đường thần kinh cảm giác, xử lý chúng (tín hiệu) và ra lệnh cho các cơ hoạt động theo đường thần kinh vận động.

- Chức năng của hệ thần kinh bao gồm chức năng vận động (chủ ý) và chức năng thực vật (tự động). Khí công là một phương pháp luyện tập nhằm gián tiếp điều khiển chức năng thần kinh thực vật thông qua chức năng vận động.

BMTD
02-18-2012, 04:29 PM
Y học phuơng Đông là nền y học của các dân tộc Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Nhật Bản, ...), vốn đã được phát triển qua nhiều ngàn năm và chịu nhiều ảnh hưởng của nền y học Trung Quốc (Trung y). Do vậy khi nói đến y học phương Đông, chúng ta thường mặc nhiên xem như đang nói đến Trung y, mặc dù rất có thể nhiều thành tựu y học của những nước lân cận đã được du nhập vào Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Theo đó, y học phương Đông được hình thành và phát triển trên cơ sở triết học cổ đại Trung Quốc, với quan niệm con người là một thực thể của vũ trụ, vì vậy chịu sự chi phối của các quy luật trong vũ trụ. Các quy luật này phản ánh trong thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ Hành, mô tả sự hình thành, vận hành và phát triển của vũ trụ bằng một nguồn năng lượng vô hình gọi là KHÍ (tiếng Nhật viết là KI).

AIKIDO, như tên gọi của nó, đã mặc nhiên xem khái niệm KHÍ như một yếu tố cốt lõi. Tổ sư trong các buổi giảng dạy của mình thường nói đến KHÍ; võ sư Koichi Tohei trong một bài phỏng vấn của tạp chí Black Belt năm 1965 đã tuyên bố: No Ki No Aikido (Không có KHÍ thì không phải Aikido). Câu hỏi đặt ra ngay, vậy khí là gì?

Trả lời câu hỏi này thật không dễ, dù rằng môn luyện khí (khí công) đã có từ nhiều ngàn năm trước và hiệu quả của nó có thể kiểm chứng được.

Trong chương này, trước tiên chúng ta trình bày những khái niệm căn bản của y học phương Đông, trên cơ sở đó trình bày những quan niệm khác nhau về khí và các phương pháp luyện khí (khí công). Cuối cùng chúng ta thử đưa ra một cách lý giải để từ đó có thể vận dụng vào quá trình tập luyện của mình. Nội dung cụ thể bao gồm:

1. Thuyết Âm dương và thuyết Ngũ hành
2. Phủ tạng và hệ thống kinh mạch
3. Các quan niệm về đan điền và khí

Tài liệu tham khảo: Dưới đây xin liệt kê một số tài liệu chính đã được tham khảo khi viết chương này.

1. Nguyễn Hiến Lê, “Kinh dịch: Đạo của người quân tử”, Nhà xuất bản Văn Học, 1994.
2. Phùng Hữu Lan, “Lược sử Triết học Trung Quốc” (biên dịch: Lê Anh Minh), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2010.
3. Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn (Chú giải: Mã Nguyên Đài; Người dịch: Nguyễn Tử Siêu)
4. Men Jiuzhang, Guo Lei, "A General Introduction to Traditional Chinese Medicine", CRC Press, 2010.
5. Thái Hồng Quang, "Cẩm nang dưỡng sinh thông Kinh lạc", bản dịch của công ty Nhân Trí Việt, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2009.
6. Ngô Gia Hy, Bùi Lưu Yêm, Ngô Gia Lương, “Khí công học và Y học hiện đại”, Nhà xuất bản Đồng Nai, 2010.
7. Yang, Jwing-Ming - Qigong for Health & Martial Arts, YMAA Publication Center, 1998.
8. Morihei Ueshiba, “BUDO: Les Enseignements du Fondateur de l’Aikido”, Editions Budostore, Paris.
9. Koichi Tohei, “AIKIDO: The Co-ordination of Mind and Body for Self-defense”, Souvenir Press, London, 1961.
10. Koichi Tohei, “Aikido in Daily Life”, Rikugei Publishing House, 1966.
11. Gozo Shioda, “Total Aikido: The Master Course”, Kodansha International, 1997.
12. Kisshomaru Ueshiba, “AIKIDO”, Hozansha Publishing, Japan, 1974.
13. Kisshomaru and Moriteru Ueshiba, “Best Aikido: The Fundamentals”, Kodansha International, Tokyo, 2002.
14. Đặng Thông Phong, Lynn Seiser, “Aikido Basics”, Tuttle Publishing, 2003.

BMTD
02-19-2012, 05:59 PM
Hầu như mỗi dân tộc trên thế giới đều có những cách giải thích khác nhau về cội nguồn của mình, của loài người, của các loài sinh vật và của cả vũ trụ. Các “truyền thuyết” này phản ánh thế giới quan của con người từ thuở ban sơ, tìm cách lý giải về cội nguồn của mình và thế giới xung quanh.

Nền văn minh Trung Quốc cổ đại không chỉ ghi nhận các truyền thuyết. Các nhà tư tưởng đã đi một bước xa hơn, hệ thống hóa các truyền thuyết thành những luận thuyết về con người, về thế giới tự nhiên và về vũ trụ. 3 luận thuyết chủ đạo có ảnh hưởng đến Trung y là Khí, thuyết Âm dương và thuyết Ngũ hành.

3.1 Khí: Nguồn gốc của vũ trụ

Theo chủ thuyết này, vạn vật trong vũ trụ được hình thành từ KHÍ. Khí là cái vô hình, lan tỏa khắp nơi, khi ngưng tụ lại thì thành vạn vật, thành vũ trụ. Con người là một vật thể trong vũ trụ, vì vậy cũng được tạo ra từ khí.

Khí ở đây được gọi là tiên thiên khí và có khi được đồng nhất với khái niệm Thái Cực. Điều này có nghĩa là trước khi vũ trụ hình thành thì chẳng có gì khác ngoài tiên thiên khí. Khí hiện hữu khắp nơi, ngay cả khi vạn vật đã hình thành.

Bởi vậy, cơ thể con người chứa đầy khí, và mọi hoạt động đều có sự dẫn dắt của khí. Khí chuyển động thông suốt thì cơ thể mạnh khỏe; khí tắc nghẽn thì sinh bệnh.

3.2 Thuyết Âm dương

Tư tưởng chủ đạo của thuyết này xem Âm và Dương là 2 mặt đối lập trong một thể thống nhất, nghĩa là có đối lập, có tương tác và chuyển hóa qua lại nhưng vẫn thống nhất với nhau như được hình tượng trong vòng tròn Thái Cực hay Thái Cực đồ.

Theo đó, Dương biểu thị cho Mặt trời, cho ánh sáng, cho sức mạnh, cho cái động, cho giống đực, tương phản với Âm biểu thị cho Mặt trăng, cho bóng tối, cho yếu mềm, cho cái tĩnh, cho giống cái.

Thế giới tồn tại và phát triển nhờ Dương và Âm luôn tương tác với nhau, chuyển hóa lẫn nhau, khi đến cực Dương thì thành Âm, đến cực Âm lại trở về Dương. Hơn thế nữa, trong Âm có Dương và trong Dương có Âm, như ta thấy trong vòng tròn Thái Cực: trong nửa trắng (Dương) có một vòng đen (Âm); trong nửa đen (Âm) có một vòng trắng (Dương).

