PDA

View Full Version : NGUỒN GỐC TENSHINKAI



khoaitaychien
06-03-2006, 03:28 AM
em rất muốn biết môt chút về tenshinkai nhưng không biết tìm ở chổ nào môi người chỉ em với:upset:

aiki
06-03-2006, 09:01 AM
Ténhinkai là tên mà sư tổ đặt chi HKD VN vậy thôi.


Chép lại bài này của Tritian_the_fall



Đặng Thông Phong - người thầy lớn của nhiều môn phái (Aikido, Judo, Thiếu Lâm,...)

Với những hiểu biết hạn hẹp của mình, Tris xin góp nhặt một số thông tin như sau về thầy Đặng Thông Phong. Rất mong những người có hiểu biết hơn như anh motdikhongtrolai, Davidnguyen... đóng góp thêm cho với để mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn về một nhân vật lớn của làng võ Việt Nam này.

Sinh ngày 10 tháng 2 năm 1935 ở tỉnh Thừa Thiên. Sau khi tốt nghiệp trung học, thầy Phong được tuyển vào trường Sĩ quan quân đội Thủ Đức, Làm giám đốc trường Võ bị Thủ Đức và Hiệp hội Thể Dục của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1968 ông lập ra Liên đoàn Tenshinkai Aikido và làm chủ tịch của liên đoàn. Ông từng luyện tập Thiếu Lâm Hàn Bái Đường (8 đẳng), 6 đẳng Taekwondo, 6 đẳng Judo và 6 đẳng aikido. Thầy Chiêm Huỳnh Văn (5 đẳng judo) trong bài viết về chấn thương cũng là người bạn rất thân của thầy Đặng Thông Phong.

Là một người học võ, thầy Phong nổi tiếng về trí tuệ thông mẫn, khả năng nhanh chóng nắm bắt được yếu quyết của các kĩ thuật. Là một người thầy, Sensei Phong là người đã đào tạo rất nhiều thế hệ học trò xuất sắc cho các môn Aikido, Judo, Thiếu Lâm,... Có thể nói không quá rằng hầu hết những người thầy lớn của Aikido trong Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt,... đều từng được thầy Phong, thầy Trị rèn dũa, dạy bảo. Nói cách khác, phong trào Aikido Việt Nam có được đến ngày hôm nay chịu ơn của các thầy rất nhiều.

Dưới đây là bài phỏng vấn thầy Phong của thầy Stanley Pranin trên Aikido Journal:


Phỏng vấn thầy Đặng Thông Phong
by Stanley Pranin
Aikido Journal #101 (1994)

Tôi rất cám ơn thầy đã mời tôi tới đây hôm nay. Tôi rất muốn biết thêm về quá khứ của thầy khi nhận được thư của thầy miêu tả quá trình thầy luyện tập aikido. Để bắt đầu, tôi xin hỏi làm sao mà thầy có thể lập được dojo ở quận Cam này?

Dường như đó là nghiệp (karma) của tôi. Sau hơn 40 năm học hỏi, luyện tập và dạy nhiều môn võ khác nhau, tinh thần của các môn đó đã ngấm vào máu và xương của tôi. Sau nhiều năm đó, tôi giống như người nghiện võ vậy. Suốt 30 năm qua, tôi cố gắng lập ra dojo ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào có thể. Bốn tháng sau khi tôi tới California, chúng tôi đã tới thành phố Gardan Grove ở Quận Cam, và tôi thấy ở đây không có dojo aikido nên tôi quyết định mở một dojo ở đây.

Thầy sống ở đâu ở Việt Nam?

Sài Gòn.

Thầy chắc đã tập aikido rất sớm, có lẽ là từ đầu những năm 1950...?