3.3 Thuyết Ngũ hành

Theo thuyết này, vũ trụ có 5 thành tố cơ bản là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Lúc đầu, người ta quan niệm đây là 5 yếu tố cấu thành vật chất, tương tự như khái niệm nguyên tố trong hóa học. Về sau, người ta giải thích đây không chỉ là 5 yếu tố vật chất mà còn là 5 động lực vận động: Thủy (nước) thấm xuống; hỏa (lửa) nóng bốc lên; mộc cong hay thẳng; kim biến dạng được; thổ có thể trồng trọt, gặt hái.

Ngũ hành hoạt động theo quy luật tương sinh, tương khắc:

- Mộc sinh Hỏa và khắc với Thổ;
- Hỏa sinh Thổ và khắc với Kim;
- Thổ sinh Kim và khắc với Thủy;
- Kim sinh Thủy và khắc với Mộc;
- Thủy sinh Mộc và khắc với Hỏa.

Quan niệm này được vận dụng vào Trung y để giải thích về đặc tính và hoạt động của các phủ tạng.

BMTD
02-21-2012, 08:02 PM
Khác với y học phương Tây vốn dựa trên những chứng cứ khoa học thực nghiệm, y học phương Đông xây dựng hệ thống lý luận của mình dựa trên các quan niệm về khí, âm dương và ngũ hành.

Theo đó, hoạt động của cơ thể là kết quả của sự vận hành thống nhất của các cơ quan trong cơ thể (phủ tạng). Các phủ tạng được thông nối với nhau bằng một hệ thống kinh mạch (12 kinh và 8 mạch). Hệ thống kinh mạch chứa khí và có nhiệm vụ vận chuyển khí đi và đến các phủ tạng, làm cho cơ thể hoạt động thông suốt.

3.4 Lục phủ và ngũ tạng

Theo quan niệm của y học phương Đông, các cơ quan chính trong cơ thể gồm có 6 phủ và 5 tạng (lục phủ ngũ tạng). Phủ là cơ quan rỗng, nằm nông và thuộc Dương; tạng là cơ quan đặc, nằm sâu và thuộc Âm.

- Có 6 phủ, bao gồm: Vị, Đảm, Đại trường, Tiểu trường, Bàng quang, Tam tiêu
- Có 5 tạng, bao gồm: Tỳ, Can, Phế, Tâm, Thận.

Về mặt âm dương, người ta ghép phủ tạng như sau:
- Tỳ đi với Vị;
- Can đi với Đảm;
- Phế đi với Đại trường;
- Tâm đi với Tiểu trường;
- Thận đi với Bàng quang;
- Tam tiêu đi với Tâm bào (màng tim).

Như vậy người ta phải đưa thêm khái niệm Tâm bào (một phần của Tâm) để cho phù hợp với quan niệm âm dương.

Về mặt ngũ hành, người ta cho rằng:

- Cặp Tỳ-Vị thuộc Thổ;
- Cặp Can-Đảm thuộc Mộc;
- Cặp Phế-Đại trường thuộc Kim;
- Cặp Tâm-Tiểu trường thuộc Hỏa;
- Cặp Thận-Bàng quang thuộc Thủy;
- Cặp Tam tiêu-Tâm bào thuộc Hỏa (giống cặp Tâm-Tiểu trường).

Mới nghe qua, chúng ta thường nghĩ rằng các phủ tạng tương ứng với các cơ quan cụ thể như lách-tụy (Tỳ), dạ dày (Vị), gan (Can), mật (Đảm), phổi (Phế), ruột già (Đại trường), tim (Tâm), ruột non (Tiểu trường), thận (Thận), bàng quang (Bàng quang). Thật sự, khái niệm phủ tạng trong Đông y mang ý nghĩa chức năng nhiều hơn và chỉ tương ứng một phần với các cơ quan giải phẫu của Tây y.

BMTD
02-24-2012, 09:01 PM
3.5 Huyệt và đan điền

Theo quan niệm của Đông y, trên da có nhiều điểm hoặc vùng mà qua đó chúng ta có thể khơi thông, kích thích quá trình dẫn khí trong cơ thể. Các điểm hoặc vùng này được gọi là huyệt (đạo). Nối liền các huyệt là hệ thống kinh mạch cho phép dẫn khí đến các phủ tạng (xem phần bên dưới).

Trong thực tế, Đông y có khá nhiều phương pháp điều trị bệnh thông qua các huyệt như cạo gió, xoa bóp, châm cứu, ngải cứu. Mặc dù chưa chứng minh được cơ sở khoa học của những phương pháp này nhưng hiệu quả của chúng là điều không thể phủ nhận được.

Theo nhiều tài liệu, cơ thể người có 108 huyệt, trong đó nhiều huyệt có tính chất sinh tử, khi bị tác động mạnh có thể làm chết người hoặc làm cho không cử động được (hành động này được gọi là điểm huyệt). Hiện tác dụng này chưa có bằng chứng cụ thể ngoài việc người ta đã sử dụng phương pháp châm cứu để làm giảm đau và gây tê cục bộ.

Đan điền: Có nhiều quan niệm về đan điền. Ở đây chúng ta điểm lại một số quan niệm chính.

- Về số lượng, nhiều người cho rằng có 3 đan điền: Đan điền thượng (ở vùng đầu), đan điền trung (ở vùng gần rốn) và đan điền hạ (ở vùng cơ quan sinh dục), trong đó đan điền thượng là nơi chứa Thần, đan điền trung là nơi chứa Khí còn đan điền hạ là nơi chứa Tinh. Cũng có người cho rằng chỉ có một đan điền nằm ở vùng dưới rốn (tương ứng với đan điền trung). Một số người còn cho rằng vùng dưới rốn có 3 đan điền: đan điền trước, đan điền giữa và đan điền sau.

- Về vị trí, có người cho rằng đan điền là một huyệt cụ thể, như đan điền thượng là huyệt bách hội ở đỉnh đầu, đan điền trung là huyệt khí hải ở bên dưới rốn, đan điền hạ là huyệt hội âm. Tuy nhiên cũng có người cho rằng đan điền là một điểm hoặc vùng nhưng không phải là huyệt, chẳng hạn ở nữ đan điền nằm sau tử cung còn ở nam, đan điền nằm dưới tiền liệt tuyến.

Nhìn chung, người ta đều xem như có một vùng quan trọng ở vùng dưới rốn gọi là đan điền.

- Đối với nhà khí công, vùng này được xem như kho chứa khí (tàng khí). Người luyện khí công sẽ thu hút khí cất trữ tại đan điền và dẫn khí từ đan điền theo các kinh đến các phủ tạng để kiểm soát hoạt động của các phủ tạng.

- Đối với người tập võ, đan điền là nơi tập trung sức mạnh (khí lực) và cho phép duy trì thăng bằng. Chúng ta sẽ đưa ra những lập luận biện minh cho quan niệm này ở phần sau.

3.6 Hệ thống kinh mạch

Tương ứng với 12 phủ và tạng, Đông y cho rằng trong cơ thể có một hệ thống các đường dẫn khí đến các phủ tạng, gọi là các đường kinh. Mỗi phủ và mỗi tạng đều có một cặp đường kinh tương ứng, một ở bên phải, một ở bên trái.

- Phế kinh: Bắt đầu từ vùng ngực (huyệt Trung phủ) đi xuống tay ở phía mé ngón cái và tận cùng ở ngón tay cái (huyệt Thiếu thương);

- Đại trường kinh: Bắt đầu ở vùng ngón tay trỏ (huyệt Thương dương) và đi ngược lên tận cùng ở cạnh cánh mũi (huyệt Nghinh hương);

- Vị kinh: Bắt đầu ở vùng mặt (huyệt Thừa khấp), đi lên đầu ra sau và đi xuống kết thúc ở chân (huyệt Lệ đoài);

- Tỳ kinh: Bắt đầu ở vùng chân (huyệt Ẩn bạch) rồi đi ngược trở lên vùng ngực (huyệt Đại bao);

- Tâm kinh: Bắt đầu từ vùng nách (huyệt Cực tuyền) đi xuống ngón tay út (huyệt Thiếu xung);

- Tiểu trường kinh: Bắt đầu từ ngón tay út (huyệt Thiếu trạch) đi lên vùng trước tai (huyệt Thính cung);

- Bàng quang kinh: Bắt đầu từ khóe ngoài mắt (huyệt Tinh minh), đi lên đầu ra sau và đi xuống tận cùng ở ngón chân út (huyệt Chí âm);

- Thận kinh: Bắt đầu từ lòng bàn chân (huyệt Dũng tuyền) đi lên và tận cùng ở vùng ngực (huyệt Du phủ);

- Tâm bào kinh: Bắt đầu từ vùng ngực (huyệt Thiên trì) và đi xuống tận cùng ở ngón tay giữa (huyệt Trung xung);

- Tam tiêu kinh: Bắt đầu từ ngón tay áp út (huyệt Quan xung) chạy lên trên và tận cùng ở đuôi chân mày (huyệt Ty trúc không);

- Đảm kinh: Bắt đầu từ chỗ đuôi mắt (huyệt Đồng tử liêu), chạy lên góc trán rồi vòng ra sau đi xuống tận cùng ở ngón chân áp út (huyệt Túc khiếu âm);

- Can kinh: Bắt đầu từ ngón chân cái (huyệt Đại đôn) chạy lên trên tận cùng ở vùng ngực (huyệt Kỳ môn).

Theo đó, 12 kinh thông nối với nhau tạo ra 3 vòng nối:

- Vòng nối 1: Phế kinh, Đại trường kinh, Vị kinh, Tỳ kinh
- Vòng nối 2: Tâm kinh, Tiểu trường kinh, Bàng quang kinh, Thận kinh
- Vòng nối 3: Tâm bào kinh, Tam tiêu kinh, Đảm kinh, Can kinh

Ngoài hệ thống 12 cặp đường kinh như trên, có thể còn có bát mạch (8 mạch), trong đó 2 mạch quan trọng là Nhâm mạch và Đốc mạch, được ví như những hồ chứa khí làm nhiệm vụ điều phối khí cho hệ thống kinh.

- Nhâm mạch: Khởi đi từ đan điền, chạy ra phía trước và đi lên dọc theo đường giữa thân (bụng, ngực), qua cổ, ra cằm và tận cùng ở môi dưới (huyệt Thừa tương).

- Đốc mạch: Cũng khởi đi từ đan điền, chạy ra phía sau và đi lên dọc theo đường giữa thân (lưng), qua gáy và lên đỉnh đầu rồi ra trước đi xuống mặt, tận cùng ở môi trên (huyệt Ngân giao).

PS: Các nhà khí công cho rằng luyện tập khí công nhằm mục đích dẫn khí để nó lưu chuyển thông suốt trong các kinh mạch và cất trữ khí tại đan điền.

aiki
02-25-2012, 10:57 AM
Anh BMTD có hình minh họa mấy huyệt đạo đó khg?

mamen15678
02-25-2012, 01:41 PM
up cho bác

BMTD
02-25-2012, 05:03 PM
Anh BMTD có hình minh họa mấy huyệt đạo đó khg?

Anh aiki có thể vào trang web: http://www.acupunctureproducts.com, theo đường link Meridian Point Locations để xem các kinh với các huyệt tương ứng.

Lung Meridian: Phế kinh (phổi)
Large Intestine Meridian: Đại tràng kinh (ruột già)
Stomach Meridian: Vị kinh (dạ dày)
Spleen Meridian: Tỳ kinh (spleen là lách, nhưng quan niệm Đông y, Tỳ bao gồm cả Tụy: Pancreas)
Heart Meridian: Tâm kinh (tim)
Small Intestine Meridian: Tiểu tràng kinh (ruột non)
Bladder Meridian: Bàng quang kinh
Kidney Meridian: Thận kinh
Pericardium Meridian: Tâm bào kinh (màng tim)
Triple Warmer Meridian: Tam tiêu kinh
Gall Bladder Meridian: Đảm kinh (mật)
Liver Meridian: Can kinh (gan)

Conception Vessel: Nhâm mạch
Governing Vessel: Đốc mạch

BMTD
02-26-2012, 07:11 PM
Như chúng ta đã nói ở đầu chương này, quan niệm xem Khí là nguồn gốc của vũ trụ là một trong những tư tưởng chủ đạo trong các luận thuyết về vũ trụ của người Trung Quốc. Tư tưởng này rõ ràng là cơ sở cho việc dùng khí, luyện khí trong Đông y, khí công và võ thuật. Trong phần này chúng ta sẽ xem qua những khái niệm khác nhau về khí.

3.7 Quan niệm Khí trong dân gian

Trong số các nước ở Đông Á, Việt Nam là dân tộc chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của các tư tưởng và văn hóa Trung Quốc do cả ngàn năm bị đất nước phương Bắc này đô hộ. Bởi vậy không lạ gì khi chúng ta thấy trong tiếng Việt có rất nhiều từ Hán-Việt có liên quan đến khái niệm Khí. Dưới đây là một số thí dụ.

- Một trong 3 trạng thái của vật chất: thể rắn, thể lỏng, thể khí

- Các chất mà tình trạng tự nhiên của chúng ở thể khí: không khí (nói chung), dưỡng khí (khí oxy), thán khí (khí các-bô-nic)

- Trạng thái sức khỏe: khí sắc, sinh khí

- Sức mạnh tinh thần: dũng khí, khí khái, khí phách

- Môi trường xung quanh: không khí (nghĩa đen), không khí vui vẻ (nghĩa bóng), hòa khí (nghĩa bóng), khí thế (nghĩa bóng)

- Yếu tố có hại, gây bệnh: tà khí

Theo đó, chúng ta thấy khái niệm khí bao hàm rất nhiều ý nghĩa, nhưng trong đó thường hàm chứa một ý nghĩa về sức mạnh, về động lực, và hơn hết là một nguồn lực của sự sống.

BMTD
03-01-2012, 01:15 PM
3.8 Quan niệm Khí trong Khí công

Đối với các nhà khí công, Khí chính là nguồn lực tạo ra sức khỏe và sức mạnh. Chúng ta xem thử một vài quan niệm.

- Giáo sư Ngô Gia Hy: “Khí là một chất vô hình mà khoa học cho tới giờ chưa xác định được bản chất mà chỉ phát hiện được những hiện tượng của nó. Khí ở trong khắp hoàn vũ và trong con người. Các học giả Tây Âu gọi là Năng lượng sinh tồn (énergie vitale).”