Tôi bắt đầu luyện tập judo và thiếu lâm vào đầu những năm 50. Tuy nhiên, năm 1958 anh trai tôi Đặng Thông Trị từ Pháp trở về Việt Nam và bắt đầu dạy aikido. Tôi tập môn võ tuyệt vời này kể từ đó. Nhưng vào lúc đó, tôi vẫn không thể toàn tâm với aikido được do những nghĩa vụ đối với gia đình. Cha tôi mất khi tôi còn nhỏ. Mẹ tôi phải lao động vất vả để nuôi nấng ba đứa con. Do đó, ngoài tới trường, tôi phải dành thời gian rảnh rỗi để giúp mẹ. Đồng thời, tôi cũng là trợ giảng các môn thiếu lâm và judo tại Hàn Bái Đường, một trường võ nổi tiếng ở Sài Gòn được sáng lập bởi Tiến sĩ Nguyễn Anh Tài. Sư trưởng ở đó cũng là sư phụ tôi thầy Vũ Bá Oai (Tris không biết tên chính xác có gì anh motdikhongtrolai sửa dùm)

Phải đến năm 1961 hay 1962 gì đó mới có đại diện từ Hombu dojo, Mutsuro Nakazono mới tới Việt Nam và bắt đầu gây dựng các nền móng cho aikido ở đó. Và lúc đó thì tôi mới có thể dành nhiều thời gian hơn để tập luyện môn võ này. Nhờ mười năm tập luyện judo nên tôi có thể nhanh chóng lĩnh hội các yếu quyết của aikido mà không gặp khó khăn gì. Tôi tiến bộ nhanh chóng. Sensei Nakazono dạy cả aikido và judo tại Hội Judo và Aikido do anh Đặng Thông Trị lập. Do tôi được thường xuyên đi theo Sensei Nakazono tới các buổi seminar tại các trung tâm huấn luyện của lính dù và lực lượng cảnh sát nên tôi có thể học được nhiều tuyệt chiêu của ông.

Nakazono Sensei là một người rất thú vị. Tôi đã gặp ông ở Paris năm 1970. Ông rất giỏi judo và ông bắt đầu tập aikido ở Mãn Châu?

Đúng là ông giỏi cả judo và aikido. Ngoài ra ông còn có đẳng cấp cao bên nhiều môn võ khác, trong đó có kendo. Ông có khoảng 27 chứng chỉ dan (đai đen) ở các môn.

Sensei Nakazono tập aikido khi nào vậy?

Tôi không rõ nhưng anh tôi có thể biết.

Sensei Nakazono ở Việt Nam bao lâu?

Khoảng hai năm.

Tôi biết rằng anh thầy rời Việt Nam trong những năm 1960s?

Vâng, Ông rời Việt Nam năm 1964.

Như vậy là ông điều hành dojo khi anh ông rời sang Mỹ?

Khi Sensei Đặng Thông Trị rời năm 1964, tôi chịu trách nhiệm trông coi trường aikido và judo ở đó. Lúc đó không có liên đoàn nào cả. Sau đó, tôi bắt đầu lập ra một số đạo đường, cả cho dân thường và binh lính, trên khắp cả nước. Do tôi rất muốn thành lập liên đoàn aikido, nên tôi đã làm việc rất cực trong suốt hai năm để dành dụm đủ tiền đi tới Hombu dojo để tiếp tục luyện tập aikido. Ở đó tôi đã lấy được bằng tam đẳng, một đẳng cấp đủ cao để tôi có thể lãnh đạo một liên đoàn mới thành lập. Sau đó tôi trở về Việt Nam và bắt đầu quá trình chính thức nhằm lập liên đoàn aikido vào đầu năm 1968.


Phỏng vấn thầy Đặng Thông Phong
by Stanley Pranin (Tiếp theo)

Những người tập aikido ở Hoa Kỳ hay thậm chí Nhật Bản đều quen với một kiểu luyện tập nhất định trong đó gồm khởi động, kĩ thuật cơ bản, v.v. Liệu có gì khác biết trong cách dạy aikido ở Việt Nam hay không?

Vì biết rất nhiều về judo nên tôi rất chú trọng tới phần khởi động, trong đó có aiki taiso, làm nóng các khớp, các kĩ thuật lộn và ngã. Đó là những phần rất quan trọng. Thông thường mỗi lớp học của chúng tôi kéo dài trong khoảng một tiếng rưỡi với khoảng 30 phút trong đó dành cho khởi động.

Đó là việc rất quan trọng. Cá nhân tôi cảm thấy rằng việc chúng ta tập cho cơ thể vào trạng thái vận động và linh hoạt cũng quan trọng tương tự như việc luyện tập các kĩ thuật vậy.

Đúng vậy. Một người làm tốt khởi động sẽ đạt được nhiều thành tựu trong luyện tập.

Tôi đã luyện tập aikido được 31 năm rồi. Những người thầy 40 tuổi khi tôi bắt đầu tập giờ đã đang 70 rồi, và tôi thấy một số họ vẫn giữ được sức khoẻ rất tốt, một số khác không được như vậy. Họ dạy, nhưng ít khi họ luyện, và tôi không nghĩ là họ làm các bài tập căng cơ, ép dẻo. Giờ khi họ đã lớn tuổi thì họ rất khó có thể thực hiện mạnh mẽ các kĩ thuật được.

Quan sát của anh rất đúng. Việc luyện tập hàng ngày rất quan trọng. Khi dạy một kĩ thuật, một người thầy giỏi phải thể hiện được không chỉ cách di chuyển, yếu quyết mà còn phải thể hiện được lực thực sự trong những đòn đánh. Việc luyện tập hàng ngày sẽ giúp phát triển và duy trì ki khi chúng ta bước vào tuổi già.

Khi ngài dạy ở dojo ở Việt Nam, tôi hình dung ra điều kiện chính trị ở đó tương đối khắc nghiệt. Chính phủ ở đó có hạn chế việc luyện tập aikido lúc đó không?

Ở Việt Nam, hầu hết các môn phái đều phát triển mạnh vì người Việt Nam rất yêu võ thuật. Bất cứ ai muốn mở một võ đường trước tiên phải chứng minh được rằng họ giỏi trong lĩnh vực đó. Sau khi được Bộ Thanh Niên và Thể thao (chế độ cũ) xem xét, bạn sẽ nộp đơn cho Bộ nội vụ để họ điều tra lý lịch chính trị và công dân của bạn. Bất cứ ai đã từng phạm tội đều không được phép huấn luyện võ thuật.

Năm 1975, sau khi chính quyền cộng sản thống nhất miền Nam, tất cả việc luyện tập võ nghệ lúc đó bị cấm. Các hoạt động võ thuật chỉ được tiếp tục trở lại vào năm 1979. Tất cả các môn võ đều dưới sự chỉ đạo của các cấp hành chính của cơ quan thể dục thể thao. Hiện tại các võ đường tư vẫn chưa được chấp nhận. Tuy nhiên tôi tin là trong tương lai gần, chính phủ cũng sẽ nới lỏng hơn đối với việc mở các võ đường tư.

Có vẻ như ở Việt Nam có truyền thống võ thuật rất phong phú trong đó có cả võ Tàu, võ Nhật và võ bản xứ. Tôi biết rằng ngày nay ở Đông Nam Á vẫn còn những tâm lý thù ghét người Nhật vì những gì xảy ra trong Chiến tranh thế giới II. Thầy có gặp những tâm lý phản kháng mạnh mẽ như vậy trong số sinh viên của thầy không?

Thật ra không có nhiều sự thù ghét như vậy đối với người Nhật, hay đối với võ thuật Nhật Bản kể cả dưới chính quyền cũ ở miền Nam hay chính quyền hiện tại. Thực chất người Việt Nam thích võ Nhật hơn võ của Triều Tiên. Các môn võ Nhật rất phổ biến đối với người Việt Nam.

Vì sao lại vậy àh?

Những bộ phim của Nhật Bản khắc hoạ tinh thần dân tộc rất cao. Đó là lý do người Việt thích võ Nhật. Võ sinh nghe theo lời thầy dạy võ hơn thầy dạy chữ. Thậm chí nếu người thầy bảo anh ta chết, anh ta sẵn sàng chết. Mặt khác phim Triều Tiên ít được trình chiếu ở Việt Nam (thời điểm năm 1994) và ít người Việt Nam biết được về tinh thần yêu nước của người Triều Tiên dù rằng tinh thần đó không hề thua kém người Nhật.