- Tiến sỹ Jwing-Ming Yang: “Khí tương tự như khái niệm pneuma (Hy Lạp) hoặc prana (Ấn Độ) và được xem như nguồn lực và năng lượng sinh tồn dịch chuyển trong tất cả các cơ thể sống. Theo kinh nghiệm của các nhà khí công, khí được giải thích như một loại năng lượng rất giống điện năng dịch chuyển trong cơ thể người và động vật.”

Như vậy, khí có sẵn khắp nơi trong vũ trụ và hoàn toàn vô hình. Luyện tập khí công nhằm khơi thông dòng khí trong cơ thể, thu hút khí từ vũ trụ (dương khí từ trời, âm khí từ đất) để bổ sung nguồn khí cho cơ thể.

Theo đó, bằng các quá trình điều thân (thư giãn cơ thể), điều tức (kiểm soát nhịp thở) và điều tâm (kiểm soát tư tưởng) với phương châm “Ý đi đến đâu, Khí chuyển đến đấy”, người luyện tập khí công dùng ý để điều khiển khí: thu hút khí từ trời đất thông qua các huyệt (chẳng hạn huyệt Bách hội, Hội âm), vận chuyển khí theo các đường kinh mạch, cất trữ khí vào đan điền để tùy nghi sử dụng.

BMTD
03-03-2012, 07:47 PM
3.9 Quan niệm Khí trong AIKIDO

Quan niệm khí trong AIKIDO có phần giống quan niệm khí trong khí công do văn hóa Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Trung Quốc.

- Giải thích của Tổ sư về Khí thường sâu xa và khó hiểu, đặc biệt đối với những người hiện đại. Một số người cố gắng theo đúng những gì Người nói còn một số khác không xem đó là điều quan trọng. Một đôi khi Tổ sư giảng giải tất cả về Khí rồi đột nhiên mỉm cười và nói: “Nó tỏa ra từ Thượng Đế”. (Best Aikido – The Fundamentals, Kisshomaru & Moriteru Ueshiba).

- Quan niệm Phương Đông cho rằng từ lúc khai thiên lập địa, Vũ Trụ là một mớ hỗn độn. Dần dần mớ hỗn độn đó sắp đặt lại thành Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao. Chúng ta gọi tình trạng hỗn độn trước khi định hình Vũ Trụ là Khí. Vì vậy chúng ta có thể khẳng định rằng vật chất có nguồn gốc từ Khí. (AIKIDO: The Co-ordination of Mind and Body for Self-defense, Koichi Tohei).

- Khí là hiện thân của sức mạnh tinh thần. Chính sức mạnh tinh thần đã cuốn chặt các chuyển động của đối phương vào trong chuyển động của ta qua những phản ứng tự nhiên và vô thức. Những phản ứng này xảy ra được nhờ sự hòa hợp trong một tinh thần vững vàng. (Aikido, Kisshomaru Ueshiba).

- Khí biểu hiện khi thực hiện các đòn thế Aikido chính là sự tổng hòa của các thành phần: tư thế, tầm chủ lực, hô hấp, xuất lực đúng thời điểm, vân vân, khiến cho ta ở vào một trạng thái thăng bằng hoàn hảo nhất. (Total Aikido – The master course, Gozo Shioda).

- Mục đích của Aikido là làm cho con người mạnh mẽ bằng cách khơi dậy năng lực tự nhiên của họ, làm cho họ khỏe mạnh cả thể xác lẫn tinh thần. Trong Aikido, chúng ta không phân tách giữa thể xác và tinh thần, hợp nhất chúng trong hành động như một thực thể duy nhất. Và từ trung tâm của thực thể hợp nhất đó, dòng Khí vô hạn sẽ sinh ra và tuôn chảy ra như dòng sinh chất. (Best Aikido – The Fundamentals, Kisshomaru & Moriteru Ueshiba).

- Khí được diễn giải như là “linh hồn”, “năng lượng”, “thành phần thiết yếu của sự sống”, “sức mạnh của sự sống” hoặc “năng lượng toàn vũ”. (Aikido Basics, Đặng Thông Phong & Lynn Seiser).

Chúng ta nhận thấy rằng đa phần các quan niệm trên đều là những quan niệm siêu hình về Khí, cho rằng Khí là một lực lượng vô hình có sức mạnh lan tỏa và là nguồn gốc của sự phát triển, kể cả sự sống. Cơ sở của những quan niệm này là tư tưởng triết học cổ đại của Trung Quốc (thuyết Âm Dương, thuyết Ngũ Hành). Theo đó, nguồn lực đã hình thành và làm cho vũ trụ vận động, làm hình thành sự sống và duy trì sự sống chỉ là một và được khái quát hóa thành khái niệm Khí, cho phép người xưa có được một cách giải thích hợp lý về thế giới, về vũ trụ.

Những quan niệm siêu hình về Khí như vậy đã khiến cho Khí trở thành một khái niệm bí ẩn, mơ hồ. Thực tế các võ sinh AIKIDO thường lúng túng và khắc khoải trong suốt quá trình tập luyện bởi lẽ ẩn tàng trong môn võ luôn hàm chứa khái niệm Khí nhưng trong thực tế thì không rõ có tồn tại khí hay không, nếu có thì khí thật sự là gì và nó được biểu hiện như thế nào trong các đòn thế.

Kết quả là đa số các hệ phái AIKIDO hiện nay hoàn toàn không đề cập gì đến khí mà chỉ chú trọng vào các đòn thế; một số rất ít hệ phái có bàn luận về khí nhưng xem chừng cũng không chứng tỏ được ưu việt về khí của mình so với các hệ phái khác. Trong thực tế nhiều võ sư AIKIDO phải luyện tập thêm một môn khí công với mục đích tăng cường khí lực, hỗ trợ thêm cho quá trình luyện tập AIKIDO.

Vậy nếu cho rằng khí có tồn tại, liệu có một cách giải thích khác về nó hay không? Chúng ta sẽ thử giải đáp những câu hỏi này từ một quan điểm hiện đại hơn trong phần sau.

NgDaLat
03-03-2012, 10:11 PM
Khi cơ co, phần giữa của cơ (phần thịt) sẽ ngắn lại và phồng to lên (thí dụ như bắp chuột ở cánh tay mà bên y khoa gọi là cơ nhị đầu cánh tay), kéo đầu xa hướng về phía đầu gần và như vậy sinh ra một lực có phương là chiều co của cơ, làm cho xương ở xa chuyển động xoay quanh khớp hướng về phía xương ở đầu gần.
http://www.yourdictionary.com/triceps.

Sao gọi là cơ nhị đầu, cơ ba đầu nhỉ ?

aiki
03-04-2012, 12:05 AM
Khg hiểu chi mô Ngdalat nói??? Tiếng Ziệt là gì hỉ?

Chờ đọc bài tiếp của anh BMTD về khí! Trong aikido có nhiều cách tập khí, và mỗi nơi, hay môn phái dạy khác nhau. Ngươì tập thì khg thấy tiến bộ, nhưng khi đánh đòn thì uke cảm nhận khác biệt.
khi tập với các bạn tập võ cương như Karate, thì thấy ọ dùng sức nhiều chứ khg có khí.

NgDaLat
03-04-2012, 09:32 PM
Khg hiểu chi mô Ngdalat nói??? Tiếng Ziệt là gì hỉ?

hì hì! NgDalat đâu nói chi mô. Tiếng việt là cơ nhị đầu, cơ ba đầu như trong bài của BMTD. Chắc tác giả dịch phóng từ tiếng anh triceps, biceps

BMTD
03-05-2012, 09:01 PM
hì hì! NgDalat đâu nói chi mô. Tiếng việt là cơ nhị đầu, cơ ba đầu như trong bài của BMTD. Chắc tác giả dịch phóng từ tiếng anh triceps, biceps

Thuật ngữ giải phẫu học gọi là cơ nhị đầu cánh tay (biceps brachii), cơ tam đầu cánh tay (triceps brachii). Khi trao đổi hàng ngày với nhau, các bác sỹ thường nói đơn giản là cơ nhị đầu và cơ tam đầu. Tôi không thấy ai gọi là cơ hai đầu, cơ ba đầu mặc dù nói như thế ai cũng hiểu.

Cơ nhị đầu nằm ở mặt trước cánh tay (ta thường gọi là con chuột hoặc bắp chuột) với nhiệm vụ chính là gập cẳng tay vào cánh tay. Cơ tam đầu nằm ở mặt sau cánh tay với nhiệm vụ chính là duỗi cẳng tay.


Sao gọi là cơ nhị đầu, cơ ba đầu nhỉ ?

Các cơ giúp chúng ta vận động, đi lại thường có 2 đầu tận (end) mà trong giải phẫu học người ta gọi là nguyên ủy (origin) và bám tận (insert).

- Nguyên ủy của cơ nhị đầu cánh tay có 2 điểm bám riêng biệt gọi là 2 đầu (head); mỗi đầu là một sợi gân (tendon) chạy từ vùng vai đi xuống, hình thành 2 bó cơ rồi nhập vào nhau thành cơ nhị đầu rồi bám tận ở xương trụ dưới cẳng tay.

- Tương tự, nguyên ủy của cơ tam đầu cánh tay có 3 điểm bám riêng biệt gọi là 3 đầu.

Trong bài viết tôi tránh đề cập nhiều thuật ngữ chuyên ngành vì có thể làm nhiều người bối rối.

PS: Cám ơn anh NgDaLat đã đặt câu hỏi.

BMTD
03-08-2012, 08:29 PM
3.10 Một quan niệm khác về Khí

Như chúng ta đã thấy trong phần trước, các quan niệm về khí trong Đông y, khí công và võ AIKIDO đa phần đều là những quan niệm siêu hình. Theo đó, người luyện tập AIKIDO không biết rõ khí là gì, khi tập luyện các đòn thế thì vận khí ra sao vì các môn võ Trung Quốc đều có những bài luyện tập khí công. Trong phần này chúng ta thử đi tìm một câu trả lời có tính thực tiễn hơn.

Từ những quan niệm về khí trong dân gian, trong khí công và trong AIKIDO đã trình bày ở phần trước, chúng ta thấy có các ý niệm chính về khí:

1. Khí là môi trường nuôi dưỡng sự sống. Theo ý này, khí chính là không khí, cung cấp dưỡng khí để nuôi dưỡng các sinh vật trên trái đất. Vì vậy, không có khí thì không có sự sống; khí đi liền với hô hấp, ngưng thở có nghĩa là chết.

2. Từ ý niệm khí theo nghĩa đen ở trên, khí được hình dung như một dòng chảy vô hình trong cơ thể người, cung cấp năng lượng và sức mạnh cho sinh vật hoạt động. Chúng ta có thể dùng ý (tư tưởng) để vận chuyển khí trong cơ thể thông qua các phương pháp luyện ý, dẫn khí trong khí công.

3. Khái quát hóa hơn, khí là động lực làm vũ trụ vận động và phát triển, tạo ra các hiện tượng trong vũ trụ. Chúng ta có thể thu hút nguồn lực của khí này vào trong cơ thể thông qua các phương pháp luyện thở trong khí công.

Với nhận định đó, chúng ta có thể quy kết ba ý niệm của khí thành các khái niệm cụ thể như sau, đó là:

1. Các chất khí có sẵn trong không khí tham gia vào quá trình sống (khí ô-xy, khí các-bô-níc). Trong quá trình sống, các tế bào cần phải sử dụng khí ô-xy (dưỡng khí) để đốt cháy các chất, sinh ra năng lượng và khí các-bô-níc (thán khí). Trong quá trình tuần hoàn, máu vận chuyển dưỡng khí đến tế bào và nhận thán khí chuyển về phổi. Thông qua quá trình hô hấp tại phổi, thán khí được thải ra ngoài và máu lại lấy dưỡng khí từ không khí đưa vào. Khả năng dự trữ khí ô-xy trong cơ thể nói chung không lớn lắm nên để duy trì sự sống, chúng ta luôn phải hít thở (hô hấp). Thiếu ô-xy trong vài phút là chết não, do vậy ngừng thở là chết.

2. Xung động thần kinh. Y học hiện đại đã chứng minh hệ thần kinh đóng vai trò điều khiển toàn bộ hoạt động của tất cả các cơ quan khác trong cơ thể. Cơ chế hoạt động về cơ bản như sau: (1) Các cơ quan cảm giác ghi nhận các tín hiệu từ môi trường rồi báo hiệu cho não biết nhờ vào các xung động thần kinh lan truyền qua đường thần kinh cảm giác, (2) Não ghi nhận, phân tích, tổng hợp; (3) Não phát ra các xung động thần kinh truyền qua đường thần kinh vận động đến các cơ quan vận động (gân, cơ). Do vậy,

- Tình trạng tâm lý hoặc sức khỏe biểu lộ ra ánh mắt, nét mặt, lời nói, cử chỉ và có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Khi nóng giận, một người có thể nói ra những điều xúc phạm đến ta và có thể khiến ta nổi giận. Nếu ta vẫn giữ được hòa khí và bình tĩnh thì có thể làm đảo ngược tình hình, tránh được các xung đột.

- Luyện khí công có thể được xem như một phương pháp rèn luyện khả năng điều khiển của não (dẫn ý, dẫn khí). Bằng cách luyện thở và tưởng tượng đang dẫn khí qua các đường kinh mạch, não điều khiển quá trình thu nhận dưỡng khí và thải thán khí ở phổi, kiểm soát khả năng giãn nỡ có chủ ý các mạch máu để đưa máu nhiều hơn đến những nơi mong muốn. Võ sư Tohei trong một tài liệu gần đây dẫn giải về phương pháp thở bằng khí (Ki-Breathing) của mình cũng giải thích tương tự.

3. Các quy luật tự nhiên. Với quan niệm Khí là động lực hình thành nên vũ trụ, động lực làm cho nó vận động và phát triển như chúng ta đã quan sát thấy thì Khí ở đây chính là những quy luật tự nhiên mà con người đã khám phá ra trong suốt chiều dài lịch sử của loài người.

Dựa theo cách giải thích này, chúng ta thử trả lời những câu hỏi đã được đặt ra ở cuối phần trước.

- Có tồn tại Khí hay không? Nếu có thì thật sự Khí là gì?

Có. Nhưng không phải dưới dạng một loại năng lượng vô hình, siêu hình. Khí chính là nguồn dưỡng khí chúng ta hít thở để có thể sống và hoạt động; Khí chính là dòng tư tưởng đã tạo ra luồng thần kinh kiểm soát các hoạt động của cơ thể và chính là các quy luật khách quan của tự nhiên mà chúng ta dù biết hay không biết cũng phải tuân theo.