Ông có liên hệ nào với Nhật Bản khi ông được phép dạy trở lại vào những năm 1980 không? Có shihan người Nhật nào tới thăm hay các học trò của ông có thể đi tới đó được không?

Lúc đó họ cấm công dân được liên lạc với người nước ngoài nên tôi không thể liên lạc với bất cứ thầy dạy nào bên Nhật được. Chỉ sau khi tôi vượt biên sang Mỹ thành công trong lần cố thứ 18 thì tôi mới có thể liên lạc lại được với họ.

Tôi có đọc bài phỏng vấn trong lá thư thầy gửi trong đó có nói rằng thầy đã từng có vài kinh nghiệm trong tình huống nguy hiểm. Ngoài ra thầy còn tập các môn võ khác bên cạnh aikido và judo, trong đó có một số môn thực chiến. Trong những tình huống nguy hiểm ngoài đời thầy từng trải qua, kĩ thuật của môn phái nào thầy thấy quan trọng nhất?

Kể từ năm 1975 tôi đã gặp nhiều tình huống nguy hiểm, tuy nhiên điểu đã giúp tôi nhiều nhất là khả năng giữ bình tĩnh của tôi. Điều này đã giúp tôi qua được nhiều tình huống nguy hiểm.

Điều này rất thú vị. Những người mới tập - đặc biệt những người trẻ - thường rất muốn nhanh chóng biết các kĩ thuật mà họ có thể sử dụng được trên đường phố.

Tôi đã tập võ được khoảng 43 năm, nhưng tôi chưa bao giờ phải sử dụng nó với ai. Trong hầu hết tình huống, khi mọi người muốn gây sự với tôi thì tôi đều xử sự bình tĩnh để tránh những tình huống tệ hại hơn.

Điều đó thật đáng ngạc nhiên, đặc biệt với một người đã từng trải qua chiến tranh như thầy. Tôi nghĩ chính do sự luyện tập cùng với khả năng võ thuật đã giúp thầy có được khả năng bình tĩnh như vậy?

Năm 1967, Liên đoàn Taekwondo quốc tế (ITF) có mời tôi đến Nam Triều Tiên để thăm và biết thêm về tổ chức của liên đoàn. Vào hôm cuối của chuyến đi hai tuần đó, tôi bày tỏ mong muốn được thăm Nhật Bản và Hong Kong. Có một số người thầy Triều Tiên đã khuyên tôi không nên tới Hong Kong, nói rằng đó không phải một nơi an toàn vì tôi là người ngoại quốc nên sẽ dễ bị cướp. Nhưng tôi vẫn quyết định đi, không phải bởi vì tôi là người mạo hiểm, mà vì tôi hoàn toàn tự tin vào khả năng bình tĩnh và tự làm chủ của mình.


Phỏng vấn thầy Đặng Thông Phong
by Stanley Pranin (Tiếp theo)

Gần đây tôi có cơ hội phỏng vấn một vị thầy karate của Okinawa. Thầy không phải là một người nổi tiếng nhưng lại rất được kính trọng. Thầy có miêu tả về cuộc sống ở Okinawa với rất nhiều thứ nguy hiểm xung quanh. Ông có người anh trai rất giỏi Goju-ryu karate và là một người thường được gọi đến để dàn hoà các bất đồng hoặc các trận giao chiến. Tôi hỏi ông là kĩ thuật hay biện pháp gì anh trai ông thường dùng để dàn hoà những trận chiến đó. Ông trả lời rằng anh trai ông khoẻ và giỏi đến mức mà chỉ cần ông xuất hiện là mọi người đều hạ hoả xuống và không đánh nhau nữa...

Tôi biết rằng rất khó cho ông để có thể rời Việt Nam dưới chính quyền hiện tại và ông đã phải trốn rất nhiều lần. Ngài có thể nói thêm về lần vượt biên sang Mỹ thành công của ngài không?