- Vận dụng Khí ra sao trong các đòn thế?

Nói ngắn gọn, phải hiểu rõ các quy luật khách quan trong tự nhiên như đã được phân tích ở các chương trước và vận dụng chúng trong suốt quá trình luyện tập AIKIDO. Việc vận dụng sẽ được cụ thể hóa trong các nguyên lý và nguyên tắc thực hành AIKIDO.

Trên quan điểm đó, mỗi đòn thế AIKIDO đều là một bài luyện khí công, tương tự như những bài quyền trong Thái Cực Quyền. Người võ sinh AIKIDO khi thực hiện các đòn thế cần vận dụng đúng các quy luật về lực, quy luật về chuyển động, về thăng bằng, quy luật sức mạnh tối ưu của các cơ và của cơ thể, … một cách có chủ ý, “Dụng ý bất dụng lực”. Khi đó, với sự luyện tập đều đặn và bền bỉ, các chiêu thức trong một đòn thế hoàn toàn hòa nhập, ăn khớp với nhau, từng thớ cơ trong cơ thể được điều khiển chính xác, cho phép người võ sinh có thể kiểm soát được các đòn thế, cảm thấy như trong cơ thể mình có một dòng khí mạnh mẽ tuôn chảy, tạo ra một sức mạnh khiến bản thân chúng ta hết sức bất ngờ.

Nếu các bạn đã trải nghiệm được điều này thì khi đọc lại những diễn giải về khí của các võ sư AIKIDO đã trích dẫn ở những bài viết trước, chúng ta thấy rằng những điều họ nói hoàn toàn chính xác.

PS: Một số người vẫn xem AIKIDO và Thái Cực Quyền là một môn khí công thuộc trường phái nội công.

BMTD
03-10-2012, 11:13 AM
3.11 Quan niệm về Đan điền

Người ta còn cho rằng vùng dưới rốn là nguồn gốc của khí trong cơ thể và gọi vùng đó là đan điền. Vị trí chính xác của đan điền không được xác định rõ; các võ sư Aikido thường cho là nằm dưới rốn khoảng 5cm.

Chúng ta cần biết rằng hông eo là vùng nối giữa chi dưới (chân) với thân mình và là bệ đỡ để cho toàn bộ thân mình tựa vững trên 2 chân. Vì vậy, các cơ vùng hông eo đa phần đều là các cơ rất khỏe để giữ cho cơ thể vững vàng ở tư thế đứng thẳng và chịu được sức nặng của toàn cơ thể. Theo đó,

- Nếu giữ vững sao cho trọng tâm luôn nằm ở vùng hông eo, nhất là ở trung tâm của vùng này, thì chúng ta không bị mất thăng bằng. Điểm trung tâm này hầu như luôn nằm giữa 2 chân nên rất ít khi rơi ra khỏi mặt chân đế. Nếu bỏ qua các quan niệm siêu hình về đan điền và khí thì điểm trung tâm của vùng hông eo chính là đan điền.

- Khi ra lực, nếu kiểm soát được các cơ vùng hông eo sao cho cơ thể tựa vững vào vùng này thì lực phát ra rất mạnh và chúng ta có cảm giác như lực xuất phát từ đan điền mà nhiều võ sư mô tả là khí cuộn chảy từ đan điền tuôn trào thành sức mạnh ở tay hoặc chân (đá).

PS: Một trong những công phu tuyệt đỉnh của Aikido là giữ cho trọng tâm luôn nằm ở đan điền, ngay cả trong lúc di chuyển. Theo các võ sư Aikido, bí quyết để đạt được công phu này nằm ở khả năng hòa hợp giữa tinh thần và thể xác như chúng tôi có nêu trong Nguyên lý tâm-thể hiệp nhất (xem ở những bài viết sau “Nguyên Lý Aikido và nguyên tắc thực hành”). Tuy nhiên vấn đề còn tranh luận là sử dụng phương pháp luyện tập nào để đạt được khả năng hòa hợp này. Một số võ sư cho rằng cứ luyện tập bền bỉ các đòn thế Aikido, đến một lúc nào đó sẽ tự khắc đạt được công phu này (Moriteru Ueshiba, Chưởng môn hệ phái Aikido chính tông Aikikai); một số võ sư khác lại cho rằng cần phải luyện tập khả năng này bằng phương pháp thở misogi, thở bằng khí hoặc khí công. Quan niệm này là nền tảng cho hệ phái Ki-Aikido của võ sư Koichi Tohei.

Xin trích dẫn một câu nói khuyết danh:

“AIKIDO không thiếu những tuyệt đỉnh công phu, chỉ hiềm nỗi công phu AIKIDO của ta chưa tuyệt đỉnh.”

BMTD
03-14-2012, 01:14 PM
Ở góc độ võ học, chúng ta cần ghi nhớ những điểm sau:

- Lý luận của y học phương Đông dựa trên cơ sở các học thuyết về vũ trụ trong triết học cổ đại của Trung Quốc: Khí, Âm Dương, Ngũ Hành.

- Hệ thống kinh mạch nối liền các phủ tạng với nhiệm vụ dẫn chuyển khí thông suốt trong cơ thể. Trên các đường kinh và mạch có các huyệt nằm nông ở da đóng vai trò như các trạm giúp khơi thông các dòng khí trong kinh mạch.

- Châm cứu, xoa bóp, cạo gió, day huyệt, ấn huyệt, … là các phương pháp khơi thông dòng khí đã được sử dụng từ vài ngàn năm trước ở phương Đông.

- Luyện khí công là phương pháp dùng ý để kiểm soát khí: thu hút khí từ trời đất thông qua các huyệt, vận chuyển khí qua các đường kinh mạch và cất trữ khí ở đan điền.

- Quan niệm khí và đan điền trong AIKIDO tựu chung vẫn là quan niệm đã có từ lâu trong khí công.

- Từ một quan điểm khoa học hơn, chúng ta có thể xem khí chính là dưỡng khí có trong không khí, được cơ thể hấp thụ và vận chuyển theo dòng máu đến các vùng cơ thể. Khí cũng chính là các luồng thần kinh kiểm soát các hoạt động giãn nở mạch máu và vận động của các cơ. Ngoài ra khí còn là các quy luật tự nhiên vận hành vũ trụ như chúng ta đã thấy.

- Đan điền là điểm trung tâm của vùng hông eo. Vùng này là vùng nối của thân với chi dưới và làm bệ đỡ cho toàn thân tựa trên chi dưới. Đan điền hầu như không bao giờ rơi ra khỏi mặt chân đế. Do vậy luyện tập để giữ trọng tâm tại đan điền là một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình tập luyện AIKIDO.

BMTD
03-18-2012, 10:45 AM
AIKIDO là một môn võ nhu. Và cũng giống như các môn võ nhu khác, luận điểm chính của AIKIDO là “Lấy nhu thắng cương”. Nghe qua quả là tuyệt diệu và thật hấp dẫn.

Thế nhưng không ai có thể chối cãi được lợi thế hiển nhiên của sức mạnh mà theo cách hiểu trực quan nhất là sức mạnh cơ bắp. “Cương” biểu thị sức mạnh cơ bắp. Và để “nhu” có thể khắc chế được “cương”, “nhu” phải sử dụng đến một loại sức mạnh khác, đó là sức mạnh của tinh thần, của trí tuệ, của kỹ thuật.