15 trong số 18 lần vượt biên của tôi là bằng đường biển, ba lần khác là bằng đường bộ. Trong 5 lần đó tôi bị lính biên phòng của cộng sản truy đuổi. Tôi bị bắt hai lần và bị cầm tù trong 8 tháng lần đầu và 37 tháng trong lần thứ hai. Trong 37 tháng cầm tù đó tôi lúc thì ở tù, lúc thì bị đưa ra đồng lao động khổ sai, một chu trình cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Trước lần vượt biên thứ 18 của tôi, một học trò của tôi vượt biên thành công đã viết thư cho mẹ nói rằng chuyến đi được tổ chức rất tốt. Mẹ cậu ta liên lạc với tôi và nói tôi sử dụng cách tương tự. Lúc đó tôi cũng không muốn đi vì lần cuối cùng tôi bị bắt, gia đình đã không biết thông tin gì về tôi trong suốt hơn một năm trời. Lúc đó tôi rất lưỡng lự. Lúc đó mọi người bắt đầu được phép đi hợp pháp, vì vậy tôi cũng hi vọng có thể đi theo con đường hợp pháp. Tuy nhiên điều này là không thể do những lần tôi vào tù trước đó.

Là người trong lực lượng quân đội Cộng hoà Miền Nam đã từng dạy aikido cho một số người trong sứ quán Hoa Kỳ nên tôi có thể đưa gia đình di tản vào phút cuối cùng Sứ quán hoa Kỳ. Tuy nhiên tôi lại phải đợi một chuyến di tản mà chẳng bao giờ được thực hiện nên buộc phải ở lại.

Chuyến đi bằng đường biển của tôi cuối cùng đã thành công. Chúng tôi đã lang thang suốt hai tháng từ đảo này sáng đảo khác (đi qua chừng năm đảo) trước khi tới đảo Galang của Indonesia, nơi có một trại của Cao Uỷ Liên hợp Quốc về người tị nạn. Cuối cùng tôi đến sân bay quốc tế San Francisco vào ngày 25 tháng 2 năm 1986 và được vợ và hai con trai tôi chào đón ở sau hơn mười một năm xa cách.

Đầu tiên chúng tôi sống ở Sacramento, nhưng tìm việc ở đó khó quá. Ở đó được bốn tháng thì được học trò cũ của tôi ở quận Cam (Orange County) mời đến chơi. Tôi xuống đó thăm quan và quyết định trở về San Francisco để đón gia đình. Khi chuyển tới quận Cam thì tôi cũng không có tiền để mở đạo đường ngay, nên tôi kiếm một công việc được trả khoảng 5 đô một giờ và làm 10-12 tiếng một ngày. Tôi làm như vậy khoảng 1 năm rưỡi thì tôi mượn thêm một số tiền nữa để mở sân tập. Sau khoảng một tháng rưỡi mở được dojo ở đường Brookhust ở Garden Grove, thì người chủ đất ở đó quyết định san bằng khu đó và bán đi. Tôi mất hết mọi thứ. Tôi ngay lập tức tôi lại đi tìm nơi khác, và hai tháng sau thì kí được hợp đồng thuê 5 năm cho dojo 3000 bộ vuông (khoảng 1000m2) hiện tại.

Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn về tài chính vì dojo mới mở và không có ai biết về nó. Trong một năm rưỡi đầu tiên tôi làm mà không kiếm được gì trong khi phải đầu tư rất nhiều vào cho dojo. Cuối cùng số lượng sinh viên cũng đông đủ để tôi có thể trang trải được các chi phí.

Tôi đã tới hàng trăm dojo và tôi có thể phát hiện ra được ai có tác phong chuyên nghiệp hay không. Ví dụ, tôi nhìn thấy sự sạch sẽ, ngăn nắp của dojo và những gì được thể hiện đây thì tôi biết rằng thầy rất nhiệt thành trong việc giảng dạy. Ngoài ra, thầy cũng rất biết biểu diễn khả năng của mình một cách rất quyến rũ.

Cám ơn anh rất nhiều.

Ngài không có nhiều kinh nghiệm với văn hoá Mỹ hay cách thức kinh doanh đây. Tôi biết có một vài nguyên tắc điều hành dojo quan trọng và rất phổ biến.

Tôi có rất nhiều kinh nghiệm về việc tổ chức và dạy võ trong suốt hơn 30 năm qua. Trước năm 1975, tôi là người đứng đầu một liên đoàn của hơn 30 dojos và mười ngàn thành viên. Tôi cũng là Tổng thư kí của cả liên đoàn judo và taekwondo. Tôi đã dạy võ được hơn 30 năm. Tôi học được rằng một người phải biết hi sinh trong hiện tại và lúc ban đầu nếu như muốn đạt được mục đích nào đó cho sau này. Tôi phát hiện ra rằng ở Mỹ, kĩ thuật vẫn là chưa đủ - kiến thức và kinh nghiệm tổ chức đôi khi còn quan trọng hơn nếu bạn muốn thành công.

Hiện tại, ngoài trách nhiệm dạy và việc điều hành hàng ngày công việc của liên đoàn, tôi đang chuẩn bị viết một cuốn sách, và nếu có thể, là xuất bản một cuốn băng về các kĩ thuật aikido cho những người muốn biết nhiều hơn về Tenshinkai Aikido. Đó cũng là món quà tôi muốn dành cho thế hệ tương lai.

Nếu một người Mỹ tìm trong cuốn danh bạ điện thoại để tìm một người Mỹ dạy võ thì anh ta sẽ chẳng có vấn đề trong việc tập luyện ở đó cả. Nhưng việc một người Mỹ tập võ Nhật của ông thầy Việt Nam sẽ là tương đối khác thường. Thầy đã có cách nào để giải quyết tình huống đó?

Những gì anh nói rất đúng. Một người Mỹ tới dojo này để học võ Nhật từ một người Việt - đặc biệt là một người Việt thấp bé như tôi - chắc hẳn sẽ có rất nhiều nghi ngại. Tuy nhiên rất nhiều người đã từng tập ở rất nhiều dojo khác tới đây và thích cách tôi dạy aikido vì aikido của tôi, với nhiều di chuyển linh hoạt, mềm mại hơn những người khác.

Tôi biết rằng có nhiều học trò của thầy đến từ cộng đồng người Việt ở quận Cam. Thầy thường dạy bằng ngôn ngữ gì?

Thông thường thì tôi nói tiếng Việt, chỉ khi chỉ dẫn cho từng người tôi mới nói tiếng Anh. Đôi khi tôi cần thông ngôn để giải thích những điểm phức tạp. Hiện tại có khoảng 70% lớp lớn của tôi là người Mỹ hoặc người phương Tây, 90% học sinh của lớp nhỏ là người Việt.

Qua lá thư của ngài và những trao đổi với Eric Womack thì tôi được biết là thầy đã có gắng liên hệ trao đổi với các thầy trong các đạo đường khác, ví dụ như Kim Peuser và Hoa Newen ở Học viện Aikido Oakland, và với Frank McGourik. Tôi nghĩ rằng những trao đổi đó là rất tích cực vì họ có thể giúp mọi người biết nhiều hơn về đạo đường và các hoạt động của thầy cũng như giúp cho học trò của thầy có thêm các cách tiếp cận với môn võ.

Tôi rất muốn học trò có thêm kinh nghiệm thông qua việc luyện tập với những người thầy khác.

Trong bối cảnh nền văn hoá rất bạo lực chúng ta đang sống, tôi thấy rằng rất nhiều võ sinh tập aikido vì mục đích tự vệ. Các kĩ thuật Aikido, hay cụ thể là một số trường phái Aikido "nhu", thường bị phê phán bởi các võ sư là không hiệu quả trong các tình huống thực tế. Thầy sẽ trả lời thế nào đối với các võ sinh nghi ngờ tính hiệu quả của aikido?