Sức mạnh này được xây dựng dựa trên các nguyên lý võ học AIKIDO, đó là những luận điểm có tính chất triết lý làm cơ sở để chúng ta đề ra các nguyên tắc thực hành cho quá trình tập luyện các đòn thế AIKIDO. Một khi đã hiểu rõ được các nguyên tắc này, mỗi võ sinh AIKIDO có thể tìm ra được một cách đánh hiệu quả nhất phù hợp với sở trường của mình trong những tình huống khác nhau. Khi đó, các đòn thế AIKIDO đã thiên biến vạn hóa, luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ nên có thể đạt được hiệu quả tối ưu.

Trong chương này, trước tiên chúng ta sẽ thảo luận về 4 nguyên lý võ học AIKIDO:

1. Nguyên lý tự nhiên
2. Nguyên lý tâm-thể hiệp nhất
3. Nguyên lý hiệp khí
4. Nguyên lý biến dịch

Sau đó chúng ta sẽ đưa ra 6 nguyên tắc thực hành

1. Nguyên tắc an toàn
2. Nguyên tắc chuyển động
3. Nguyên tắc thăng bằng
4. Nguyên tắc điều vận khí
5. Nguyên tắc khóa khớp
6. Nguyên tắc ứng biến

PS: Sau khi hoàn tất chương này, nếu có thời gian tôi sẽ trình bày về các đề tài có tính thực tiễn hơn như Thân pháp trong AIKIDO và Đấu pháp của AIKIDO. Khi đó, tôi hy vọng sẽ có nhiều người cùng tham gia trao đổi và thảo luận. Kinh nghiệm thực tiễn phong phú của nhiều người sẽ là những bài kiểm tốt nhất cho những lập luận đã được nêu ra ở đây. Xin cám ơn.

BMTD
03-24-2012, 03:23 PM
4.1 Nguyên lý tự nhiên

Tự nhiên có những quy luật vốn có của nó, không do con người tạo ra. Con người sinh ra trong thế giới tự nhiên nên không thể phá hủy được những quy luật đó. Võ sư Koichi Tohei có lần đã nói rằng: “Cách duy nhất để bảo đảm mình hiểu biết đúng là tránh bị lôi cuốn vào những sự kiện của thế giới tương quan này; thay vào đó chúng ta cần phải thuận theo những nguyên lý phổ quát của Trời Đất. Khi sử dụng như các chuẩn mực đánh giá, những gì thuận theo các nguyên lý phổ quát của Trời Đất thì được xem như là đúng, những gì trái với chúng được xem như là sai.” (Exclusive Interview with Koichi Tohei, Aikido Journal #107)

Quan niệm Phương Đông xem Trời, Đất và vạn vật là Vũ Trụ, đồng hóa Vũ Trụ với Tự Nhiên. Ở một mức độ nào đó họ vẫn xem Trời là Đấng Tối Cao hay Thượng Đế, vì thế các quy luật của Tự Nhiên được xem như Lẽ Trời. Con người là một sinh vật sống trong Tự Nhiên, vì vậy phàm làm việc gì cũng phải thuận theo Lẽ Trời. Tư tưởng này nhuốm màu sắc triết học và tôn giáo, có ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh quan của Tổ sư và nhiều thế hệ võ sinh Aikido. Khi loại bỏ màu sắc triết học và tôn giáo, đây chính là tư tưởng khoa học. Nhà khoa học là những người đi tìm hiểu và khám phá các quy luật của vũ trụ, của tự nhiên. Và những người khác, các kỹ sư, các thợ lành nghề, vận dụng sáng tạo các quy luật tự nhiên để làm thay đổi cuộc sống của con người, làm cho xã hội con người ngày càng tiến bộ, văn minh hơn.

Nguyên lý tự nhiên đề cập đến tự nhiên và các quy luật tự nhiên, khẳng định rằng mọi đòn thế trong Aikido đều phải tuân theo các quy luật tự nhiên. Đây chính là nguyên lý tối thượng, có tính phổ quát và bao trùm các nguyên lý còn lại. Với quan điểm như vậy, chúng ta có thể khẳng định ngược lại rằng, mọi thứ không tự nhiên đều không phải là Aikido.

Thế thì đâu là điểm phân biệt giữa những gì tự nhiên và những gì không tự nhiên. Quy tắc kim chỉ nam là: “Khi thực hiện các đòn thế Aikido, hãy để cho cơ thể chúng ta mách bảo. Những gì chúng ta cảm thấy đơn giản, dễ thực hiện, dễ thích ứng là tự nhiên; những gì chúng ta cảm thấy gượng gạo, lúng túng, bất cập đều là không tự nhiên.”

Với nguyên lý này, người võ sinh Aikido cần nhớ rằng bản thân họ chính là người phải xây dựng nên võ công Aikido của riêng họ. Bằng cách nghiên cứu, lắng nghe, quan sát, phân tích, thảo luận về võ học Aikido với các võ sư, với các bạn đồng môn trên tinh thần cởi mở, cầu thị, người võ sinh Aikido sẽ hiểu rõ hơn các quy luật tự nhiên và biết cách vận dụng chúng vào trong công phu Aikido của mình.

Chúng tôi xin nêu một thí dụ. Theo cảm nhận thông thường, chúng ta cho rằng phải gồng mạnh khi thực hiện các đòn thế. Võ sư Tohei cho rằng làm như thế là trái với quy luật tự nhiên. Khi cơ thể gồng cứng, chúng ta không còn linh hoạt, uyển chuyển để đối ứng với các chuyển động của đối thủ. Phải giữ cho cơ thể tự nhiên, không gồng cứng với một tinh thần bình tĩnh, sẵn sàng đối phó với các động thái và biến chuyển bất ngờ. Trạng thái cơ thể tự nhiên, như chúng tôi đã nói trong Chương 2, là trạng thái trương lực cơ, không phải buông lỏng cũng không phải gồng cứng; chỉ xuất lực khi cần quăng ngã hoặc khống chế đối thủ.

BMTD
04-01-2012, 09:35 AM
4.2 Nguyên lý tâm-thể hiệp nhất

“Mục đích của việc luyện tập Aikido là làm phát triển sự hòa hợp giữa tinh thần và thể xác, hình thành nên cốt cách của mỗi người.” (Budo, Morihei Ueshiba)

Võ sư Koichi Tohei, một trong những học trò tài năng nhất của Tổ sư, còn cho rằng “tinh thần điều khiển thể xác”. Cụ thể hơn, “mỗi đòn thế Aikido đều dựa trên quan điểm cho rằng tinh thần điều động thể xác. Khi muốn quật ngã đối thủ, ta không phải quật ngã thể xác hắn. Ta lôi kéo tinh thần hắn đi, và thể xác hắn tự nhiên đi theo, bởi lẽ tinh thần đi đâu thì thể xác phải đi theo đó.” (Aikido in Daily Life, Koichi Tohei)

Nguyên lý tâm-thể hiệp nhất nêu lên rằng người võ sinh khi thực hiện các đòn thế Aikido phải hiệp nhất được tinh thần (Tâm) và thể xác (Thể) làm một. Mọi chuyển động, dù là toàn bộ cơ thể hay chỉ một phần, đều là kết quả chủ ý của tinh thần; ý đi tới đâu, lực xuất ra tới đó. Khi đã hòa hiệp được tâm-thể, lực xuất ra trong mỗi đòn thế rất mạnh mẽ khiến người võ sinh có cảm giác như có một dòng khí (lực) từ trung tâm của cơ thể (đan điền), cuồn cuộn chảy trong cánh tay đến tận cổ tay và bàn tay.