Khi những bộ phim của Steven Seagal chiếu thì chúng tôi có thêm rất nhiều môn sinh mới. Tuy nhiên, phần đông trong số họ bỏ sau một thời gian luyện tập vì họ không thể đánh tốt được như Steven Seagal sau vài tháng luyện tập (!!!). Tôi thường nhấn mạnh với những người mới tập rằng mong muốn các kĩ thuật aikido hiệu quả ngay sau một thời gian tập luyện ngắn là không thể. Chỉ sau ít nhất hai năm khổ luyện chuyên cần thì bạn mới có thể nhận ra được tính hiệu quả và vẻ đẹp của môn võ. Và đây mới chỉ là khởi đầu thôi con đường aikido rất dài và thường chúng ta sẽ phải đi trên nó suốt cả cuộc đời. Chúng ta càng luyện tập thì sẽ càng phát hiện thêm nhiều vẻ đẹp ẩn chứa của aikido. Có điều này vì aikido không chỉ là võ tự vệ, đó còn là môn võ giúp phát triển các giá trị nhân bản của võ thuật.

Theo quan điểm của Tổ sư, thì Aikido là môn võ có tính chất tinh thần và ý tưởng của aikido nhấn mạnh rất nhiều về khía cạnh đạo đức, cách xử sự với những người xung quanh, tránh xung đột trong khả năng có thể, và....

Khi tôi dạy tôi nhấn mạnh không được tạo ra những tình huống nguy hiểm và không được làm đau đối phương hay bạn tập. Tôi không muốn kể tên ra nhưng có một số nơi có các võ sư muốn thể hiện bằng cách đánh môn sinh rất mạnh, đôi khi làm võ sinh bị chấn thương. Tôi không tán thành cách thức đó lắm.

Tôi rất bức xúc và đã đề cập trên Aiki News/Aikido Journal trong nhiều năm rằng mặc dù có những nguyên lý về tình thương của Tổ sư, nhưng vẫn có nhiều những thầy có trình độ vẫn làm chấn thương võ sinh trong khi tập luyện. Điều này làm tôi khó chịu vì không chỉ có những người ngoại đạo mà có cả những vị thầy cấp cao cũng làm vậy.

Tôi tán đồng với quan điểm của anh.

Rất thú vị là tôi và thầy cùng có quan điểm rằng nên luyện tập môn võ vừa hiệu quả mà lại vừa nhân bản và luôn làm chủ được tình huống. Sensei, để kết thúc, thầy có muốn nói gì thêm ko?

Là một người Việt lưu vong nên tâm trí tôi luôn hướng về Việt Nam và mong muốn của tôi là một ngày có thể trở về đó dạy võ tiếp. Rất nhiều trong số họ không học được gì mới thêm trong suốt 18 năm qua và họ đang chờ đợi tôi. Đó là ước mơ ấp ủ nhất của tôi. Học trò của tôi đang dạy ở các dojo ở Việt Nam, và họ mong muốn tôi trở về. Hệ thống aikido của Việt Nam thuộc về Liên đoàn Tenshinkai Aikido và khi trở về đó tôi sẽ phát bằng của Tenshinkai.

Thầy có dự định tới Nhật trong tương lai không?

Nếu có cơ hội tôi rất muốn trở về Nhật để học thêm và mở rộng thêm kinh nghiệm của mình để có thể dạy tốt hơn.

Mặc dù tôi luôn có những khó khăn về tài chính nhưng tôi rất chú trọng đến kĩ thuật chứ không bao giờ phát bằng hay phong cấp cho những người không có trình độ.

Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng chân thành biết ơn vì anh đã nhận lời mời tới đây dù rất xa xôi. Thay mặt cho liên đoàn Tenshikai Aikido, tôi xin chúc anh sức khoẻ và thành đạt để có thể tiếp tục biên tập cho tờ tạp chí võ thuật thuộc loại uy tín, chuyên nghiệp nhất trên thế giới hiện nay.

(Aikido Journal)



Bài này do Trítain_the_fall viết