Nguyên lý này hoàn toàn thống nhất với quan điểm luyện khí của các trường phái khí công đã tồn tại hàng ngàn năm, “lấy ý dẫn khí”, “ý đi đến đâu, khí chuyển đến đấy”.

Y học hiện đại cũng chứng minh rằng não là cơ quan điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Các luồng thần kinh vận động xuất phát từ não truyền xuống các cơ làm cho cơ co, gây ra sự vận động của cơ thể. Trong quá trình luyện tập, não sẽ điều phối sự vận động của các cơ, ghi nhớ chúng để hình thành các phản xạ có điều kiện, cho phép cơ thể tự động phản ứng gần như tức thì khi các tình huống tương tự xảy ra.

AKmigo
09-26-2012, 09:25 AM
Bài này hay quá, chứng tỏ tác giả bỏ công sức ra nghiên cứu rất nhiều. Chờ anh BMTD vào pót bài tiếp!

MinhDao
09-26-2012, 05:49 PM
Em nghĩ dù ngày xưa các bậc tiền nhân tập võ là dùng cảm nhận và kinh nghiệm. Nhưng cảm nhận và kinh nghiệm này, chính là ghi lại những lần đánh hiệu quả, mà tại sao nó hiệu quả, câu trả lời vì nó phù hợp với Nguyên lý của cuộc sống.

Vậy đời nay, ta biết thêm về Nguyên lý, cũng góp phần giúp chúng ta mau có kinh nghiệm hơn, hay học nhanh hơn. Nên bản thân em ủng hộ chủ đề này!

CatQuangThuong
10-10-2012, 01:34 PM
Vận dụng định luật Newton I, chúng ta thấy rằng khi chuyển động tròn, vật phải chịu một lực tác dụng nào đó (bằng không, vật phải chuyển động thẳng đều). Lực này làm cho phương của chuyển động hướng về phía tâm của một vòng tròn và được gọi là lực hướng tâm.

Giả sử rằng một vật có khối lượng m đang chuyển động tròn đều với vận tốc v trên một vòng tròn có bán kính r. Khi đó độ lớn của lực hướng tâm được tính bằng công thức: F = mv2/r.

Như vậy, độ lớn của lực hướng tâm tỷ lệ (thuận) với khối lượng của vật và bình phương vận tốc; tỷ lệ nghịch với bán kính của vòng tròn.

Một ứng dụng nhỏ: Khi thực hiện các đòn thế AIKIDO, nếu dẫn đối thủ hoặc ra đòn theo vòng cung thì lực cần ra tương ứng với lực hướng tâm. Vì lực hướng tâm tỷ lệ nghịch với bán kính nên nếu đánh theo vòng lớn (r lớn) thì chỉ cần một lực nhỏ (F nhỏ); ngược lại nếu đánh theo vòng nhỏ (r nhỏ) thì phải dùng một lực lớn (F lớn).



Khi chúng ta dùng công thức F = mv2/r xem xét thì nhớ là vật có khối lượng m đang chuyển động tròn đều. Nếu vật khảo sát nối với tâm (trục quay) bằng một sợi dây thì lực hướng tâm là lực căng trên sợi dây phải chịu để giữ vật m quay tròn.

Áp dụng công thức này vào đòn dánh Aikido xoay tròn thì nói lên thời điểm - giai đoạn: nage và uke đã kết nối với nhau và đang xoay tròn đều, uke đóng vai trò là vật m, nage đóng vai trò là trục quay, cánh tay nage nắm giữ uke là sợi dây kết nối. Lực hướng tâm lúc này là lực kéo căng trên cánh tay của nage. Nếu tốc độ quay càng lớn thì lực căng này càng lớn (bình phương vận tốc) và khoảng cách càng tăng thì lực căng này giảm đi. Lực này là do nage bị trọng lượng m của uke xoay tròn kéo giãn ra, chứ không phải là lực nage chủ động phát ra hay "cần ra" (như chủ top nói) để đánh hay tác động vào uke. Lực hướng tâm dùng duy trì chuyển động tròn đều mà thôi!

CatQuangThuong
10-10-2012, 02:30 PM
1.6 Động lượng

... khi một vật đang chuyển động, nó hàm chứa một sức mạnh.

Trong vật lý, người ta lượng hóa sức mạnh này bằng một đại lượng gọi là động lượng và đo đạc nó bằng công thức p = mv, trong đó p là động lượng (của vật đang chuyển động); m là khối lượng và v là vận tốc.

1.7 Va chạm

Lăn mạnh một viên bi lớn A cho va chạm với một viên bi nhỏ B đang đứng yên. Ta thấy sau khi va chạm, 2 viên bị đều bị dịch chuyển: A bật ngược lại chiều lăn ban đầu; B bị lăn tới theo chiều lăn ban đầu của A.

Va chạm như trên được gọi là va chạm (có) đàn hồi: cả 2 viên bi đều không bị móp méo sau va chạm. Tổng động lượng trước khi va chạm (chỉ có A có vì A chuyển động; B đứng yên) và tổng động lượng sau khi va chạm đều như nhau (định luật bảo toàn động lượng): Động lượng của A (trước va chạm) truyền một phần cho B làm B chuyển động; phần động lượng của A (còn lại sau va chạm) làm cho A di chuyển ngược lại.



Phần va chạm tác giả đưa ra ví dụ không chính xác. Ở đây mình giả thiết viên bi A và B có cùng khối lượng m. Theo định luật bảo toàn động lượng - sách giáo khoa vật lý lớp 10, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam in tháng 5-2012 phát biểu : "Vectơ tổng động lượng của hệ kín được bảo toàn", vì thế tổng động lượng trước và sau va chạm của hai viên bi trong ví dụ trên phải bẳng nhau.

Ta có công thức mA*vtA + mB*vtB = mA*vsA + mB*vsB

trong đó: mA, mB là khối lượng viên bi A, B tương ứng
vtA: vận tốc viên bi A trước khi va chạm, vsA vận tốc viên bi A sau khi va chạm
vtB: vận tốc viên bi B trước khi va chạm, vsB vận tốc viên bi B sau khi va chạm

Vì lúc đầu viên bi B đứng yên nên vận tốc bằng 0, khối lượng hai viên bi bằng nhau là m nên ta viết lại:

m*vtA = m*vsA + m*vsB

rút gọn biểu thức ta có:

vtA = vsA + vsB

vsA và vsB phải cùng hướng vecto và có độ lớn nhỏ hơn vtA. Nghĩa là sau khi va chạm hai viên bi tiếp tục chuyển động cùng chiều.

Nếu viên bi A sau va chạm bật ngược trở lại nghĩa là vtA = -vsA + vsB hay vsB lớn hơn vtA. Tức là vận tốc viên bi B sau va chạm còn lớn vận tốc viên bi A trước va chạm là điều vô lý. Hay động năng mà B nhận được từ A còn lớn động năng A truyền cho B -> vô lý.

Kết luận đúng là sau va chạm hai viên bi có khối lượng bằng nhau chuyển động cùng chiều.
Nếu tác giả cho là khối lượng A còn lớn hơn B thì càng không có chuyện viên bi A bật ngược trở lại!